<i>CLB Sài Gòn (hồng) trong thất bại trước CLB Hà Nội ở vòng 8 Night Wolf V.League 2022. (Ảnh: VPF)</i>
CLB Sài Gòn (hồng) trong thất bại trước CLB Hà Nội ở vòng 8 Night Wolf V.League 2022. (Ảnh: VPF)

1. Kinh phí

Vấn đề đầu tiên bao giờ cũng là tiền đâu? Bóng đá Việt Nam hiện nay vẫn còn dựa quá lớn vào tầm ảnh hưởng của các ông bầu và các doanh nghiệp. Rất ít nơi có thể tự nuôi sống nền bóng đá của địa phương mà không có sự đầu tư của tư nhân. Nếu xét trên khía cạnh này, miền Bắc và miền Trung đang có lợi thế lớn khi họ có những nguồn tiền khổng lồ từ bầu sữa của các ông chủ để đầu tư vào các học viện đào tạo trẻ và các câu lạc bộ một cách dài lâu. Đó là những cái tên đã quá nổi tiếng như PVF (trước kia là của Vingroup hay bây giờ là Văn Lang), Hà Nội (bầu Hiển), Viettel của các đại diện phía Bắc hay Sông Lam Nghệ An (Tân Long Group), Hoàng Anh Gia Lai (bầu Đức), SHB Đà Nẵng của miền Trung. Khi đã có tiền thì sẽ có tiếng, các đội bóng ở khu vực này đương nhiên dần trở thành những thế lực “quen mặt thuộc tên” của nền bóng đá Việt.
Còn khi ta nhìn về miền Nam, chỉ có lác đác vài doanh nghiệp chịu đầu tư một cách tử tế (hầu như nổi bật thì chỉ có Becamex Bình Dương), còn lại gần như đều dựa vào nguồn ngân sách của tỉnh hoặc các doanh nghiệp có đầu tư vào cũng chỉ là đổ tiền để mua các ngôi sao rồi một thời gian sau đó lại “đem con bỏ chợ” mà trả về cho tỉnh nhà. Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có lẽ là nơi thấm thía điều này nhất. Từ năm 2010 đổ về trước có lẽ là thời điểm vàng son nhất đối với bóng đá nơi đây. Đó là một thời vang bóng của những Gạch Đồng Tâm Long An hay Tập đoàn Cao Su Đồng Tháp và những đội bóng khác như Cần Thơ, An Giang, Kienlongbank Kiên Giang. Dưới bàn tay của bầu Thắng, đội bóng Gạch Đồng Tâm Long An đã trở thành một thế lực thực sự khi giành được những chức vô địch từ V.League đến cúp Quốc gia. Bên cạnh đó là câu lạc bộ Đồng Tháp (1 lần hạng 3 V.League năm 2010). Dưới sự hậu thuẫn của Tập đoàn Cao su Việt Nam, đội bóng miền Tây này được mệnh danh là nỗi khiếp sợ của tất cả mọi câu lạc bộ khi đến với “chảo lửa” Cao Lãnh (theo cả nghĩa đen (*) lẫn nghĩa bóng).
<i>CLB Gạch Đồng Tâm Long An ăn mừng chức vô địch V.League 2006. (Ảnh: Sưu tầm)</i>
CLB Gạch Đồng Tâm Long An ăn mừng chức vô địch V.League 2006. (Ảnh: Sưu tầm)
Nhưng dần về những năm sau đấy, lần lượt các ông bầu, các tập đoàn đều rời bỏ những tên tuổi này, họ trả những đứa con ấy về cho tỉnh. Nhưng nguồn tiền từ tỉnh là quá ít ỏi cho các đội bóng này có thể cạnh tranh với những đội bóng khác. Từ đó, các tên tuổi ấy lần lượt lụi tàn và không còn đủ sức cạnh tranh ở sân chơi cao nhất Việt Nam.

2. Chất lượng từ các lò đào tạo trẻ

Nhìn vào thực trạng từ các cấp độ U16, U19 đến cả U23 Việt Nam hiện nay, có một sự thật không thể chối cãi rằng số lượng cầu thủ từ các lò đào tạo như PVF, Viettel, Hà Nội, HAGL… đang vượt trội hơn rất nhiều so với các lò đào tạo từ miền Nam. Nhìn vào giải U19 Đông Nam Á 2022 mới đây ở Indonesia, một giải đấu mà U19 Việt Nam không có lực lượng mạnh nhất do các CLB (**) không nhả người nhưng số lượng cầu thủ từ các lò miền Nam vẫn vỏn vẹn ở con số 2. Tương tự đó là danh sách đội U16 với chỉ 6 cầu thủ từ các lò đào tạo ở phía Nam được triệu tập lên để chuẩn bị cho giải U16 ĐNÁ năm 2022. Nếu nhìn lên đội U23 Việt Nam ở vòng chung kết U23 châu Á, chỉ có Hà Trung Hậu là cái tên duy nhất từ lò đào tạo của một đại diện miền Nam (Becamex Bình Dương) góp mặt trong danh sách tham dự của đội.
<i>Đội hình tuyển U19 Việt Nam tham dự giải U19 Đông Nam Á ở Indonesia chỉ có 2 cầu thủ đến từ các lò đào tạo ở miền Nam. (Ảnh: VFF)</i>
Đội hình tuyển U19 Việt Nam tham dự giải U19 Đông Nam Á ở Indonesia chỉ có 2 cầu thủ đến từ các lò đào tạo ở miền Nam. (Ảnh: VFF)
Nhìn từ thực trạng trên, ta có thể dễ dàng thấy rằng các lò đào tạo ở miền Nam đang ngày càng đi xuống. Họ không thể chạy đua và bắt kịp với các lò ở các khu vực khác. Điều này đến từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau từ chi phí, cơ sở vật chất, thương hiệu, chính sách quản lý…
Hiện nay, số lượng các lò đào tạo ở miền Nam thì không thiếu, nhưng nổi bật thì chỉ có thể đếm được trên đầu ngón tay như lò Bình Dương hay mới hơn là lò Juventus Việt Nam ở Bà Rịa-Vũng Tàu. Các lò còn lại như Đồng Tháp, An Giang… chỉ còn là cái bóng của chính họ ở quá khứ, chỉ còn là những tên tuổi dần trôi vào lãng quên...

3. Các cá nhân xuất chúng

Để trở thành những cá nhân quen mặt thuộc tên, các cầu thủ phải là những người hoặc thường xuyên góp mặt trong các đợt triệu tập của đôi tuyển Quốc gia, hoặc phải là những cá nhân nổi bật ở V.League. Các cầu thủ từ khu vực phía Nam đã chứng tỏ được mình ở những giai đoạn trước của bóng đá Việt. Đó là chân sút khét tiếng một thời Huỳnh Đức của công an TP.HCM, là những Công Minh, Phùng Thanh Phương, Trần Minh Chiến... Trong hành trình vô địch AFF Cup 2008, một nửa đội hình chính của đội tuyển Việt Nam trong trận chung kết lượt về với Thái Lan là những cầu thủ đến từ miền Nam, đó là đội trưởng Phan Văn Tài Em, hậu vệ Quang Thanh, Việt Cường, tiền đạo Vũ Phong, Việt Thắng. Ngoài ra, trên băng ghế dự bị cũng góp mặt phần lớn các cầu thủ từ miền Nam. Trước khi có “khoảnh khắc Công Vinh” với pha ghi bàn làm nổ tung cầu trường Mỹ Đình từ một pha câu bóng vào vòng cấm, bạn còn nhớ ai đã thực hiện quả câu bóng đấy không? Đó là tiền vệ tài hoa Minh Phương – cầu thủ quê Long Khánh (Đồng Nai).
<i>Đội trưởng tuyển Việt Nam - Phan Văn Tài Em "trên tay" chiếc cúp AFF năm 2008. (Ảnh: Sưu tầm)</i>
Đội trưởng tuyển Việt Nam - Phan Văn Tài Em "trên tay" chiếc cúp AFF năm 2008. (Ảnh: Sưu tầm)
So sánh với đội hình vô địch AFF Cup 10 năm về sau của bóng đá Việt, chỉ có duy nhất Anh Đức (Bình Dương) là cầu thủ duy nhất của bóng đá miền Nam được ra sân trong đội hình xuất phát. Nếu chỉ nhìn riêng vào những cái tên được triệu tập thường xuyên lên đội tuyển Việt Nam gần đây chỉ có Hồng Duy (Bình Phước) và Tấn Trường (Đồng Tháp) là những đại diện từ phía Nam, còn lại 27-28 cầu thủ khác… đều là người miền Trung và Bắc.
Khi nói đến các cá nhân nổi bật của bóng đá Việt bây giờ, người ta chỉ nhắc đến những Quang Hải, Hoàng Đức, Phan Văn Đức, Quế Ngọc Hải, Công Phượng… chứ rất ít ai nhớ về các cầu thủ từ phía Nam, bởi vì có rất ít (hoặc không có) để mà nói, trình độ của họ khó có thể cạnh tranh nổi với các đồng đội đến từ hai miền còn lại của đất nước.

4. Vấn đề từ các câu lạc bộ

Với 13 câu lạc bộ góp mặt ở V.League hiện tại, chỉ có đúng 3 câu lạc bộ là những đại diện đến từ khu vực miền Nam. Nhưng còn một điều đáng buồn hơn nữa, cả ba câu lạc bộ ấy đều đến từ Đông Nam Bộ, họ đến từ Bình Dương và TP.HCM, còn lại ở khu vực miền Tây sau khi câu lạc bộ Xổ Số Kiến Thiết Cần Thơ xuống hạng năm 2018, từ lâu đã không còn bóng dáng đại diện nào nơi đây được góp mặt ở sân chơi cao nhất Việt Nam nữa.
<i>Sau khi XSKT Cần Thơ xuống hạng vào năm 2018, V.League chính thức "sạch bóng" các đại diện đến từ miền Tây. (Ảnh: Quang Liêm)</i>
Sau khi XSKT Cần Thơ xuống hạng vào năm 2018, V.League chính thức "sạch bóng" các đại diện đến từ miền Tây. (Ảnh: Quang Liêm)
Ngoài ra, các đại diện còn lại của phía Nam lại có những chính sách điều hành không đúng đắn. Ngoại trừ Becamex Bình Dương được vận hành khá bài bản, hai câu lạc bộ của thành phố lớn nhất cả nước đặc biệt là CLB TP.HCM chỉ đang làm bóng đá theo kiểu “xây nhà từ nóc". Các doanh nghiệp đầu tư vào các câu lạc bộ này, họ vung tiền tấn vào những siêu sao có giá trị mà không hề đắn đo, trong khi đó lại coi nhẹ việc đào tạo trẻ, tạo lập bản sắc riêng. Điều đó có thể có tác dụng trong ngắn hạn về thành tích nhưng lại không hề có giá trị lâu dài cho tương lai.
Khi ta nhìn vào những trận đấu góp mặt 2 đại diện đến từ thành phố mang tên Bác là Sài Gòn và TP.HCM, có một điều người xem V.League nhìn thấy rất rõ – các cổ động viên đội nhà thì chỉ lác đác vài người đến xem, trong khi cổ động viện đội khách, họ luôn bao phủ một góc khán đài sân Thống Nhất, đặc biệt là các trận đấu góp mặt của Hà Nội, Thanh Hóa, SLNA, Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, cổ động viên đội khách luôn đông hơn đội chủ nhà rất nhiều.
Đúng là chiếc cúp lâu dài và quý giá nhất không phải là những danh hiệu mà đó chính là chiếc cúp trong lòng người hâm mộ. Câu lạc bộ không chỉ là tài sản của các ông chủ mà chính nó phải là tài sản của những người dân địa phương. Người Nam không phải không yêu bóng đá, không yêu thì làm sao những Cảng Sài Gòn hay Công An TP.HCM, những CLB luôn luôn là những đội bóng để lại ấn tượng đẹp đẽ trong tiềm thức người hâm mộ Sài Thành, không yêu tại sao có những chảo lửa như Cao Lãnh, Tân An (***) một thời. Việc người hâm mộ nơi đây không còn mặn mà với các CLB miền Nam ở hiện tại theo tôi là vì những chính sách điều hành sai lầm của thượng tầng những đội bóng này đã ngày càng đẩy người dân đi vào các khu vui chơi, trung tâm thương mại, các quán bia, quán rượu thay vì vào các sân vận động để tận hưởng bầu không khí bóng đá sau 1 ngày làm việc mệt nhoài.
Là một người con của miền Nam, cá nhân mình cũng hy vọng rằng nơi đây sẽ có được những sự quan tâm lớn hơn cùng với những chính sách đúng đắn hơn từ các ông chủ để vực dậy những sự huy hoàng như những gì bóng đá miền Nam đã làm được trong quá khứ. Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết!
(*): Những năm 2010, sân Cao Lãnh của CLB Đồng Tháp không được lắp dàn đèn chiếu sáng, vì vậy mà các trận đấu phải diễn ra trong khung giờ rất sớm (15 giờ chiều). Chính vì thế, nhiệt độ và ánh nắng vào khung giờ này chính là những nỗi ám ảnh khi các đội bóng hành quân đến Cao Lãnh.
(**): Câu lạc bộ.
(***): Sân nhà của đội bóng Gạch Đồng Tâm Long An.