Có rất nhiều thứ trong đời, người ta có thể hủy hoại nó bằng việc tạo ra một phiên bản “rút gọn”, hoặc “cách tân”, hoặc ủng hộ, nói về nó một cách quá lố, tự dưng sẽ sinh ra nhiều hiểu nhầm, phản cảm, và bản gốc sẽ chết dần trong những bản sao kia.
Ngày nay, người nói về đam mê nhiều nhất lại là dân bán hàng đa cấp, những người dạy lập trình NLP (Neuro - Linguistic Programming, lập trình ngôn ngữ tư duy). Những điều họ nói không phải là vô lý, chỉ là rất hiếm hoi, và họ dùng đam mê để kích thích và khuyến dụ người khác nghe theo mục đích riêng của họ, từ đó khiến cho đam mê trở thành một thứ hư huyễn và độc hại, hay nhẹ nhất cũng là một trò cười.
Có lẽ ai ai cũng từng mong muốn tìm ra mục đích sống chân chính của mình, muốn biết đam mê của mình là gì, và mơ ước được sống trong niềm đam mê đó. Họ lên đường tìm kiếm bằng chút ít năng lượng và tri thức của bản thân, chỉ vì “ước mơ không tính phí”.
Ước mơ thì rõ là không tính phí, cái mà họ lãng phí chính là thời gian, thứ mà họ phải chịu là áp lực từ những người thành công đồng trang lứa, từ gia đình, hoặc từ chính nhu cầu cơ bản của cuộc sống hàng ngày. Lên đường đi tìm ước mơ của mình bằng những chỉ dẫn của người khác, bỏ thời gian, công sức hay tiền bạc vào những khóa học thay đổi tư duy.. để rồi cuối cùng cười nửa miệng khi nghe đến từ “đam mê”.
Một bộ phận khác thì vẫn tin rằng trên đời có đam mê thật sự, và họ vẫn nhìn thấy nhiều người đang sống và làm việc bằng đam mê, nhưng lại xem rằng đó là một thứ quà tặng quý hiếm nào đó mà chỉ trong hàng trăm, hoặc hàng nghìn người mới có được một. Và người ta chấp nhận sống một đời sống chạy theo những mục tiêu, kế hoạch để đạt đến mốc thành công nào đó hơn là đi tìm kiếm đam mê.
Anh thật sự không chắc rằng bên trong mỗi người có tồn tại đam mê hay không nữa. Có thể là mỗi người đều có, nhưng nhiều khi thứ mà họ đam mê không phải là thứ mà họ bẩm sinh thật giỏi, họ không được công nhận, không thể kiếm tiền với đam mê, nên họ ngại ngần và từ bỏ để làm những việc bản thân có thể làm tốt nhất, hoặc kiếm nhiều tiền nhất…
Ông anh của anh là một nhà văn, nghề chính của ổng lại là nhà thiết kế, họa sĩ. Ổng nói rằng có một đoạn thời gian luyện vẽ rất điên cuồng, cứ vẽ một chi tiết vẽ đi vẽ lại cả ngày mà không chán, cũng không biết để làm gì. Vẽ chỉ vì muốn vẽ, mà không phải để đạt điểm cao, không phải để hoàn thiện bức tranh đó, cũng không phải để trở thành họa sĩ thiên tài gì. Hoặc như khi viết một cuốn truyện, cứ bắt đầu là viết liên tục, không biết sản phẩm sau cùng của mình sẽ là gì, cứ viết vì mình muốn viết mà thôi. Ổng nói trạng thái đó là khi mình thật sự đam mê một điều gì đó.
Trạng thái này anh thấy có vẻ giống với cảnh giới “vong ngã” được miêu tả trong các truyện kiếm hiệp, là khi người ta luyện võ mà không còn biết gì đến môi trường xung quanh. Khi làm một việc gì đó mà mình đam mê, gần như mình sẽ “nhập hồn” toàn bộ vào trong đó.
Điều này có lẽ nhiều người cũng từng trải nghiệm qua, chỉ là trong các trường hợp không mà người ta sẽ ít khi tự hào, như khi xem phim, đọc truyện, hay chơi games. Em có bao giờ quan sát trạng thái tập trung của mình lúc chơi games hay xem các bộ phim mình yêu thích không? Nếu ta cũng có thể dùng trạng thái đó khi học tập, làm việc thì sẽ ra sao?
Hồi năm anh học 12, anh bắt đầu lên mạng và tìm hiểu về lập trình, làm web và hacking. Lúc đó internet còn mới, máy tính còn thô sơ, các phần mềm còn ít và rất nhiều lỗi. Khi học được một vài thứ, cảm giác như mình nắm cả hệ thống mạng trong tay khiến cho anh từ một người rụt rè, ít nói trở nên tự tin và hiếu chiến. Có lần, thằng bạn thân anh nói “Lúc ông ngồi vô máy tính như trở thành một con người khác vậy”. Anh tự nhìn lại và thấy đúng là khác thật.
Sau này anh còn một số lần tự cảm thấy mình “trở thành người khác” khi học tiếng Anh, tập thiền, hoặc viết. Tuy nhiên tất cả đều vẫn còn thiếu một chút để anh nhận đó là đam mê. Anh chỉ đơn giản tận hưởng quá trình làm những việc đó, có khi vì nó thật khó mà mình làm được, có khi là vì nó quá dễ dàng với mình.. Chỉ có rất ít lần anh không suy nghĩ, không cảm nhận gì mà chỉ làm mỗi việc đó thôi. Hoặc những điều trên đều là những “đam mê” nếu tính theo thời điểm.
Câu hỏi ở đây không phải là đam mê của mình là thứ nào, hay làm sao để tìm thấy đam mê, mà là việc tìm kiếm đam mê có thật sự ý nghĩa không? Hay là do đời sống này quá ngắn, có quá nhiều thứ phải lo, nên chỉ cần chạy theo những mục tiêu cụ thể, đạt được thành tựu có thể đo đếm được mới là “chính đạo”?
Anh thì nghĩ đơn giản là việc gì mà mình làm khiến mình cảm thấy ổn, thấy thoải mái và gần gũi nhất với con người của mình, mỗi ngày qua thấy càng “đúng” hơn thì tốt rồi. Còn nó có phải đam mê của mình hay không, hoặc khi nào đạt đến cảnh giới “vong ngã” đó đều là chuyện “khả ngộ, bất khả cầu”.
Đam mê vẫn là một thứ tốt, được sống trong nó hay chết cùng nó cũng đều tốt cả. Đời mình không đi tìm nó thì làm gì? Mình cứ đi tìm thôi, chừng nào gặp thì gặp. Tìm gặp thì vui, không gặp thì ít ra mình cũng sống một đời theo ý mình rồi vậy. Khổ chỉ là khi mình muốn đi mà không dám, hoặc muốn tìm là phải có ngay.
11.11.2019