Việc tay chân - với giới trẻ có lẽ không còn là điều e ngại
Nay đọc được một bài báo trên VnExpress về những người trẻ chuộng việc tay chân. Tôi nghĩ rằng đây sẽ là xu thế mới trong tương lai,...
Nay đọc được một bài báo trên VnExpress về những người trẻ chuộng việc tay chân. Tôi nghĩ rằng đây sẽ là xu thế mới trong tương lai, khi người trẻ, họ không còn nhiều nghĩ suy với tích lũy tài sản, con cái gia đình, cái nhìn của xã hội nữa. Họ đang có nhiều hơn tình yêu với cuộc sống, trải nghiệm và cảm giác hài lòng của bản thân.
Hơn một năm trước, Hữu Đạt quyết định bỏ việc văn phòng lương hơn 10 triệu đồng ở Hà Nội, lên Tà Xùa, Sơn La xin làm nhân viên phục vụ quán cà phê. "Tôi phải làm đủ việc, từ nhân viên pha chế, thợ ảnh, xe ôm, trung bình 13 tiếng mỗi ngày nhưng vẫn thấy thích vì đầu óc được thảnh thơi", Đạt, 26 tuổi, cử nhân ngành Luật, nói.Nguồn: Vnexpress
Giới trẻ- gen Z thời nay có khả năng chịu ít áp lực hơn thời trước ?
Không phủ nhận rằng 1 trong những lý do là giới trẻ ngày nay thật sự không có nhu cầu cho những công việc với áp lực quá cao. Thậm chí có một xu hướng người trẻ không muốn làm quản lý. Là một người nếu tính theo định nghĩa bây giờ cũng là một gen Z. Tôi từng có cơ hội để có vị trí công việc tốt hơn, nhưng đồng nghĩa với nó cũng là một trách nhiệm lớn hơn. Và tôi đã từ chối. Có thể tôi đồng cảm với các bạn trẻ hiện nay, tôi cảm thấy việc nhận công việc đó là quá sức đối với tôi, và thay vì có một mức lương tốt hơn, tôi chấp nhận lùi lại. Về cơ bản tôi không chắc nó là một quyết định tốt, có nhiều người nhìn vào cũng sẽ nói vậy. Nhưng tôi học được cách lắng nghe bản thân, và tôi lựa chọn và biết có lẽ sẽ tốt hơn cho tâm hồn của mình. Và nhờ vậy, tôi học cách cân bằng tài chính, học cách tiết kiệm chi tiêu trong vòng kiểm soát.
Việc tay chân - định kiến gắn nhãn cho những người không thể làm những việc tri thức ?
Có lẽ định kiến việc "tay chân" đã hình thành từ rất lâu, ngay từ khi bố mẹ chúng ta cố gắng cho chúng ta ăn học để không phải làm những công việc vất vả, ví như đồng áng, nung gạch, thợ xây... Bất kỳ ai nghĩ đến công việc tay chân là nghĩ ngay đến những con người lấm lem bùn đất, quanh năm công việc nặng nhọc, nhưng lại thu nhập thấp. Thế nhưng dường như ngày nay, mọi thứ đã thay đổi, cái cách mà thế giới vận hành dường như có chút khác. Chúng ta không thể phủ nhận, những công việc đòi hỏi kiến thức trình độ cao đem lại thu nhập rất tốt. Thế nhưng đi kèm với nó cũng là những cơn "đau đầu","áp lực" và sức ép không hề nhỏ. Với sự chuyển dịch nghề nghiệp cũng như quan điểm về nghề nghiệp, giới trẻ đang cho xã hội nhìn nhận về một công dân có khả năng làm rất nhiều công việc khác nhau, không hẳn là vì chuyên môn, họ muốn tận hưởng công việc theo đúng nghĩa. Và tất nhiên, việc họ "bỏ phố về quê" không phải là quyết định bốc đồng. Với mức tiêu dùng ở thành phố, khi về quê thứ áp lực ấy trở nên nhẹ gánh. Đồng nghĩa với việc họ cũng có thể làm ít đi, mà vẫn có thể chi tiêu một cách hợp lý.. và có thể dành dụm được ít tiền tiết kiệm. Nhắc nhớ lại hồi tôi còn ở HN, chỉ cần bước ra khỏi nhà là phải chi tiền, thậm chí chi tiền còn như một xu hướng. Chỉ thấy cái này cái kia đẹp, hay sự kiện nọ sự kiện kia mà đi chơi. Nghĩ lại tôi thật sự không hiểu mình nghĩ gì nữa. Có thể một xã hội nô nức và nhộn nhịp khiến cho con người ta nhộn nhạo, bị cuốn đi, không còn nhớ đến mục đích sống của mình là gì, không còn nhớ đến mình cần phải có kế hoạch gì. Tôi tin rằng, không ít người sống ở HN chỉ loanh quanh đi làm về nhà, đi ngủ, rồi lại đi làm. Vòng lặp ấy cứ vòng vòng, không có lối thoát. Và với mức lương ấy, họ cũng chẳng biết bao giờ có thể "an cư lạc nghiệp" hay là cứ vài ba tháng lại chuyển nhà một lần.
Công việc không phải đích tới, đó là một hành trình
Với mỗi một người công việc có ý nghĩa khác nhau. Đó là lý do tại sao họ lại quyết định làm điều này chứ không phải là điều kia. Tôi tin rằng thế hệ trẻ ngày nay là một thế hệ trẻ dũng cảm. Họ có thể không phải là thế hệ kiếm nhiều tiền nhất, cũng có thể không phải là thế hệ giỏi chịu áp lực nhất, nhưng họ là thế hệ đề cao trải nghiệm cuộc sống nhất. Tôi cho rằng đó là điều khiến họ trở nên đặc biệt. Rất nhiều biến cố xảy ra trên trái đất này, có những khi hàng ngàn người chết vì dịch bệnh. Rất nhiều những chiến tranh khói lửa trên khắp những mặt trận. Rất nhiều những sự kiện thương tâm đã xảy ra.
Chúng ta không biết khi nào chúng ta còn thở. Vậy thì tại sao không sống cho đáng?

Life style
/life-style
Bài viết nổi bật khác
Theo mình thấy việc lựa chọn cách sống như thế nào có phần ảnh hưởng rất lớn đến từ tuổi thơ và hoàn cảnh gia đình mỗi người chứ không phụ thuộc vào thế hệ hay độ tuổi. Đương nhiên là thời đại này cuộc sống con người đã đầy đủ hơn về mặt vật chất nên đang dần tìm kiếm những giá trị về mặt tinh thần, mà đã là tinh thần thì sẽ không cân đo đong đếm được vì đó là chủ quan. Nên xu hướng được nhận thấy là con người sẽ cố gắng tìm ra cho mình 1 giá trị tinh thần hay chính xác hơn là một con đường mà mình sẽ theo đuổi lâu dài.