Mình cũng đã nhiều lần suy nghĩ về điều đó...
Mình đã từng sống ở Đan Mạch, một đất nước được cho là hạnh phúc bậc nhất thế giới, bên cạnh Na Uy.
Có người cho rằng Đan Mạch giống như chú vịt Donald, không đòi hỏi nhiều nên dễ dàng chấp nhận. Và mình thấy đúng là như thế! Người ta cho rằng hạnh phúc là mặc định, nên khi hỏi về đời sống của nhau thì hầu hết nói về những chuyện tốt đẹp. Nếu có nói về những chuyện bất tiện thì cũng kết thúc nó một cách êm đẹp, cho người nghe không cảm thấy khó xử vì không biết nên phản ứng lại thế nào, khi ai nấy là một tổ chức riêng, không tùy tiện giúp đỡ, xen vào đời sống của nhau. Ở Mỹ mình thấy điều tương tự cũng xảy ra trong những ngôi trường danh giá như Havard hay Stanford (dù mình chưa trực tiếp trải nghiệm điều ấy). Hạnh phúc là MẶC ĐỊNH! Cũng phải kể tới việc họ là những người được sống trong môi trường thịnh vượng, dẫn đến chất lượng cuộc sống tốt. Nhưng quan trọng không kém là Đan Mạch có ít sự chênh lệch giữa giàu và nghèo hơn các quốc gia khác.
Việt Nam thì sao?
Một người từ nước phát triển có thể đến Việt Nam và cảm thấy nơi đây hạnh phúc hơn chỗ họ đang sống, vì người ta dễ dàng cười nói. Những điều đơn giản như một cái kẹo, một lời bông đùa không đâu vào đâu… đủ khiến cho những đứa trẻ hay bác xe ôm nào đó cười tít mắt. Như vậy họ có phải là những người đòi hỏi nhiều ở cuộc sống? Niềm vui đến từ những điều đơn giản vì tâm trí vốn đơn giản, nhưng đại đa số mọi người khi đã có được điều gì đó thì đều muốn có nhiều hơn cái mình đang có. Là sự cầu tiến hay tham lam cũng được. Cũng có những người bán rau, những người tạp vụ,… họ không nở nổi một nụ cười với khách. Họ có hạnh phúc không? Không. Vì lẩn quẩn trong những khúc mắc gia đình và xã hội, cơm áo gạo tiền. Người có hiểu biết hơn thì còn có vài nhận thức về những điều tốt đẹp. Mặt khác ở Việt Nam là từ thiếu thốn mà nảy sinh những hy vọng và sức sống mãnh liệt.
Lại bàn về vấn đề trầm cảm. Trước khi đến Đan Mạch, mình chưa nghe nói nhiều về trầm cảm. Mình chưa từng gặp nhiều hơn 1 người trầm cảm ở Việt Nam. Nhưng ở Đan Mạch, cũng như nhiều nước phát triển khác, trầm cảm là một vấn đề hiển nhiên, nhiều người ý thức về nó. Ở Việt Nam bây giờ mình cũng thấy người ta nói về trầm cảm. Đó có phải là một căn bệnh được lây lan từ hiện đại và đô thị hóa?
Đan Mạch tuy được mệnh danh là nước hạnh phúc nhất thế giới nhưng cũng không tránh khỏi căn bệnh này, một phần trong đó mình nghĩ do khí hậu ảm đạm.  Đan Mạch có 18.3% người trẻ từ 16-24 tuổi mắc trầm cảm, theo một bài viết của The Guardian. Mình không nghĩ người Việt Nam "mắc bệnh" sớm như vậy. Nếu cho rằng Việt Nam ít bị ảnh hưởng bởi trầm cảm hơn thì có lẽ cũng một phần do con người ta có tính liên đới hơn. Thấy khó thì la lên, nhờ vả, và cũng ít mặc cảm về những điều tồi tệ hơn.
---
Dài dòng một hồi, mình vẫn không kết luận được là Việt Nam có hạnh phúc không. Nhưng mà thế này, một thiếu niên Đan Mạch có thể nói mình hạnh phúc ngày hôm trước và ngày hôm sau đi tự tử. Nhưng một nông dân Việt Nam mở miệng ra là kêu khổ thì không bao giờ làm như vậy. Điều ấy khi được ghi lại thì sẽ ảnh hưởng đến số liệu thống kê các bạn ạ :)