Buổi học đầu tiên môn Ngữ Văn ở cấp 3, khi bắt đầu làm quen lớp, thầy giáo tôi chỉ nói ngắn gọn: “Hôm nay là khởi đầu của một hành trình mới. Tôi không có yêu cầu gì với các bạn, tôi chỉ có một mong muốn duy nhất là các bạn sẽ học được cách tôn trọng sự khác biệt.” Tôi thực sự bị ấn tượng bởi yêu cầu này, vì lẽ, tôi đã quen với những yêu cầu “phải chăm chỉ học hành”, “hãy cố gắng hết mình”, “không gây mất trật tự”,.. thường thấy ở những tiết học khác. Và kể từ khi là một con bé bắt đầu đặt chân vào trường trung học cho đến bây giờ là bắt đầu quen dần với cuộc sống đại học, tôi luôn luôn trong trạng thái quan sát, phân tích và tìm kiếm “sự khác biệt”, thái độ của mọi người hướng tới sự khác biệt, và sự “tôn trọng sự khác biệt” có thể khiến mọi thứ tốt đẹp lên như thế nào.

Về “sự khác biệt”

Đây có lẽ là một điều mà tất cả mọi người đều biết rõ: mỗi cá thể con người đều khác nhau, không cá nhân nào hoàn toàn giống hệt cá nhân nào, kể cả những người có cùng ngoại hình, hay được lớn lên trong cùng một môi trường, một văn hóa. Nhưng sự khác biệt ấy được “đo lường”, hay nói cách khác, được xác định dựa trên những tiêu chuẩn như thế nào? Ở bài viết này, tôi sẽ bỏ qua những yếu tố như ngoại hình, văn hóa, mà tập trung vào tâm lý từng cá nhân.
Có rất nhiều bài test cho biết tính cách của con người, phổ biến nhất là 16personalities.com (MBTI test), truity.com (The Big Five Personality test),… Bài test MBTI cho rằng có 16 nhóm tính cách con người, tuy nhiên, kể cả những người trong cùng một nhóm tính cách cũng không thể hoàn toàn giống nhau. Bài test sẽ đưa ra số liệu dựa trên 4 nhóm cơ bản, mỗi nhóm là một cặp lưỡng phân của 8 yếu tố chức năng:
-     Xu hướng Tự nhiên: Hướng ngoại (Extraversion) – Hướng nội (Introversion)
-    Tìm hiểu và Nhận thức Thế giới: Giác quan (Sensing) – Trực giác (Intuition)
-    Quyết định và chọn lựa: Lý trí (Thinking) – Tình cảm (Feeling)
-    Cách thức và Hành động: Nguyên tắc (Judgment) – Linh hoạt (Observant)
4 nhòm tính cách MBTI
Còn bài test Big Five Personality thì tập trung vào 5 khía cạnh tính cách cơ bản nhất của con người:

-     Openness: sự cởi mở, khả năng thích ứng.
-    Conscientiousness: sự tận tâm, tỉ mỉ, khả năng làm việc đến nơi đến chốn, bám sát các mục tiêu.
-    Agreeableness: sự dễ chịu, dễ tính, khả năng tương tác với người khác
-    Extraversion: thiên hướng hướng ngoại & hướng nội
-    Neuroticism: tính hay lo âu, thất thường.
Đây là cơ sở khoa học cho sự khác biệt trong tính cách và thế giới quan của con người. Nói nôm na, là mỗi người mỗi sở thích, mỗi người có những cách nhìn nhận, có những định nghĩa khác nhau khi đứng trước cùng một vấn đề. Đây cơ bản chính là “sự khác biệt”. Tôn trọng sự khác biệt, nói cách khác, chính là sự thấu hiểu và trở nên cởi mở (open-minded) với những điều mới lạ.

Tôn trọng sự khác biệt là như thế nào ?

Tôn trọng sự khác biệt luôn luôn là điều cần thiết trong bất cứ hội nhóm, tập thể trong bất cứ quy mô nào.

Trong gia đình, tôn trọng sự khác biệt sẽ làm mờ đi khoảng cách thế hệ – tác nhân gây ra nỗi ác mộng cho bố mẹ và con cái. Cha mẹ sẽ hiểu con cái mình muốn gì, con cái sẽ thấu hiểu tại sao cha mẹ lại làm những điều đó. Trước đây, tôi không thể chấp nhận việc bố mẹ cấm đoán tôi đi chơi quá 9h tối. Và sau hàng loạt những cuộc trò chuyện cực kỳ nghiêm túc với những câu hỏi lý lẽ, không bị chi phối bởi cảm xúc giận dữ, tôi đã hiểu được tại sao bố mẹ muốn vậy, và giải thích cặn kẽ ý kiến của tôi. Mọi chuyện lại êm đẹp.

Trong tình yêu và tình bạn, chỉ riêng tình cảm thì không bao giờ có thể duy trì một mối quan hệ bền vững và lâu dài. Yêu thương mà không có sự thấu hiểu rất dễ gây ra những hiểu lầm, biến đó thành một mối quan hệ độc hại. Đừng vì thấy người kia không có cùng sở thích với mình mà ngay lập tức kết luận rằng họ “nhạt nhẽo” và “nông cạn”; hay chỉ đừng vì sự khác biệt trong cách nhìn nhận sự việc mà cho rằng người kia không phù hợp với mình. Trái dấu đúng là hút nhau đấy, nhưng trái dấu mà không có sự thấu hiểu thì chắc chỉ có va đập nhau chứ chẳng còn là hút nhau nữa. Sự đánh giá tức thời là con đường ngắn nhất dẫn đến một mối quan hệ đổ vỡ. Tôi thực sự cảm được điều này rõ rệt nhất khi bước chân vào Đại học, tham gia các câu lạc bộ và các dự án xã hội, được tiếp xúc với nhiều người đến từ các vùng miền khác nhau, nghe những câu chuyện của những người bạn tôi kể về lối sống những con người ở đất nước họ đang đi du học,… Mỗi người đều có một điều rất riêng, rất khác biệt, đều có những cách nhìn nhận cực kì độc đáo.

Trong môi trường làm việc, tôn trọng sự khác biệt là chìa khóa cho một môi trường lành mạnh. Tôi được may mắn có cơ hội trải nghiệm công việc thực tập sinh nhân sự trong một công ty tư vấn nhân sự cấp cao chú trọng vào văn hóa doanh nghiệp. Công việc này thực sự khiến tôi hiểu thêm rất nhiều về văn hóa và sự khác biệt. Không hợp văn hóa làm việc là yếu tố chủ yếu cho sự chán ghét công việc của nhiều người, khiến họ dành thời gian hàng ngày trong sự buồn chán và tẻ nhạt. Chưa kể trong không gian làm việc, đặc biệt là trong không gian công sở, nếu không có sự thấu hiểu, sự tôn trọng khác biệt, những xung đột, mâu thuẫn, cạnh tranh không lành mạnh sẽ theo đà mà xảy ra. Công việc vốn dĩ đã mang lại áp lực rồi, đừng để bản thân phải gánh thêm những áp lực không đâu nữa.

Nhìn rộng hơn nữa, có phải những xung đột tôn giáo, phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính,…. cũng phần nào xuất phát từ thiếu tôn trọng sự khác biệt đúng không?

Giữa bất cứ con người nào, hay trong bất cứ hội nhóm, tập thể nào cũng vậy thôi, tôn trọng sự khác biệt là sợi dây chặt nhất đưa con người trở nên có văn hóa hơn, biết cách khiêm tốn, lắng nghe và học hỏi, biết cách tư duy mở, thay vì đóng cửa tư duy, bảo thủ, khăng khăng ôm chặt nhận định của mình, rồi tự hào rằng ta khác người lắm.

Đây cũng là lý do tôi không thích những bảng xếp hạng. Dường như thế giới này đang phát cuồng vì bảng xếp hạng vậy. Ngay từ nhỏ đi học ở trường đã có xếp hạng, những ai ở đầu bảng xếp hạng sẽ là con ngoan trò giỏi, những người ở cuối là những đứa “dốt nát”. Tôi không phủ định tầm quan trọng của việc so sánh bản thân để cố gắng tốt hơn mỗi ngày, tôi chỉ muốn nhấn mạnh mỗi người sẽ giỏi ở những điểm khác nhau, như một con cá đâu thể về đầu trong cuộc thi leo cây. Điểm số không phải thước đo giá trị một đứa trẻ. Cứ nhồi nhét cho chúng ý nghĩ bản thân phải vĩ đại, phải giỏi nhất liệu có chỉ dẫn đến việc chúng chỉ mải mê so sánh bản thân với người khác, để rồi quên đi giá trị thực sự của bản thân mình? Những bảng xếp hạng âm nhạc, bảng xếp hạng sách,… cũng vậy thôi. Kể cả trong cùng một thể loại nhạc, mỗi bài sẽ có những giai điệu khác nhau và viết dựa trên những cảm xúc khác nhau (tất nhiên ngoại trừ những bài không có giá trị âm nhạc), tại sao cứ phải mang đi so sánh với nhau để tìm bài hay hơn? Ám ảnh với những vị trí trong bảng xếp hạng để làm gì để mà quên đi thế nào là thực sự tận hưởng sống? Nhắc lại lần nữa, tôi không có ý cho rằng sự thi đua, cố gắng không quan trọng, tôi đang hướng tới nhấn mạnh sự khác biệt trong giá trị cốt lõi của mỗi cá nhân, thay vì ám ảnh với việc phải hơn người khác, hay so sánh với năng lực của người khác, hãy hiểu sự khác biệt của họ, học hỏi những phương pháp từ họ và so sánh bản thân hiện tại với bản thân ngày hôm qua.

Chốt,

Con người là tạo vật có tính chất xã hội cao, luôn luôn phải trong tình trạng giao tiếp hay tiếp xúc với người khác, đặc biệt là trong xã hội hiện đại ngày nay. Chính vì vậy, tôn trọng sự khác biệt là chìa khóa cho một cuộc sống xã hội lành mạnh, cho những mối quan hệ bền vững, và cho sự phát triển tư duy cũng như năng lực cho chính bản thân chúng ta. Hãy hiểu rõ về tính cách bản thân mình, hãy thấu hiểu những người xung quanh, đừng vội kết luận toàn thể chỉ qua một chi tiết, đừng lấy bản thân mình hoặc một ai khác làm thước đo để đánh giá tính cách một con người, bởi lẽ, theo thang điểm của sự khác biệt, mọi sự so sánh đều là khập khiễng.