Vì sao tâm lý ngắn hạn sẽ khiến bạn liên tục mất tiền (và vì sao tâm lý dài hạn là bài học quan trọng nhất trong đầu tư)?
Mình đã quan tâm đến đầu tư kể từ những ngày nhận lương đầu tiên vào năm 18 tuổi, nhưng chưa bao giờ thực sự nghiêm túc ngồi xuống...
Bài viết thuộc series Đầu tư từ đầu - series chia sẻ trải nghiệm đầu tư thật của người trẻ, nơi Spiderum và Infina hướng tới phát triển tư duy đầu tư dài hạn lành mạnh
Được nhanh, mất nhanh
Mình đã quan tâm đến đầu tư kể từ những ngày nhận lương đầu tiên vào năm 18 tuổi, nhưng chưa bao giờ thực sự nghiêm túc ngồi xuống để tìm hiểu hay học về chúng cho đến mãi năm 21 tuổi.
Lúc ấy, sau khi nhận những mức thu nhập cộng tác khoảng ba bốn triệu mỗi tháng, mình nhận ra tiền kiếm thì khó, tiêu lại nhanh. Làm sao người ta có thể làm được gì với thu nhập dưới 5 triệu/tháng? Thậm chí, sau khi đã ngồi tự tưởng tượng ra viễn cảnh nhân năm số thu nhập ấy lên, tức mỗi tháng tầm mười lăm triệu, thì mọi thứ vẫn vô cùng mờ mịt. Nếu mỗi tháng kiếm được 15 triệu, trừ đi mọi chi phí ăn ở đi lại hết 8 triệu (nghĩa là chấp nhận một mức sống trung bình), mỗi năm mình sẽ để dành được khoảng 84 triệu. Nếu năm đó đi du lịch hai lần, thì còn khoảng 74 triệu. Nếu đau ốm bệnh tật hay xe hỏng, đồ đạc hư, thì còn khoảng 70 triệu. Nếu mua thêm phụ kiện công nghệ và quần áo giày dép, thì còn khoảng 60 triệu. Giả sử không có gì thay đổi, vậy sau mười năm, tức năm 28 tuổi, mình để dành được 600 triệu. Làm sao người ta có thể cưới vợ, nuôi con, mua nhà trước năm 28 tuổi, nếu tất cả những gì họ tích cóp được sau mười năm đi làm và chi tiêu vừa phải là 600 triệu, mình nghĩ.
Nếu các bạn nghĩ có nhiều khoản khác có thể cắt giảm thêm, thì mình “khuyến mãi” cho các bạn thêm 200 triệu nữa luôn. Con số đó vẫn là quá ít so với những việc cần làm.
Thế giới này hoạt động kiểu gì được nhỉ, mình lại nghĩ.
Thế nên mình đã nghĩ đến đầu tư - chén thánh mà người người, nhà nhà nhắc đến mỗi khi muốn có nhiều tiền. Tuy vậy, cảm giác bản thân còn quá non trẻ, trong tay lại cầm ít tiền, và những diễn ngôn về đầu tư có gì đó quá mức bốc mùi tiền bạc, quá “sôi động” và “hướng ngoại”, thậm chí còn đầy rẫy lừa đảo, lúc bấy giờ mình vẫn thấy việc đầu tư với bản thân vẫn không thực sự liên quan đến nhau, nên chỉ nghĩ rồi để suy nghĩ ở yên đó không làm gì với nó cả.
Mãi cho đến tháng 3 năm 2021, khi đã 21 tuổi, mình mới bắt đầu bỏ tiền ra để “đầu tư” theo rời rủ rê của bạn bè. Lúc ấy, mình được giới thiệu về crypto. Mình đã biết đến bitcoin và crypto từ lâu, nhưng đó là thời điểm sôi động nhất. Hầu như đi đâu cũng bắt gặp ai đó đang nhìn vào màn hình đầy những nến xanh nến đỏ. Tính mình vốn vội vàng, nên ngày đầu tiên đã thử bỏ vào 5 triệu để mua BTC trong lúc thậm chí còn chưa hiểu rõ tính năng của sàn giao dịch, cũng như chẳng hiểu bất kỳ thuật ngữ đầu tư nào. Chỉ sau chưa đến một tuần, tài khoản của mình đã tăng gần 30%. Sau đó, mình đã bỏ thêm 20 triệu, thậm chí chơi margin (giao dịch ký quỹ, sàn giao dịch sẽ cho bạn vay gấp 3 lần số tiền bạn có để tiếp tục giao dịch) và gấp đôi tài khoản sau… một đêm. Mình mua thêm những đồng token khác bên cạnh BTC và chỉ trong một thời gian ngắn, tài khoản của mình có lúc lên đến gần 100 triệu, sau khi đã rút hết tiền vốn ra cho an toàn. Nhìn thấy những con số to đùng đoàng hiển thị trong ví, mình tự tin dẫn bạn gái đi ăn nhà hàng sang trọng, ngồi rung đùi tìm hiểu thêm về các “công nghệ tương lai”, vạch trong đầu những kế hoạch x5, x10 số hiện có, và nghĩ xem sẽ dùng tiền như thế nào khi giàu sớm…
Tất nhiên, chuyện sẽ chẳng có gì để kể nếu như “từ đó anh ta giàu vl giàu và sống hạnh phúc mãi về sau”. Chuyện gì đến cũng đến. Tháng 4, chỉ trong một buổi tối, sau khi đã tăng lên đến mức kỷ lục hơn 60.000USD/BTC (mà vốn lúc ấy mình không hề biết đó là một con số vô lý), BTC giảm 30% giá trị, các altcoin khác thậm chí còn thê thảm hơn. Vì sử dụng đòn bẩy của giao dịch ký quỹ, toàn bộ số tiền trong tài khoản của mình đã bị thanh lý và về 0. Không phải giảm một nửa, không phải mất 80%, mà mất toàn bộ. Ngay sau đó, mình lại nạp thêm tiền, lại đòn bẩy, và lại bị thanh lý…
Những tuần tiếp theo, hăng máu và tham lam, cũng như tin rằng giảm mạnh thì tăng trở lại cũng mạnh, mình liên tục nạp tiền vào và chỉ còn… cái nịt.
Học phí
Kể từ sau khi đã mất quá nhiều tiền (mà mình không tiện đề cập ở đây :<), mình tự tát vào mặt mỗi lúc đi soi gương, nhắc nhở bản thân cần làm việc đúng đắn, trải qua những ngày tháng hoài nghi và căm ghét bản thân, cũng như ngẫm đi nghĩ lại về những tiếc nuối “giá như lúc đó mình rút tiền ra”, cuối cùng mình cũng dần tìm lại được sự bình tĩnh. Mình thôi không bỏ tiền vào nữa, và bắt đầu ngồi tìm hiểu nghiêm túc. Mình ngồi tìm hiểu thật sâu về blockchain, cryptocurrency, bitcoin, để biết rằng đó là thị trường rủi ro cao vẫn đang thuần túy đầu cơ, và còn chơi cả ký quỹ thì phải là bố của rủi ro luôn chứ không phải rủi ro bình thường nữa (thì ra số tiền ấy không thuộc về tôi, tôi chỉ vô tình đi qua thị trường lúc nó sôi động nhất…). Mình cũng tìm hiểu về toàn bộ mọi thao tác trên sàn, từ take profit, stoploss cho đến đặc điểm của từng loại phái sinh. Mình tìm hiểu phân tích kỹ thuật, ngồi cặm cụi đọc cuốn Nhà đầu tư thông minh của cụ Benjamin Graham để hiểu về đầu tư giá trị, đọc lại sách giáo trình kinh tế vĩ mô, đi khắp nơi để tìm kiếm chuyên gia xem họ hướng dẫn cách đọc và đánh giá tin tức. Rốt cuộc, mình cũng hiểu ra blockchain là gì, bullrun là sao, tại sao năm 2021 lại có một đợt bullrun, các chính sách tài khóa ảnh hưởng đến thị trường như thế nào, vì sao nguồn tiền đang dần được rút ra khỏi thị trường, các dòng tiền lớn ảnh hưởng đến giá trị các mặt hàng đầu tư/đầu cơ như thế nào, vì sao những năm sắp tới sẽ là bear market, tình hình thị trường chứng khoán sẽ ra sao, thị trường chứng khoán Việt Nam đang như thế nào khi đặt vào bức tranh toàn cầu, những loại hình đầu tư khác như trái phiếu, ETF có những tính chất như thế nào, làm thế nào để đầu tư an toàn và hiệu quả hơn, tâm lý ảnh hưởng như thế nào đến đầu tư, đâu là những sai lầm kinh điển cần tránh…
Trong suốt hơn một năm, mình chỉ ngồi để cày cuốc kiến thức, thỉnh thoảng lại bỏ tiền vào thị trường để kiểm tra lại xem mình đã học được gì, tìm kiếm cơ hội gặp gỡ những nhà đầu tư gạo cội trong thị trường để học hỏi, rồi tự ghi chép, quan sát bản thân và gật gù sau mỗi lần hiểu hơn về những gì học được. Trùng hợp, công việc của mình lúc bấy giờ cũng liên quan nhiều đến nghiên cứu và tìm hiểu về tâm lý con người với việc cờ bạc và đầu tư, nên mình cũng có cơ hội tìm hiểu và viết về chủ đề liên quan. Sau đó, mình cũng được tham gia các dự án liên quan đến đầu tư, nhìn thấy cách dòng vốn vận hành, cũng như bắt đầu quen biết những người đã sinh tồn trong các thị trường nhiều năm. Mình dần có những quyết định đầu tư đúng đắn hơn, hợp lý hơn, và bắt đầu gỡ lại từng phần số tiền khổng lồ đã mất từ trước đó, với nguồn vốn hạn hẹp và trong thị trường khắc nghiệt hơn nhiều.
Mình sau đó đã mở một khóa trải nghiệm ngắn để chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức liên quan đến đầu tư, với khoảng 50 người tham gia, trên hơn 100 đơn đăng ký (không thu phí), khóa #InvestForGenZ. Mình tiếp cận với mọi người trong khóa #InvestForGenZ không phải để dạy cách kiếm tiền hay cách đầu tư, mà chỉ để cung cấp những kiến thức căn bản nhất, nền tảng nhất, cốt lõi nhất, cũng như các sai lầm và bài học mình đã mắc phải, để những người tham gia (chủ yếu là các bạn trẻ), không phải lặp lại những gì mình đã trải qua.
Bài học vỡ lòng quan trọng nhất, theo mình quan sát được
Sau khi quan sát bản thân và lắng nghe tâm tư của những bạn trẻ trong #InvestForGenZ, mình nhận ra khởi đầu của toàn bộ mọi sai lầm trong đầu tư xuất phát từ cái gọi là “tâm lý ngắn hạn”. Thứ này đã được nói đi nói lại nhiều lần, nhưng lúc nào nghe tới mình cũng thấy như nước đổ đầu vịt, cho đến trước khi mất mát bởi chính tâm lý ấy.
Các bạn trẻ tham gia #InvestForGenZ đa số nằm trong nhóm tuổi từ 17-24, bao gồm cả học sinh cấp 3, sinh viên đại học và người mới ra trường. Một điều mình để ý, bất kể học vấn, bất kể xuất thân và bất kể các thành tựu quan trọng họ đã có ở tuổi của mình như điểm IELTS cao chót vót, học sinh trường chuyên lớp chọn, sinh viên đạt học bổng của các trường đại học danh tiếng hay người đã có công việc làm thu nhập tốt… phần lớn không thực sự hiểu các dòng tiền vận hành trong thế giới tài chính và đặc biệt, rất ít người thực sự có được tâm lý dài hạn để đầu tư. Rất nhiều người tham gia khóa học với mong muốn tìm thấy thánh kinh có thể giúp họ nhanh chóng có được thành công vượt trội hơn người khác, hay những thành quả lớn đến từ số vốn nhỏ. Tuy vậy, bản thân tâm lý ấy vốn đã đi ngược lại hoàn toàn triết lý đầu tư, và bài học đầu tiên khi bắt đầu đầu tư, chính là từ bỏ được thói quen nghĩ ngắn này.
Mình để ý thấy bản thân, hay nhiều người trẻ, thường không thực sự chú tâm nhiều đến kinh nghiệm của những người đi trước, bởi chúng ta tin rằng cuộc đời mỗi người khác nhau và từng thời đại của thế giới cũng khác. Nhưng sau một vài năm chập chững bước đi trên thế giới của những người trưởng thành, ngoài việc nhận ra thế giới rộng lớn đến mức nào (người ta chỉ thực sự nhìn thấy được sự bao la của thế giới khi bước những bước đầu tiên ra khỏi nhà thôi, bạn biết đấy), mình nhận ra mọi người vẫn cùng chia sẻ với nhau những nhiệm vụ, hành trình và mục tiêu tương tự nhau. Người đi trước, vì vậy, dù mang vác cuộc đời và những câu chuyện xa lạ với chúng ta, đâu đó vẫn có những bài học giá trị giúp ích cho việc làm người bên trong xã hội này. Đó là những câu chuyện về tình yêu, tình bạn, gia đình, đạo đức, về phát triển bản thân, đầu tư, lập nghiệp và hơn thế. Đôi lúc những gì họ trải qua đủ phức tạp và sâu sắc đến mức họ chỉ chọn im lặng - vì không biết phải nói sao cho người khác hiểu, vì quá đau đớn khi nhắc lại, vì đã trở nên khiêm tốn hơn đến mức không dám nói về bất kỳ điều gì, hoặc vì vẫn mải mê bận rộn tiếp tục tự học không buồn giúp đỡ ai. Những bài học, thường được gói gọn bên trong một vài câu nói sáo rỗng, như “đừng có tâm lý ngắn hạn” khi đầu tư.
Vậy tâm lý ngắn hạn là gì, và dài hạn thì trông làm sao?
Điều đầu tiên, và vô cùng quan trọng, sự nghiêm túc khi đầu tư chỉ thường xuất hiện với những ai đã bắt đầu nghiêm túc với cuộc đời của mình. Người ta chẳng thể đầu tư lâu dài và kiên nhẫn, nếu như họ chưa từng tìm thấy cảm giác kiên nhẫn với cuộc đời lâu dài của mình. Vì vậy, mặc dù nghe chừng chẳng liên quan, nhưng mình nghĩ rào cản lớn nhất khiến những người trẻ trì hoãn đầu tư hay học về đầu tư, bởi chính họ cũng chưa thể hình dung rõ ràng về cuộc đời trong tương lai.
Đừng hiểu lầm, chúng ta đều rất yêu đời và hướng tới việc có một cuộc đời vĩ đại, nhưng chỉ đơn giản chưa từng trải qua bất kỳ giai đoạn, công việc, trách nhiệm hay mối quan hệ gắn bó nào đủ lâu để có được cái nhìn thấu suốt về khoảng thời gian dài dằng dặc mình sắp phải đối mặt. Cấp một, cấp hai, cấp ba, rồi sắp tới là đại học. Chúng là những khoảng thời gian chia cắt chỉ kéo dài trong dăm ba năm. Chúng ta hoàn thành nó, rồi từ đó tự tin rằng mình sẽ vượt qua được nhiều “cuộc đời phiên bản thu nhỏ” như vậy trong tương lai. Những dự án từng tham gia, cùng lắm chỉ kéo dài vài tháng, hay một vài mối quan hệ dăm tháng nửa năm… đó là tất cả những hành trình dài nhất người trẻ cam kết và gắn bó. Do vậy, ta đã quen với tâm lý ngắn hạn, với việc phần thưởng sẽ đến sớm, hoặc sai lầm cũng bị lãng quên nhanh. Tâm lý ngắn hạn này sẽ là một trong những trở ngại lớn nhất khi ta trưởng thành, và đặc biệt, khi đầu tư.
Kể từ sau khi rời khỏi những thiết kế xã hội gói gọn trong ba bốn năm như các cấp học, phần đời phía sau đó sẽ trở thành một đường chỉ kéo dài miên man không hồi kết. Phần thưởng sẽ không cố định như sau ba năm lại được chuyển một cấp, đến 18 thì lên đại học nữa. Bây giờ, chẳng ai biết phần thưởng của mình sẽ nằm ở năm nào trong tương lai, vào tháng nào, năm nào. Các sai lầm, vì vậy, cũng dễ bị kéo dài và lặp đi lặp lại khiến người ta trượt dài trên một cuộc đời chán nản không mục tiêu.
Vì vậy, bài học đầu tư quan trọng số một: hãy cố gắng để thoát khỏi tâm lý ngắn hạn, hiểu rằng cuộc đời này rất dài, rồi lúc ấy tự khắc sẽ có động lực học đầu tư, và nghiêm túc trong việc đầu tư. Mọi người nói đi nói lại về việc cuộc đời quá ngắn, mình nghĩ điều này lợi bất cập hại. Hãy biết rằng cuộc đời rất dài, nên khổ cực và đau thương cũng sẽ rất dài, và hạnh phúc và vui thú cũng sẽ rất lâu - tùy vào việc chúng ta rơi vào kịch bản nào. Nghĩ rằng cuộc đời này ngắn, người ta thường hình dung sai về phần thưởng có thể nhận, và đau khổ phải chịu đựng, từ đó, bất cần và bớt cẩn thận hơn rất nhiều.
Sau khi đã có được tâm lý dài hạn, người ta sẽ tránh được rất rất nhiều sai lầm trong lúc đầu tư.
Một là, bạn sẽ không còn thèm những món lợi nhuận lớn ngay lập tức nữa, vì vậy, tránh được việc mất tiền vào những trò rủi ro cao. Lợi nhuận càng nhiều, càng nhanh, rủi ro càng lớn. Đôi lúc rủi ro này lớn đến mức dường như cầm chắc thất bại trong tay. Rất nhiều người chỉ nhìn vào phần lợi nhuận mà chơi đi chơi lại những trò gần như chắc chắn mất tiền. Và vì mất tiền, họ chỉ có rất ít vốn, và muốn thắng to, nên lại tiếp tục chơi những trò rủi ro cao. Một vòng luẩn quẩn. Vì cuộc đời rất dài, việc cố chấp duy trì sai lầm sẽ khiến bạn mất một con số khủng khiếp khó hình dung nổi. Trong khi đó, mặc dù việc tích lũy và đầu tư an toàn chỉ đem đến lợi nhuận khoảng 10%-15%/năm, nhưng vì cuộc đời rất dài, nên việc có những quyết định đúng đắn liên tục sẽ giúp bạn có được phần thưởng ngày càng lớn.
Hai là, khi đã xác định cuộc đời rất dài và sự ổn định của mình có thể nằm ở đâu đó cách hiện tại dăm năm, chục năm, người ta sẽ học được cách kiên nhẫn để tham gia đầu tư an toàn có lợi nhuận vừa phải, nhưng rủi ro thấp. Việc tích lũy này giúp họ nhận được lợi ích từ lãi suất kép (ngắn gọn là càng tiết kiệm thì việc tiết kiệm càng dễ), tạo ra sức mạnh vốn ổn định, rồi lại có rất nhiều tiền để tiếp tục đầu tư vào những kênh an toàn (như ETF, index fund, mutual fund, value stocks hay trong bối cảnh lãi suất tăng cao như hiện tại thì gửi tiết kiệm cũng là lựa chọn tốt…). Khi cầm trong tay năm triệu, mười triệu, dù có thắng gấp đôi (tức +100%), cũng chỉ được mười triệu, hai mươi triệu. Nhưng khi đã có một trăm triệu tiết kiệm trong tay, chỉ cần kiếm được 10% số đó mỗi năm, bạn đã có được mười triệu. Vì vậy, bắt đầu tích lũy sớm sẽ là một lợi thế không thể chối cãi. Nếu bạn định hỏi “nhưng 100 triệu ở đâu thì không ai nói”, thì đó vốn đã là biểu hiện của tâm lý ngắn hạn, muốn có ngay trong tay một số vốn. Thế thì ước có trong tay 10 tỷ luôn khỏi cần đầu tư cho rồi, ước có 100 triệu để bắt đầu đầu tư làm chi cho cực. Đừng nghĩ như vậy. Đầu tư không phải để làm giàu, đầu tư nghĩa là sự nghiêm túc hướng đến mục tiêu cụ thể. Nếu bạn cần 100 triệu để đầu tư, vậy hãy bắt đầu tiết kiệm để có 100 triệu. Cuộc đời rất dài, rồi người ta cũng sẽ đạt được nhiều mục tiêu hơn họ nghĩ thông qua việc làm dần từng bước.
Ba là, biết rằng cuộc đời dài sẽ giúp chúng ta bình tĩnh đứng lên sau những sai lầm. Việc đầu tư, dưới nhiều hình thức, sẽ bao gồm các thất bại và những bài học. Tuy vậy, cá nhân mình thấy số tiền mất đi lúc nào cũng rẻ hơn so với bài học nhận được. Thứ chúng ta cần chỉ là một tâm lý vững và thái độ sẵn sàng đứng lên làm lại từ đầu. Biết rằng cuộc đời của mình dài, rồi bạn sẽ kiên nhẫn hơn với bản thân, và đó sẽ là nền tảng tốt sửa sai sớm, rồi tìm ra được hướng đầu tư lâu dài, hiệu quả cho bản thân, như cách mình đã và đang làm được.
Cuối cùng, khi biết cuộc đời mình sẽ rất dài, bạn sẽ nhìn thấy nó như một hành trình đa dạng với nhiều việc cần làm, nhiều người cần quan tâm, nhiều thứ phải lo và nhiều nơi để trải nghiệm. Bạn sẽ cần tiền, và biết rằng mình sẽ luôn cần tiền. Đây sẽ là động lực lớn nhất để bắt đầu bước những bước nhỏ đầu tiên, và duy trì việc đầu tư trong suốt cuộc đời của mình. Đầu tư không giống như một canh bạc, chơi một ván rồi nghỉ xong lại chơi ván khác. Đầu tư là một cánh cửa mà khi đã bước qua rồi, ta sẽ sống cùng nó cả đời.
Mình nghĩ bấy nhiêu là đủ để giải thích về tâm lý ngắn hạn, một cách chi tiết, thay vì chỉ gói gọn trong vài câu vô thưởng vô phạt kiểu “khi đầu tư đừng tham gia với tâm lý ngắn hạn”. Khi còn trẻ, mình còn chưa thể so nổi sao là ngắn và thế nào mới là dài, thành ra mãi chẳng hiểu được.
Thực ra việc đầu tư lâu dài còn có một lợi ích rất lớn mà chỉ những ai đã đi qua mới hiểu: chúng ta có thời gian để lớn lên cùng với tài sản của mình. Đây là điều rất quan trọng. Có trong tay tài sản lớn hơn vốn kinh nghiệm, kiến thức và trưởng thành về mặt cảm xúc quá sớm, và cuộc đời lại dài, nhiều khả năng đó không phải cái kết đẹp, mà chỉ là khởi đầu của một cái kết tệ đang chờ đợi ở tương lai.
Một số ví dụ về việc tâm lý ngắn hạn sẽ dẫn đến thất bại không thể tránh khỏi
Dưới đây là một trong số những điều mình đã chia sẻ với #InvestForGenZ, bây giờ mình sẽ tóm tắt lại để mọi người đọc qua.
Khi mất một nửa số tiền đặt cược, ta cần thắng gấp đôi để hòa vốn
Trước hết, các con số rất vô nghĩa: tiền thắng được sẽ không có ý nghĩa gì nếu vẫn nằm trong quỹ dùng để tiếp tục đánh bạc. Chẳng hạn, khi chơi chứng khoán, nếu toàn bộ số tiền vẫn nằm trong ví ký quỹ margins hay phái sinh futures nhằm tìm kiếm lợi nhuận nhiều nhất có thể (như mình đã từng làm), rủi ro về việc mất tất cả vẫn giữ nguyên bất kể tổng số tài sản chúng ta đang có. 100 USD hay 10.000 USD lúc này vẫn chỉ là những con số tượng trưng, sẵn sàng biến mất toàn bộ bất kỳ lúc nào. Do vậy, bất kể rằng bạn đã may mắn thắng được 9 lần liên tiếp, nếu vẫn giữ nguyên cách thức cược ở lần thứ 10 rồi gặp xui xẻo, toàn bộ tài khoản vẫn bị thanh lý. Đây là lý do vì sao những lựa chọn đầu tư bằng đòn bẩy rủi ro cao này gần như chắc chắn dẫn đến kết quả thua nếu người chơi chơi theo phong cách đánh bạc. Không cần quan tâm bạn đã thắng bao nhiêu lần, một lần thua sẽ quét sạch tất cả. Tương tự, trong trò poker, vì cơ chế là người thắng cuộc cuối cùng sẽ lấy toàn bộ, cũng như các con bạc chỉ được phép rời khỏi sòng khi đã mất toàn bộ số tiền buy-in, số tiền thắng ở các round sẽ không có ý nghĩa gì nếu vẫn cố chấp call vào những lúc đang cầm bài xấu.
Thứ hai, ngay cả khi bạn không mất hết, % số tiền mất cũng sẽ đẩy bạn vào tình thế ngày càng khó khăn và cuối cùng, mất hết. Cũng lấy ví dụ bằng phái sinh futures của các sàn giao dịch, nơi người chơi có thể nâng cao mức đòn bẩy lên gấp hàng chục thậm chí hàng trăm lần, giúp tăng lợi nhuận, đồng thời tăng rủi ro lên mức không tưởng. Chẳng hạn, bạn chọn lệnh “Long” (tin rằng giá sẽ tăng) cho mã cổ phiếu A và chọn mức đòn bẩy x30, với số vốn 100 USD. Nếu A tăng 10%, bạn sẽ thu được lợi nhuận x300%, tức 300 USD. Ngược lại, nếu A giảm, kết hợp với đòn bẩy, khi % lợi nhuận đi qua ngưỡng thanh lý, bạn sẽ mất toàn bộ (thường tài khoản sẽ bị thanh lý nếu lợi nhuận -80%). Giả sử A giảm 1.5%, tài khoản của bạn lúc này sẽ mất đi 45% giá trị, vì sợ thanh lý, bạn cắt lỗ và giữ lại 55 USD. Lúc này, để thu hồi vốn, lần đặt cược tới bạn sẽ cần đạt lợi nhuận +81%.
Tương tự, nếu mất 50%, với số vốn mới chỉ còn một nửa, để trở lại mức ban đầu, bạn cần đạt lợi nhuận 100%. Nếu mất 80%, bạn cần đạt lợi nhuận 400%.
Nếu như ban đầu việc gấp đôi tài sản đã là bài toán khó không thể đạt được, vậy 400% thì còn khó đến mức nào?
Cảm xúc ảnh hưởng đến các mối quan hệ trong đời mỗi người, và cũng không phải ngoại lệ trong lúc đầu tư
Cảm xúc là thứ gắn chặt với chuyện tiền bạc. Dopamine tiết ra khi chiến thắng một ván bạc, đồng thời cũng khiến ta cảm thấy vui vẻ, hào hứng và sảng khoái, giúp ta vẽ ra một tương lai tích cực hơn, tin vào một niềm tin thiếu thực tế hơn. Ngược lại, sự thua cuộc sẽ khiến một tay chơi nhanh chóng lo lắng, quá bi quan hoặc quá liều mạng, cũng như thay đổi kịch bản suy nghĩ dựa trên cảm xúc tiêu cực mới này. Vì vậy, một người lý trí thức dậy lúc 7h sáng, tập thể dục, uống cà phê và ngồi xuống máy tính để bắt đầu chơi futures, rất dễ biến thành một con nghiện cờ bạc vò đầu bứt tóc trước màn hình khi kết quả dần chuyển biến theo hướng không mong muốn. Thế giới biến chuyển nhanh hơn ta nghĩ, và rất có thể nó không thực sự thay đổi, chỉ là thế giới quan của ta đã bị ảnh hưởng bởi các cảm xúc - thứ bị ảnh hưởng bởi những sự kiện từ các ván bạc.
Bên cạnh đó, có một bí mật đằng sau việc tiền ở sòng bài thường phải quy đổi thành chip, và vì sao bạn có xu hướng đẩy cả 500 USD vào một giao dịch trên máy tính mà hiếm khi dừng lại suy nghĩ. Vì hình thức của chúng cắt đứt mối quan hệ với giá trị thực của tiền, và ngăn cản bạn suy nghĩ một cách lý trí. 500 USD bằng với 500 cốc cà phê, uống trong 500 ngày, tức gần một năm rưỡi, sẽ dễ hình dung hơn nếu bạn cầm trên tay 10 tờ 50 USD, thay vì một con số bé tí trên màn hình ghi: $500. Tương tự, có lẽ hiếm người sẵn sàng all-in 100.000 USD một lúc nếu hành động này phải được thực hiện bằng cách đẩy một đống tiền mặt nặng chịch ra phía trước, thậm chí phải vứt từng cộc tiền một đến mỏi cả tay, nhưng sẽ dễ hơn nếu chỉ đơn giản xô những chồng chip màu sắc có kích thước bằng nhau, in những con số bé tí.
Quan trọng nhất, nếu bạn thích cờ bạc đến thế, bạn càng cần phải đầu tư để có thật nhiều tiền. Mình không muốn khuyên bất kỳ ai phải ngừng làm những việc giải trí, miễn là nó vô hại. Vậy, để có thể tham gia vào những cuộc vui hưng phấn với bạn bè của mình, hay thậm chí có tiền để tham gia đầu tư rủi ro cao lợi nhuận lớn, hãy đảm bảo rằng nó vô hại với cuộc đời của bạn. Làm thế nào để chúng trở nên vô hại? Hãy đầu tư để tích lũy đủ nhiều tiền, rồi bạn sẽ có cho mình một ít để chơi. Những khoản chơi be bé này đôi lúc sẽ đem đến phần thưởng lớn bất ngờ, nhưng đừng quá tập trung vào chúng. Chúng có thể chiếm khoảng 5% trên toàn bộ số tài sản bạn có, 95% còn lại phải được neo giữ ở các kênh an toàn.
Theo kinh nghiệm tiếp xúc của riêng cá nhân mình, mình thấy giới trẻ ngày nay thậm chí còn muốn có mọi thứ nhanh hơn, nhiều hơn và dễ dàng hơn so với người ở thế hệ trước (có lẽ vì cấu trúc xã hội hiện tại thúc đẩy điều đó). Điều này có nghĩa là, bất kể sự tiện lợi và dễ dàng khi tiếp cận với kiến thức cũng như các kênh đầu tư, Gen Z ngày nay phải đối mặt với một kẻ thù lớn hơn nhiều trên quá trình phát triển portfolio đầu tư của chính họ, là bản thân họ. Khi đã đầu tư đủ lâu, bạn sẽ nhận ra rằng, không phải thị trường, bản thân bạn mới là kẻ thù lớn nhất. Vì vậy, nếu như bạn đã được mạng xã hội và lối sống dễ dàng rèn luyện trở thành một con người “cần là có, muốn là được”, bạn sẽ càng gặp rất rất rất nhiều khó khăn để có thể đầu tư. Do vậy, hạn chế tiếp xúc với những thứ sẽ nuôi dưỡng tâm lý ngắn hạn cũng là một điều cần thiết.
“Kẻ thù lớn nhất là chính chúng ta”, mình biết câu này nghe có vẻ sáo rỗng nhưng có lẽ nội hàm của nó sẽ cần đến trải nghiệm thực tế để chiêm nghiệm được.
Tóm lại, có một điều rất đơn giản mà mình đã tự rút ra để nhắc nhở bản thân mỗi khi bắt đầu nổi máu cờ bạc và có tâm lý ngắn hạn, đó là: Nếu như bạn cần thời gian để có thể lớn lên, tài sản của bạn cũng vậy. Chúng ta đều được trao tặng một cuộc đời đủ dài, hãy tận hưởng lợi thế đó để nuôi dưỡng toàn bộ mọi thứ, bao gồm từ tài sản vật chất đến tài sản tinh thần. Nhớ lấy, đừng nghĩ cuộc đời quá ngắn để rồi bị mất bình tĩnh.
Chúc mọi người đầu tư an toàn và thành công.
(và hôm nay là một ngày tốt để bắt đầu).
Infina là nền tảng tích lũy và đầu tư được tin dùng bởi 1 triệu người với sứ mệnh giúp nhà đầu tư mới tiếp cận trực tiếp các hình thức đầu tư chính thống với đầy đủ nền tảng kiến thức thông tin để người dùng tự tin ra quyết định đầu tư. Đón chờ tháng 10, Infina sắp ra mắt sản phẩm tích lũy mới (kỳ hạn đa dạng 3-13 tháng) với lợi nhuận cố định hơn 9%/ năm. Tải app tại đây.
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất