Bắt đầu chia sẻ những bài viết của mình lên nền tảng Spiderum từ đầu năm 2017, hiện nay, Huskywannafly vẫn đang là tác giả có số lượng followers đông đảo nhất nền tảng với hơn 10.000 người theo dõi. Thế nhưng có lẽ cũng không nhiều độc giả biết đến Phan Anh Tuấn – người đứng sau những bài viết nhận được hàng trăm upvotes của account Huskywannafly. Hãy cùng lý giải những điều làm nên sức hút của top writer này thông qua bài phỏng vấn được thực hiện bởi đội ngũ Spiderum.
Nếu đã từng gặp gỡ Phan Anh Tuấn ở ngoài đời, bạn sẽ phần nào hiểu được tại sao những bài viết của Huskywannafly trên Spiderum lại thu hút được nhiều sự yêu thích đến vậy. Anh có một nền tảng kiến thức đa dạng và sâu sắc ở nhiều khía cạnh khác nhau của xã hội, là thành quả của việc học hỏi và tích lũy trong một thời gian dài.
Anh Tuấn kể rằng ngay từ nhỏ, anh đã rất thích đọc sách trong thời gian rảnh rỗi để giải trí và bổ sung kiến thức. Khi được hỏi về thói quen này của mình, Tuấn chia sẻ rằng bố là người có ảnh hưởng rất lớn tới niềm yêu thích đọc sách của bản thân. Để con mình đến với sách theo một cách tự nhiên nhất, bố của Anh Tuấn đã mua cho con những cuốn sách thuộc đủ các thể loại, miễn là Tuấn cảm thấy hứng thú tìm hiểu, kể cả những cuốn về đề tài chiến tranh hay lịch sử - vốn có phần hơi “nặng” so với một cậu bé lứa tuổi Tiểu học. Ông không hề ngần ngại mua cho Tuấn những cuốn sách đắt tiền hay lo sợ rằng con mình sẽ không đọc hết những cuốn sách ấy.

“Bố mình là cựu chiến binh và rất thích tìm hiểu về lịch sử. Chính bố đã truyền đam mê đó cho mình từ khi còn rất nhỏ. Năm 2004, khi mình 10 tuổi, bố mua tặng mình sách về chiến thắng Điện Biên Phủ nhân kỷ niệm 50 năm sự kiện lịch sử này. Năm 2005 thì là sách kỷ niệm 40 năm thống nhất đất nước. Đó là những cuốn sách rất khó đọc với một đứa trẻ như mình, và thực tế là mình phải mất rất nhiều năm để hiểu hết được những gì viết trong đó. Nhưng cũng chính nhờ chúng mà mình rèn được thói quen đọc và tìm hiểu những thứ khó hiểu thông qua sách. Cũng may là bố luôn giải thích cho mình hiểu những gì viết trong sách, từ đó tạo ra cảm hứng để mình tiếp tục đọc cho đến hết.”
Lớn lên, khi bắt đầu sang Singapore và sau đó là New Zealand du học, thói quen đọc của Tuấn càng được rèn giũa bởi các giáo viên nước ngoài: họ dạy anh cách chọn lọc những nguồn thông tin có tính chính xác cao, cách xác định và tránh xa các nguồn tin sai lệch. Với nền tảng này, Tuấn kiên trì rèn luyện thói quen đọc và dần trở thành một “cao thủ” như chúng ta biết đến ngày hôm nay.
“Khi đã đọc quen rồi thì tự mình sẽ biết được nguồn tin nào đáng tin cậy để theo đọc. Ví dụ như cứ đọc Wall Street Journal (WSJ)  hay The New York Times thì khả năng gặp phải thông tin sai lệch là rất thấp. Bạn cũng nên tập đọc các báo cáo nữa, đừng ngại những báo cáo của chính phủ, ngân hàng, hay của của các tổ chức phi chính phủ như Liên Hợp Quốc (UN) hay Ngân hàng thế giới (World Bank).” - Tuấn chia sẻ thêm.

Vốn rất đề cao tầm quan trọng của tư duy phản biện đối với sự phát triển toàn diện của mỗi cá nhân, thế nhưng phải đến khi đi du học bậc THPT ở Singapore thì Tuấn mới có cơ hội rèn luyện và nâng cao kỹ năng này một cách nghiêm túc. Môi trường học tập quốc tế đã thực sự tạo ra bước ngoặt trong kỹ năng tư duy logic và mở rộng góc nhìn về thế giới của Husky. 
Tuấn cho biết quá trình này bắt đầu khi anh được giao nhiều hơn các bài tập yêu cầu phải nghiên cứu thông tin và viết luận ở trường. Để hoàn thành tốt các bài tập này, anh không chỉ phải viết nhiều hơn mà còn phải liên tục học hỏi và tương tác với các giáo viên của mình. May mắn là các giáo viên nơi anh  theo học luôn sẵn lòng góp ý cho các bài viết của học trò, ngay cả khi đó không phải bài tập họ giao, và đây là một trong những yếu tố quan trọng giúp khả năng tư duy và viết lách của anh cải thiện nhanh chóng.
“Một điều mình cảm thấy ấn tượng khi học viết ở Singapore là sự tôn trọng mình nhận được từ các giáo viên. Họ cho phép học sinh viết ra những gì chúng nghĩ là hợp lý và sau đó mới tranh luận lại để học sinh có thể tự nghiền ngẫm lại những gì mình đã viết. Ví dụ như khi học sinh viết ra một thứ gì đó nghe thật ngớ ngẩn như: “Học qua sách vở là phí thời gian, mọi người chỉ nên học qua việc thực hành”, giáo viên sẽ không lập tức phản bác mạnh mẽ. Họ sẽ hỏi: Tại sao em nghĩ như vậy? Em đọc nguồn thông tin ở đâu để rút ra kết luận như thế? Làm sao em biết được nguồn em đọc là đúng? Em dựa vào kinh nghiệm nào trong cuộc sống để rút ra kết luận như thế? Cô đã gặp người trải qua trải nghiệm khác với kết luận của em, em nghĩ tại sao lại có sự khác biệt như vậy?”

Tuấn cho rằng đó là những biểu hiện cho thấy các giáo viên ở Singapore luôn coi học sinh như những người lớn có khả năng tư duy độc lập. Nhiệm vụ của họ là giúp học sinh mài giũa khả năng này để chúng có thể tự đúc kết ra các góc nhìn của bản thân. Họ không bao giờ coi học sinh như đám trẻ con không biết nghĩ luôn cần được người lớn khắc ghi vào đầu những khái niệm đúng sai trong cuộc sống.
“Điều ấn tượng thứ hai với mình khi học viết ở Singapore là sự phong phú trong chủ đề bài luận. Học sinh có rất nhiều chủ đề để chọn viết, từ khô khan như khoa học (Khoa học và tôn giáo là bù đắp cho nhau hay là thay thế nhau?) cho đến môi trường (Liệu quá trình nóng lên toàn cầu là một vấn đề không thể giải quyết?) hay lịch sử xã hội (Có đáng để phá bỏ các công trình lịch sử để thay thế bằng các dự án thương mại không?) hoặc giáo dục (Liệu học online có thay thế được việc học trên lớp?)”
Tuấn giải thích rằng sự đa dạng này tạo ra động lực để học sinh tự học, tự nghiên cứu thêm về những vấn đề mà họ hứng thú, từ đó rèn luyện thêm tư duy đọc và chia sẻ suy nghĩ về những chủ đề này với một tâm thế “mở”, sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến trái chiều. Đây cũng chính là tiền đề cho những bài viết đầu tiên với một phong cách “rất Huskywannafly” của Tuấn trên Spiderum.
Trên thực tế, Anh Tuấn chỉ chính thức biết đến và bắt đầu viết trên Spiderum khi đang trong quá trình du học bậc Đại học ở New Zealand. Được bạn bè giới thiệu nên tuy đã có blog riêng và thường xuyên viết note chia sẻ quan điểm trên Facebook cá nhân, anh vẫn quyết định sẽ thử viết bài trên Động Nhện với mục tiêu ban đầu là chia sẻ những quan điểm, kiến thức mang hơi hướng “sách vở” được rút ra qua chính những cuốn sách mình đã đọc. Những bài viết nổi bật của Tuấn ở thời điểm này có thể kể đến “Khoa học có phải chỉ là niềm tin” hay “Hãy để những con số dẫn đường cho bạn”. Đây đều là những bài viết nhận được rất nhiều tương tác từ cộng đồng trong và ngoài Spiderum, đồng thời đem lại cho người đọc những kiến thức và góc nhìn mới mẻ.
“Là một người hướng nội, mình cảm thấy thoải mái hơn khi đăng bài một cách ẩn danh trên Spiderum, đặc biệt là những bài viết có nhiều yếu tố gây tranh luận. Mình không sợ bị bạn bè trong nhóm đánh giá do họ không biết mình là ai. Khi đó lượng người dùng của Spiderum cũng không đông nên cũng ít có những cảm xúc hay ý kiến trái chiều. Ngay cả bây giờ, khi lượng người dùng đã tăng lên, các bạn cũng có cách tranh luận rất văn minh. Hơn hết, mình thích Spiderum ở việc đã tạo ra cho mọi người một môi trường thoải mái chia sẻ các quan điểm, kể cả các quan điểm có phần hơi khác biệt. Đặc điểm này có phần giống với môi trường học tập của mình ở Singapore.”
Tư duy phản biện và góc nhìn logic, khoa học của Tuấn không chỉ là kết quả của hệ thống giáo dục cởi mở, tiến bộ tại Singapore hay New Zealand mà còn đến từ những trải nghiệm làm việc quý báu trong nhiều môi trường khác nhau, từ môi trường tập đoàn lớn với bộ máy đã ổn định tới môi trường startup với nhiều biến động.
Mặc dù đề cao các thông tin từ những nguồn chính thống, Tuấn vẫn tin rằng một bài viết dựa theo kinh nghiệm chủ quan của tác giả vẫn hoàn toàn có thể giúp ích được cho người đọc nếu được suy nghĩ thấu đáo và chuẩn bị kỹ lưỡng. Nói về vấn đề này, Tuấn chia sẻ:
“Có lẽ vì cuộc sống của mình hiện nay gắn nhiều với  công việc, phải tiếp xúc và làm việc với rất nhiều người ở nhiều tầng lớp khác nhau trong xã hội, phải cố gắng bước thật khéo giữa các lằn ranh phân định về các quy tắc ứng xử nên các bài viết của mình cũng trở nên chủ quan và dựa theo góc nhìn cá nhân rút ra từ kinh nghiệm bản thân nhiều hơn.” 
Những va chạm trong và ngoài công việc này được Tuấn đúc kết và truyền tải lại trong những bài viết như “Các bé bự” hay “Tư duy sáng suốt thì hiếm nhưng lòng can đảm thì còn hiếm hơn thiên tài”. Với những bài viết thiên về trải nghiệm và suy ngẫm cá nhân thế này, Tuấn cũng có cách thức của riêng mình để “kiểm soát chất lượng” trước khi đăng tải:
“Để đảm bảo bài viết chất lượng và thuyết phục, mình phải trò chuyện với những người mà mình tin là giỏi trong lĩnh vực của họ. Mình sẽ xem suy nghĩ của bản thân có trùng khớp với họ hay không, những gì mình trải qua có phải cũng là những gì đã đến với họ, và liệu giải pháp mình đưa ra đưa ra có là phù hợp. Nếu bạn hỏi 10 người khác nhau về cùng một vấn đề, và 8 người đưa cho bạn một lời giải thích giống nhau đến 90% thì khả năng cao đó là lời giải phù hợp cho vấn đề bạn đang tìm hiểu.”
Vốn nổi tiếng là một cây viết với khả năng tư duy logic sắc sảo, có lẽ không nhiều người để ý rằng Tuấn cũng có những bài viết rất tình cảm và… hài hước. Trên subdomain huskywannafly.spiderum.com của anh thậm chí còn có playlist bài Huskylove chuyên về tình yêu với những bài viết như “Con gái thích gì và bài học mèo con”, “Chúng ta là một thế hệ không muốn yêu” hay “Chiến lược để vào trái tim nàng”.

Hay như trong bài “Hôn con gái”, độc giả có thể bắt gặp một “giáo sư môn Hôn học” Huskywannakiss với những lời khuyên rất bổ ích như:
Hôn kiểu Hollywood: Vòng một tay qua eo người yêu, tay kia để lên lưng nàng, và rồi cho nàng chìm đắm vào một nụ hôn môi say đắm, mạnh đến mức nàng phải nghĩ bạn đang cố trộm răng nàng. Nếu bạn làm thành công thì đảm bảo mọi thứ chung quanh nàng sẽ biến mất trong 90 phút, trong đầu nàng không còn màu gì ngoài trắng và đen. 
Hôn kiểu Bollywood: Bạn nghiêng đầu qua phải, nàng nghiêng đầu qua trái. Hai mắt bạn nhìn vào mắt trái nàng, rồi hai mắt bạn nhìn vào mắt phải nàng. Nàng cũng vậy. Rồi hai người lắc đầu, lặp lại như vậy với đầu bạn nghiêng qua trái và đầu nàng nghiêng qua phải. Sau đó hai bạn sẽ nằm hôn nhau trên giường vì đứng mỏi cổ.”
Trong cuộc sống, Tuấn cũng là một người rất tình cảm, tốt bụng và chu đáo. Những độc giả từng đi offline Spiderum ở Hà Nội có lẽ cũng không ít lần được thấy Tuấn lặn lội từ miền Nam ra tham dự với tư cách diễn giả, và được nghe những chia sẻ thật lòng với mong muốn giúp đỡ các bạn trẻ Spiderum vẫn còn nhiều hoang mang trong cuộc sống của anh. Với Spiderum Team, Tuấn cũng thường xuyên hỏi han, góp ý và tặng quà mỗi lần gặp gỡ. Anh cũng thân thiết với Spiderum Team với mức từng rủ admin Please bơi ra biển lớn crypto, để rồi cùng nắm tay nhau cho sóng đánh… tụt quần năm 2018.

Hiện tại, sau 3 năm gắn bó với Spiderum, Tuấn vẫn đang giữ vững vị trí số 1 trong danh sách những cây viết được nhiều người dùng theo dõi nhất trên Spiderum. Mỗi bài viết của anh đều có hàng chục nghìn lượt views và hàng trăm upvotes. Dù vậy, Tuấn chưa bao giờ nghĩ rằng một ngày nào đó mình sẽ trở thành một tác giả chuyên nghiệp. Đối với anh, việc viết đơn thuần chỉ là một thói quen và là một cách để chia sẻ các quan điểm cá nhân.

Trong buổi phỏng vấn, cây viết trẻ cũng đưa ra những lời khuyên hữu ích dành cho các độc giả trong việc tận dụng cơ hội và phát triển bản thân. Theo anh, Việt Nam đang là một thị trường trường năng động và nhiều cơ hội, nhưng chúng ta có thể sẽ không tận dụng được các cơ hội này nếu không chuẩn bị trước cho mình những kiến thức cần thiết.
“Mình nghĩ các bạn trẻ nên chủ động hơn trong việc học bằng cách tận dụng công nghệ thay vì phụ thuộc vào nhà trường hay các khóa học offline. Ví dụ như học tiếng Anh, thay vì phải tham gia vào các khóa học và tiêu tốn khá nhiều tiền, mọi người có thể tự học bằng các công cụ online trước. Có rất nhiều công cụ miễn phí có thể giúp các bạn xây dựng được kiến thức nền tảng tốt; với nền tảng này, sau đó các bạn có thể đăng ký một khóa học offline để nâng cao kỹ năng hiệu quả hơn. Học như vậy vừa tiết kiệm về tài chính, giảm thời gian và chi phí di chuyển, lại vừa giúp các bạn rèn thói quen tự lập.” – Tuấn gợi ý.
Anh cũng cho rằng trong một xã hội đang ngày càng được số hóa, chúng ta khó có thể nắm bắt cơ hội nếu không có kiến thức nền tảng về công nghệ thông tin để hiểu hơn và biết cách vận dụng tiềm năng của công nghệ trong việc giải quyết các vấn đề của cuộc sống.
“Dù bạn không phải là dân chuyên về công nghệ thông tin, ít nhất cũng nên hiểu về lập trình. Hiểu về lập trình là có kiến thức ở mức cơ bản về các thuật toán, về lập trình hướng đối tượng. Mọi người có thể bắt đầu bằng việc học các ngôn ngữ lập trình như HTML, CSS và Javascript. Việc hiểu về lập trình sẽ là nền tảng tốt để mọi người hiểu hơn về ngành công nghệ thông tin, từ đó trở nên nhanh nhạy hơn trong việc nắm bắt cơ hội. Ví dụ như ai cũng nhắc đến công nghệ 5G và tương lai tươi sáng của nó, nhưng có bao nhiêu người thực sự ngồi xuống và nghĩ về việc mình sẽ tận dụng công nghệ 5G như thế nào? Bạn sẽ không thể biết được nếu không tìm hiểu về công nghệ 5G. Nhưng để đọc hiểu được những tài liệu trên mạng về công nghệ này thì bạn lại phải biết máy tính hiện nay có thể làm gì, biết các xu hướng công nghệ hiện nay ra sao.”  – Tuấn bổ sung.
Theo anh, không chỉ dừng lại ở các xu hướng công nghệ, các bạn trẻ cũng nên dành thời gian tìm hiểu về các xu hướng kinh doanh, tiêu dùng trong tương lai để biết mình cần chuẩn bị gì trong thời điểm hiện tại. Xây dựng từ duy tài chính càng sớm càng tốt là một luận điểm thường được Husky chia sẻ trong các bài viết của mình: Nên có một kế hoạch chi tiêu, tiết kiệm và lập kế hoạch đầu tư ngay từ khi bạn còn trẻ.
Với chủ đề lựa chọn con đường sự nghiệp phù hợp với bản thân, Tuấn cũng đã đưa ra một lời khuyên xác đáng trong cuốn “Người Trong Muôn Nghề" của Spiderum: Đừng bao giờ kỳ vọng một nghề nghiệp ổn định. Một công việc rất “hot" hiện tại có thể sẽ biến mất trong 10 năm tới. Thay vào đó, hãy chuẩn bị cho bản thân mình khả năng thích nghi với những thay đổi. Sự chuẩn bị này sẽ giúp các bạn không rơi vào tình trạng hoang mang trong lựa chọn công việc tương lai.
Kết thúc buổi phỏng vấn, Tuấn cũng gửi lời cảm ơn đến những độc giả đã ủng hộ mình trong thời gian qua, đồng thời hy vọng các độc giả của Spiderum sẽ luôn giữ được thái độ cầu thị và tinh thần ham học hỏi như hiện tại. Anh cũng không quên nhắn nhủ Spiderum Team:

“Tính năng search cùi quá, nhờ mọi người update sớm sớm giùm.”

Người thực hiện: Hữu Cường
Thiết kế: Isa Quan