Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần giải thích được 2 vấn đề chính: 1 liên quan đến vật lý - thiên văn, 1 liên quan đến sinh học.
1) Vì sao Trái Đất (một nơi thích hợp cho con người sinh sống) tồn tại?
2) Tại sao sự sống lại phát triển thành con người? Sau con người là gì, và nếu thế thì bao lâu nữa?
Bằng vốn kiến thức có hạn và một vài suy nghĩ nhanh (không có trích dẫn trực tiếp mà chỉ là nhớ lại), người viết chỉ xin đưa ra một vài lý do giải quyết vấn đề thứ nhất.
Trước hết, Trái Đất may mắn nằm trong sự giao thoa của rất nhiều "vùng an toàn", an toàn cho sự sống có thể tồn tại được. Các nhà khoa học đã lập ra một danh sách các "vùng an toàn" này, nó dài đến mức rất nhiều nhà khoa học đã tin rằng có một Thượng Đế/Chúa đã tạo ra vũ trụ, tạo ra Trái Đất, sự sống và con người. Bởi vì chỉ cần nằm ngoài một vùng an toàn thôi, chúng ta sẽ không thể ngồi đây và đang chăm chú đọc những dòng này.
Thiên Hà của chúng ta nằm ở một vùng an toàn trong vũ trụ, giữ khoảng cách vừa đủ với các thiên hà khác để tránh va chạm. Hệ Mặt trời nằm ở vùng rìa thiên hà, cách xa lỗ đen siêu khủng khiếp tại tâm thiên hà, nhưng cũng đủ gần để lực hấp dẫn giữ lại, tránh việc bị quăng  vào không gian.
Trái Đất thì lại nằm ở khoảng cách hợp lý với Mặt Trời, làm cho nhiệt độ luôn ở một mức chấp nhận được để sự sống tồn tại. Nếu nằm quá xa như sao Hỏa, màn đêm sẽ lạnh khủng khiếp, hơn cả Bắc Cực, và nước bị đóng băng. Nắm gần hơn như sao Kim, hiển nhiên là nhiệt độ sẽ quá cao khiến nước bị bố hơi. Thậm chí, Mặt Trăng, vệ tinh của Trái Đất, cũng giữ một khoảng cách vừa đủ (nằm ở đâu đó giữa tình bạn và tình yêu - có thể là friendzone). Đủ gần để tạo ra các lực hấp dẫn lên các vật thể trên Trái Đất, nhưng không quá gần để khỏi hút bay cả bầu khí quyển và mặt nước lên không trung. Trái Đất nằm ở nhiều vùng an toàn khác: an toàn với sao Hỏa, sao Mộc, với vành đai vệ tinh sao Mộc, khoảng an toàn ở giữa hệ Mặt Trời, ...
Cứ như là có một Chúa đặt Trái Đất vào đúng vị trí đó, chỉ một vị trí đó để rồi tạo nên sự sống. Điều này dẫn đến các quan điểm tôn giáo, và thuyết vị nhân yếu: "Trái Đất được đặt đúng vị trí trong vũ trụ để con người có thể tồn tại".
Vài người thì tỏ thái độ bàng quan hơn, rằng trong hàng tỷ tỷ hành tinh trong vũ trụ này, mặc dù xác xuất để có một hành tinh rơi vào vùng giao thoa của rất nhiều vùng an toàn (như sự may mắn của Trái Đất) là rất nhỏ, nhưng không phải là không có. Nó còn dẫn đến niềm tin rằng sẽ tồn tại một Trái Đất thứ hai, và con người không hề cô đơn trong vũ trụ này.
Tuy nhiên, họ sẽ khó mà tỏ thái độ như vậy vì các hằng số trong vũ trụ cũng hoàn hảo đến mức khó tin để con người tồn tại. Từ lực hạt nhân đủ lớn để giữ các hạt liên kết với nhau nhưng không mạnh quá để gây tương tác mất cân bằng, cho đến mật độ vũ trụ giữ trạng thái cân bằng tĩnh cho mọi thứ gần như ổn định, không đổ sập vào nhau ngay tức khắc nhưng cũng không giãn nở với vận tốc tối đa. Thậm chí các nhà khoa học đã chúng minh rằng nếu hằng số này chỉ thay đổi 0.01% thôi, thì mọi thứ sẽ cực kỳ mất ổn định.
Một quan điểm khác hẳn là thuyết tiến hóa Darwin vũ trụ. Nó cho rằng vũ trụ đã trải qua rất nhiều lần "tiến hóa" (giản nở từ Big Bang rồi lại đổ sập về Big Bang) để ra được một vũ trụ "có vẻ là hoàn hảo" (vì có con người?!?). Thậm chí các hằng số khoa học cũng đã tự "chọn lọc tự nhiên", thay đổi nhiều lần (nó là hằng số cơ mà?!?). Nghe thật khó tin về vô số vũ trụ trước chúng ta, và "cỏ vẻ không hoàn hảo" mà không có sự sống tồn tại. Tuy nhiên, thuyết vị nhân mạnh đã phản bác: "Trong một vũ trụ, luôn tồn tại ý thức và không thể bị tuyệt diệt".
Mặc dù vũ trụ còn nhiều điều bí ẩn với chúng ta, nhưng việc chúng ta đang tồn tại là minh chứng cho sự hoản hảo của vũ trụ này, và cũng là sự may mắn kỳ diệu. Là một người theo chủ nghĩa Plato (Platonism), tôi tin rằng có một điều gì đó nằm ngoài nhận thức của con người đang điều khiển vũ trụ này, có thể là Chúa (mặc dù tôi không tin vào Chúa cho lắm).
Cuối cùng, tôi vẫn hy vọng một ngày nào đó tỉnh dậy trong một chiếc kén, giữa hàng triệu cái kén khác như trong phim Ma Trận, và tất cả ý thức của chúng ta đều chỉ là sự sáng tạo của máy tính mà thôi. Điều đó thật khủng khiếp, nhưng cũng thật thích thú.
Tham khảo thêm:
• Các thế giới song song - Michio Kaku
• Thượng đế có phải nhà toán học - Mario Livio