Viết cho em - 156 - Ta sẽ làm chi đời ta?
Tựa đề của bài này bắt chước theo tựa một tập bút ký của nhà thơ Vũ Hoàng Chương: “Ta đã làm chi đời ta”. Tập bút ký này mình đọc qua...
Tựa đề của bài này bắt chước theo tựa một tập bút ký của nhà thơ Vũ Hoàng Chương: “Ta đã làm chi đời ta”. Tập bút ký này mình đọc qua một lần và thật sự chỉ nhớ mỗi cái tựa. Đó là một câu hỏi, một sự trăn trở, cũng có thể là một tiếng thở dài. Hình như mình cũng đã đặt tựa bài viết của mình một lần ở đâu đó rồi thì phải. Chuyện hôm nay cũng đơn giản, nhưng đặt tựa đao to búa lớn vậy cho một số người dị ứng, khỏi đọc, chơi vậy thôi.
Một điều khá vô lí nhưng vẫn thường xảy ra là người ta cứ sống mà lại ngại nghĩ về cuộc đời.
Đa phần họ cho rằng những câu hỏi như: Ta là ai, ta từ đâu tới, ý nghĩa cuộc sống là gì hay “ta đã làm chi đời ta” chỉ dành cho các triết gia hay những người rảnh rỗi. Những câu hỏi đó vốn chẳng giải quyết được gì và chẳng thể thay đổi điều gì trong cuộc sống hiện tại của họ. Nếu như có một câu trả lời nào khác thì càng đáng sợ hơn: biết được mình muốn làm gì nhưng không dám thay đổi để thực hiện thì thật đáng sợ, sợ quá thì thôi không nghĩ nữa cho “lành”.
Mà thôi, ai lựa chọn thế nào cũng được, nói mãi thì người ta lại bảo mình cạnh khóe. Sống mà không nghĩ về cuộc sống cũng là một cách sống, vậy đi.
Tối qua có em trai vào nhắn tin chia sẻ với mình, rằng trước đây em ấy sống ích kỷ, không quan tâm đến người khác, gần đây em ấy thử thay đổi bản thân, làm những điều mà trước đây không làm như chủ động quan tâm thăm hỏi, giúp đỡ người khác. Sự thay đổi đó khiến em thấy vui mà cũng có phần khác lạ, lo lắng, em không biết đó có phải là bản chất thật của mình không hay mình chỉ đang cố gắng “sống tốt” như định nghĩa của người khác. Em cảm thấy sợ cụm “fake it till you make it”.
Theo mình thấy, khi một người bắt đầu chủ động quan sát đời sống nội tâm và đời sống xã hội của bản thân mình như trường hợp của em, quan sát những thay đổi trong ứng xử và tâm lý của chính mình như vậy, trước hết là một chuyện tốt. Mặt khác, em còn chủ động thay đổi hành vi ứng xử, cảm nhận và quan sát, so sánh, suy nghĩ về những thay đổi đó thì lại càng tốt hơn. Chỉ cần không ngừng quan sát và điều chỉnh, thay đổi như vậy thì sẽ càng lúc càng “đúng” với chính mình nhất.
Cụm “Fake it until you make it” chỉ được dùng để luyện tập một kỹ năng nào đó. Thứ gì đó lặp đi lặp lại nhiều lần thì sẽ trở thành một kỹ năng, một loại phản xạ có điều kiện, một phần đặc tính nào đó của ta, chứ không bao giờ thành “ta” được.
Khi ta luyện tập những hành vi ứng xử tốt, lặp đi lặp lại thật nhiều đến độ thành thói quen, thì đó cũng chỉ là hành vi tốt. Con người của ta có thật sự tốt hay không là ở chỗ vì sao ta lại muốn làm những điều tốt đó. Có những người chỉ thể hiện là người văn minh, lịch sự khi có mặt người ngoài, có người thể hiện cả khi không có ai. Có người làm điều tốt vì muốn người khác, hoặc chính bản thân mình công nhận mình là người tốt. Có người thì vì là người tốt nên họ làm điều tốt.
Trong bài viết cho em số 33 – “Nhận ra hay tạo ra chính mình”, mình đã bàn về câu nói nổi tiếng của George Bernard Shaw “Cuộc sống này không phải là hành trình tìm ra chính mình, mà là để tạo ra chính mình” (Life isn't about finding yourself. Life is about creating yourself). Ta có thể tạo cho mình một hình tượng là người thành công, người tốt, người mạnh mẽ, người tự tin… nhưng tất cả những thứ đó chỉ là hình tượng mà không phải là “ta”.
Ta có thể tạo ra những hình tượng về ta, chứ không thể tạo ra ta, vì ta là cái đứng sau quyết định xem ta muốn tạo ra một hình tượng như thế nào về ta.
Mình nói em đừng hoang mang. Những việc em đang làm đều rất tốt. Khi cuộc sống có những thay đổi như vậy chính là lúc ta có dịp để quan sát và tìm hiểu “ta” tốt nhất. Đừng quan trọng thay đổi có phải là “giả” hay không vì đó cũng chỉ là những biểu hiện. Nếu em thấy điều gì đó là đúng, thì cứ làm. Rồi sau đó nếu thấy mình không phải dạng người như vậy, điều đó không đúng với mình, thì lại thay đổi sang một phong cách khác phù hợp hơn…
Quan sát chính mình theo cách đó mình sẽ biết những gì mình làm điều gì là do mình lựa chọn, điều gì là làm theo ý của người xung quanh và xã hội. Nhiều lần và liên tục như vậy mình mới tách biệt ra từng thứ một liên quan đến bản thân mình.
Cụ thể là cách hành xử cũ của em (không quan tâm người khác) hay cách mới (quan tâm nhiều hơn) đều không phải là em. Em là cái đằng sau lựa chọn mình quan tâm hay không quan tâm, “em” là cái cảm nhận những điều đó, là cái nhận ra mình ích kỷ, là cái cảm thấy thoải mái khi kết nối, là cái nghi ngờ rằng đó có thật hay không...
Tương tự, khi một người muốn thành công, họ sẽ tìm tòi và học hỏi, tạo ra một hình tượng người thành công: đọc sách, tập thể thao, tham gia các khóa học, làm thêm giờ, đầu tư vào các ngành kinh doanh mới… tất cả những cái đó đều không phải là đang “tạo ra chính mình” mà là tạo ra một hình tượng về chính mình, những cái đó do “chính mình” quyết định (hoặc mình bị người khác thuyết phục rằng mình nên như thế thì mới đáng sống, đáng ngưỡng mộ…)
Chính vì nhầm lẫn giữa cái ta và những hình tượng về ta, cho rằng hình tượng là ta, nên khi những hình tượng không còn phù hợp nữa, khi đã đạt đến mức độ thành công nào đó ta sẽ thấy chán ngán, thất vọng về “chính mình” (thật ra là hình tượng do chính mình tạo ra); cũng có thể có một cái hình tượng nào đó cao xa ngoài khả năng mà ta thất bại khi cố gắng đạt tới nó, ta cũng sẽ đau khổ vì không thể là “chính mình” (thật ra chỉ không tạo được hình tượng đó mà thôi).
Khi nhận định rõ ràng đâu là ta, đâu là những hình tượng ta đang tạo ra, đâu là lựa chọn của ta, đâu là những thứ mà ta bị người khác hoặc xã hội tác động… ta sẽ thoải mái hơn trong các lựa chọn của mình. Việc này hợp thì làm, việc kia không hợp thì thay đổi, việc này chưa thành công thì thử lại… mấy cái đó chỉ toàn là biểu hiện của ta thôi, ta vẫn luôn ở ngay đây, vẫn làm chủ mọi thứ.
Thành công hay thất bại chỉ là những kết quả. Được trọng thị hay rẻ khinh chỉ là những nhận định của người khác về biểu hiện của ta. Ta là thứ đằng sau mọi thứ. Ta luôn có thể thay đổi mọi thứ, nói chính xác là bắt đầu thay đổi, hành động thay đổi, còn kết quả thì là chuyện khác. Kết quả của sự thay đổi, hay các hình tượng mà ta xây dựng được không phải là ta. Đó là điều quan trọng nhất cần nhận ra.
Tạo ra chính mình là tạo ra những hình tượng cho mọi người (bao gồm cả ta) xem, nhận ra chính mình mới thật sự là sống.
24.02.2020
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất