Việc học sử có trở nên khó khăn đối với bạn không ? Có thể với đa số người, nó là một cực hình - với mình cũng thế.
Ảnh bởi
Chris Lawton
trên
Unsplash

Cảm nhận của mình:

Việc học lịch sử với mình trước kia cũng không có hứng thú gì, từ những năm cấp 2 đều học đối phó và né môn sử cả, mặc dù điểm có cao thì tính đến bây giờ - giữa năm cấp 3 - mình thật sự chả nhớ là hồi đó mình đã học được những cái quái gì nữa. Nhưng rồi, lên cấp 3 mình "lớn" rồi, bắt đầu tự mày mò tìm hiểu về cuộc sống với cái nhìn rộng hơn, sâu sắc hơn thay cho việc có chỉ có những nhận định mơ màng như trước. Thời điểm này mình từ ước mơ muốn tìm lý do vì sao Châu Á lại có nhiều thứ thiệt thòi và không thể ngang bằng với Phương Tây (Thật đấy, mình thắc mắc và rất muốn tìm 1 con đường nào đó đúng đắn cho Việt Nam), nên mình đã tự tìm hiểu về văn hóa - chính trị - và kinh tế. Chính vì thế, sự tự tìm hiểu về lịch sử và động lực cho việc học cũng tự nhiên đến, chứ không phải xuất phát từ bất cứ áp lực nào bên ngoài cả. Mình đã đăng ký vào đội tuyển Chuyên Sử của trường, ban đầu thì đẹp như mộng nhưng thời gian sau mình mới ngỡ ngàng nhiều điều. Mình - với tâm thế vào cái đội này để có thể hỏi những thầy cô có trình độ về những vấn đề mà mình thắc mắc về lịch sử, và thứ mà mình nhận được là những câu trả lời đúng, nhưng là đúng theo những gì ta đã được học thôi. Thầy cô thật sự là chỉ biết đến mỗi lịch sử, còn các khái niệm khác về kinh tế, về xã hội thì thầy cô lại rất mơ hồ. Sẽ thế nào nếu 1 đứa học sinh hỏi "Vì sao cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 1928 lại xảy ra ?" và người cô đáp lại: "Do giới tư bản tham lợi nhuận, sản xuất ồ ạt dẫn đến mất cân bằng cung cầu, chính vì thế gây ra khủng hoảng" Nhưng mình chắc là khá nhiều người sẽ khựng lại ở câu tiếp theo của đứa học sinh: "Vậy giới tư bản lại ngốc đến độ cứ sản xuất ồ ạt ra và tin tưởng rằng thị trường sẽ tiêu thụ hết hàng hóa của mình ư ? Để rồi chính họ cũng gặp khó khăn và phá sản ?". Mình biết là chương trình dạy sẽ giải thích cho ta theo trường phái Marx, nhưng có thể thật sự nghiên cứu và giải thích cặn kẽ hơn được không ? Mình biết là chắc chắn nghiên cứu rồi nhưng sao không đưa vào ? Chính đất nước ta cũng học hỏi được rằng mô hình kinh tế thị trường là tự nhiên và cần được tôn trọng, và việc tổ chức kinh tế như Liên Xô là sai lầm, thế nhưng khi ta học về kinh tế trong THPT lại giải thích theo trường phái Marx. Còn nhiều điều mà mình đi học mà không hiểu gì cả, giống như cưỡi ngựa xem hoa.

Suy nghĩ của mình về những vấn đề với môn lịch sử:

1. Lịch sử của ta quá bao quát, mang tính phổ cập, và rộng về nội dung nhưng không có chiều sâu: Lịch sử mà học sinh đang học bây giờ, đơn giản chỉ là môn lịch sử. Mình hiểu là các chuyên ngành lịch sử khác như sử địa lý, sử kinh tế, sử văn hóa... là những thứ ta sẽ được học ở chương trình đại học. Nhưng thật sự mà nói, việc học sử với lượng kiến thức khổng lồ nhưng lại chỉ được truyền đạt qua con chữ và lời nói của giáo viên là một điều không tưởng đối với đa số học sinh. Các bạn có thể nhìn vào sách và sẽ thấy được có rất ít những hình ảnh địa lý - thứ luôn đi cùng với lịch sử. Trong khi đó, các yếu tố khác như kinh tế - văn hóa và địa lý đóng vai trò rất quan trọng để kiến tạo nên các sự kiện, nhưng hầu hết trong số chúng bị ngó lơ hoặc được giải thích hay nghiên cứu 1 cách mơ hồ. Ngoài ra, phần nội dung cũng thiếu đi những góc nhìn rộng hơn và sâu hơn, đa số việc giải thích các nguyên nhân - kết quả đều mang tính trừu tượng và không cụ thể. (Ví dụ như việc giải thích việc Liên Xô tan rã trong sách sử 12 vậy). Mình hiểu việc phân tích quá kỹ dẫn đến việc nhét quá nhiều thứ vào sách. Nhưng việc ta cho cuốn sách dày hơn 1 xíu và đưa cho học sinh những thứ cốt lõi cần nắm trong đó, so với việc quẳng một mớ kiến thức như vậy và các câu dẫn chứng mơ hồ; theo bạn, liệu cách nào ổn hơn ? Sách chỉ đi vào 1 trong số nhiều lát cắt của vấn đề, việc cung cấp cho học sinh đủ lượng thông tin và để chúng tự hiểu hay ít nhất là được thầy cô dẫn dắt vẫn tốt hơn việc mớm đến từng con chữ như vậy. Học sinh sẽ thấy việc mình "bị bắt" phải giải thích môn sử y chang trong sách, trong khi những ý kiến và thắc mắc riêng của chúng thì bị bỏ ngỏ; như 1 lẽ tự nhiên, rất ít học sinh thích môn lịch sử này.
2. Giáo trình lịch sử quá kì lạ (Đây là ý kiến cá nhân của mình)
Như các bạn có thể thấy trong sách sử 12: Các nước và khu vực được học riêng biệt, chính vì vậy nên khi học rất khó để liên kết và thấy sự liên quan giữa các nước và khu vực với nhau, ngoại trừ 1 cách: BẠN GHI NHỚ HẾT TẤT CẢ những gì đã đọc. Thiệt lòng, với mình thì học 1 nước từ năm 1945 đến hết cả năm 2000 rồi sau đó là học các nước khác hết từ 1945 đến 2000 rồi lại cứ như vậy, mình cảm thấy như đang bị mắc kẹt và mãi ko hiểu tại sao mấy thứ đó lại liên quan với nhau. Để giải quyết việc này, mình đã tự viết cho mình 1 timeline, để khi đó nắm được những thứ cốt lõi của sự kiện quốc tế, rồi sau đó mới học kỹ vào từng nước và từng khu vực. Điều đó khiến mình học tốt và logic hơn rất nhiều.
Cái bảng nhà mình nè =)))
Cái bảng nhà mình nè =)))

Lời kết:

Mọi thứ đang thay đổi, những thứ không tốt thì tự nhiên sẽ tự loại bỏ nó. Mình cũng mong môn lịch sử nước nhà phát triển trong tương lai. Mình học sử thấy rất tự hào, đánh Pháp rồi Mỹ, hay lắm, nhưng tiếc là cái hay là mình toàn tự tìm ở bên ngoài, chứ trong sách đọc như ngâm kinh :')
Đây là bài viết tranh luận và quan điểm đầu tiên của mình, mục đích là để luyện viết cho tốt và tổ chức các suy nghĩ thật chặt chẽ. Yup, chính vì vậy trong thời gian tới mình cũng sẽ có 1 series phân tích lịch sử THPT ở đây, hihi :>
Tới đây, mong các nhện nhà mình ủng hộ tớ, cứ tranh luận gắt vào hihi :>