Lời tựa:
Nhanh thật, vậy mà cũng đúng 10 năm rồi!
17/9/2014 là ngày mình nhập học PhD, do nhận được học bổng toàn phần của trường đại học Greenwich UK - bước ngoặt cực kỳ quan trọng đã thay đổi cả cuộc đời mình.
Nó cho mình cơ hội ở lại để học hỏi và làm việc ở UK, cũng như để có thể thực sự cảm nhận về cuộc sống nơi đây – một điều mà càng nghĩ lại mình càng thấy quan trọng (vì thực ra hơn 1 năm học cao học nhanh kinh khủng, và thời mình học thì UK chưa có chính sách cho sinh viên quốc tế ở lại làm việc thêm 2 năm sau khi tốt nghiệp. Nếu mọi người muốn thì comment, mình có thể viết thêm về điểm mạnh điểm yếu của chính sách này nhé).
Chuỗi bài này mình muốn chia sẻ với mọi người tất tần tật về PhD, từ
- (1) mấy thứ bạn nên cân nhắc trước khi lựa chọn,
- (2)một vài yếu tố cốt lõi cho việc apply học bổng,
- (3) những gì mình học được trong quá trình làm nghiên cứu sinh,
- và (4) cuối cùng là các cơ hội công việc sau khi ra trường.
Hy vọng series sẽ có ích cho các bạn đang mong muốn tìm kiếm học bổng học cao lên nữa và gắn bó với học thuật sau này.
Ảnh: Phạm Google
Ảnh: Phạm Google
Bài đầu tiên này mình sẽ nói về lựa chọn học PhD.
Qua tiếp xúc thì mình thấy đây là một hướng đi được hầu hết du học sinh Việt Nam (đặc biệt là các bạn qua học bậc thạc sĩ) xem xét. Điều này rất dễ hiểu, vì thực ra khả năng xin việc chỉ với tấm bằng thạc sĩ là khá thấp, vậy nên nếu không học PhD thì khả năng ở lại và xin được việc đàng hoàng nghiêm chỉnh của mọi người là khá thấp.
Dưới đây là một vài thông tin bạn nên biết khi tham khảo lựa chọn PhD:
_ Trung bình một khóa PhD sẽ lấy của bạn 3.5 đến 4 năm. Trước đây thì có một số trường hợp làm PhD trong tận 10 năm, nhưng từ khoảng 2015 2017 thì quy định chỉ cho phép các nghiên cứu sinh làm luận án trong tối đa 5 năm mà thôi.
_ Về nội dung, cả khóa PhD chỉ tập trung vào một đề tài, một nghiên cứu duy nhất mà thôi.
Tuy nhiên, một vấn đề khá quan trọng mà bạn cần xác định ngay từ ban đầu, đó là với đề tài PhD thì ngay chính giáo viên hướng dẫn của bạn cũng không chắc sẽ đủ quan trọng để bạn được công nhận và cấp bằng tiến sĩ.
Cụ thể hơn, những rủi ro bạn có thể sẽ gặp phải khi lựa chọn làm nghiên cứu sinh là:
_ (1) bạn không thể hoàn thành khóa PhD (do nhiều lý do, mà thường nhất là không thể đi đến kết quả đủ mạnh và tin cậy được về đề tài; hoặc giáo viên không còn mặn mà, thậm chí còn làm khó bạn trong quá trình thực hiện đề tài) - tức là bạn có thể lãng phí mất mấy năm cuộc đời, cùng một khoản tiền không nhỏ nếu bạn không được học bổng toàn phần;
_ (2) đề tài nghiên cứu trở nên không còn hấp dẫn và cấp thiết, khiến bạn khó xin việc sau khi hoàn thành;
_ và (3) tương tự như vậy, sau khi hoàn thành thì có thể bạn nhận ra giảng dạy và nghiên cứu học thuật lại không phải thứ bạn mong muốn cho sự nghiệp cả đời mình. Điều này sẽ dẫn đến khá nhiều khó khăn khi ra ngoài xin việc, sau một thời gian dài bạn không cập nhật kiến thức thực tế và kỹ năng cho các vị trí bạn ứng tuyển.
Thực ra thì chính giáo viên hướng dẫn cũng không biết mê cung này sẽ đưa bạn đến đâu đâu. Ảnh: Phạm Google
Thực ra thì chính giáo viên hướng dẫn cũng không biết mê cung này sẽ đưa bạn đến đâu đâu. Ảnh: Phạm Google
Chia sẻ về trường hợp của mình, thì thực ra hồi ấy mình nghĩ đơn giản lắm, đó là mình thực sự mong muốn được đi theo thầy hướng dẫn, vì quá ấn tượng khi được học thầy 1 môn trong khóa thạc sĩ của mình.
Chỉ vậy mà thôi.
Đến mãi sau này mình mới biết hết ưu và nhược điểm của cách tiếp cận ấy.
Về ưu, thì trớ trêu, sau này khi nghĩ lại mình cảm nhận đó mới chính là cách tiếp cận có lẽ là chuẩn nhất nếu bạn muốn học lên cao:

Đó là đừng tìm trường, mà hãy tìm thầy hướng dẫn.

Hay cụ thể hơn, bạn phải tìm cách nắm khá rõ về giáo viên hướng dẫn, và có lòng tin vào người đó. Nếu không thì sẽ rất khó để hoàn thành khóa PhD.
Trớ trêu là khá ít người thực sự nghiêm túc tìm hiểu và đánh giá điều này trước khi thực hiện PhD. Họ thường tập trung vào danh tiếng của trường, giá trị học bổng, điều kiện sinh hoạt ở thành phố ấy, thay vì tìm hiểu thật kỹ về giáo viên hướng dẫn.
Nhưng có một điều họ không nhận ra, đó là ngay cả ở một ngôi trường danh giá nhất, bạn cũng vẫn có khả năng gặp phải thầy cô hướng dẫn không hợp tính cách, khó làm việc cùng và thậm chí còn chẳng quan tâm nhiều đến quá trình nghiên cứu của bạn (một ví dụ điển hình là điều này có thể xảy ra khi họ là người tham vọng, được đề bạt lên các vị trí quản lý cấp cao, khiến thời gian biểu trở nên quá bận rộn để có thể phân bổ nhiều thời gian và tâm huyết cho nghiên cứu).
Thực ra có không ít trường hợp như thế - kiểu giữa đường thì giáo viên hướng dẫn bỏ bê bạn, yêu cầu bạn đổi giáo viên hướng dẫn khác. Bản thân mình đã chứng kiến kiểu “đem con bỏ chợ” này khiến 2 người bạn của mình phải chấm dứt sớm khóa PhD của họ sau 1 năm (nếu bạn muốn biết kỹ hơn cứ vào Facebook group VietPhD, có kha khá những post đình đám từng chia sẻ và bàn luận về sự tai tiếng thiếu trách nhiệm của giáo viên hướng dẫn).
Ảnh: Phạm Google
Ảnh: Phạm Google
Tuy nhiên, cái gì chả có 2 mặt, đúng không? Và cách lựa chọn của mình cũng có nhược điểm của nó. Đó là vì quá ấn tượng với thầy, nên mình không đánh giá hết những khó khăn bản thân sẽ phải đối mặt trên con đường thực hiện PhD. Những thứ mình chưa có sự chuẩn bị đủ kỹ càng là:
_ (1) khả năng nghiên cứu học thuật (hồi ấy mình chưa có mấy kinh nghiệm trong việc tổng hợp kiến thức, xem xét các câu hỏi nghiên cứu, vv.);
_ (2) một cái network đủ mạnh về ngành mình sẽ nghiên cứu, để luôn được cập nhật kiến thức cũng như có cơ hội thảo luận về các đề tài đương thời;
_ và (3) mở rộng hơn, khả năng giao tiếp và chia sẻ suy nghĩ về mọi mặt trong cuộc sống bằng tiếng Anh với những người xung quanh, để có thể vượt qua nỗi cô đơn, thứ không thể tránh khỏi khi phải làm việc 1 mình 1 đề tài trong quá trình nghiên cứu PhD.
Kết:
Túm lại, nếu bạn đã tự tin với 3 kỹ năng ấy, cùng với việc cố gắng tìm hiểu thật kỹ giáo viên hướng dẫn, thì mình nghĩ PhD là một lựa chọn không tồi một chút nào. Và rất có thể nó sẽ mở ra những chân trời tươi sáng cho bạn đấy (mình sẽ viết kỹ hơn về những điều mình thu được từ khóa PhD trong bài #3 của series này, mong mọi người đón đọc nhé).
P.s. Mình thực sự rất mong có thể trở thành một người viết bán thời gian (hoặc, nếu có thể, là toàn thời gian trong tương lai).
Vậy nên, nếu bạn cảm thấy những bài viết này có giá trị, mình sẽ rất trân trọng nếu bạn có thể ủng hộ mình tại:
Số TK: 000003704782 Ngân hàng: Vietbank Chủ TK: Lương Minh Hoàng