Viết về phong trào tẩy chay thực phẩm biến đổi gien
Ở Việt Nam trong khoảng vài tháng gần đây thì xuất hiện một phong trào tẩy chay thực phẩm biến đổi gien vô cùng mạnh mẽ trên Facebook...
Ở Việt Nam trong khoảng vài tháng gần đây thì xuất hiện một phong trào tẩy chay thực phẩm biến đổi gien vô cùng mạnh mẽ trên Facebook với hàng chục bài báo được chia sẻ, hàng chục ngàn lượt đọc và bình luận về tác hại của thực phẩm biến đổi gien, hay còn gọi là GMO. Báo chí mạng cũng viết về thực phẩm biến đổi gien như là một thứ gì đó rất xấu xa.
Bài viết này, dựa trên những kết luận của một báo cáo khoa học, sẽ chỉ ra những nguyên nhân phổ biến khiến mọi người muốn tẩy chay thực phẩm biến đổi gien. Sau đó bài viết sẽ đi vào góc nhìn của giới khoa học. Bài viết này chỉ tập trung trong phạm trù sức khỏe, không đi sâu vào phạm trù kinh tế.

Tại sao mọi người lại tẩy chay thực phẩm biến đổi gien? Có 3 nguyên nhân chính: không hiểu về khoa học, tiếp nhận thông tin sai, và không có cái nhìn thực tế về xã hội.
Không hiểu về khoa học
Nhà khoa học Stefaan Blancke cùng các cộng sự ở Bỉ đến từ Đại học Ghent đã xuất bản một bài viết khoa học đã chỉ ra vấn đề thiếu hiểu biết về khoa học, hay là “Tâm lý bản chất” đã khiến mọi người nhìn sai về GMO. Tâm lý bản chất ở đây để chỉ về góc nhìn cho rằng DNA là “bản chất riêng” của từng cá thể, từng loai sinh vật, tách rời chúng với những cá thể hoặc loại sinh vật khác và quyết định mọi thứ về cá thể đó như hành vi, kích thước cơ thể. Do đó nếu lấy gien của một loại sinh vật này cấy vào một loại sinh vật khác thì, người ta tin rằng, nó sẽ tạo ra một loại sinh vật mới có những đặc tính của hai loài sinh vật, giống như bạn cấy gien của tê giác và đại bàng vào ngựa để tạo ra kì lân biết bay vậy.
Ví dụ như trong một cuộc khảo sát ở Mỹ, khi được hỏi liệu cấy gien của cá vào cà chua có khiến cà chua có vị tanh như của cá, hơn một nửa số người nói là sẽ có. Đấy là một góc nhìn sai lầm cho thấy những người trả lời thiếu hiểu biết về lĩnh vực gien.

Tiếp nhận thông tin sai
Có rất nhiều người chia sẻ thông tin sai lệch về thực phẩm biến đổi gien hoặc cũng như hậu quả của việc biến đổi gien trên sinh vật. Có thể là vì người đó không hiểu rõ bản chất của vấn đề, hoặc có nhiều người tung thông tin sai để thu hút dư luận hoặc sự chú ý của người khác về Facebook của mình. Ví dụ như trường hợp dưới đây:
Đây là một bài báo đầy rẫy thông tin sai lệch và một chút ít thuyết âm mưu ở trong. Không có bất kì một dữ liệu khoa học nào cho thấy việc muỗi biến đổi gien tạo ra Virus Zika. Việc tung tin muỗi biến đổi gien tạo ra virus Zika là tin đồn vô căn cứ, sai hoàn toàn. Virus Zika đã được phát hiện ở khỉ ở châu Phi vào năm 1947, phát hiện truyền qua người vào năm 1952, đã có bùng nổ dịch ở châu Phi xích đạo và châu Á những năm 1950-1980 trước khi bùng phát lớn ở Brazil. Tức các tin đồn tung ra chỉ ghép 2 thông tin: virus ZIka bùng phát ở Brazil + phát hiện có muỗi đột biến gien ở Brazil => muỗi đột biến gien tạo ra virus Zika.
Những con muỗi có tên khoa học là Aedes Aegypti đã được biến đổi gien để bị yếu đi và dễ dàng bị kiểm soát hơn. Gien của chúng được biến đổi để khi chúng đẻ con, con của chúng có vòng đời rất ngắn và dễ chế vì bệnh tật. Và ai làm biến đổi gien chúng? Một công ty hóa được, một tập đoàn công nghệ sinh học khổng lồ toàn cầu nào đó chăng? Không. Đó là bởi công ty Oxitec, thành lập bởi Đại học Oxford của Anh Quốc. Muỗi biến đổi gien OX513A đúng là đã được thử nghiệm ở Brazil như bài báo nêu nhưng kết quả nghiên cứu của hoạt động này thì là khác hoàn toàn: số lượng muỗi truyền bệnh ở khu vực thử nghiệm đã giảm đến 90%!
Có thể vào trang Oxitec lập ra bởi Đại học Oxford để đọc thêm thông tin: Oxitec
Đọc về báo cáo của tác động lên môi trường của việc thử nghiệm muỗi OX513A của Cơ quan quản lý Thực Phẩm và Thuốc của Hoa Kỳ: FDA report
Như vậy trên các trang mạng xã hội luôn đầy rẫy những thông tin rác, thông tin sai lệch, thuyết âm mưu theo kiểu hù dọa, mục đích của người viết hẳn chỉ là để “câu view” nhưng vô hình chung đã giúp thổi phồng lên nỗi sợ thực phẩm biến đổi gien hoặc bất cứ thứ gì mang cụm từ “biến đổi gien” bên cạnh.
Những nguồn thông tin đáng tin cậy khi truy cập về thực phẩm biến đổi gien là: các bài báo khoa học, tiếng nói của các nhà khoa học, các báo cáo của các tổ chức sức khỏe, hiệp hội sức khỏe như WHO.
Không có cái nhìn thực tế về xã hội
“Bởi vì nó không tự nhiên.”
“Cái này là chống lại tự nhiên.”
Đó là những phản hồi chúng ta thường nghe khi ai đó giải thích rằng tại sao họ lại chống đối thực phẩm biến đổi gien. Đây là những người theo góc nhìn “chủ nghĩa tự nhiên hoàn mỹ”, tức là tự nhiên thì bản thân nó là hoàn hảo, con người càng can thiệp vào thì càng làm nó tệ đi. Tuy nhiên góc nhìn này không hợp lý ở hai chỗ. Thứ nhất là thiên nhiên luôn biến đổi và trước khi có sự xuất hiện của loài người, những sự biến đổi của tự nhiên đã làm tuyệt chủng hàng trăm ngàn giống loài động vật. Đã có thời kì Trái Đất nơi nào cũng đầy dung nham khiến không sinh vật nào sống nổi, cũng có thời kì băng hà làm đông cứng sự sống. Như vậy khái niệm thiên nhiên yên bình, ôn hòa là một khái niệm không thực tế. Thứ hai đó là xã hội con người đã là một xã hội trái với tự nhiên, mọi thứ chung quanh ta đều là nhân tạo, ngay cả thực phẩm chúng ta đang ăn. Trong tự nhiên không có bánh quy, cũng không có mứt dâu hay bột ngọt. Nếu một người muốn tóc đẹp óng ả tự nhiên như quảng cáo thì người đó nên mua bồ kết về nấu lên rồi gội đầu thay vì mua dầu gội Sunsilk tinh chất bồ kết.

Nói như vậy để thấy xã hội con người là hoàn toàn không tự nhiên, hoàn toàn trái với tự nhiên, mọi thứ đều là nhân tạo, từ nhà cửa, xe hơi, đường đi cho đến trường học, bệnh viên. Do đó nếu phản đối việc biến đổi gien sinh vật vì nó không tự nhiên là một luận điểm rất yếu.
Vậy giới khoa học nghĩ gì về thực phẩm biến đổi gien
Vậy góc nhìn trong cộng đồng khoa học về thực phẩm biến đổi gien là như thế nào? Góc nhìn chung của họ là: dựa trên kết quả nghiên cứu và các cuộc thử nghiệm thì thực phẩm biến đổi gien là an toàn cho con người, tuy nhiên thực phẩm biến đổi gien có những mối nguy tiềm ẩn mà chúng ta chưa phát hiện ra được và chúng ta cần phải cảnh giác. Đôi lúc bạn sẽ kiếm được một bài báo của một nhà khoa học phản đối thực phẩm biến đổi gien. Nhưng nếu bạn chỉ lấy mỗi bài báo đó để nói rằng giới khoa học cũng phản đối GMO thì chứng tỏ bạn không hiểu thế nào là khoa học. Bản chất của việc nghiên cứu khoa học là tranh luận để làm rõ vấn đề, một ý tưởng sẽ luôn bị xét đi xét lại. Nếu bạn đến từng nhà thờ khác nhau và hỏi các cha đạo rằng cha có tin vào Chúa trời không, thì 100% số cha đạo được hỏi sẽ trả lời là có. Nhưng nếu bạn hỏi 100 nhà khoa học sinh học xem họ có đồng ý là thực phẩm biến đổi gien có tốt cho loài người không thì sẽ có 70 người nói có, 10 người nói cần chờ nghiên cứu thêm và 20 người phản đối.
Chúng ta cũng nên đọc sách khoa học một chút để hiểu rằng vấn đề này rất phức tạp. Giả sử có một người ăn ngô biến đổi gien rồi bị bệnh, thì đó là do anh ta hay là do ngô? Câu hỏi nghe thật kì quặc nhưng hãy xét trường hợp dị ứng đậu phộng, là một loại dị ứng khá là phổ biến. Nếu ai bị dị ứng mà không may ăn phải một chút, một lượng vô cùng nhỏ đậu phộng, như dùng dao băm đậu phộng xong dùng để băm hành tỏi pha nước mắm, thì người đó sẽ trở nên khó thở. Không chữa trị kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng. Vậy thì có phải là đậu phộng có hại cho sức khỏe con người? Tương tự như vậy, khi một người ăn thực phẩm biến đổi gien và bị bệnh, phải mất một thời gian lâu để tìm ra chính xác nguyên nhân. Do đó hãy cảnh giác khi đọc các tin tức liên quan đến các trường hợp không may xảy đến khi ăn thực phẩm biến đổi gien.
Và chúng ta cũng nên hiểu hơn về nguồn gốc của thực phẩm biến đổi gien. Thực phẩm biến đổi gien không phải là kết quả của những cuộc thử nghiệm cho vui, mà là kết quả của những đợt nghiên cứu nhằm giúp cứu đói những người nghèo ở châu Phi. Tiêu biểu nhất là dự án Hạt Gạo Vàng (Golden Rice). Ở những nước nghèo châu Phi, người nghèo chỉ có đủ tiền mua gạo ăn. Nhưng chúng ta hiểu rằng ăn gạo không thôi là không đủ, bạn chỉ có thể sống nhưng sống với bệnh tật vì thiếu các vi khoáng cần thiết cho cơ thể. Các nhà khoa học đã biển đổi gien của gạo để cho thêm vào đó vitamin A. Nhờ vậy mà trẻ em châu Phi chỉ ăn một bát cơm không cũng đã được cung cấp đủ Vitamin A cho cơ thể, giúp tránh được mù lòa do khô mắt và chết non. Dự án này đã bị tổ chức Hòa Bình Xanh (Greepeace) phản đối kịch liệt ngay từ đầu vì họ nói rằng cần phải ăn 3-4kg gạo một ngày thì mới cung cấp đủ Vitamin A cho cơ thể. Tuy nhiên các báo cáo đã cho thấy Hòa Bình Xanh đã sai hoàn toàn và dự án đã giúp cứu sống cuộc đời của hàng trăm ngàn đứa trẻ. Bạn thấy đấy, cuộc chiến thông tin rất là dữ dội, ai cũng có thiện chí nhưng chỉ có một người đúng.
Đọc thêm về dự án Hạt Gạo Vàng ở đây: Golden Price Project
Các dự án về lúa, ngô biến đổi gien đã tạo ra các loại lúa và ngô có sức đề kháng cực mạnh, tự chống được sâu bệnh mà không cần thuốc trừ sâu. Đó là một cách giúp người nông dân tiết kiệm chi phí sản xuất cũng như bảo vệ môi trường.
Kết luận
Vậy thực phẩm biến đổi gien có an toàn cho người dùng? Câu trả lời là hiện giờ vẫn rất là an toàn. Nó không chỉ an toàn cho người dùng mà còn giúp giải quyết các vấn đề về lương thực ở nước nghèo cũng như giúp người nông dân trồng trọt mà không phá hủy môi trường. Thực sự chúng ta không thể biết hết được sự nguy hại của nó và không ai dám khẳng định rằng nó không có những yếu tố gây hại cho cơ thể. Nhưng bạn cũng nên nhớ rằng thực phẩm thông thường cũng có thể gây hại cho cơ thể: thịt đỏ làm tăng nguy cơ bị bệnh tim mạch, hải sản làm tăng nguy cơ bị bệnh gút. Thực phẩm biến đổi gien có thể không an toàn tuyệt đối nhưng nó cũng không nguy hiểm hơn thực phẩm ta ăn hằng ngày đâu.
Đầu óc của đa số chúng ta đều khó hiểu được những khái niệm quá lớn như "sinh học", "công nghệ sinh học", "công nghệ gien", và chúng ta thường đưa ra những bức tranh đơn giản để giải thích những khái niệm đó. Nhưng trong khi những bức tranh đơn giản, ví dụ minh họa dễ hiểu giúp chúng ta hiểu được một phần nào các khái niệm đơn giản thì lại khiến chúng ta nhìn sai lệch vấn đề lớn. Do đó tốt nhất là hãy chỉ nghe tin từ những nguồn đáng tin cậy và tuy cẩn trọng trong việc sử dụng thực phẩm GMO, chúng ta không nên tẩy chay nó hoàn toàn và phát tán những suy đoán vô căn cứ về nó.
Tham khảo thêm:

Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất

Nga Levi

Đồng ý là từ góc độ sức khoẻ thì chưa thể kết luận được thực phẩm biến đổi gen có an toàn hay không. Đối với người dùng thì rõ ràng khi đứng trước một loại thực phẩm đang gây tranh cãi, họ sẽ có phản ứng rụt rè.
Dù bài viết không đề cập tới vấn đề kinh tế nhưng mình đang thấy điều đáng lo ngại nhất của GMO thực ra không phải sự an toàn, mà là nó khiến cho người nông dân và các nước kém phát triển bị lệ thuộc nguồn giống vào các nước phát triển và các tập đoàn lớn. Mình chưa có ví dụ cụ thể nhưng có lẽ đây là một thực tế cũng đáng cân nhắc, ko biết thớt có nghiên cứu về vấn đề này chưa?
- Báo cáo

Lê Phước Trường Uy
Vấn đề gì cũng có 2 mặt của nó. Bài của bạn không chỉ đơn thuần là viết về thực vật biến đổi gen, mà suy rộng ra nó còn là cách đọc, cách hiểu, cách nắm bắt thông tin trong một xã hội đầy rẫy những bài viết lố bịch và nhảm nhí. Cảm ơn bạn !
- Báo cáo

Huskywannafly

Cám ơn bạn đã đọc và hiểu 

- Báo cáo

Tran rb
1. Kết quả thử nghiệm ở Brazil: số lượng muỗi truyền bệnh ở khu vực thử nghiệm
giảm đến 90% không liên quan đến vấn đề đang tranh luận là việc biến đổi gen của loài muỗi trong thử nghiệm đó đã tạo ra Zika. Điều đó có nghĩa là quá trình biến đổi gen tìm ẩn những nguy hiểm mà virut Zika là 1 VD thực tế.
2. Việc chưa chứng minh được thực phẩm biến đổi gen gây tác động xấu đối với sưc khỏe không có nghĩa là nó không có tác động xấu. Cách đây 50 năm thậm chí các nhà khoa học đã chứng minh là thuốc lá có lợi cho sức khỏe, và được đăng rộng rãi trên các tạp chí khoa học. Đến đầu những năm 90s quân đội VN vẫn phát thuốc lá như là 1 nhu yếu phẩm bắt buột có cho bộ đội bên cạnh quần, áo, kem đánh răng, bột giặt, xà bông tắm. Nhưng bây giờ chúng ta đều biết thuốc lá có tác động thế nào đối với cơ thể. Ở góc độ người chịu tác động trực tiếp từ thực phẩm biến đổi gen, người tiêu dùng có quyền nghi ngờ về điều đó như thuốc lá cách đây 50 năm.
3. Ở góc độ sinh thái và di truyền giống, quá trình trồng thực phẩm biến đổi gen sẽ gây ra nguy cơ mất đi nguồn gen tự nhiên đặc biệt là ở loại cây thụ phấn nhờ gió như bắp (ngô). Và có thể loại bắp (ngô) biến đổi gen đó ko có tác động xấu đến sức khỏe, nhưng quá trình thụ phấn chéo với các loại bắp (ngô) tự nhiên sẽ tạo ra nhiều giống mới mà các nhà khoa học không thể kiểm soát được cũng như không thể đánh giá về tác động của nó. Và thự tế là việc khủng hoảng về nguồn gen tự nhiên đã xảy ra ở Mỹ đối với cây bắp (ngô)
- Báo cáo

Huskywannafly

1. Không có bất kì một dữ liệu khoa học nào cho thấy việc muỗi biến đổi gien tạo ra Virus Zika. Việc tung tin muỗi biến đổi gien tạo ra virus Zika là tin đồn vô căn cứ, sai hoàn toàn. Virus Zika đã được phát hiện ở khỉ ở châu Phi vào năm 1947, phát hiện truyền qua người vào năm 1952, đã có bùng nổ dịch ở châu Phi xích đạo và châu Á những năm 1950-1980 trước khi bùng phát lớn ở Brazil. Tức các tin đồn tung ra chỉ ghép 2 thông tin: virus ZIka bùng phát ở Brazil + phát hiện có muỗi đột biến gien ở Brazil => muỗi đột biến gien tạo ra virus Zika.
2. Bạn viết ý thứ 2 chắc là do ko đọc kĩ bài của mình. Trong bài mình viết đã ghi rõ là: "dựa trên kết quả nghiên cứu và các cuộc thử nghiệm thì thực phẩm biến đổi gien là an toàn cho con người, tuy nhiên thực phẩm biến đổi gien có những mối nguy tiềm ẩn mà chúng ta chưa phát hiện ra được và chúng ta cần phải cảnh giác". Điều đó có nghĩa là các nhà khoa học luôn kiểm tra và thử nghiệm để xem có sự nguy hiểm gì đến sức khỏe con người từ thực phẩm biến đổi gien hay không. Hiện giờ là chưa.
3. Thứ nhất là chưa có một báo cáo khoa học, nhấn mạnh là báo cáo khoa học chứ không chỉ là báo chí, cho thấy nước Mỹ đang gặp khủng hoảng đa dạng sinh học ở ngô. THứ hai là khủng hoảng đa dạng sinh học, tức việc mất đi nguồn gien phong phú trong tự nhiên, là một cuộc khủng hoảng lớn do nhiều yếu tố tạo nên: sự tuyệt chủng của các loài sinh vật, sự tàn phá rừng, sự ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, thứ bạn nên chỉ là lý thuyết (theory) và các nhà khoa học đã kiểm tra ở Đức và Anh Quốc về vấn đề này, các nghiên cứu vẫn chưa cho thấy có vấn đề về khủng hoảng gien do công nghệ sinh học gây ra. Đây là báo cáo của trường Harvard:
"Although there is little evidence that GMOs have impacted genetic diversity in today’s environment, scientists and ecologists are very aware of the potential influence that GMOs have on biodiversity. "
http://sitn.hms.harvard.edu/flash/2015/challenging-evolution-how-gmos-can-influence-genetic-diversity/
Như vậy dữ liệu thu thập cho thấy GMOs hầu như không có tác động gì đến môi trường và sự đa dạng sinh học, NHƯNG các nhà khoa học vẫn sẽ thường xuyên kiểm soát và theo dõi chúng.
- Báo cáo

Bảo Hưng Trần
1. Absence of evidence is not evidence of absence. Không có bằng chứng không có nghĩa đó là bằng chứng của việc không có.
Vậy trong trường hợp đó thì phải làm thế nào?
Nên nhớ logic của tự nhiên thì không cần phải chứng minh là đúng, nhưng logic của con người thì cần nghĩ là sai, trước khi được chứng minh ngược lại.
2. Lịch sử văn minh loài người đã có cả triệu năm, trong đó nền văn minh trồng trọt chỉ có từ 11,000 năm trở lại đây. Tức là chỉ mới là 1/100 ngày của lịch sử.
Còn lịch sử của GMO chỉ mới có 60 năm, nên để khẳng định nó là tốt (hoặc không hại) thì vẫn còn xa lắm.
Chưa kể các thống kê khoa học (hay khoa học thống kê) vẫn có những giới hạn của nó (như ý nghĩa của p-value?).
3. Nước Mỹ khúng hoảng đa dạng sinh học là do nạn tàn phá rừng khủng khiếp (98% redwood forest đã mất), sự phát triển của GMOs dẫn đến độc canh (như trường hợp của Ngô), sự ô nhiễm môi trường do nông nghiệp tập trung chuyên hóa cao (như trường hợp chăn nuôi gia súc ở Mỹ, ngành chăn nuôi ở Mỹ còn độc hại gấp 10 lần Formosa ở VN).
- Báo cáo

Huskywannafly

Chào Bảo Hưng,
1. Bạn đang phản hồi NGOÀI NGỮ CẢNH. Bối cảnh của bình luận của mình là để phản hồi lại bạn Tran rb vì bạn đó tuy KHÔNG đưa ra được bằng chứng cụ thể là muỗi biến đổi gien làm lây lan virus zika nhưng lại KHẲNG ĐỊNH muỗi biến đổi gien tạo ra dịch bệnh này. Đúng là nếu không có bằng chứng thì không thể phủ nhận 100% giả thiết này NHƯNG không thể khẳng định là nó đúng. Do đó mình thấy lập luận của bạn Tran rb là sai.
Ngoài ra lần đầu mình nghe đến logic tự nhiên và logic con người, mình không rõ bạn đang nói đến gì. Bạn có thể giải thích thêm? Logic tự nhiên là logic của cây cỏ, chó sói, sư tử? Logic con người thì mình đoán bạn đang nói đến logic khoa học?
2. Phần này bạn chỉ đang mở rộng thêm ý của mình. Bạn có thể đọc thấy điều đó trong 2 câu cuối của đoạn 2 trong bình luận của mình ở trên.
3. Liệu bạn có dữ liệu từ tổ chức uy tín để chứng minh điều này đúng? Mình thì chưa nghe đến vấn đề này. Nếu bạn có thể bổ sung cho mình thì tốt quá
Cám ơn bạn đã đọc và nêu ý kiến.
Thân.

- Báo cáo

Viet Anh Tran

Mấy hôm trước thấy cái bài về tác hại của ngô biến đổi gen được share kinh khủng, chắc cũng là một phần lý do tại sao có bài này.
Lợi hại của thực phẩm biến đổi gen trực tiếp tới sức khỏe con người có lẽ vẫn là chủ đề gây nhiều tranh cãi, nhưng có một yếu tố ông chưa đề cập trong bài: GMO phát triển đồng nghĩa với việc nhiều nguồn gen tự nhiên sẽ bị đe dọa và hệ sinh thái sẽ có những thay đổi cân bằng ko đoán định trước được.
Vẫn biết con người sẽ luôn cần "biến đổi" và chinh phục thiên nhiên để cải thiện chất lượng sống của mình, nhưng ông nghĩ sao về nguy cơ này?
- Báo cáo

Huskywannafly

Yếu tố đe dọa nguồn gien tự nhiên đến nay vẫn chỉ là lý thuyết và các nhà khoa học vẫn đang thu thập dữ liệu về việc này. Nên nhớ rằng thực phẩm biến đổi gien đã bắt đầu ra đời vào những năm 1980 tức đến giờ đã là 30 năm và nếu nó có tác động lên môi trường thì các nhà khoa học đã phát hiện được. Tuy vậy hiện nay vẫn chưa có dấu hiện gì xấu, như báo cáo của trường Harvard ghi:
"Although there is little evidence that GMOs have impacted genetic diversity in today’s environment, scientists and ecologists are very aware of the potential influence that GMOs have on biodiversity."
Đọc bài đầy đủ tại đây: http://sitn.hms.harvard.edu/flash/2015/challenging-evolution-how-gmos-can-influence-genetic-diversity/
Thực sự đây là vấn đề rất phức tạp, khó có thể đưa ra kết luận một sớm một chiều. Nó giống như là vấn đề rốt cuộc ăn thịt có lợi hay hại cho sức khỏe vậy.
- Báo cáo

Nguyen Ha Phuong
thực ra đôi khi chỉ cần đơn giản là ghi nhãn thực phẩm nào là GMO và thực phẩm nào không. Công khai cho cả người tiêu dùng lẫn người nông dân biết lí lẽ của cả hai bên tranh cãi và để cho họ quyền lựa chọn.
- Báo cáo

Huskywannafly

những lý lẽ cần công khai để có, nếu không thì mình đã không tìm được thông tin này để viết bài. Nhưng ở VN các thông tin này có phổ biến? Có ai VIẾT RA không? thật đáng buồn khi trên mạng chỉ toàn là lời hù dọa, lời đồn vô căn cứ.
Cám ơn bạn đã đọc 

- Báo cáo

Nguyen Ha Phuong
Cám ơn bạn, mình sẽ tìm hiểu thêm về những dẫn chứng bạn đã cung cấp, mình rất vui vì có cái nhìn đa chiều hơn về một vấn đề, tôn trọng cái nhìn phản biện của bạn. Nhưng nếu như bạn thực sự tin tưởng và muốn GMO được công nhận thì sẽ có nhiều vấn đề cần suy nghĩ và thuyết phục, một trong những vấn đề đó là sự lệ thuộc ( về giống, thuốc..) của người nông dân ( lớn hơn là một nền nông nghiệp) vào tay của nhóm tập đoàn, một nhóm lợi ích. Ví dụ như ở Thái Lan, nước cấm GMO
"Thái Lan: Bị lệ thuộc vào hạt giống, nông dân đã trở thành ‘nô lệ’ như thế nào? (video)
anh nông dân Jon Jandai và video “Seed saving” (Vì sao phải bảo tồn hạt giống) của Jandai kể lại câu chuyện về các nông dân ở ngôi làng của anh đã bị biến thành “nô lệ” như thế nào, khi phụ thuộc vào hạt giống ngoại, phân bón hóa học và thuốc trừ sâu của các công ty thương mại.
“Khi tôi còn nhỏ, không ai bán hạt giống cả. Nó là thứ mà bạn có thể cho mọi người, bạn có thể chia sẻ với mọi người…”
“Nhưng khi công ty này đến, họ đã đưa hạt giống lai cùng với phân bón hóa học.”
“Lúc đầu, giá của nó rẻ hơn 100 baht/kg. Nhưng sau 4, 5 năm, giá của nó tăng lên đến 1000 baht/kg. Và cuối cùng, bây giờ giá của hạt giống dưa hấu lên đến 12.000 baht/kg. Không chỉ với hạt giống dưa hấu, nó xảy ra với tất cả các loại rau quả.” (12.000 baht tương đương khoảng 8 triệu VNĐ)
Và để có tiền mua hạt để gieo trồng tiếp, người nông dân không có cách nào khác là phải vay nợ. Họ trở thành những con nợ với vòng luẩn quẩn không thể thoát ra, phải làm việc vất vả để kiếm tiền trả nợ cho các công ty hạt giống…
“Tất cả các nông dân trở thành nô lệ trên chính mảnh đất của họ”
“Hạt giống hay thực phẩm là một công cụ để biến con người thành nô lệ, nếu bạn không suy nghĩ rõ ràng.”
Với mình, đó là sự đồng cảm..
Chia sẻ cùng cả nhà, mình gốc là nông dân. Tuy mình không phải người làm nông nghiệp, nhưng tổ tiên bao đời là nông dân. Khi nhỏ, mình vẫn nhớ câu cụ mắng “làm thế đổ thóc giống ra mà ăn”, và khi lớn lên, mình thực sự ngạc nhiên khi biết người quê mình hoàn toàn không trữ thóc giống cho mùa sau mà mua giống có sẵn.
Mình đã nghĩ tới ăn chay từ rất lâu, cả chục năm trước đã nung nấu ý nghĩ bỏ thịt. Thay bằng thịt, mình uống sữa đậu nành. Khi biết đậu nành biến đổi gen thì dừng lại, may mà dừng đúng lúc trước khi sức khỏe xấu đi quá nhiều. Năm 2016, Việt Nam đã nhập 5 triệu tấn đậu nành biến đổi gen… Ngô biến đổi gen thì tràn ngập để làm thức ăn cho gia súc,.. Thực sự cái cảm giác đang bị biến thành nô lệ đang tồn tại."
Có một điều khá rõ ràng là nếu GMO vào Việt Nam, nó sẽ tiêu diệt các loài bản địa. Vì người nông dân Việt Nam sẽ từ bỏ các loài bản địa và tập trung sản xuất cho các giống đem về cho họ lợi ích kinh tế ( trước mắt) cao hơn. Cái này là đặc điểm tâm lý của người Việt. Minh xin nhấn mạnh, mọi suy nghĩ của mình chỉ là xoay quanh vấn đề: không phải GMO tốt hay xấu, vấn đề là nó có PHÙ HỢP với Việt Nam hay không.
Mình hiểu về việc người nông dân hiện nay vẫn phải mua các giống lai ( mình ko thích cách này) nên có thể hiểu là sau này mua thêm giống GMO thì cũng là mua thôi, nhưng sự thực thì các giống lai mình có thể tự lai tạo tại địa phương với giá thành rẻ hơn nhiều và vẫn đáp ứng được nhu cầu về khả năng chống chịu hay năng suất, trong khi chi phí cho giống GMO quá đắt, Việt Nam không thể tự chủ cả về công nghệ lẫn kinh tế. Nhảy vào một cái hố mà ko biết đường ra, với mình, đó là liều lĩnh.
Về nạn đói, hay khí hậu khắc nghiệt của Châu Phi, mình xin phép không có ý kiến, vì Việt Nam không phải Châu Phi, mình không đủ năng lực để phát biểu giùm thế giới, mình chỉ quan tâm đến thái độ của Việt Nam với GMO tại Việt Nam, và theo mình thấy, Việt Nam chưa cần đến GMO. Thay vào đó, đa dạng sinh học và các giống loài bản địa cũng có năng lực trong việc giải quyết các vấn đề về khí hậu và môi trường ở ĐBSCL ( như bà con đã làm từ trước đến nay). Vậy tại sao chúng ta phải lựa chọn một giải pháp, ko rõ đã phù hợp hơn, rõ ràng là đắt đỏ hơn, và hứa hẹn là nguy hiểm hơn thay vì phát triển những cái phù hợp đã có sẵn?
Cuối cùng là minh bạch thông tin cho người tiêu dùng. Một trong những lí do khiến người tiêu dùng sợ hãi và phản đối GMO chính là bởi vì việc nhập nhằng không dán nhãn thực phẩm biến đổi gen.
Mình xin ghi rõ là mình ghi nhận sự phản biện của bạn, nó thực sự mang ý nghĩa cảnh tỉnh. Nhưng, có nhiều người không phản đối GMO vì tìn vào lí luận rằng nó khiến chúng ta bị ung thư ( mình không có ý kiến với một vấn đề còn đang tranh cãi) hay coi nó như quái vật. Cái khiến họ phản đối GMO ( tại Việt Nam- xin nói rõ) là bởi vì họ nhìn thấy những tiềm năng tốt hơn GMO nên được chú trọng và phát triển, ví dụ các giống loài bản địa, các giống lai tại cơ sở địa phương, Việt Nam không phải là nước thiếu gạo hay lương thực ( chúng ta xuất khẩu gạo thứ 2 thế giới với mức giá rẻ bèo) cũng không phải nước có khí hậu khắc nghiệt như Châu Phi, do đó, chúng ta chưa cần đến GMO, thay vào đó, hãy bảo vệ môi trường, khí hậu, rừng biển, giữ chặt những gì chúng ta đang có. Đó là suy nghĩ của mình, lí do mình phản đối GMO tại Việt Nam.
- Báo cáo
khoi.dng
Đọc bình luận của bác em vẫn có điều không hiểu lắm. Nếu những người nông dân không muốn biến mình thành nô lệ của hạt giống từ các tập đoàn thì tại sao họ không tự trữ hạt làm giống cho mùa sau?
Tiếp nữa, theo em, việc hạt giống GMO được nhập khẩu và sử dụng ở Việt Nam gây các tác động tiêu cực cho giống bản địa và lệ thuộc kinh tế không phải là lí do chúng ta phản đối GMO ở Việt Nam. Nếu đã viện lí do gây tiêu cực cho giống bản địa thì tại sao không nghĩ đến việc dùng chính giống bản địa để biến đổi cho phù hợp? Việt Nam không thiếu lương thực để ăn, nhưng chúng ta thiếu lương thực để xuất khẩu. Chúng ta là một nước đang phát triển với nền kinh tế có tỉ trọng nông nghiệp lớn. Phát triển GMO để tăng năng suất cây trồng, tăng sức đề kháng, chống sâu bệnh, bên cạnh đó còn tăng chất lượng nông sản để xuất khẩu là điều cần thiết. Ở đây, đừng chỉ nghĩ đến lúa gạo, (mặc dù tuy xuất khẩu gạo thứ 2 thế giới nhưng không thể vào những thị trường giàu tiềm năng như các nước châu Âu, Bắc Mỹ và chất lượng thì thua xa gạo Nhật), hãy nghĩ đến những nông sản khác, vì chúng ta không chỉ vin vào hạt cơm để mà sống, để mà xuất khẩu.
Việc tạo ra các giống GMO kháng sâu bệnh đồng thời cắt giảm lượng thuốc trừ sâu được dùng cho việc trồng trọt, đồng nghĩa với bảo vệ môi trường. Hơn nữa, nếu theo cách nuôi trồng thực phẩm Organic thì có 1 hạn chế là năng suất sẽ thấp khi người nông dân phải tỉ mỉ bắt sâu, đuổi chim, tất cả manually mà không dùng bất kỳ một hóa chất nào. Thêm với đó là giá thành cao ngất ngưỡng của các sản phẩm Organic thì bao nhiêu người Việt Nam đủ điều kiện kinh tế để dùng? Hãy nhìn dưới góc nhìn bao quát hơn, cho một đất nước và một xã hội.
- Báo cáo

Nguyen Ha Phuong
Về việc nông dân không tự trữ hạt: người nông dân có các hạt giống bản địa nhưng không có các hạt giống cây trồng GMO và các giống lai. Các cây lai có năng suất cao, GMO đều chỉ hiệu quả ở thế hệ f1, nghĩa là sau mỗi vụ, nông dân lại phải đi mua giống mới, nếu họ trữ hạt, đối với giống lai tại Việt Nam ( luật bản quyền ko quá chặt chẽ) thì sản phẩm vẫn không tốt so với lứa f1 đầu tiên mua từ phòng nghiên cứu, bị thoái hóa chất lượng; còn với GMO, ko những sản phẩm ko đạt chất lượng, họ còn đối mặt với nguy cơ bị kiện, đi tù, bồi thường vì vi phạm bản quyền trong việc sử dụng trái phép giống của các công ty. Cái này tùy thuộc vào hợp đồng giữa nông dân và công ty, nhưng trong câu chuyện này thì người nông dân luôn cầm đằng lưỡi. Nếu bạn chưa hiểu, xin hãy google và tìm hiểu thêm.
Bình luận của mình chính là mang nội dung: hãy sử dụng và phát triển giống bản địa.
GMO ko thể giúp bạn đa dạng về các sản phẩm nông nghiệp, chi phí GMO quá đắt đỏ, họ chỉ phát triển trên những sản phẩm có thị phần cao: ngô, đậu nành, bông.. số lượng không hề nhiều. Hơn nữa những sản phẩm đó không đặc trưng, giá thành thấp, điều này chỉ biến Việt Nam thành công xưởng của thế giới, gánh chịu hậu quả, bán mạng với mức lương rẻ bèo ( và càng ngày càng rẻ khi GMo được nhân rộng ra nhiều quốc gia hơn) Trong khi bài toán cơ bản của kinh tế là: cái gì càng hiếm, càng có giá, cái gì càng bỏ ra ít, càng lãi cao. Chúng ta không nên lo lắng về không có đủ gạo ( hay bất cứ thứ gì) để xuất khẩu, mà nên lo lắng vì chúng ta không đủ CHẤT LƯỢNG để xuất khẩu, không đủ Độc đáo để bán với giá cao. Đừng nói GMO là tiêu chuẩn xuất khẩu, vì có rất nhiều nước cấm GMO, nhưng Oganic hoặc các sản phẩm địa phương đạt chất lượng về an toàn môi trường thì có thể đi đến bất cứ đâu.
Việc dùng GMO không hề giảm thiểu tác hại về môi trường. Cái này quay lại việc bạn nghĩ như thế nào là gây hại đến môi trường: phun thuốc trừ sâu? nhưng gây hại đến môi trường còn có cả việc hủy diệt hệ sinh thái, đa dạng sinh học, trong khi đa dạng sinh học chính là chìa khóa để bảo vệ môi trường sống của bất cứ loại nào ( cả con người). Môi trường đa dạng và lành mạnh có thể tự nó dung hòa thuốc trừ sâu, nhưng một môi trường bị khai thác đến mức khốc liệt và kiệt quệ, thì không có khả năng tự phục hồi. Luận điểm này hơi khó hiểu, nếu bạn quan tâm, xin tự mình hãy tìm hiểu thêm. Và cách trồng Oganic là sử dụng các sản phẩm thuốc trừ sâu từ thiên nhiên, được nghiên cứu để không làm hại đến môi trường, chứ ko có nghĩa là bắt sâu bằng tay bạn nhé. Không ai có thể bắt sâu bằng tay cả, chỉ đơn giản là họ dùng các biện pháp khác: rẻ tiền hơn, chủ động hơn và an toàn hơn mà thôi.
- Báo cáo