Hồi trước đi học, lịch sử với tớ là thứ gì đó giống cưỡi ngựa xem hoa, kiểu giải trí sau những lúc văn ôn võ luyện ấy. Khi đó, tư duy về sử là môn phụ đã sâu vào hệ suy nghĩ của dân khối A - và chúng tớ được “tiếp tay” bởi cả thầy cô lẫn bố mẹ. Đúng vậy, lịch sử đã từng không mang đến cho tớ sự ghi nhận nào trong những ngày đi học.
Thế nhưng càng lớn, tớ càng phát hiện ra lịch sử quan trọng biết bao. Giống như Lưu Quang Vũ từng viết “tai ương thường lặp lại”, lịch sử sẽ lặp lại vì chúng ta vốn dĩ hay quên. Có rất nhiều thứ đã học nhưng không còn nhớ, hoặc có nhiều thứ trải qua rồi nhưng chúng ta bỏ lỡ cơ hội để học được một thứ gì. Thế nên đôi khi, chúng mình đau một niềm đau nhiều lần.
Chuyện lịch sử quan trọng thế nào tớ nghĩ ai cũng biết, chỉ là bọn mình có thực sự cảm nhận được nó hay không thôi. Xin chưa lạm bàn về vấn đề ấy trong chủ đề này. Tớ chỉ muốn nói một chút về cách chúng mình đã học lịch sử - và giá mà chúng mình đã được dạy khác đi.
Lịch sử sẽ lặp lại, vì chúng ta vốn dĩ hay quên
Lịch sử sẽ lặp lại, vì chúng ta vốn dĩ hay quên
Tớ vẫn nhớ sách lịch sử ca ngợi Trần Thủ Độ là bậc đại công thần góp phần lập ra nhà Trần và giúp vua trị vì đất nước. Nguyễn Ánh có công nhưng không gánh nổi tội cõng rắn cắn gà nhà. Nguyễn Huệ lưu danh thiên cổ là anh hùng hào kiệt muôn đời. Vua Lý Thái Tổ danh chính ngôn thuận kế nghiệp nhà Tiền Lê, mở ra triều đại mới hơn 200 năm trị vì. Ỷ Lan Nguyên Phi tường tận việc chính sự quốc gia mà hiền lành đức độ. Biết bao điều khác đã được tóm gọn bằng những dòng chữ ngay ngắn nhưng lạnh lùng và rạch ròi trong sách giáo khoa. 
Có câu “Lịch sử được viết bởi người chiến thắng”. Thế nên có lẽ chúng mình đã được đưa vào đầu tư duy: người chiến thắng thì một đời vẻ vang, người thua cuộc thì muôn phần xấu hổ. Người ra đi ở đỉnh cao lừng lẫy thì lưu danh thiên cổ, người gánh vác phần hoang tàn phía sau thì chỉ như cái bóng buổi ban trưa. Nhưng rõ ràng, lịch sử không phải thần thoại, mỗi nhân vật trong đó cũng không thể là các vĩ nhân. Có công với người này đâu đồng nghĩa rằng không mang tội với người khác. Lịch sử dạy chúng ta biết ơn thế hệ đi trước nhưng chẳng ít lần cách chúng mình học sử đã để lại một cái nhìn khắt khe và phán xét lệch lạc về tiền nhân.
Sau này, khi đứng trước tình huống luôn hỏi bản thân là ai, luôn cảm thấy thế giới có những đoạn bất công và thất bại của mình lỗi do hoàn cảnh, một người bạn tớ đã bảo tớ hãy đọc nhiều hơn về lịch sử đi. Trong đó sẽ chứa đựng câu trả lời cho các vấn đề mà tớ đã loay hoay. Tớ không đi tìm câu trả lời trong lịch sử, chỉ xuất phát điểm từ giải trí cùng mong muốn mình “cool” hơn một chút thôi. Nhưng lịch sử đã mở ra những góc nhìn mới - không trực tiếp là câu trả lời, chuyện trong quá khứ khơi gợi sự tò mò và óc quan sát cho các sự kiện xung quanh. Đó cũng là lúc tớ tiếc nuối bao nhiêu về cách bản thân đã học sử.
Có lẽ Lý Công Uẩn đã không kế nghiệp nhà Tiền Lê dễ dàng đến mức thành hiển nhiên như sách nói.
Trần Thủ Độ có công với nước nhưng không có nghĩa là có tình có lý với nhà Lý và Lý Chiêu Hoàng.
Nguyễn Huệ giỏi cầm quân, giỏi nhìn xa trông rộng nhưng lại vướng phải huyệt tử khi làm chính trị là “cả nể tình thân”.
Nguyễn Ánh giành lại đất ông cha theo một cách không quang minh chính đại, nhưng ông cũng là người mở rộng bờ cõi và đánh dấu chủ quyền cho Trường Sa, Hoàng Sa. Đừng nói rằng Nguyễn Ánh may mắn vì cái chết oan nghiệt của Quang Trung mà phủ nhận sạch trơn sự minh quân sáng suốt, túc trí đa mưu cần cho một vị đế vương nơi ông.
Ỷ Lan Nguyên phi có lẽ cũng vì áy náy trước cái chết rợn người bà gây ra với Thượng Dương Thái hậu mà nỗ lực xây chùa và làm phúc.
Lịch sử chứa đựng câu trả lời chúng mình đang tìm kiếm cho hiện tại
Lịch sử chứa đựng câu trả lời chúng mình đang tìm kiếm cho hiện tại
Cách chúng ta học sử chỉ đơn thuần như một danh sách liệt kê các sự kiện theo hệ thống lại. Nhân vật có công được khắc họa mặt tốt. Nhân vật có tội được truyền tải một cách xấu xa. Thành ra chúng ta phán xét tiền nhân theo hai chiều chỉ có đúng hoặc sai, phải hoặc trái. Thậm chí tệ hơn, chúng mình chẳng có đánh giá hay phán xét gì, vì đơn giản chuyện đã quá xưa để cảm thấy cần phải cho vào đầu ghi nhớ. Nếu may mắn gặp được một giáo viên dạy sử hay như tớ hồi cấp 3, bạn có thể cũng cảm thấy môn học này không hề nhàm chán. Nhưng như thế đâu hề đủ, bằng chứng là chúng mình vẫn chẳng hào hứng với nó sớm hơn.
Lịch sử nên được dạy như một thứ gì đó tự nhiên hơn, qua một bộ phim, một cuốn truyện, một nhân vật hay đôi khi chỉ là bài hát. Và bạn biết không, thói quen tư duy của chúng mình chẳng bộc phát ngay khi một tình huống phát sinh mà thật ra đã thành nếp từ hàng ngàn những thứ được tiếp nhận đó. Cách chúng ta học lịch sử và được nhồi nhét đúng - sai, tốt - xấu, thừa nhận - phủ nhận liệu đóng góp phần nào tạo ra thái độ sống ngày hôm nay?
Vì sao người ta phán xét một nhạc sĩ xuất sắc là phản quốc chỉ qua một câu hát?
Vì sao người ta dễ lung lay trước những gán ghép kiểu Bác Hồ có một vợ và hai con?
Vì sao người ta ngay lập tức nổi nóng khi hình ảnh bộ đội đưa thực phẩm tới nhà dân được ghi lại có chủ đích?
Vì sao người ta hay có xu hướng đòi hỏi tất cả cùng một lúc và lảng tránh việc hy sinh?
Lịch sử và cả những gì xảy ra hôm nay đều là một quá trình, chúng mình chỉ có thể nhìn nhận chính xác hơn khi đặt nó trong bối cảnh tương ứng. Những quyển sách giáo khoa đã giấu đi rất nhiều bổi cảnh ấy, tệ hơn là không đủ thú vị để gợi mở cảm hứng tìm hiểu thêm trong người học. Vậy nên người ta ngay lập tức đánh giá “20 năm nội chiến” là lời hát nhục mạ tổ quốc mà không hiểu bối cảnh nhạc sĩ đã trải qua, càng không cảm thông cho cách yêu nước khác biệt của ông. Thứ người ta ngay lập tức nhìn vào là tính đúng - sai chứ không phải sự đồng cảm thể hiện qua câu hỏi: tại sao người đi trước đã làm thế?
Cách chúng ta học lịch sử thụ động hình thành nên nếp nghĩ thiếu khách quan và công bằng
Cách chúng ta học lịch sử thụ động hình thành nên nếp nghĩ thiếu khách quan và công bằng
Một người bạn tớ ngưỡng mộ bảo, nếu Bác Hồ có một vợ hai con thật thì anh càng ngưỡng mộ. Vì nó chứng tỏ Bác đã có cuộc sống yên bình ở xứ sở văn minh hơn nhưng vẫn lựa chọn về nước để sống kham khổ giữa vực sâu, rừng thẳm. Thử hỏi “một tình yêu mảnh đất này đáng sợ” đến đâu mới làm được như thế. “Phải là đáng sợ ấy”. 
Và không phải chỉ đến bây giờ người làm chính trị mới cần phải làm truyền thông. Hãy nhìn lại xem sao nhà Lý chuyển giao êm xuôi còn nhà Hồ bê bối tới mức lòng dân không thuận, để rồi rơi vào tay ngoại quốc. 
Vua Trần để hòa hoãn với giặc Nguyên mà gả An Tư Công chúa cho Thoát Hoan, ông làm vua thì đúng nhưng làm anh thì sao? Chính lịch sử đã dạy chúng ta hiểu rằng có những tình huống chẳng thể vẹn cả đôi đường, dù là ai cũng phải học cách chọn lựa và hy sinh.
Tớ không đủ chuyên môn để bàn về phương pháp giáo dục, nhưng thật mong là chúng mình sẽ tìm hiểu về lịch sử thêm đôi chút để bù đắp cho những trang sách khô khan. Thật mong là những trang sách sẽ thôi khô khan và có thêm nhiều bộ film, bài hát hay tiểu thuyết kể về lịch sử. Thật mong là lương của các thầy cô dạy sử sẽ tăng vì hiển nhiên đã ít học sinh học thêm, lại chỉ duy trì ở mức căn bản thì rất khó cho người lái đò tâm huyết. 
Lịch sử không bỏ rơi chúng mình, thật mong chúng mình đừng bỏ rơi lịch sử.