dan-ong-bi-cai-gi-vay

Tại sao những người tồi tệ nhất lịch sử loài người lại thường là đàn ông?

 Lời người dịch: Bài viết có chứa một số ngôn từ có phần khiếm nhã để phù hợp với giọng văn của tác giả. Mong các bạn vui lòng cân nhắc khi đọc.

Robert Escobar là một người đàn ông thấp người, khòm lưng. Ông giờ đây đã già và gần như bị mù và điếc sau khi bị một lá thư gài bom nổ vào mặt vài năm trước. Hốc mắt ông sâu, lộ ra hai vùng trũng to bằng quả bóng golf trên gương mặt. Ánh mắt của ông chẳng có tí sức sống nào. Ánh mắt ấy lướt qua người bạn, như thể bạn chỉ là một hình chiếu ba chiều.
Buổi gặp gỡ người anh trai của Pablo Escobar là một trong những khoảnh thời gian đáng thất vọng nhất trong cuộc đời tôi. Ở Medellin, Colombia, bạn có thể đến nhà của Roberto. Trên thực tế, có cả một ngành công nghiệp du lịch sinh sôi nảy nở xunh quanh nhà Escobar. Đa số đều được chính gia đình Escobar quảng bá và nâng đỡ, vì ngày nay chúng là cách duy nhất để họ có thể kiếm tiền (theo như vẻ bề ngoài).
Những du khách khác và tôi lắng nghe Roberto trình bày những câu chuyện về ông, về Pablo và về tổ chức buôn lậu, những câu chuyện chắc hẳn đã được lặp đi lặp lại cả trăm lần rồi. Ông kể chuyện với vẻ trống rỗng. Ông nói tiếng Tây Ban Nha với giọng phát âm đơn điệu, có khi không thể nghe ra. Đôi lúc khi đang nói chuyện, ông đưa tay ra đặt lên người bạn, giống như điều một chính trị gia thường làm, chỉ là cái cách ông thực hiện không hề có cảm xúc, không hề có sự cuốn hút. Cứ như thể ông đang đảm bảo rằng bạn vẫn ở đây - rằng ông ấy vẫn ở đây.
Có một cái bàn nhỏ trên hiên nhà chất đầy những DVD, bưu thiếp, và, tất nhiên, sách của ông. Bạn có thể mua chúng và trả tiền gấp đôi cho bản có chữ ký.
Ông ấy cứ nhắc bạn mua suốt thôi.
Cho những ai không biết (hoặc những ai không có Netflix), người em trai nổi tiếng của Roberto, Pablo Escobar, là thủ lĩnh của Tổ chức Ma túy Medellin, là trùm ma túy giàu nhất và bạo lực nhất lịch sử loài người. Bắt đầu từ năm 1975, Pablo xây dựng đế chế tỷ đô la của mình bằng việc giới thiệu với thế giới sự kỳ diệu của cocaine. Những thương vụ buôn lậu của hắn đã tạo nên cơn sốt ma túy ở Mỹ cuối thập niên 70 và đầu thập niên 80, kéo theo những làn sóng tội phạm, dịch crack cocaine, và cuối cùng là những chính sách Chiến tranh Ma túy của chính quyền Mỹ vẫn còn hiệu lực đến ngày nay.
Trong thời kỳ đỉnh cao của Pablo, thật khó có thể định lượng quyền lực của ông. Ông vung tiền xây cả một khu phố cho hàng nghìn người nghèo khó để mua phiếu bầu vào được nghị viện Colombia. Trong thập niên 80, Forbes ước lượng ông là người giàu thứ bảy thế giới với giá trị tài sản vào khoảng 35 tỷ đô la Mỹ (tương đương 81 tỷ đô la Mỹ năm 2017). Trong quyển sách của mình, Roberto nói rằng có một thời điểm tổ chức kiếm được nhiều tiền đến nỗi mỗi tháng phải dành ra 2,500 đô la chỉ để mua dây thun buộc các cọc tiền.
Để giữ quyền lực, Escobar rất tàn nhẫn. Ông không dùng bạo lực để trừng phạt kẻ thù, mà để gửi đi một thông điệp. Có một lần ông đã róc da một người sống và cột hắn vào thân cây, để mặc chảy máu đến chết giữa cái nắng nóng ở Colombia. Khi chính phủ báo sẽ giao nạp ông cho nước Mỹ xử lý tội buôn lậu ma túy, ông triển khai tấn công khủng bố hàng nghìn người dân như một hình thức hăm dọa. Nghị viện phải tiến hành họp khẩn sửa đổi hiến pháp để dẫn độ trở nên bất hợp pháp, như vậy Escobar mới dừng đánh bom các trung tâm thương mại và giao lộ đông người. Trong thời gian thống trị, Pablo sát hại nhiều thẩm phán, mua chuộc toàn bộ cán bộ nhà tù, mời những cầu thủ bóng đá xuất sắc nhất thế giới đến cùng chơi bóng trong sân của mình, và cho đến khi qua đời, ông gây chiến tranh hỗn loạn trên các con phố ở Medellin, giết chết gần 500 nhân viên cảnh sát.


Chuyến tham quan trải qua ba mươi phút, tôi trộm nghĩ Roberto Escobar là người rối loạn nhân cách phản xã hội đầu tiên mà tôi từng gặp. Trong lúc thao thao bất tuyệt câu chuyện về những phi vụ buôn lậu xuyên Panama của Pablo, và cách ông đe dọa giết hại toàn bộ gia đình của bất kỳ cảnh sát nào bắt mình, ông nói sẽ vui vẻ chụp hình cùng chúng tôi với một khoản phí nhỏ. Tôi không biết là tôi muốn đấm ai hơn, ông ta hay những du khách người Mỹ trẻ tuổi đồng ý trả tiền.
Ma túy, tiền bạc, bạo lực, ma túy, tiền bạc, bạo lực - buổi chiều hôm ấy diễn ra tương tự. Nôn nao muốn biết liệu người đàn ông này có chút tính người nào không, tôi hỏi về hồi ức đẹp nhất của ông với Pablo. Tôi muốn cảm nhận được một chút cảm xúc nào đó từ người đàn ông này, một chút sâu sắc nào đó vượt trên những phân tích tổn thất/lợi ích về sự sống và cái chết.
Ông kể quanh co một câu chuyện mờ nhạt về một lần ông giúp Pablo vượt ngục. Tôi hỏi thêm, “Por qué esa memoria?” Tại sao? Tại sao lại là hồi ức đó?
Ông đáp, “Đó là lần đầu tiên và lần duy nhất em ấy nói rằng tôi làm tốt lắm.” Lần duy nhất? Roberto là người giữ sổ sách của Pablo, là người hắn tin tưởng nhất trong suốt gần 20 năm. Là anh trai ruột của hắn. Chỉ có thế thôi sao?
Câu chuyện của Roberto chứa đựng một chút cảm xúc, nhưng tôi vẫn chỉ nhận được một ánh nhìn trống rỗng. Vậy nên tôi tiếp tục tiến tới. “Thế còn tuổi thơ? Ông và Pablo khi còn nhỏ như thế nào?”
Một khoảng lặng. “Chúng tôi thường hay đi câu cá.”

Chúng tôi kết thúc ở đó. Ông xoay người và nhắc nhở rằng nếu chúng tôi mua DVD, chiếc thứ hai sẽ được giảm nửa giá.
Tại sao những người tồi tệ nhất lịch sử loài người lại thường là đàn ông?
Khi tham quan nhà Escobar, tôi nghĩ: tại sao những người tàn nhẫn và bạo lực nhất lịch sử luôn là đàn ông? Nếu thực sự có một người đàn bà siêu bạo lực, nghiện ngập và bạo dâm, tôi chắc chắn là chưa bao giờ nghe tới cô ấy. Hay kẻ độc tài giết người không gớm tay? Chỉ huy quân nổi loạn? Kẻ giết người liên hoàn? Đầu gấu ngoài sân chơi? Đâu đâu cũng chỉ thấy toàn là đàn ông.
Nam giới gây ra hơn 76% tội ác bạo lực tại Mỹ. Trên toàn thế giới thì con số đó còn cao hơn.
Nam giới có khả năng gây án giết người cao gấp 10 lần nữ giới, và tỷ lệ vào tù cũng cao hơn gấp 9 lần. Nam giới gây ra 99% các vụ cưỡng hiếp và tấn công tình dục có báo án. Và các cậu trai cũng có liên quan đến 95% các tội ác bạo lực ở tuổi vị thành niên.
Bất cứ ai lớn lên cùng dương vật hay ở gần người có dương vật đều biết rằng con trai rất tàn nhẫn. Khi tôi còn nhỏ, chúng tôi thường lấy trộm diêm trong nhà bếp, bắt bọ và thiêu sống chúng rồi cả đám lăn ra cười. Mấy đứa khác còn châm pháo nhét vào hộp thư của người khác xem có nổ không. Trong phố tôi có một cô bé tên Cynthia. Một lần tụi tôi chọi trứng vào người cô bé làm cô bé khóc. Tụi tôi là mấy thằng khốn. Và khi tôi nghĩ lại, tôi không thể nghĩ ra bất kỳ logic hay lý do gì đằng sau những hành động ấy.
Nhưng tôi không hề khác thường. Đa số các cu cậu cùng tuổi tôi đều nghịch ngợm và tàn nhẫn như vậy. Anh trai tôi thường hay đánh tôi ra bã. Và bạn nghĩ mấy trò nghịch phá của tôi từ đâu mà ra? Từ anh ấy với bạn của anh ấy chứ đâu.
Tại sao đàn ông lại như con c*c vậy? Ngay cả cái từ đấy, “con c*c”, bộ phận sinh dục nam, được dùng để chỉ những thứ thô lỗ và phản cảm. Tại sao lại là chúng ta? Tại sao lại là đàn ông? Có yếu tố sinh học sao? Chúng ta tiến hóa thành như vậy sao? Chúng ta vốn đã hung hăng hơn sao? Đó là một phần của tâm lý nam giới? Liệu có áp lực xã hội không lành mạnh nào khiến ta hành động không đúng mực như thế không? Đàn ông chỉ đơn giản là độc ác thôi sao? Có ai không? Trả lời tôi đi?

Lịch sử bạo lực của đàn ông

Lịch sử loài người đầy rẫy những cạnh tranh và bạo lực. Hầu như không có bất kỳ thời điểm nào trong hành trình tiến hóa của loài người mà ta không giết hại lẫn nhau bằng bất kỳ cách thức nào.
Cạnh tranh và bạo lực hiện diện vì một lý do đơn giản là tài nguyên khan hiếm, và lợi thế dành cho bộ lạc/xã hội sau khi chinh phục/điều khiển những nguồn tài nguyên ấy là rất lớn. Vì vậy nên con người chiến đấu với nhau. Và họ phải tiếp tục chiến đấu vì một khi bạn giành được vùng đất hoặc vàng hoặc dòng sông nước ngọt với rất nhiều chuối mọc xung quanh, bạn phải bảo vệ nó.
Trong xã hội loài người, người thích nghi tốt nhất với các cuộc chinh chiến và khám phá không ai khác ngoài những chàng trai trẻ. Thứ nhất, vì họ là những người mạnh nhất và có khả năng nhất. Nhưng ngoài ra cũng vì họ trẻ và muốn chứng tỏ rất nhiều điều. Những xã hội thành công nhất thường là những xã hội phát triển văn hóa tuyên dương và trọng thưởng các chàng trai trẻ tinh thông bạo lực và chinh chiến. Những chàng trai trẻ này không chỉ là người tạo nên sự lớn mạnh và thịnh vượng trong tương lai, mà còn là những người bảo vệ. Họ bảo vệ cộng đồng khỏi những quái thú hoang dã, chiến đấu với quân xâm lược, và giết những con nhện nhớp nháp.
Nam tính từ trước đến nay đều xoay quanh ba chữ P: protector (người bảo vệ), provider (người cung cấp), procreation (nguồn sinh sản). Bạn bảo vệ càng nhiều, bạn cung cấp càng nhiều, bạn chịch càng nhiều, thì bạn càng nam tính.
Ngày nay, trong đa số trường hợp, nam tính vẫn được định hình bằng những yếu tố đó, dù 3 chữ P ấy có chút khác biệt ở những nền văn hóa khác nhau. Đó là lý do thằng cha chịch hết nửa số chị em phụ nữ trong trường được gọi là soái ca, còn con nhỏ “thổi kèn” cho cả đội bóng chày thì được gọi là con đĩ. Đó là lý do người phụ nữ phát biểu trong một cuộc họp Hội động được xem là chua ngoa và chảnh chó, còn người đàn ông đặt điều người khác và hạ nhục họ trước mặt mọi người thì được xem là một vị lãnh đạo bạo dạn và mạnh mẽ.
Nhưng phiên bản nam tính này tiến hóa vì một lý do lợi ích xã hội - để bảo vệ chúng ta khỏi kẻ xâm lược, bảo vệ khu ta sống và giết gấu giết hổ. Chúng ta cần đàn ông để chịch vì khoảng nửa số con cái của các bạn có khi không sống sót được đến tuổi dậy thì. Ta cần họ cung cấp cái ăn cái mặc vì bạn không bao giờ biết được khi nào mùa đông ác mộng sẽ lại ập đến.
Và không ai quan tâm đến cái giá của hình thức nam tính này - đối với sức khỏe và sinh mạng của chính người đàn ông, và với xã hội về bạo lực và thống trị. Ai thèm quan tâm nếu đàn ông chết, đau khổ, và mất hết lý trí với tỷ lệ đáng kinh ngạc? Đó chỉ đơn giản là cái giá phải trả cho sự bảo vệ và phồn vinh (và cả em bé nữa).
Vấn đề là hiện tại, nhiều điều đã thay đổi trong vài thế kỷ qua làm cho những thứ ngày nay đúng nhưng trong quá khứ thì không:
1. Nam tính truyền thống không còn cần thiết để xây dựng xã hội lành mạnh và hoạt động bình thường. Chúng ta không còn sống dưới mối đe dọa xâm lược luôn thường trực. Chúng ta cũng không còn bị thú hoang dã tấn công hằng ngày. Em bé sống tốt và sống khỏe, trên thực tế, ngày nay điều quan trọng là lên kế hoạch lập gia đình thay vì vác “súng” tung hoành muôn nơi. Và phụ nữ cũng có thể dễ dàng đảm đương rất nhiều công việc cần thiết cho nền kinh tế ngày nay.
2. Cái giá của nam tính truyền thống, cả kể với người đàn ông và với xã hội, không còn xứng đáng với lợi ích nhận được.
Cái giá ẩn giấu của việc là đàn ông
Khi tôi còn nhỏ, nếu tôi bị té trên sân chơi và bắt đầu khóc, tiếng khóc của tôi thường được đáp lại bằng, “Đứng dậy. Con trai phải mạnh mẽ lên nào.” Nếu tôi bị anh trai đánh, bố sẽ bảo tôi phải đánh lại. Những đứa trẻ khác trong trường sẽ chế giễu những đứa con trai yếu ớt hoặc chơi thể thao kém. Khi ở tuổi thiếu niên, tôi còn hay bị bắt nạt trong phòng tủ đồ vì tôi là một thằng mọt sách.
Chuyện này cũng bình thường thôi. Bình thường đến nỗi tôi còn cảm thấy ngu ngốc khi viết ra vì tôi đoán rằng mỗi một độc giả nam đều có thể liên hệ bản thân với những trải nghiệm trên. Người ta thường bảo là “nam nhi phải đáng mặt nam nhi”. Và điều đó có một lịch sử văn hóa dài.
Nhắc lại một lần nữa, trong đa số các nền văn minh, những chàng trai trẻ là người chịu trách nhiệm bảo vệ xã hội. Đến khi trưởng thành, họ cần phải có kinh nghiệm chinh chiến và thể chất khỏe mạnh - sự sinh tồn của cả cộng đồng thường dựa vào điều ấy. Kết quả, bạo lực thể chất giữa đàn ông (thông qua các môn thể thao) được ca ngợi (và đến ngày nay vẫn vậy, dù điều nay đang bắt đầu thay đổi). Và những người đàn ông không thể thực hiện điều đó sẽ xấu hổ vì thể chất yếu ớt, vì thể hiện cảm xúc và nhu cầu tình cảm. Đàn ông là phải có tính cạnh tranh tàn khốc, và tự mãn vô cảm xúc.
Và đó là cái giá ẩn giấu cho sự thống trị thể chất, và sau này là chính trị, trong xã hội loài người - là đàn ông, chúng ta được dạy từ thuở nhỏ là phải che giấu cảm xúc thay vì phô bày ra ngoài.

(Thể hiện nỗi đau và tổn thương dẫn đến việc đứa trẻ bị gọi là “thằng đàn bà” hay “thằng mít ướt”)

Điều này có thể không khiến bạn ngạc nhiên, nhưng kìm nén cảm xúc khiến con người rối loạn. Và nhục mạ người khác vì sự yếu ớt và mong manh của họ có thể dẫn đến rất nhiều những vấn đề sức khỏe tâm lý, chưa kể điều ấy còn thôi thúc họ đi theo hướng chống đối xã hội (ví dụ, xả súng ở trường học, hay phóng xe vào giữa đám đông, đăng ký làm chiến binh cho tổ chức tôn giáo điên khùng nào đó - nghe quen chứ hả?)
Đàn ông tự tử nhiều hơn phụ nữ gấp năm lần, còn nam thiếu niên tự tử nhiều hơn các bạn gái gấp chín lần. Họ cũng được chẩn đoán trầm cảm và ADHD (Rối loạn tăng động giảm chú ý) với tỷ lệ 4/1 so với nữ giới cùng tuổi. Đàn ông chiếm ⅔ dân số vô gia cư, có tỷ lệ nghiện rượu cao gấp hai lần và tỷ lệ nghiện ma túy cao gấp ba lần. Nhiều dẫn chứng cho thấy đàn ông ít tìm đến trợ giúp chuyên môn, cả về mặt y học lẫn những mặt khác, ngay cả khi phải chịu đựng những vấn đề sức khỏe hay trầm cảm nghiêm trọng.
Đàn ông là nạn nhân của đa số các vụ án bạo lực, nhưng lại rất ít khi báo án vì sợ trở nên yếu kém trước mặt người khác. Một khảo sát cho thấy 40% các nạn nhân bạo lực gia đình là nam giới, nhưng họ ít báo án hơn và cảnh sát cũng không mấy tin lời họ. Nam giới làm những công việc nguy hiểm hơn nhưng ít khi báo cáo chấn thương khi làm việc. Nam giới làm nhiều giờ hơn, ít nghỉ phép và nghỉ ốm hơn, mắc những triệu chứng căng thẳng mãn tính và mệt mỏi nặng nề hơn. Nam giới còn thiệt mạng trong công việc với tỷ lệ cao đáng sợ. Nói ngắn gọn, đa số đàn ông xem bản thân không hơn không kém một cọc tiền lương biết đi.


(Nam giới làm những công việc nguy hiểm nhất và tỷ lệ thiệt mạng khi làm việc cao đến mức khó tin.)
Phụ nữ khởi xướng hơn 70% cuộc ly hôn và ly thân với lý do thường gặp nhất là “cảm xúc hờ hững” đến từ các ông chồng. Những cuộc ly hôn ấy cũng là đòn giáng mạnh nhất vào đầu đấng mày râu: đàn ông vừa ly hôn rất dễ mắc chứng trầm cảm, nghiện rượu, bệnh tâm thần và tự tử so với phụ nữ.
Nếu không có phụ nữ, đàn ông là những kẻ bất tài về mặt cảm xúc, kết hôn là việc lành mạnh nhất mà người đàn ông có thể làm trong cuộc đời họ. Một nghiên cứu về kìm nén cảm xúc đã chỉ ra rằng: “kìm nén cảm xúc là nguyên nhân hàng đầu khiến nam giới chết sớm hơn (so với nữ giới).”
Người đàn ông có gia đình sống lâu hơn và có chất lượng cuộc sống cao hơn, cả về hạnh phúc lẫn tuổi thọ. Hôn nhân rất quan trọng đối với sự ổn định cảm xúc nam giới đến mức một số nhà xã hội học cho rằng kết hôn có thể tăng tuổi thọ nam giới thêm gần một thập kỷ. Đàn ông lớn tuổi có một cuộc hôn nhất tốt sẽ ít nguy cơ bị bệnh tim, ung thư, Alzheimer, trầm cảm, và căng thẳng thần kinh so với người độc thân.
Để tôi nói rõ hơn: Không giải quyết vấn đề cảm xúc có thể giết chết bạn hoặc khiến bạn điên đấy.
Vì sức mạnh và quyền lực của mình, đàn ông chúng ta tất nhiên chết rất nhanh và thường xuyên. Vì những tham vọng toan tính, ta thường có kết cục khốn khổ, bạo lực, và cả tự sát. Và vì sự ngạo mạn của mình, ta dựa dẫm vào phụ nữ trong chuyện cảm xúc và hạnh phúc.
Trớ trêu thay, nhân loại chẳng có tí nam tính gì cả.

Giàu và giết chóc thì có gì sai?

Cùng ngày hôm ấy, chúng tôi đi tham quan nhà cũ của Escobar. Nơi ấy đầy những hình ảnh và kỷ vật từ thập niên 90. Khi đang lảm nhảm về những khai phá của Pablo, Roberto có nói ông đã thi đấu Tour de France khi còn trẻ. Tôi nhanh chóng tra Google trên điện thoại và phát hiện đó là nói dối. Trước đó ông đã cố thuyết phục chúng tôi rằng mình đã tìm ra phương thuốc chữa AIDS, nhưng chính phủ Mỹ giấu nhẹm nghiên cứu này. Tôi chẳng thèm tìm hiểu về điều đó.
Với tất cả quyền lực, của cải, và sự chi phối cả đất nước, văn hóa lẫn con người, Roberto khiến tôi cảm thấy ông ấy thật thảm thương. Bề ngoài, đây là một người đàn ông đã nếm trải quyền lực không thua kém bất kỳ ai trên thế giới này. Thế nhưng nỗ lực gây ấn tượng với chúng tôi khiến điều đó cứ như là ảo tưởng. Làm sao một người đàn ông quyền lực như vậy lại bất an như thế?
Dù vậy, khi chúng tôi đi bộ dọc hành lang nhà Escobar treo đầy hình gia đình và lỗ đạn, căn nhà chất chứa hàng nghìn sinh mạng và rải máu khắp hai lục địa, tôi rất cố gắng để cảm thông với người đàn ông này.
Rất dễ để nhìn nhận thành quả cuộc sống của một người đàn ông và đánh giá mà không quan tâm đến quá trình dẫn đắt họ đến với những thành quả ấy.


Có lẽ Roberto Escobar không phải lúc nào cũng nhẫn tâm và ảo tưởng như thế. Có lẽ việc đặt trọn cả cuộc đời và danh tính của mình vào người em trai đến cả một câu tự hào về anh trai cũng không nói nổi đã buộc ông phải chấp nhận một số phận nghiệt ngã hơn. Có lẽ lớn lên trong nghèo khó ở vùng nông thôn Colombia với cả chục anh chị em và mồ côi cha khiến ông cảm thấy cô đơn không thể chịu đựng được. Vì vậy nên ông dập tắt mọi cảm xúc. Ông gạt bỏ tất cả và chọn cách chỉ nhìn nhận thế giới theo cách ông cho là hợp lý - chỉ có tiền và lợi nhuận. Có lẽ lá thư bom hủy hoại khuôn mặt ông nhiều năm trước đã cướp đi không chỉ là thị giác và thính giác.
Vấn đề của công thức nam tính truyền thống - bảo vệ, cung cấp, sinh sản - là nó yêu cầu người đàn ông phải định lượng giá trị bản thân bằng những thước đo ngẫu nhiên bên ngoài.
Giờ thì ai cũng biết rằng không nên gắn giá trị bản thân chỉ với số tiền kiếm được. Dù vậy, trong vô thức ta luôn áp đặt điều đó lên đàn ông. Những phụ nữ có giáo dục hay phàn nàn đàn ông nông cạn và chỉ muốn hẹn hò các cô gái trông giống như người mẫu Victoria Secret. Nhưng mà các cô à, có cô nào chịu lấy một gã lao công không?
Chúng ta bất công cụ thể hóa phụ nữ trong xã hội bằng sắc đẹp và hấp dẫn tình dục. Tương tự, ta cũng bất công cụ thể hóa đàn ông bằng thành công trong sự nghiệp và tính hiếu chiến.
Nhưng vấn đề lớn nhất của những thước đo bên ngoài này - làm ra nhiều tiền hơn, mạnh hơn và oai hơn đối thủ, làm tình nhiều nhất có thể - là chúng không có hồi kết. Nếu bạn định lượng bản thân bằng số tiền bạn kiếm được, thì bạn có kiếm được bao nhiêu tiền cũng sẽ không đủ. Nếu bạn định lượng bản thân bằng sức mạnh và vẻ oai phong, thì không có quyền lực nào thỏa mãn được bạn. Nếu bạn định lượng bản thân bằng số lần làm tình, thì bạn tình nhiều bao nhiêu cũng không đủ.
Đó là những thước đo đúng của xã hội trong hàng nghìn năm qua ở mức độ toàn dân, nhưng khi xét trên mức độ cá thể, chúng khiến người đàn ông hỗn loạn, hủy hoại lòng tự trọng và buộc anh ta phải cụ thể hóa bản thân, để nhìn nhận bản thân không còn là con người với ưu điểm và khuyết điểm, đức hạnh và sai lầm, mà là một vật chứa không có đặc quyền nào khác ngoài tích trữ càng nhiều quyền lực và uy tín càng tốt.

Và kết cục của bạn là gì?

Trùm ma túy tỉ phú một thời, lừa gạt một nhóm người lạ, tự xưng mình từng là vận động viên đẳng cấp thế giới và nhà nghiên cứu y học đẳng cấp thế giới. Cứ như là, “Này, ông còn cần cái gì nữa?” Và câu trả lời với người như Escobar là: nhiều hơn nữa. Luôn là nhiều hơn nữa.
Và chính cái “nhiều hơn nữa này” là thứ hủy hoại gia đình ông, bên cạnh đó còn có cả một đất nước và hàng triệu sinh mạng. Nó cướp đi một người cha. Một người chồng. Nó cướp đi một phần bản thân ông.
Chuyến tham qua nhà Escobar của chúng tôi kết thúc ở một nghĩa trang. Vào ngày 2 tháng 12 năm 1993, Pablo gọi điện thoại cho con trai để chúc mừng sinh nhật con. Pablo không thường đích thân gọi điện thoại, nhưng trong dịp như thế, điều này có vẻ hợp lý. Rồi ông ngồi ăn bữa trưa với mẹ. “Cậu ấy luôn ưu tiên gia đình,” Roberto nói, không chút mỉa mai. Vài phút sau Pablo nhận được tin mật rằng cảnh sát đã tìm được ông và đang trên đường đột kích căn nhà. Ông đã trốn thoát được, nhưng chỉ trong vài giờ. Chiều hôm ấy, Pablo bị bắn khi đang nhảy qua các nóc nhà ở Medellin, nỗ lực cuối cùng để giải cứu bản thân.
Không ai biết liệu Pablo bị cảnh sát bắn hay tự bắn mình. Dù sao thì, một viên đạn đã xuyên qua hộp sọ Pablo từ phía sau tai và kết liễu ông ngay lập tức. Ông rớt xuống mặt đất bên dưới, nơi cảnh sát chụp hình tạo dáng bên cạnh xác chết. Không phải chỉ là một cái chết, không phải chỉ là một chiến công - một trong những người đàn ông giàu nhất và tác ác nhất lịch sử hiện đại đã bị hạ gục bởi chính sự bạo lực của ông ta. Nếu là người khác thì những tấm hình sẽ cực kỳ bệnh hoạn: hàng tá những mảnh vụn và súng ống, ai ai cũng nở nụ cười giữa dòng máu chảy.
Trong nghĩa trang, chúng tôi được dẫn đến một rừng cây nhỏ. Quang cảnh rất sạch sẽ và tươm tất. Sỏi được trải thành một hình vuông bao quanh khoảng đất có nửa tá bia mộ xếp thành hàng. Có hai tấm bia to hơn số còn lại. Đó là phần mộ của nhà Escobar. Không hề có dấu vết phá hoại hay lăng mạ. Đã chết là không còn thành kiến.
Một trong những bia mộ lớn nhất có tên của Pablo. Tấm bia rất đơn giản: chỉ là cái tên với một vài ngày tháng. Bên cạnh là mẹ và em gái của ông. Phía dưới là các anh chị em khác và những thành viên gia đình đã mất tích.
Chỉ duy nhất không có người cha.
Ghi chú:
1. Roberto’s book is called The Accountant’s Story: Inside the Violent World of the Medellin Cartel.↵
2. U.S. Department of Justice. “Criminal Victimization in the United States, 2008 Statistical Tables.” National Crime Victimization Survey.↵
3. “Sex Differences in Crime.” Wikipedia.↵
4. Greenfeld, L. A. Sex Offenses and Offenders: An Analysis of Data on Rape and Sexual Assault. U.S. Department of Justice, Bureau of Justice Statistics, 1997.↵
5. Kindlon, Dan; Thompson, Michael. Raising Cain: Protecting the Emotional Life of Boys. Ballantine (2000).↵
6. Cynthia, if you’re somehow reading this, I’m sorry.↵
7. Yes, girls can be very cruel too, but even though a lot of people think girls are more “relationally” cruel while boys are more direct and physically cruel, some studies suggest that might not actually be the case: boys might just be crueler than girls all around. See: Orpinas, P., McNicholas, C., & Nahapetyan, L. (2015). Gender differences in trajectories of relational aggression perpetration and victimization from middle to high school. Aggressive Behavior, 41(5), 401–412.↵
8. Another facet here that is worth mentioning is that, reproductively speaking, men are far more expendable. One woman can only birth one child at a time, but a man can father dozens of children at once. So if you have a tribe and half the women die, that could bring about a catastrophe for the population. Whereas killing off half the men, the survivors just get to benefit from twice the women. It’s likely that this kind of dynamic helped evolve a culture of “valiant hero gets the hot chicks when he comes home” meme that has weaved its way through history and persists today.↵
9. The exception here often being anger.↵
10. “Suicide Statistics” From Suicide.org.↵
11. Parker-Pope, Tara. “Suicide Rates Rise Sharply in U.S.” The New York Times Online, 3 May, 2013.↵
12. “Who Is Homeless?” National Coalition for the Homeless.↵
13. “Differences in Patterns of Drug Use Between Men and Women.” European Monitoring Centre for Drugs and Drug Addiction.↵
14. Addis, Michael E. Mahalik, James R. “Men, Masculinity, and the Contexts of Help Seeking.” American Psychologist. Vol. 58, No. 1, pp. 5-18.↵
15. “More than 40% of Domestic Violence Victims are Male, Report Reveals,” The Guardian. 4 September, 2010.↵
16. For an exhausting list of statistics like this, check out Warren Farrell’s brilliant The Myth of Male Power, Berkley (2001).↵
17. Meyer, Cathy. “Why Most Divorces Are Initiated By Women.”↵
18. Morrison, Kyle. “Men After Divorce: Ego, Self Esteem, and Recovery.” The Huffington Post. 1 May, 2013.↵
19. Jansz, Jeroen. “Masculine Identity and Restrictive Emotionality.” Gender and Emotion: Social Psychological Perspectives. Cambridge (2000), pp. 167-186.↵
20. “Marriage Linked to Better Survival in Middle Age; Study Highlights Importance of Social Ties During Midlife.” Science Daily, 10 January, 2013.↵
21. “Study: Married Couples Live Longer.” CBSLocal Cleveland, 14 November, 2012.↵
Người dịch: Thợ Săn Tiền Thưởng
Nguồn: https://markmanson.net/whats-the-problem-with-men