“Tập luyện” như thế nào để trở thành một thiên tài?
Thiên tài hay thiên tai? Quyết định nằm ở bạn
Chắc hẳn các bạn không còn xa lạ gì với hình ảnh những “thiên tài” có khả năng tư duy vượt trội, có hiểu biết sâu rộng về nhiều lĩnh vực khác nhau, thậm chí có khả năng thay đổi cả thế giới như là Leonardo Da Vinci, Albert Einstein, Stephen Hawking,…
Sẽ thế nào, nếu bạn cũng có thể trở thành những người như thế thông qua nỗ lực luyện tập (tất nhiên phải có định hướng) của mình? (Hãy tưởng tượng cái cảm giác cool ngầu khi crush há hốc vì bạn giải được một bài toán khó, hoặc đọc thuộc bảng cửu chương)
Bài viết này sẽ đi sâu vào phân tích tại sao những “thiên tài” kể trên lại đạt được những thành tựu vĩ đại như vậy, và những điều mà chúng ta có thể “ăn cắp” từ họ để áp dụng vào cuộc sống của mình.
Mình sẽ không sử dụng định nghĩa “thiên tài” theo nghĩa mà mọi người hay nghĩ - những đứa trẻ có IQ cao (trên thực tế, chỉ số IQ không nói lên khả năng thành công trong tương lai). “Thiên tài” mà mình muốn nhắc đến chính là những người có khả năng trở thành chuyên gia trong lĩnh vực của mình, xa hơn nữa thì có thể tạo ra thay đổi cho thế giới.
3 yếu tố chính mà theo mình sẽ khiến một người trở nên xuất chúng là Neuroplasticity (khả biến thần kinh), Higher-order thinking skills (Kỹ năng tư duy bậc cao), và Deliberate practice (luyện tập có định hướng).
1. Neuroplasticity
a. Liệu có thể "huấn luyện" bản thân trở thành thiên tài?
Có một quan niệm bám rễ rất lâu trong giáo dục và đến bây giờ vẫn có rất nhiều người tin vào nó, là trí thông minh (intelligence) đã cố định từ lúc ta sinh ra, và không thể nào được thay đổi. Thế nên, mỗi khi gặp điều gì khó, ta thường nghe những lý do quen thuộc như “tôi chỉ thông minh như thế này thôi”, và sau đó họ sẽ bỏ cuộc hoặc bàn lùi.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của khái niệm “Neuroplasticity” đã chứng minh rằng trí thông minh hoàn toàn có thể được thay đổi, tất nhiên là thông qua nỗ lực.
Neuroplasticity (khả biến thần kinh) là khả năng thay đổi của neuron và mạng lưới neuron thần kinh nhằm thích ứng với tác động đến từ bên trong (sự phát triển của cơ thể…) hay là bên ngoài (học tập, tai nạn,…).
Quá trình này xuất hiện rất nhiều ở não bộ của trẻ nhỏ, đó là lý do trẻ em có khả năng học rất nhanh, và học nhiều thứ cùng một lúc. Càng lớn lên, quá trình khả biến thần kinh càng khó để thực hiện, nhưng không phải là không thể. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng não bộ của con người sẽ không ngừng thích ứng và thay đổi với các trải nghiệm học tập, kể cả khi chúng ta về già (Pauwels, Chalavi and Swinnen, 2018).
Trên thực tế, đã có rất nhiều tấm gương dù sinh ra với rất nhiều bất lợi, nhưng bằng sự nỗ lực gấp chục, gấp trăm lần người khác, vẫn trở thành một trong những người đứng đầu lĩnh vực của mình. Một ví dụ không xa lạ với nhiều người là David Goggins - cựu thành viên đội biệt kích hải quân SEAL (Navy Seal) của Hoa Kỳ.
Trước khi gia nhập đội quân được cho là tinh nhuệ nhất thế giới, Goggins bị béo phì (anh nặng gần 136kg), anh cũng bị khuyết tật học tập, và là nạn nhân của sự phân biệt chủng tộc tại nơi mình sống. Giờ đây, Goggins được cho là người đàn ông mạnh mẽ nhất thế giới với kỷ lục kéo xà hơn 4030 cái trong vòng 17h, hoàn thành hơn 60 cuộc chạy ultra-marathon (quãng đường dài hơn 42km).
Ngoài ra, anh còn là tác giả của hai cuốn sách bán chạy hàng đầu là “Can’t hurt me” và “Never Finished”. Hiện anh còn chia sẻ trong tập podcast gần đây (2024) với tiến sĩ Andrew Huberman là mình đang trong quá trình học y để có thể trở thành một bác sĩ thực thụ.
David Goggins là ví dụ điển hình cho thấy rằng bạn không cần phải là thiên tài từ nhỏ để trở thành người xuất chúng trong tương lai. Mọi thứ vẫn có thể thay đổi nếu bạn có một ý chí sắt đá và sẵn sàng đưa bản thân vào thử thách để thay đổi trí tuệ. Nói cách khác, bạn hoàn toàn có thể “huấn luyện” não bộ để trở thành thiên tài.
Lúc ta mới bắt đầu học và luyện tập, chúng ta sẽ cảm thấy rất khó chịu, bởi não bộ đang phải dành rất nhiều năng lượng và sự chú ý để làm quen với kiến thức mới. Nhiều người nhầm lẫn sự khó chịu này với giới hạn của bản thân họ, và tưởng rằng nếu họ không cảm thấy dễ chịu khi làm một việc gì thì chứng tỏ họ không có tài năng với nó. Nhưng trên thực tế, ai cũng gặp khó khăn trong khoảng thời gian luyện tập ban đầu.
Điều này dẫn ta đến với khái niệm Growth Mindset (Tư duy phát triển) và Fixed Mindset (Tư duy cố định).
b. Growth và fixed mindset
Những người có Growth mindset tin tưởng rằng tài năng của họ có thể được phát triển thông qua nỗ lực và chiến lược; ngược lại, những người có tư duy cố định nghĩ rằng tài năng là bẩm sinh và không thể được thay đổi (Dweck, 2016). Trong khi đó, thông qua khái niệm Neuroplasticity, chúng ta đã biết được rằng trí thông minh, thậm chí là cấu trúc não bộ có thể được thay đổi qua nỗ lực.
Theo các nghiên cứu của Carol Dweck - tác giả của cuốn sách “Mindset” nổi tiếng, những người có tư duy phát triển thường trở nên xuất chúng hơn trong học tập, cũng như trong cuộc sống nói chung. Bởi lẽ, người có tư duy phát triển biết rằng tiềm năng của mình là không có giới hạn nếu mình cố gắng, và sẽ luôn luôn tìm cách để trau dồi bản thân. Ở trường hợp ngược lại, vì những người có tư duy cố định không tin rằng mình có thể phát triển thông qua nỗ lực, nên họ sẽ không chịu luyện tập để cải thiện, và dần bị bỏ xa bởi những người có tư duy phát triển.
Ngoài ra, những người có tư duy cố định cũng thường quan tâm đến việc tỏ ra thông minh trước mặt người khác hơn là thực sự trở nên thông minh. Họ tránh tất cả những thử thách khó hay những Feedback có thể khiến họ trở nên ngu ngốc trước mặt người khác và bỏ qua cơ hội để cải thiện yếu điểm của bản thân (Mangels et al., 2006). Trái ngược với tư duy cố định, những người có tư duy phát triển thường tập trung vào việc mình học được gì chứ không phải là chứng minh trí thông minh của bản thân với người khác. Họ không ngại hỏi những câu hỏi “ngờ nghệch”, và thoải mái hơn trong việc phạm sai lầm. Thành thử, họ nắm lấy những cơ hội để hoàn thiện bản thân.
Trên thực tế, ngay cả một bộ não được xem là xuất chúng nhất mọi thời đại như Albert Einstein lúc trẻ cũng không được xem là người thông minh. Đến 3 tuổi ông ấy mới biết nói; ông ấy được đánh giá là chậm trong cách tư duy và phản hồi thông tin. Chính ông ấy cũng bảo ông ấy không xem mình là một thiên tài, mà chỉ là một đứa trẻ tò mò với thế giới xung quanh. Ông ấy không ngại hỏi những câu hỏi mà nhiều người tưởng là ngu ngốc. Và chính thái độ học hỏi không ngừng ấy mới khiến ông đạt được nhiều thành tựu vĩ đại đến vậy.
c. Con đường trở thành thiên tài
Dưới đây mình sẽ liệt kê một số công cụ giúp tối ưu quá trình khả biến thần kinh và vun đắp tư duy phát triển mà mình “ăn cắp” được từ các nhà nghiên cứu:
1. Hãy sai khi còn có thể
Trừ phi ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của chúng ta, các lỗi sai trong quá trình học và luyện tập thực ra rất có lợi. Các lỗi sai giúp chúng ta chú ý hơn vào tác vụ mình đang làm (Huberman, 2021) (nếu chúng ta lúc nào cũng làm đúng thì việc gì não bộ phải chú ý?).
Ngoài ra, trong lúc luyện tập, chúng ta nên thử và sai nhiều nhất có thể vì lúc này cái giá phải trả cho thất bại còn thấp; đợi đến khi bắt đầu làm thực tế mới phạm sai lầm thì bài học sẽ khá đắt đỏ.
2. Tầm quan trọng của việc nghỉ ngơi
Việc chúng ta cho não bộ nghỉ ngơi thực ra không phải kém năng suất như mọi người vẫn tưởng, mà ngược lại nó đóng vai trò không nhỏ trong quá trình học tập của chúng ta. Quá trình thay đổi cấu trúc của các neuron thần kinh không diễn ra trong quá trình chúng ta học tập, mà nó diễn ra trong lúc chúng ta ngủ hoặc trong trạng thái thư giãn sâu (Huberman, 2021).
Giấc ngủ còn giúp chúng ta chuyển thông tin từ hồi hải mã đến nơi lưu trữ ký ức dài hạn (Walker, 2017). Đó là lý do những người thức đêm để ôn bài thường sẽ quên hết những gì họ đã học chỉ sau 2-3 ngày.
Ngoài ra, trạng thái thư giãn của não bộ, hay như cuốn sách “Learning How To Learn” của Barbara Oakley gọi là “Diffused Mode”, còn giúp chúng ta trở nên sáng tạo hơn. Sau quá trình chúng ta tập trung giải quyết vấn đề, việc để não bộ thư giãn sẽ giúp nó có cơ hội kết nối các phần não bộ khác với nhau, giúp chúng ta tạo liên kết giữa những gì vừa học với các thông tin khác. Đó là lý do những ý tưởng sáng tạo thường xuất hiện lúc ta đi tắm, đi bộ,… chứ không phải lúc ta tập trung giải quyết vấn đề.
Nhưng tất nhiên, không có quá trình tập trung học thì nghỉ ngơi cũng chẳng có tác dụng gì.
3. Một lượt học không nên quá 90 phút
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng não bộ của chúng ta thường tập trung được trong khoảng 90 phút, sau đó sự chú ý của ta sẽ giảm dần và học không còn hiệu quả nữa (Schwartz, 2010); (Huberman, 2021). Nhiều người tưởng rằng họ học hoặc làm việc khoảng 5-6 tiếng liên tục là năng suất, nhưng đa phần sẽ chỉ hiệu quả đâu đó tầm 30-90 phút đầu, thời gian còn lại thì kiến thức cứ như con bướm - đậu rồi lại bay.
Trong khi đó, chúng ta phải dành sự chú ý vào điều mình đang học thì neuroplasticity mới xảy ra được. Chưa kể nghỉ ngơi cũng giúp quá trình neuroplasticity được thúc đẩy.
Vậy nên hãy bỏ ngay khái niệm ngồi học càng lâu càng năng suất. Mình sẽ không khuyên cụ thể mỗi lượt học nên diễn ra tầm bao lâu vì mỗi người sẽ có khoảng chú ý riêng của mình. Cá nhân mình thường học mỗi ngày khoảng 5 tiếng (cứ liên tục học 1 tiếng và nghỉ 10 phút). Nếu mình đã hiểu rõ môn mình học, không mất quá nhiều năng lượng tư duy, thì mình sẽ đẩy lượt học lên 90 phút.
2. Higher order thinking skills
a. Bản chất tư duy của thiên tài
Rõ ràng, sự khác biệt lớn nhất giữa các thiên tài và người bình thường nằm ở khả năng tư duy. Trong khi những người bình thường chỉ có thể ghi nhớ và hiểu thông tin ở mức độ học vẹt, các thiên tài có thể đạt đến mức độ tư duy sâu hơn như đánh giá tính đúng sai của thông tin (tư duy phản biện), nhìn mảnh thông tin đó dưới góc nhìn đa chiều, thậm chí kết nối nó với những hiểu biết sẵn có để sáng tạo ra một lý thuyết mới.
Nói cách khác, những thiên tài sở hữu các kỹ năng tư duy bậc cao (Higher-order thinking skills).
Nhìn chung, kỹ năng tư duy bậc cao là tất cả những loại hình tư duy vượt khỏi việc học vẹt và ghi nhớ thông thường.
Kỹ năng tư duy bậc cao thường được gắn với Bloom's Taxonomy - một hệ thống phân loại quá trình tư duy nổi tiếng được dùng trong giáo dục. Bloom Taxonomy (phiên bản được cải tiến bởi Lorin Anderson và David Krathwohl) chia quá trình xử lý thông tin thành 6 mức độ: Remember (ghi nhớ), Understand (Thông hiểu), Apply (Vận dụng), Analyze (phân tích), Evaluate (đánh giá), Create (sáng tạo). Để hiểu sâu hơn về Bloom's Taxonomy, các bạn có thể đọc bản phân tích của giáo sư Mary Forehand từ đại học Georgia tại đây.
Chung quy lại, tư duy bậc thấp sẽ là ghi nhớ và thông hiểu; đây cũng là trạng thái tư duy mà đa số mọi người dừng lại khi học tập. Chúng ta thường chỉ học thuộc định nghĩa và khái niệm, sau đó hiểu đại khái nó là gì và cùng lắm làm thêm được vài câu trắc nghiệm về nó. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đây thì dường như thông tin chúng ta học được sẽ trở nên vô dụng, bởi nó không được kết nối với những gì chúng ta đã biết, cũng như không được ứng dụng trong đời sống. Đây là lý do tình trạng “đi học vấp cục đá xong rớt luôn kiến thức” khá phổ biến ở học sinh.
Thế sự khác biệt giữa tư duy bậc thấp và tư duy bậc cao là gì? Theo mình, đó chính là từ khóa liên kết.
Bởi ở các tầng dưới là Remember và Understand, chúng ta chỉ nhớ và hiểu kiến thức một cách độc lập, trong khi đó, ở các tầng của tư duy bậc cao, chúng ta có thể hiểu được mối liên kết giữa những điều ta học với tình huống thực tế của ta, với những điều ta đã biết, và giữa các đơn vị kiến thức với nhau.
Ví dụ, khi học về Neuroplasticity, nếu mình chỉ dừng lại ở việc đọc và gật gù với khái niệm của nó, chắc chắn mình sẽ không thể nhớ quá 3 ngày. Thay vào đó, điều mình làm là suy nghĩ mình sẽ ứng dụng Neuroplasticity vào học tập như thế nào (Apply), những lý thuyết về Neuroplasticity có đúng với trải nghiệm cá nhân của mình không, hay Neuroplasticity giữa người lớn và trẻ em khác nhau như thế nào,… Việc tạo các mối liên kết giữa kiến thức mới với hoàn cảnh thực tế của ta, cũng như là giữa nội hàm các đơn vị kiến thức với nhau sẽ giúp kiến thức trở nên dễ nhớ hơn. Bởi não bộ rất giỏi trong việc loại bỏ những kiến thức mà nó cho là vô bổ và không liên quan gì với nó.
Nghĩ sâu hơn một chút, bạn có thể thấy rằng đa số các kỹ năng tư duy bậc cao phổ biến đều có cốt lõi là hiểu được sự liên kết và mối quan hệ giữa các thông tin với nhau. Ví dụ, một hình thức của tư duy sáng tạo là hiểu được sự kết nối giữa hai hoặc nhiều mảnh ghép tưởng chừng như không liên quan đến nhau, nhưng hóa ra khi kết hợp lại thì có thể tạo ra sản phẩm đột phá; như cách mà Nike đã ứng dụng công nghệ đệm khí của NASA vào trong giày của mình.
Hay để có thể phản biện được bản chất của một thông tin, bạn cũng cần phải hiểu mối liên kết của nó với thông tin khác. Bạn không thể phán truyện Kiều có giá trị hay không nếu bạn chưa hiểu được bối cảnh mà truyện Kiều được viết ra và sự liên kết của nó với xã hội đương thời.
Nhìn xa hơn một chút, dường như hầu hết các đơn vị kiến thức trên thế giới đều kết nối với nhau bằng cách này hay cách khác. Chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng những kiến thức ta học được từ toán học vào hội họa, hay những kiến thức về tâm lý con người vào phân tích kinh tế. Bởi vậy, đa số những nhà khoa học thời xưa, đặc biệt là thời phục hưng, thường không chỉ dừng lại ở một lĩnh vực chuyên môn mà sẽ khám phá đa lĩnh vực. Điển hình thì có Leonardo Da Vinci vừa làm họa sĩ, vừa làm kiến trúc sư, vừa chế tạo vũ khí, vừa nghiên cứu giải phẫu học, vừa nghiên cứu cơ học và vật lý. Hay Galileo Galilei cũng vừa là nhà toán học, vừa là nhà thiên văn học, kiêm nhà vật lý học và triết gia.
Chúng ta có thể không bằng những thiên tài vĩ đại như thế, nhưng mình nghĩ không tội gì ta cứ phải giới hạn tư duy của mình vào một lĩnh vực. Cá nhân mình từ khi tìm hiểu đa lĩnh vực từ lịch sử, triết học, nhân chủng học cho đến tâm lý học, mình thấy chúng giúp mình rất nhiều trong việc hiểu bản thân và có một cái nhìn đa chiều về cuộc sống.
b. Con đường trở thành thiên tài
Trong phần này, mình sẽ viết ngắn gọn về cách chúng ta có thể luyện hai kỹ năng tư duy bậc cao phổ biến: Tư duy sáng tạo và Critical Thinking
1. Luyện tập sự sáng tạo
Khi mình bắt đầu tìm hiểu về các thói quen của những người được thiên hạ công nhận là sáng tạo như tiểu thuyết gia Stephen King, hay ca sĩ Taylor Swift, mình nhận ra quan niệm truyền thống về sáng tạo của phần đa mọi người là cực kỳ sai lầm.
Sáng tạo không phải là một khoảnh khắc, nó là một thói quen.
Hầu như tất cả những người sáng tạo mà mình biết đều luyện tập mỗi ngày, và trước khi họ có thể nảy ra một ý tưởng khác biệt so với các chuẩn mực thông thường, họ cũng đã dành thời gian để nắm bắt tất cả các nguyên tắc cơ bản trong lĩnh vực của mình. Và ngoài sự kiên trì luyện tập ra, những người sáng tạo còn là những kẻ “ăn cắp” xuất chúng. Họ không ngừng tham khảo những ý tưởng tốt từ người khác, và biến chúng từ tốt thành vĩ đại.
Trong một cuộc phỏng vấn, MrBeast - Youtuber nổi tiếng nhất thế giới - chia sẻ rằng thực chất một số ý tưởng video của anh ấy đã có người làm rồi, video của anh ấy trở nên nổi tiếng chỉ đơn giản là anh ấy không copy y nguyên ý tưởng của họ, mà làm nó tốt hơn gấp trăm lần.
Và bạn không nhất thiết chỉ “ăn cắp” trong một lĩnh vực. Trên thực tế, có rất nhiều ý tưởng thay đổi một ngành lại xuất phát từ một kiến thức ở trong ngành khác. Ví dụ điển hình là hệ thống sản xuất tự động được Henry Ford áp dụng để cách mạng hóa ngành sản xuất ô tô, cũng như các ngành công nghiệp sản xuất nói chung, vốn dĩ đến từ việc ông quan sát quy trình trong một xưởng sản xuất thịt lợn. Vâỵ nên, hãy mở rộng thế giới quan của mình để học hỏi từ nhiều lĩnh vực khác nhau, thay vì suy nghĩ với tư duy “chuyên môn hóa” như nhiều người vẫn cổ súy.
2. Rèn luyện critical thinking skills
Hiện có rất nhiều trường phái định nghĩa Critical Thinking và rất khó (với hiểu biết của mình) để tìm một định nghĩa có thể bao quát ý của tất cả các trường phái. Đây cũng là lý do mình không dịch critical thinking là tư duy phản biện, bởi phản biện chỉ đơn thuần là một định nghĩa/khía cạnh phổ biến của critical thinking. Mình sẽ phân tích critical thinking theo nghĩa mà khá nhiều người Việt đang hiểu, đó là khả năng đánh giá bản chất của một thông tin để đưa ra nhận định khách quan về nó, không bị ảnh hưởng bởi thiên kiến nhận thức, hay còn gọi là tư duy phản biện.
Đây là kỹ năng không thể thiếu của những thiên tài đi tiên phong trong mọi thời đại như Leonardo Da Vinci, Galileo,… Họ dám thách thức những thông tin mà toàn xã hội thời bấy giờ đều cho là đúng, và sử dụng tư duy thực nghiệm để tìm ra sự thật. Nếu không có những người như họ, đến bây giờ chúng ta hẳn vẫn tin Trái Đất là trung tâm của vũ trụ.
Sau quá trình dài quan sát và suy nghiệm, mình nghĩ cốt lõi của tư duy phản biện (có thể đúng hoặc không) nằm ở khả năng đặt câu hỏi. Giống như Socrates đã nói:
“I know you won’t believe me, but the highest form of human excellence is to question oneself and others.” (Tạm dịch: Tôi biết bạn không tin tôi, nhưng hình thái cao nhất của trí tuệ con người là khả năng đặt câu hỏi cho bản thân, và cho người khác.)
Đối với mình, một câu hỏi thông thường sẽ chỉ đơn giản là xác nhận những quan niệm hiện tại của chúng ta, song một câu hỏi tốt có thể giúp ta mở ra một góc nhìn mới mà trước đây bị che mờ bởi thiên kiến.
Một câu hỏi tốt sẽ xoáy sâu vào những điểm mù trong quá trình tư duy của chúng ta, như:
“Tại sao chúng ta lại cho thông tin này là đúng?”
“Giả sử trường hợp B xảy ra, thì trường hợp A còn đúng nữa không?”
“Nếu chúng ta sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh khác, chúng ta còn nghĩ như thế này nữa không?”
“Một người có quan điểm đối lập sẽ có góc nhìn như thế nào về vấn đề này?”
…
Những câu hỏi trên đều có một điểm chung là thử thách góc nhìn của ta về thực tại, thay vì cố chấp rằng những điều ta biết là đúng.
3. Deliberate Practice
a. Deliberate Practice là gì?
“Practice isn’t the thing you do once you’re good. It’s the thing you do that makes you good.” - Malcolm Gladwell
(tạm dịch: Luyện tập không phải thứ bạn làm một khi bạn đã trở nên xuất sắc, nó là thứ bạn làm để trở nên xuất sắc.)
Một sự thật hiển nhiên: tài năng bẩm sinh không phải là chỉ dấu cho sự xuất chúng trong tương lai. Tài năng không kết hợp với luyện tập thì sẽ mãi chỉ là tiềm năng, không bao giờ được khai phá.
Trong cuốn sách nổi tiếng “Outliers” (những kẻ xuất chúng), Malcolm Gladwell đã chỉ ra rằng để trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực của mình, ta cần ít nhất 10000 giờ luyện tập. Tất nhiên, trên thực tế, thời gian làm chủ một lĩnh vực phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như năng khiếu, hoàn cảnh gia đình, cơ hội phát triển,… Nhưng cốt lõi ở đây vẫn là chúng ta cần dành thời gian để luyện tập.
Một chữ nhưng nữa …. là chỉ dành thời gian để luyện tập thôi không đủ, mà bạn cần luyện tập có định hướng (deliberate practice). Bạn không thể nào trở thành một nhạc công guitar xuất chúng nếu bạn chỉ đánh đi đánh lại một bản nhạc. Ngoài những kỹ năng mình đã giỏi, bạn còn cần phải tìm thêm những điều mình còn đang yếu, và liên tục thử thách bản thân để trở nên toàn diện hơn. Đây cũng chính là tinh thần chủ đạo của Deliberate Practice.
Deliberate Practice được cha đẻ của nó - Anders Ericsson định nghĩa là “hoạt động huấn luyện được cá nhân hóa bởi một huấn luyện viên hoặc một giáo viên nhằm phát triển một kỹ năng cụ thể của một người, thông qua việc liên tục lặp lại và cải tiến quá trình luyện tập” (Ericsson and Lehmann, 1996). Trong bối cảnh hiện đại, Deliberate Practice không chỉ xuất phát từ giáo viên, mà nó hoàn toàn có thể đến từ nỗ lực luyện tập của một cá nhân.
Để bạn hình dung rõ hơn về Deliberate Practice, mình sẽ lấy một ví dụ khác.
Trong cuốn sách “Talent is Overrated” (tài năng đang được đánh giá quá cao), Geoff Colvin miêu tả cách Benjamin Franklin sử dụng Deliberate Practice để cải thiện kỹ năng viết của mình. Ông ấy bắt đầu bằng việc tìm những ấn phẩm được viết bởi các tác giả xuất sắc nhất thời đại. Sau đó, Franklin đọc từng dòng một và viết xuống ý chính của tất cả các câu văn trong đó. Tiếp nữa, ông ấy tự viết lại các ấn phẩm này theo ý mình và so sánh phiên bản của ông ấy với bản gốc. Cứ mỗi lần như thế, Franklin lại phát hiện ra điểm yếu của mình và ngay lập tức cải thiện chúng. Trong quá trình này, Franklin nhận ra rào cản lớn nhất của ông ấy là vốn từ vựng, và tập trung toàn lực để cải thiện điểm yếu này.
Deliberate Practice giúp chúng ta tránh những điểm mù trong luyện tập. Những lời khuyên phổ biến như “muốn trở thành người viết tốt cứ viết nhiều là được”, hay muốn “trở thành người chạy chuyên nghiệp thì hãy cứ chạy mỗi ngày” là đúng nhưng chưa đủ. Nó chỉ giúp chúng ta trong giai đoạn đầu, nhưng về sau có khi còn phản tác dụng. Thử tượng tượng cứ viết bừa bãi mà không có kiến thức về ngữ pháp, hay chạy bộ mỗi ngày mà sai tư thế thì hậu quả sẽ như thế nào.
Trong một bài báo của mình (Newport, 2010), giáo sư Cal Newport cũng đã tổng hợp 6 đặc điểm làm nên Deliberate Practice (mình xin phép viết lại theo cách hiểu của mình):
Được thiết kế để phát triển khả năng hiện tại: nếu chúng ta không cảm nhận được sự khác biệt trước và sau khi luyện tập sau một khoảng thời gian, khả năng cao cách luyện tập của ta đang có vấn đề.
Sự lặp lại: Không phải điều kiện đủ, nhưng là điều kiện cần.
Có phản hồi sau mỗi lần lặp lại: Sự lặp lại phải được kết hợp với phản hồi thì chúng ta mới biết được trình độ của mình đang thế nào và những lỗi sai của mình là gì. Phản hồi này có thể đến từ người khác, hoặc đến từ việc chúng ta so sánh sản phẩm của chúng ta với một sản phẩm được cho là chuẩn mực (như Franklin so sánh bài viết của mình với các nhà văn xuất chúng).
Đòi hỏi sự tập trung cao độ về tinh thần: Bạn không thể ngồi chơi xơi nước, một tiếng viết được hai ba dòng và mong mình giỏi hơn. Điều này đúng với mọi kỹ năng khác.
Nó không dễ: Nếu luyện tập có định hướng mà dễ thì ai cũng thành chuyên gia rồi.
Đòi hỏi mục tiêu (tốt): Nội từ “Deliberate” cũng mang nghĩa là chúng ta phải biết được hướng đi của mình khi luyện tập. Làm sao ta có thể trở thành người viết giỏi nếu ta không biết người viết giỏi sở hữu những kỹ năng nào?
b. Con đường trở thành thiên tài
1. Tìm kiếm phản hồi (feedback)
Feedback là một thành tố không thể thiếu của Deliberate Practice bởi nó giúp ta nhận ra điểm yếu và điểm cần cải thiện. Lý tưởng nhất, bạn hãy tìm kiếm feedback từ người khác như bạn bè, coach, hay là mentor.
Mình biết, nhiều lúc chúng ta sẽ cảm thấy khó chịu vì những lời feedback đâm thẳng vào cái tôi (và không phải ai cũng là người đưa ra góp ý xây dựng). Nhưng nhờ những lần phản hồi như thế, chúng ta mới thoát khỏi những điểm mù tư duy và thực sự tiến bộ.
Trong tập phỏng vấn với giáo sư Andrew Huberman, giáo sư Adam Grant có một lời khuyên khi xin feedback từ người khác, đó là thay vì hỏi họ “tôi đang làm như thế nào?” - thông thường câu trả lời sẽ chỉ là ổn hoặc không ổn, bạn hãy hỏi thẳng là “nếu có một điều tôi có thể cải thiện để lần sau làm tốt hơn thì đó là gì?”, như vậy thì chúng ta sẽ tránh được những lời “góp ý” vô ích và đi thẳng vào cải thiện bản thân.
Tuy nhiên, để người khác sẵn lòng đưa feedback, bạn cần phải chứng tỏ mình là người sẵn sàng nhận feedback. Thay vì cứ sửng cồ cãi lại mỗi khi thấy ai đó nhận xét nhằm thẳng vào cái tôi; hãy im lặng và suy ngẫm về feedback này, bạn không cần phải đồng ý. Cơ mà thông thường những feedback khiến ta khó chịu là những feedback đúng.
2 . Luôn thử thách vùng an toàn
Thông thường ta sẽ mất không nhiều thời gian để tự động hóa một hành động nào đó. Ví dụ khi mới đầu lái xe, ta sẽ mất khá nhiều công sức trong việc điều khiển và định hướng. Nhưng sau khi đã quen rồi thì mọi thứ gần như được tự động hóa; nếu không đổi sang những địa hình mới như đồi núi hay đất cát, ta sẽ chẳng bao giờ có thể cải thiện kỹ năng của mình.
Vậy nên, bất cứ khi nào bạn cảm thấy mình thoải mái với một kỹ năng nào đó, hãy tìm cách nâng độ khó lên để tiếp tục cải thiện khả năng của mình.
3. Chọn đúng sân chơi
Mình nhắc đến điều này ở cuối vì nó thực sự quan trọng. Đam mê, kiên trì luyện tập thôi là không đủ, mà thiên phú cũng rất quan trọng. Hay như một câu cũ nhưng đúng: “đừng bắt một con cá leo cây.”
Câu hỏi đặt ra là, nếu thiên phú của mình ổn nhưng không thực sự xuất chúng, làm thế nào để ta trở nên nổi bật? Đáp án là hãy kết hợp kỹ năng. Giống như Scott Adam - người sáng tạo bộ truyện tranh châm biếm Dilbert chia sẻ:
“Ai cũng có một vài lĩnh vực mà họ có thể nằm trong top 25% với một chút nỗ lực. Trong trường hợp của tôi, tôi có thể vẽ tốt hơn đa số mọi người, nhưng tôi không phải là một họa sĩ. Và tôi cũng không hài hước như những nghệ sĩ hài độc thoại vĩ đại, nhưng tôi hài hước hơn hầu hết những người xung quanh. “Bí thuật” nằm ở chỗ rất ít người có thể vừa vẽ tốt mà vừa viết hài hay. Đó là điều khiến tôi khác biệt.”
Kết
Đến đây, mình phải thú thật với các bạn mình dùng chữ thiên tài chỉ để làm tiêu đề thôi, chứ bản thân mình hoàn toàn không muốn được gọi là thiên tài. Bởi hai chữ “thiên tài” có ý nghĩa nội hàm là tài năng do trời ban; nhưng trên thực tế trời chỉ ban cho các bạn hạt giống thôi, và việc nó có nở rộ thành tài năng xuất chúng hay không là do chính bạn.
Mình đã mất hơn nửa tháng để hoàn thành bài viết này, nên mình tin rằng đây không phải một bài viết bạn có thể đọc qua một lần rồi thôi. Hãy lưu nó lại để đọc từ từ, để ý và THỰC SỰ luyện tập những phương cách tập luyện mình nhắc đến ở phần “con đường trở thành thiên tài”; lúc đó các bạn mới có thể “vắt kiệt” công sức 2 tuần viết bài này của mình ^^
Mình tin rằng, với nỗ lực không ngừng nghỉ, cộng với việc chọn đúng “lợi thế cạnh tranh”, các bạn sẽ có thể trở nên vượt trội so với những người xung quanh. Không thành công thì cũng thành tài.
Nguồn tham khảo
Dweck, C. (2016). What Having a ‘Growth Mindset’ Actually Means. [online] Harvard Business Review. Available at: https://hbr.org/2016/01/what-having-a-growth-mindset-actually-means.
Ericsson, K.A. and Lehmann, A.C. (1996). EXPERT AND EXCEPTIONAL PERFORMANCE: Evidence of Maximal Adaptation to Task Constraints. Annual Review of Psychology, [online] 47(1), pp.273–305. doi:https://doi.org/10.1146/annurev.psych.47.1.273.
Forehand, M. (2010). Bloom’s taxonomy. Emerging perspectives on learning, teaching, and technology, 41(4), pp.47–56.
Gladwell, M. (2008). Outliers: The story of success. Little, Brown. Huberman, A. (2021). Teach & Learn Better With A ‘Neuroplasticity Super Protocol’ - Huberman Lab. [online] www.hubermanlab.com. Available at: https://www.hubermanlab.com/newsletter/teach-and-learn-better-with-a-neuroplasticity-super-protocol.
Huberman, A. (2023). Dr. Adam Grant: How to Unlock Your Potential, Motivation & Unique Abilities. [online] www.youtube.com. Available at: https://www.youtube.com/watch?v=3gtvNYa3Nd8&t=5s [Accessed 5 Apr. 2024].
Huberman, A. (2024). David Goggins: How to Build Immense Inner Strength. [online] www.youtube.com. Available at: https://www.youtube.com/watch?v=nDLb8_wgX50.
J Colvin (2008). Talent is overrated. London: Penguin Books. Krathwohl, D.R. (2002). A revision of Bloom’s taxonomy: An overview. Theory into practice, 41(4), pp.212–218.
Mangels, J.A., Butterfield, B., Lamb, J., Good, C. and Dweck, C.S. (2006). Why do beliefs about intelligence influence learning success? A social cognitive neuroscience model. Social Cognitive and Affective Neuroscience, 1(2), pp.75–86. doi:https://doi.org/10.1093/scan/nsl013.
Mateos-Aparicio, P. and Rodríguez-Moreno, A. (2019). The impact of studying Brain Plasticity. Frontiers in Cellular Neuroscience, [online] 13(66). doi:https://doi.org/10.3389/fncel.2019.00066.
Newport, C. (2010). The Grandmaster in the Corner Office: What the Study of Chess Experts Teaches Us about Building a Remarkable Life. [online] Cal Newport. Available at: https://calnewport.com/the-grandmaster-in-the-corner-office-what-the-study-of-chess-experts-teaches-us-about-building-a-remarkable-life/ [Accessed 5 Apr. 2024].
Oakley, B. (2018). Learning How to Learn: How to Succeed in School without Spending All Your Time Studying: a Guide for Kids and Teens. J.P. Tarcher, U.S./Perigee Bks., U.S.
Pauwels, L., Chalavi, S. and Swinnen, S.P. (2018). Aging and brain plasticity. Aging, [online] 10(8), pp.1789–1790. doi:https://doi.org/10.18632/aging.101514.
Samir and Colin (2023). An Unfiltered Conversation with MrBeast. [online] www.youtube.com. Available at: https://www.youtube.com/watch?v=9IQ_ldV9z_A&t=2908s [Accessed 1 Apr. 2024].
Schwartz, T. (2010). For Real Productivity, Less is Truly More. [online] Harvard Business Review. Available at: https://hbr.org/2010/05/for-real-productivity-less-is.
Stayanchi, J. (2018). Higher order thinking through Bloom’s taxonomy. Kwansei Gakuin University Humanities Review, 22, pp.117–124.
Walker, M.P. (2017). Why We Sleep: Unlocking the Power of Sleep and Dreams. New York, Ny: Scribner, An Imprint Of Simon & Schuster, Inc.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất