Sau khi viết xong Phần 1 và nhận được bình luận từ nhiều người, cũng có lúc mình nghi ngờ liệu có phải mình đã sai chỗ nào đấy không, vì nó đi ngược lại với suy luận thông thường. Nhưng sau khi vận dụng hết những kiến thức mình có để trả lời các câu hỏi, mình lại cảm thấy tin tưởng hơn vào lập luận này. Mình nghĩ việc mình cần làm là để công thức toán sang một bên và giải thích sao cho dễ hiểu hơn (tuy vậy, điều này không đồng nghĩa với việc mình không bám vào toán nữa).
Mặc dù phần trước vẫn còn nhiều thiếu sót, nhưng mình muốn kết thúc bài này sớm để không phải suy nghĩ quá nhiều về nó nữa. Trước hết, mình sẽ giải thích lại, bằng cách suy luận, vì sao tăng năng suất lao động (NSLĐ), mà không đầu tư vào công nghệ và vốn, sẽ không thể có tăng trưởng GDP.
Trước khi đọc tiếp, nếu bạn chưa đọc Phần 1, thì hãy đọc lại để hiểu về khái niệm cơ bản nhưng quan trọng trong kinh tế học là hàm sản xuất và hiệu suất theo quy mô.
Ở phần trước mình đã nhắc đến các dạng hàm sản xuất phổ biến và Cobb-Douglas và Leontief. Các nghiên cứu trước đó đều giả định trường hợp của Việt Nam là Cobb-Douglas, và có constant returns to scale, giả định này là hợp lý vì dạng hàm này có thể giải thích tốt trường hợp của các nước khác. Cứ cho là giả định này đúng, hãy thử xem xét các kịch bản làm tăng NSLĐ.
Công thức của năng suất lao động là GDP/giờ lao động (Y/N), nên khi nói tăng NSLĐ tức là tác động vào một trong hai yếu tố này. Giả sử chỉ có 2 đầu vào là vốn (K) (đo bằng lượng máy) và lao động (N) (đo bằng giờ lao động), đầu ra là GDP (Y), TFP (A) là các yếu tố phản ánh trình độ công nghệ (đây là giả định thường thấy để làm đơn giản hoá mô hình)
- Nếu giảm lao động (N), thì phải tăng vốn, công nghệ (K, A), mới có thể giữ nguyên hoặc tăng GDP (Y), còn nếu không đầu tư vào vốn, công nghệ thì GDP không thể tăng được. Ở đây, dù NSLĐ tăng, nhưng không có tăng trưởng. Ngay cả khi GDP giảm ít hơn lao động, làm tăng NSLĐ, nhưng điều tội tệ cũng đã xảy ra, là GDP giảm.
- Nếu tăng lao động lên n lần, mà không đầu tư vào vốn, công nghệ, thì GDP sẽ tăng, nhưng chỉ tăng lên m lần, m chắc chắn nhỏ hơn n. 
Hãy nhớ lại phần trước một chút, khi có constant returns to scale, vốn và lao động cùng tăng lên n lần thì GDP mới có thể tăng được n lần, nếu chỉ có lao động tăng mà vốn không tăng thì GDP không thể tăng được n lần. Do đó, GDP tăng ít hơn lao động, NSLĐ giảm, trong khi GDP tăng. (Và ở đây đúng là làm nhiều hơn mà NSLĐ không tăng)
- Còn nếu làm GDP tăng bằng cách tăng vốn, công nghệ, cải thiện chất lượng lao động, nâng cao tay nghề, chứ không phải tăng/giảm số giờ lao động, thì sẽ được gọi là làm tăng năng suất vốn và năng suất tổng hợp, chứ không phải tăng năng suất lao động.

Trong phần trước mình cũng nhắc đến một nghiên cứu có chỉ ra hàm sản xuất của Việt Nam là dạng hàm Leontief, với năng suất của vốn thấp hơn năng suất lao động. Cũng thử cho kết quả này là đúng, hãy xem liệu GDP có thể tăng khi NSLĐ tăng hay không.
Năng suất của vốn đang thấp hơn, mà cứ đầu tư vào lao động, thì sẽ không cải thiện được GDP. Có thể hiểu là máy móc thì ít mà cứ tăng thêm công nhân/giờ lao động (với mong muốn tăng sản lượng), thì cũng không thể tăng được sản lượng. Còn nếu đang có ít máy móc, mà giảm công nhân, đến khi số lượng công nhân lại ít hơn số lượng máy, thì sản lượng sẽ giảm theo.

Nếu rơi vào trường hợp dạng hàm khác, thì có thể tăng NSLĐ sẽ làm tăng GDP, nhưng chưa có nghiên cứu nào chỉ ra được rằng Việt Nam thuộc dạng hàm nào khác.
Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc năng suất lao động không có ý nghĩa, mà vấn đề là cần kết hợp với đầu tư vào vốn, khoa học, công nghệ. Đến lúc chất lượng máy móc và khoa học công nghệ đã cao, tức là hàm sản xuất đã thay đổi, không còn là Leontief hoặc là Cobb-Douglas với constant returns to scale nữa, thì việc tăng năng suất lao động có thể lại trở thành yếu tố chính giúp tăng GDP.
Mong là đến đây các bạn đã hiểu rõ hơn lập luận của mình, giờ thì hãy chuyển sang phần tiếp theo.

III. Vì sao so sánh năng suất lao động giữa các nước là không có ý nghĩa

Where Labor Productivity Is Highest [Infographic]

So sánh năng suất lao động, mà không xem xét đến hàm sản xuất, thì sẽ không có ý nghĩa

(Xin lỗi vì hơi giật tít.)
Thực chất, chỉ nhìn năng suất lao động dưới dạng một con số thì không có ý nghĩa gì hết, quan trọng là hàm ý đằng sau chúng. Việc so sánh năng suất lao động giữa hai nước mà không quan tâm đến hàm sản xuất là một thiếu sót. Ngay cả khi hai nước có cùng một dạng hàm, nhưng một nước có decresing returns to scale trong khi nước kia có increasing returns to scale thì cũng không thể kết luận là nước nào tăng trưởng cao hơn.
Vì muốn lược bỏ phần liên quan đến công thức toán, nên mình sẽ giải thích bằng cách suy luận, còn nếu muốn đọc chứng minh đầy đủ hơn, có thể xem tại đây.
Hãy đi vào ví dụ với hàm sản xuất dạng Cobb-Doughlas - một dạng hàm sản xuất phổ biến:
- Trường hợp Constant returns to scale:
Trong phần trước mình đã nhắc đến, khi có constant returns to scale thì khi vốn (K) và lao động (N) tăng lên n lần, GDP (Y) cũng sẽ tăng lên n lần. khi đó, Y/N không đổi còn Y vẫn tăng, tức là năng suất lao động không đổi mà vẫn có tăng trưởng GDP.
- Trường hợp Increasing returns to scale: nếu vốn (K) và lao động (N) cùng tăng lên n lần, thì GDP (Y) tăng lên m lần, với m > n, tức là Y/N và Y đều tăng. Khi đó, năng suất lao động tăng dẫn đến GDP tăng.
- Trường hợp Decreasing returns to scale: vốn (K) và lao động (N) tăng n lần, thì GDP (Y) sẽ tăng m lần, với m < n, tức là năng suất lao động (Y/N) giảm, Y tăng. Điều này đồng nghĩa với việc năng suất lao động giảm nhưng vẫn có tăng trưởng GDP.
Do vậy, việc so sánh số liệu về năng suất lao động giữa các nước mà không xét đến hàm sản xuất của họ sẽ không thể kết luận nước nào tăng trưởng tốt hơn vì khi dạng hàm sản xuất khác nhau, việc tăng/giảm năng suất lao động sẽ có ý nghĩa khác nhau.

Vì thế, giả sử năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn của Lào thì cũng không thể kết luận điều gì, vì có thể hai nước có dạng hàm sản xuất khác nhau. Thực tế, có nghiên cứu chỉ ra rằng hàm sản xuất của Lào là increasing returns to scale, khác với hàm sản xuất của Việt Nam.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (2014): "Nền kinh tế của Lào phát triển nhanh nhưng chủ yếu dựa vào các ngành thủy điện và khai khoáng, những ngành này tạo ra rất ít việc làm: chỉ có 22,000 người làm việc trong những ngành này và con số không tăng lên nhiều, do đây là những ngành thâm dụng vốn." (Tức là họ sử dụng ít lao động nên năng suất lao động có thể sẽ cao, nhưng thực tế lại tạo ra ít việc làm)

Tóm lại, sau 2 phần, kết luận của mình là:
- Với trường hợp của Việt Nam hiện tại, để có tăng trưởng, vấn đề cần quan tâm là cải thiện chất lượng máy móc (làm tăng năng suất của vốn), đẩy mạnh khoa học công nghệ, chất lượng lao động (làm tăng năng suất tổng hợp).
- Việc so sánh năng suất lao động giữa các quốc gia là không có ý nghĩa, nếu không xem xét đến hàm sản xuất của chúng.

Kết luận trên có vẻ ai cũng biết, nhưng vẫn cần nói dài dòng thế này là vì:
- Đưa ra kết luận dựa vào lý thuyết và thực nghiệm là cần thiết, nhất là khi đưa ra khuyến nghị chính sách;
- Tất nhiên sẽ có cách là đầu tư phát triển tất cả mọi thứ, kiểu gì GDP cũng cao, nhưng nguồn lực là có hạn, nên mỗi thời điểm cần cân nhắc xem đầu tư vào cái gì để hiệu quả;
- Với mỗi thời điểm khác nhau, điều mà bạn cho rằng hiển nhiên ở trên kia sẽ không đúng, vì các yếu tố đã thay đổi. Đến lúc chất lượng máy móc và khoa học công nghệ đã cao, tức là hàm sản xuất đã thay đổi, thì việc tăng năng suất lao động lại có thể giúp tăng GDP, lúc đó cần đầu tư vào lao động;
- Nếu nói mua thêm máy móc, hay tăng chất lượng lao động, thì đó là đầu tư vào vốn và công nghệ, để cải thiện năng suất vốn và năng suất tổng hợp, chứ không phải cải thiện năng suất lao động, vì trong công thức tính NSLĐ không hề có những biến này;
- Năng suất lao động không phải là đích đến cuối cùng, mà quan trọng là tăng trưởng, trong khi nhiều người lại cho rằng muốn có tăng trưởng thì nên tập trung vào năng suất lao động, điều này không phải lúc nào cũng đúng.
----------------------------------
Tài liệu tham khảo:
- Microeconomics, Robert S. Pindyck
- Some Issues on the Vietnam Economic Growth (2019), Cuong Le Van et al.