Những điều căn bản cần biết về bệnh mù cảm xúc Alexithymia
Tôi biết đến bệnh này khi tình cờ một người chị của tôi hỏi tôi rằng: “Em có biết chị bị bệnh gì không, chị thực ra không hiểu rõ mình...
Tôi biết đến bệnh này khi tình cờ một người chị của tôi hỏi tôi rằng: “Em có biết chị bị bệnh gì không, chị thực ra không hiểu rõ mình đang cảm thấy như thế nào, và cũng không biết cách thể hiện nó đúng như những gì mình cảm thấy”. Lúc đầu tôi tìm kiếm bằng từ khóa “bệnh vô cảm”, nhưng chủ yếu là các bài báo chung chung, từ “bệnh vô cảm” được người Việt mình dùng để nói với nghĩa trách cứ những người không biết tỏ lòng thương hại người khác. Và tất nhiên, tôi không tìm được tài liệu nào bằng tiếng Việt để chỉ căn bệnh tâm lý này. Đó là lúc tôi nhận ra ở Việt Nam mình tài liệu về căn bệnh này hầu như không có.
Cá nhân tôi quả thực không thích việc dùng từ này để chỉ bệnh Alexithymia, bởi từ này trong tư duy người Việt đã vốn có sự quy chụp những người thờ ơ và lạnh nhạt trước khó khăn của người khác. Vì vậy tôi chọn cụm “bệnh mù cảm xúc”, bởi nó liên quan đến khoa học thần kinh, tâm lý chứ không đơn thuần là cách nói chung chung nữa. Hi vọng bài viết này có ích cho những ai quan tâm và đang muốn tìm hiểu về bệnh Alexithymia bằng tiếng Việt.
Bệnh Alexithymia hay được gọi là bệnh mù cảm xúc, dùng để chỉ cấu trúc nhân cách không có khả năng để xác định, mô tả và diễn cảm xúc của bản thân. (1) Những người mắc chứng bệnh này thường có biểu hiện rối loạn chức năng trong nhận thức tình cảm, kết nối với xã hội và cá nhân. (2) Họ sẽ gặp khó khăn trong việc phân biệt, cũng như trân trọng những cảm xúc của người khác. Đó là nguyên nhân dẫn đến những trao đổi, liên kết về mặt cảm xúc bị hạn chế và mối quan hệ tình cảm giữa họ với người khác khó có thể lâu dài. (2)
Nghiên cứu cho thấy khoảng 10% dân số thế giới (8% nam giới và 2% nữ giới) mắc chứng bệnh này tùy theo từng mức độ (3) và chỉ ra bệnh mù cảm xúc có thể xét trên 2 khía cạnh:
- Khía cạnh nhận thức: Họ gặp khó khăn để xác định, giải thích và hiểu cảm xúc của mình
- Khía cạnh tình cảm: Họ có thể nhận thức được tình cảm, nhưng lại gặp khó khăn trong việc thể hiện cảm xúc, và tưởng tượng của bản thân. (4)
Một số biểu hiện sau là thể hiện một người mắc bệnh mù cảm xúc:
- Khó khăn xác định các loại cảm xúc khác nhau
- Không hiểu về những nguyên nhân gì gây ra cảm giác ấy
- Khó thể thể hiện cảm xúc
- Khó nhận ra sự thay đổi, dấu hiệu trên khuôn mặt ở người khác.
- Trí tưởng tượng hạn hẹp hoặc cứng nhắc
- Lối suy nghĩ bị giới hạn
Tuy nhiên để xác định một người có bị chứng mù cảm xúc hay không một cách chính xác, bạn cần làm bài trắc nghiệm Toronto Alexithymia Scale (TAS-20) hoặc đi đến gặp tư vấn tâm lý với những kiến thức chuyên môn hơn.
Những người bị mắc chứng bệnh này nếu đi kèm một số chứng tâm lí khác thì gây ra rất nhiều khó khăn trong việc điều trị, vì họ khó có thể hiểu cảm xúc của bản thân và việc hồi phục trở nên khá phức tạp.
Nguyên nhân gây ra bệnh mù cảm xúc:
Tới nay nguyên nhân gây ra bệnh mù cảm xúc vẫn chưa thực sự được làm rõ, tuy nhiên có một số thuyết đã được đề cập đến:
- Thông tin từ bán cầu não phải gặp khó khăn khi chuyển đến bán cầu não trái. Một trong những nguyên nhân là do suy giảm thể chai (5) – triệu chứng thường gặp ở những người gặp tổn thương nặng nề trong quá khứ.
- Một nghiên cứu về tâm thần kinh vào năm 1997 chỉ ra rằng alexithymia có thể là do sự xáo trộn của bán cầu não phải, phần lớn chịu trách nhiệm xử lý các cảm xúc (6). Tuy nhiên, những nghiên cứu này có một số thiếu sót và bằng chứng thực nghiệm về các cơ chế thần kinh đằng sau.
- Nhà tâm lý học người Pháp – Joyce McDougall đã đưa ra một lí giải không dựa trên thần kinh học, đó là những người bị mắc chứng bệnh mù cảm xúc này đã trải qua một giai đoạn cảm xúc lấn át lí trí, và họ ý thức cần phải kìm chế lại, phòng ngừa cảm xúc, đẩy cảm xúc ra khỏi tâm thức của chính mình. Một nghiên cứu khác chứng minh bằng thực nghiệm cũng ủng hộ giả thiết này. (7)
- Dựa trên thuyết của McDougall năm 1985, rằng bệnh mù cảm xúc ở người lớn có cấu trúc cũng giống như một đứa trẻ sơ sinh vậy. Ngôn ngữ đầu tiên của một đứa trẻ sơ sinh là những ngôn ngữ nét mặt không lời. Biểu cảm của cha mẹ rất quan trọng trong việc quyết định đứa trẻ sẽ phát triển cảm xúc như thế nào. Lờ đi hoặc ít có sự thay đổi cảm xúc trên gương mặt, hay không có những phản ứng đúng có thể dẫn đến việc trẻ cũng không có sự biểu cảm gương mặt đúng cách. Bên cạnh đó nếu người lớn không có khả năng nhận biết cảm xúc của trẻ, nó cũng ảnh hưởng đến khả năng hiểu những biểu hiện cảm xúc của trẻ.
Cách điều trị:
Nếu bạn nhận ra một người bị chứng mù cảm xúc, đừng trừng phạt, quát mắng, hay nhạo báng việc họ không thể hiện được cảm xúc của mình. Thay vì đó, hãy học cách kiên nhẫn. Hãy giải thích nhu cầu của bạn 1 cách ngắn gọn và dễ hiểu: “Mẹ bị mệt, mẹ không nấu ăn được. Con hãy ra ngoài ăn nhé!”, hoặc giúp họ xác định và gắn nhãn cảm xúc của mình: “Cậu trông có vẻ buồn nhỉ? Có chuyện gì không vậy?”. Hãy giúp họ xác định cảm xúc bề mặt được thể hiện ra, hiểu rằng họ có thể nói, nghe hay không cảm nhận cùng một ngôn ngữ cảm xúc giống như mình, và bao dung với họ.
Nếu bạn là một người mắc chứng mù cảm xúc, mục đích là cần làm tăng khả năng xác định và hiểu cảm xúc của bạn. Hãy nhớ rằng việc thể hiện và học cách nhận biết cảm xúc có thể là một cuộc hành trình trắc trở. Tuy nhiên, bạn có thể tham khảo các cách sau:
- Luyện viết: Nghiên cứu chỉ ra rằng việc viết lách có thể hữu ích trong việc phát hiện và xác định cảm xúc của con người. (8) Bạn nên viết nhiều, vượt qua cả các sự kiện trong ngày của mình. Ban đầu sẽ khá khó khăn, nhưng bạn có thể mở rộng được phạm vi quan sát nội tâm cũng như thể hiện bên ngoài của mình.
- Đọc tiểu thuyết: Trong tiểu thuyết bạn sẽ tìm thấy những ngôn ngữ mô tả suy nghĩ, cảm xúc, khoảnh khắc và trải nghiệm. Các nghiên cứu cho thấy đây là một cách tuyệt vời để học ngôn ngữ biểu cảm, tăng khả năng tiếp nhận và có thể áp dụng để mô tả những cảm xúc của cá nhân.
- Học những môn nghệ thuật biểu hiện: Hãy tiếp cận với các môn nghệ thuật như diễn xuất, khiêu vũ, âm nhạc, … đã được chứng minh sẽ giúp những người bị mắc chứng bệnh này nhận ra cảm xúc.
- Liệu pháp tâm lý dựa trên kỹ năng: Đây là một hình thức của liệu pháp tâm lý, dạy thông qua việc xây dựng kỹ năng. Các phương pháp điều trị như liệu pháp hành vi biện chứng (9) , đào tạo nhận thức về nhận thức (10) và điều trị cá nhân ngắn hạn sẽ dạy bạn làm thế nào để chú ý đến các trạng thái cảm xúc cá nhân và cách xác định cảm xúc ở người khác.
- Điều trị qua tương tác nhóm: Khía cạnh tương tác của liệu pháp nhóm có thể cung cấp cho bạn cách để khám phá những suy nghĩ và cảm xúc của mình cũng như trải nghiệm trao đổi có ý nghĩa với người khác. Phương pháp trị liệu tâm lý này cũng giúp bạn tăng liên kết với người khác
Chú thích:
(1) “The prevalence of ‘alexithymic’ characteristics in psychosomatic patients” – Sifneos PE
(2) “Alexithymia decreases altruism in real social decisions” – FeldmanHall O, Dalgleish T, Mobbs D.
(3) “Psychosomatic properties of a scale to measure alexithymia” – Blanchard, E.B ; Arena, J.G. & Pallmeyer, T.P.
(4) “A cognitive and an affective dimension of alexithymia in six languages and seven populations” – Bermond, B. et. al.
(5) Thể chai: https://blogcuacong.wordpress.com/2010/09/26/hi%E1%BB%83u-bi%E1%BA%BFt-s%C6%A1-l%C6%B0%E1%BB%A3c-v%E1%BB%81-th%E1%BB%83-chai-tren-nao-b%E1%BB%99-ng%C6%B0%E1%BB%9Di/
(7)”Emotional Disorder and the Mind-Body Problem: A Case Study of Alexithymia” – Maclaren K
(8) “Expressive writing and the role of alexithymia as a dispositional deficit in self-disclosure and psychological health” – Paez, D.; Velasco, C. & Gonzalez J.L.
(10) http://mbct.com/
Tổng hợp và dịch
Thiên Thanh
Bài viết được đăng trên blog Triskele: https://triskelesociety.wordpress.com/2017/03/26/nhung-dieu-can-ban-can-biet-ve-benh-mu-cam-xuc-alexithymia/
Khoa học - Công nghệ
/khoa-hoc-cong-nghe
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất