Chỉ một tin đồn mơ hồ theo kiểu “phát hiện có chất X trong sản phẩm Y” là có thể làm giảm 50% doanh thu của sản phẩm đó dù tin đồn chưa ai kiểm chứng, cũng như chất X chưa chắc đã có hại vì sản phẩm Y chỉ dùng ngoài da.
Ngược lại, trên bao thuốc lá ghi rõ: “Smoking kills” hay “Hút thuốc gây bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính” cộng với hình chụp vết thương lở loét ấn tượng mà vẫn bán đều đều. Tại sao vậy?
Khi phàn nàn (complain), người ta đã mặc định so sánh chất lượng sản phẩm với một tiêu chuẩn mà mình mong đợi. Tùy theo tiêu chuẩn mặc định cao hay thấp mà người ta phàn nàn ít hay nhiều.
Với sản phẩm Y, ta đưa ra tiêu chuẩn khắt khe quá mức, cho rằng nó phải thế này thế nọ. Còn với thuốc lá, ta chỉ nói “ai chả biết hút thuốc có hại” rồi tiếp tục phì phèo. Người hút thuốc hầu như không quan tâm tới mấy hàng chữ đó và không than phiền về tác hại của sản phẩm mà mình đang dùng.
Kỳ vọng càng cao càng dễ không hài lòng. Điều này hợp lý thôi.
Vấn đề nằm ở chỗ làm cách nào để biết yêu cầu của mình có hợp lý hay không. Ví dụ, nói rằng "lương của mình phải 10 đồng mới xứng với vị trí đang đảm nhiệm vì 10 đồng là con số trung bình theo thăm dò mức lương trên thị trường lao động" thì đó là một câu nói hợp lý, lương dưới 10 đồng có thể làm mình thất vọng trong một chừng mực nào đó.
Nhưng nếu nói rằng lương của mình phải cao hơn lương của thằng A vì mình làm nhiều việc hơn nó, mình giỏi hơn nó... thì đó là một suy nghĩ bất hợp lý. Rồi khi nghe lương nó nhiều hơn mình, ta không muốn cám ơn công ty dù đã nhận được mức lương thỏa thuận. Đó là một thái độ vô ơn xuất phát từ một suy nghĩ vô lý.
Cách đây 2.500 năm Khổng Tử đã nói: “Bất hoạn quả nhi hoạn bất quân” (Không lo ít chỉ lo không đều) thật đúng với tâm lý ưa phàn nàn của con người.
Một người dễ gần là người ít khi hoặc không bao giờ phàn nàn. Suy nghĩ của người ấy rất hợp lý dù người đời có thể nhận xét khác nhau. Tôi xin nêu ra vài trường hợp dưới đây cho các bạn xem, rồi sau đó tự đánh giá mức độ hợp lý của bản thân mình.
- Khi bị mất một vật quý giá, người ấy nói: Thì đã sao! Trước đây mình cũng từng không có nó.
- Khi người khác được nhận một quyền lợi nào đó trong cơ quan thay vì mình, người ấy nói: Không sao! Đằng nào thì cũng có người được hưởng.
- Khi biết lương của mình thấp hơn lương của những đồng nghiệp khác, người ấy nói: Liên quan gì đến mình! Công ty tất phải có lý do để trả cho họ như vậy.
- Khi bị Sếp bắt làm đi làm lại một kế hoạch kinh doanh, người ấy nói: Ngày xưa đi học phải trả tiền, làm bài không được phép coi tài liệu, bây giờ lập kế hoạch cũng giống như hồi đó làm bài thi mà được phép mở tài liệu thoải mái, còn có thầy cô (tức sếp) hướng dẫn công khai, khỏi đóng tiền học phí mà cuối tháng còn được lãnh lương.
- Khi lâm vào nghịch cảnh, người ấy nói: Để xem khả năng chịu đựng của mình đến đâu.
Phàn nàn đúng thì cũng không hay bằng ít phàn nàn. Người ít phàn nàn không ngu dại như ta tưởng, mà ngược lại, họ có hiểu biết và suy nghĩ rất hợp lý nên được nhiều người cảm mến.

Bài viết của chú Hoàng Mạnh Hải: https://goo.gl/acLPeQ