Việt Nam có phải là một quốc gia “đa dân tộc” hay không?
“Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một” - Chủ tịch Hồ Chí Minh...
“Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một” - Chủ tịch Hồ Chí Minh
Chuyển ngữ là một công việc khó khăn, nhất là trong các lĩnh vực như luật hay chính trị khi phần đa các thuật ngữ đều xuất phát từ phương Tây. Trong tiếng Việt, khi cần phải dịch các thuật ngữ như vậy, rất nhiều khi chúng ta tham khảo cách dịch của các học giả Nhật Bản hay Trung Quốc trước đó và sử dụng từ Hán Việt tương đương. Lợi ích của việc dùng từ Hán Việt là người đọc có thể hiểu một cách trực quan các thuật ngữ đó ngay từ lần đọc đầu tiên, nhưng điểm yếu là có thể cách hiểu trực quan đó không đúng với nghĩa của thuật ngữ gốc. Trong trường hợp này, người dùng sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc phát hiện ra mình đang dùng sai hoặc dịch sai khi cần phải chuyển ngữ một lần nữa sang tiếng nước ngoài. Và “dân tộc" là một thuật ngữ như vậy. Trong phạm vi bài viết này, tôi sẽ lấy tiếng Anh làm ngôn ngữ trung gian để so sánh giữa Việt Nam và phương Tây, và từ “dân tộc" hiện nay đang có thể được dịch sang hai thuật ngữ tiếng Anh có nghĩa khác nhau là “ethnic group" và “nation".
Một thời gian trước, một fanpage lịch sử Việt có đăng bài phản đối góc nhìn của phương Tây khi cho rằng “dân tộc" trong “quốc gia-dân tộc" hay “dân tộc chủ nghĩa" là một cộng đồng tưởng tượng và chứng minh rằng “dân tộc Việt/Kinh" rõ ràng là thật chứ không phải tưởng tượng như theo luận điểm của nhiều học giả phương Tây. Đây là một lập luận phản biện không chính xác vì tác giả ngay từ đầu đã không hiểu “dân tộc" của học giả phương Tây kia có nghĩa là gì. Không chỉ ở trong cộng đồng, nhiều bản dịch sang tiếng Anh của nhiều trang thông tin của Chính phủ và Nhà nước Việt Nam cũng dùng sai thuật ngữ này ví dụ như muốn diễn đạt ý "Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc” theo hướng là đa sắc tộc, đa tộc người, thì lại dịch là “Vietnam is a multi-nationality country" (1). Theo tôi, đây là một lỗi sai nghiêm trọng, không đúng chủ trương của Chính phủ và Nhà nước Việt Nam.
Như đã nói ở trên, có hai thuật ngữ trong tiếng Anh là “nation" và “ethnicity" đều được dịch sang tiếng Việt là “dân tộc", vậy “nation" và “ethnic group" chính xác là gì?
Ethnic group hay ethnicity được hiểu là dân tộc theo nghĩa thường gặp nhất trong tiếng Việt. Ethnicity là dân tộc trong dân tộc Kinh, dân tộc Mường, Việt Nam có 54 dân tộc anh em. Ethnicity còn có thể được dịch là "sắc tộc" hay “tộc người", nhưng trong phần lớn các văn bản chính thức ở Việt Nam thì từ “dân tộc" được sử dụng thông dụng hơn khi nhắc tới các nhóm này. Ethnic group là một cộng đồng có chung một hoặc nhiều đặc điểm, ví dụ như ngôn ngữ, tôn giáo, văn hóa, lịch sử… Nhiều ý kiến cho rằng còn phải bao gồm cả việc có chung dòng máu hay các đặc điểm ngoại hình ví dụ như màu da, màu tóc… nữa trong khi nhiều ý kiến khác cho rằng không nhất thiết phải như vậy. Tuy nhiên, đặc điểm quan trọng nhất mà ethnic group cần có đó là việc họ có chung tổ tiên, hoặc ít nhất là họ tin rằng họ có chung tổ tiên, bao gồm cả niềm tin vào các huyền thoại sáng thế.
Nation hay được hiểu là dân tộc trong một số các thuật ngữ cố định như “quốc gia dân tộc" (nation-state), “chủ nghĩa dân tộc" (nationalism), “lợi ích dân tộc" (national interest), hay ở Việt Nam có “khối đại đoàn kết dân tộc” (the great national unity bloc), hoặc trong các chương trình hoa hậu quốc tế có phần trình diễn “trang phục dân tộc” (national costumes). Nation ở đây chỉ một cộng đồng lịch sử tương đối hoàn chỉnh về mặt thể chế, có chung một hoặc một số đặc điểm về văn hóa hay ngôn ngữ, và thường có cho mình một vùng lãnh thổ nhất định mà họ gọi là quê hương (nơi họ coi là nhà, không nhất thiết phải là vùng đất tổ tiên). Điểm khác biệt giữa nation và ethnic group đó là nation tương đối hoàn chỉnh về mặt thể chế, tức là họ thường có một chính phủ cho riêng mình, quản lý họ trên mảnh đất mà họ coi là quê hương (chưa bàn đến việc được công nhận hay không), còn ethnic group thì không nhất thiết phải bàn đến vấn đề thể chế, có thể có, có thể không. Theo nghĩa này, nation có nghĩa tương đương với people (people/peoples chứ không phải people số nhiều của person) (2).
Nếu một quốc gia chỉ bao gồm một nation duy nhất, tất cả công dân đều có chung một dan tính dân tộc (national identity) thì sẽ được gọi là một quốc gia dân tộc (nation-state). Phần lớn các quốc gia hiện nay trên thế giới đều được xây dựng theo mô hình quốc gia dân tộc. Chính vì vậy nên trong rất nhiều trường hợp nation và quốc gia (State/country) cũng có thể được dùng thay thế cho nhau, ví dụ như tập đoàn đa quốc gia sẽ là transnational corporation, hay quốc tịch được dịch là nationality.
Tuy nhiên, vì những lý do lịch sử mà cũng có những quốc gia được cấu tạo từ nhiều hơn một nation. Canada là một ví dụ rất điển hình bao gồm hai dân tộc là English-speaking nation và French-speaking nation. Tỉnh Quebec được công nhận chính thức là một nation trong lòng nhà nước Canada (the State of Canada) (3), và vì họ là một cộng đồng thiểu số nên họ sẽ được gọi là national minority hay substate nation. Chủ trương của một dân tộc - nation là họ muốn được quyền tự quản lý cao, họ muốn có quyền tự quyết các vấn đề mà họ coi là quan trọng trong việc duy trì một danh tính dân tộc khác biệt. Trong trường hợp của Quebec đó là những vấn đề liên quan đến ngôn ngữ Pháp, văn hóa Pháp, giáo dục, và các chính sách nhập cư. Cũng có nhiều khi, national minority có mong muốn khẳng định họ là một xã hội riêng biệt (a parallel society), khác hoàn toàn với phần còn lại của quốc gia. Ở Quebec, cũng có những phong trào dân tộc chủ nghĩa (Quebec nationalism) nhiều lần thể hiện mong muốn Quebec tách ra khỏi thể chế liên bang Canada để tạo ra một nhà nước độc lập khi họ coi danh tính dân tộc và quyền lợi chính trị của họ không được tôn trọng đủ nhiều hoặc tài nguyên của họ bị phân chia không cân xứng. Quebec đã hai lần tổ chức chưng cầu dân ý về vấn đề này nhưng kết quả đa số vẫn là ở lại Canada dù sự chênh lệch tương đối ít (4).
Khi một quốc gia bao gồm nhiều hơn một nation thì sẽ được gọi là multi-nation/multinational/multinationality state, đối lập với nation-state. Mở rộng thêm một chút về nationality, mặc dù nghĩa gốc là thành viên của một nation, nhưng vì phần lớn các quốc gia trên thế giới đều được xây dựng theo mô hình quốc gia dân tộc, tức là chỉ có một nation trong một quốc gia, nên trong trường hợp như vậy, danh tính quốc gia (state identity) và danh tính dân tộc (national identity) là một. Chính vì thế, nationality còn được hiểu là quốc tịch nữa. Tuy nhiên, trong một số trường hợp ví dụ như một cá nhân có hộ chiếu của hai quốc gia khác nhau, có thể sử dụng thuật ngữ dual citizenship thay vì bi-nationality.
Quay trở lại với thuật ngữ nation mang nghĩa là people/peoples, trong Hiến chương Liên hợp quốc có quy định về nguyên tắc quyền bình đẳng và quyền dân tộc tự quyết (self-determination) của “peoples" (5). Nói một cách khác, nếu nhà nước công nhận trong lãnh thổ có các nhóm dân tộc theo nghĩa peoples/nations thiểu số, đồng nghĩa với việc nhà nước đã thừa nhận các cộng đồng này có quyền dân tộc tự quyết, tức là họ phải có quyền tự trị hoặc thậm chí tách ra độc lập nếu muốn. Nhấn mạnh lại là đây là quyền của peoples/nations, ethnic groups không có quyền dân tộc tự quyết tương đương.
Có một vấn đề cần phải làm rõ là một quốc gia có các khu vực tự trị thì chưa chắc đã là multination state, nhưng một multination state chắc chắn sẽ có các khu vực được trao quyền tự trị cao. Tây Ban Nha có 17 vùng tự trị, thậm chí có Catalonia đang rất muốn li khai. Tuy Nhà nước Tây Ban Nha chính thức công nhận sự tồn tại của nhiều nationality trong lòng đất nước nhưng Hiến pháp Tây Ban Nha quy định rất rõ rằng tất cả người dân hợp nhất lại thành một dân tộc duy nhất, và đó là dân tộc Tây Ban Nha (the Spanish nation) (6). Nói một cách khác, dù có nhiều vùng tự trị đi chăng nữa, Tây Ban Nha vẫn được xây dựng dựa trên mô hình quốc gia dân tộc (nation-state), đồng nghĩa với việc sẽ không có câu chuyện li khai dựa trên hiến pháp. Mô hình này khác với Canada hay Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland khi các nation thành viên có thể tách ra nếu muốn.
Mở rộng thêm một chút, dân tộc bản địa - Indigenous peoples/nations cũng là đối tượng được Hiến chương Liên hợp quốc bảo vệ và họ cũng có quyền dân tộc tự quyết. Một số phần tử sắc tộc cực đoan có chủ trương li khai ở Việt Nam (7) cũng muốn các cộng đồng của mình được công nhận là dân tộc bản địa chính vì muốn được thực hiện quyền tự quyết này vì ở Việt Nam họ chỉ được coi là ethnic groups mà ethnic groups thì không có quyền dân tộc tự quyết. Nhà nước Việt Nam phản đối yêu sách này và không công nhận ở Việt Nam hiện nay có các nhóm dân tộc bản địa (8).
Nói thêm về câu chuyện ở Việt Nam, dân tộc Việt Nam nên được hiểu là khối đại đoàn kết dân tộc - the great national unity. “Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đại đoàn kết dân tộc là đại đoàn kết các dân tộc, tôn giáo, giai cấp, mọi giới, mọi lứa tuổi, mọi vùng của đất nước, đoàn kết mọi thành viên trong đại gia đình dân tộc Việt Nam dù sống trong nước hay định cư ở nước ngoài, thành một khối vững chắc trên cơ sở thống nhất về mục tiêu chung và những lợi ích căn bản” (9). Trong câu trên có hai từ dân tộc được sử dụng mang nghĩa khác nhau, từ dân tộc thứ nhất để chỉ “the Vietnamese nation" hay ở đây là “the great national unity", từ dân tộc thứ hai mang nghĩa ethnic groups. Có thể thấy, dân tộc Việt Nam (the Vietnamese nation) bao gồm rất nhiều các thành phần khác nữa, chứ không chỉ là tập hợp của các ethnic groups. Nhưng tựu chung lại, chúng ta chỉ là một dân tộc - one nation, vì cũng chỉ có khi đó lợi ích quốc gia mới trùng với lợi ích dân tộc.
Tổng kết lại, Việt Nam là một quốc gia dân tộc hay a nation-state. Khi viết bằng tiếng Anh là “Vietnam is a multinationality country” sẽ gây hiểu nhầm về chủ trương của Nhà nước Việt Nam, đặc biệt là trong các vấn đề dân tộc bản địa (Indigenous peoples), tự trị, và thậm chí là li khai. Điều này nên tránh và nên sửa. Thêm nữa, cũng cần phân biệt dân tộc Việt Nam (the Vietnamese nation) và dân tộc Việt/Kinh (Viet/Kinh ethnic group).
Tham khảo:
(2) Kymlikca, Will. (1995). Multicultural Citizenship: A liberal Theory of Minority Rights. Oxford: Oxford University Press. Chương 2
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất