MẠNG XÃ HỘI nguy hiểm đến thế nào?
MẠNG XÃ HỘI nguy hiểm đến thế nào?
Đến đây chúng ta đã bàn về cơ chế nứng, về việc thẩm du có lợi có hại thế nào và tác động của phim đen lên não chúng ta. Về cơ bản nếu chúng ta kiểm soát được con thú trong mình thì sẽ chẳng sao cả. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, không phải ai cũng có khả năng kiểm soát tốt và đặc biệt là tuổi mới lớn thì vấn đề này lại càng nghiêm trọng.
Tôi là SAMURICE và hôm nay chúng ta sẽ đào sâu vào vấn đề tình dục giới trẻ trong thời đại 4.0, một trong những vấn đề nhức nhối nhất thế giới đang phải đối mặt. 

Internet và hành vi của giới trẻ

Mặc dù Internet đã phát triển từ những năm 90 nhưng nó chưa có ảnh hưởng lớn với thế giới, chủ yếu là vì cơ sở vật chất chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Không phải ai cũng có mạng Internet và Internet cũng cần phải có hệ thống điện thoại mới kết nối được. 
Tới gần những năm 2000, thế giới bắt đầu quen dần với khái niệm Internet và từ đây, mọi thứ đã thay đổi. 
Trong khoảng những năm 90 và đầu các năm 2000, thú vui lớn nhất của giới trẻ là ra đường, gặp gỡ anh chị em trong xóm và nghịch những thứ vừa ngớ ngẩn, vừa nguy hiểm nhưng lại thú vị. Các trò chơi như đuổi bắt, đá bóng, đá cầu hay trốn tìm chỉ là một số ví dụ cho những thú vui ngày ấy. Nhưng khi mạng về làng, các thú vui đó dần bị thế chỗ bởi các quán net hay các quán điện tử.
Thay vì rủ nhau ra đồng hoặc ra đường để đá bóng đá cầu, một số bộ phận đã chuyển thú vui thực tế lên thành thú vui ảo. Đá bóng cần có bóng nhưng đá PES chỉ cần có tiền. Liên lạc với bạn bè cần có bạn bè ngồi ngay cạnh nhưng Yahoo!Chat chỉ cần có tiền và một nick ảo nào đó với cái tên hay ho. Những trò chơi như Halflife thế chỗ cho các cuộc bắn súng phốc, một khái niệm đã trở thành xa lạ với giới trẻ hiện nay. Và cứ như thế, giới trẻ 8x và 9x làm quen dần với mạng internet, trở thành một phần của nó và tham gia những diễn đàn những mạng xã hội sơ khai thời đầu như MySpace và Yahoo!360 cùng với hậu duệ thất bại của nó là Yahoo! 360 plus. 
Mọi thứ cứ theo đà phát triển như thế cho đến năm 2007, thời điểm mọi thứ lại thay đổi. 

Thế giới mới - Cánh cửa mới

Năm 2007 Steve Jobs đã rung chuyển cả thế giới khi giới thiệu với đại chúng khái niệm điện thoại thông minh. Kể từ đó tới nay, các thiết bị điện tử có khả năng xử lý thông tin cấp độ cao đã chuyển mình. Từ những laptop cồng kềnh và những chiếc điện thoại bấm nút thì giờ đây khả năng xử lý của một chiếc máy tính đã nằm trong túi của bạn. 
Chúng ta đang sống trong một thời kỳ vô cùng hưng thịnh về mặt thông tin. Mọi thứ chúng ta muốn đều có thể đến từ túi quần. Bạn cần thanh toán? Bạn cần đồ ăn? Bạn cần phiên dịch tại chỗ? Bạn cần tra cứu thông tin gì đó? Bạn cần giải trí? Tất cả những điều đó đều nằm trong túi của bạn. 
Sự tiện lợi mà các thiết bị thông minh mang lại cho loài người là không thể chối cãi. Kể từ khi điện thoại thông minh ra đời, hàng loạt các nền tảng khác và các tiện lợi khác đi kèm cũng ra đời. Từ khi điện thoại còn phải nhắn tin cho tổng đài để có chút internet tốc độ thấp giờ đây chúng ta có 5G. Trước kia chúng ta cần phải gặp bác sĩ để kiểm tra sức khỏe bản thân, giờ đây chúng ta nhìn lên đồng hồ thông minh trên tay là đủ hiểu cơ thể mình. Hàng loạt app điện thoại, app máy tính kết nối với nhau, kết nối con người ở mọi miền lại thành cộng đồng khổng lồ mà loài người chưa bao giờ có, cộng đồng cư dân mạng. 
Mạng xã hội mở ra với những app điện thoại hữu ích cho sự kết nối. Khác với những năm 2000 khi giao tiếp được thực hiện chủ yếu qua tin nhắn của nhà mạng và những cuộc gọi liên mạng tốn kém, giờ đây chúng ta có thể nhìn thấy nhau trực tiếp, nhắn tin và gọi điện miễn phí thông qua những app mạng xã hội. 
Bên cạnh đó, mạng xã hội còn mở ra cơ hội phát triển về nhiều mặt cho mọi người. Các hội nhóm học tập được mở ra, các thông báo trong trường lớp thay vì phải soạn qua email thì đã có thể được chia sẻ ngay trong chính các nhóm kia. Cơ hội kinh doanh cũng đến với nhiều người khi các nhóm buôn bán, các trang mạng buôn bán mở ra liên tục. Và với sự phát triển của mạng xã hội thì mọi thứ chỉ mở rộng hơn. 

Sự bành trướng của mạng xã hội

Theo thống kê của trang Statista, kể từ năm 2008 cho tới nay, các trang mạng xã hội đã có sự phát triển vượt trội, gấp nhiều lần so với thời kỳ trước đó. Vào năm 2006 khi Twitter ra đời thì các trang như Facebook, Youtube và Instagram còn chưa có nổi 500 triệu người dùng. Nhưng đến năm 2010, giới hạn đó đã bị phá bỏ và đến năm 2022 thì Facebook đã có đến gần 3B người dùng, Youtube là hơn 2B, WhatsApp là 2B, Insta là 1,4B và Tiktok là 1B.
Theo thống kê của Napoleon Cat, vào năm 2021, ở Việt Nam có 76 triệu người dùng Facebook, chiếm hơn 70% dân số cả nước và người dùng ở độ tuổi từ 13-17 là 9.2%, 18-24 tuổi là 24,8% còn nhóm dùng nhiều nhất là 25 đến 34 tuổi chiếm 31,6%. 
Instagram khiêm tốn hơn Facebook với tổng người dùng ở VN là 10 triệu người nhưng tỉ lệ người dùng ở độ tuổi có sự khác biệt rõ rệt. Độ tuổi từ 13 đến 17 là 18,5% với tỉ lệ nữ giới chiếm 13,1%. Độ tuổi từ 18 đến 24 chiếm tới 47,6% tổng người dùng và trong số đó là 29.9% nữ giới. Instagram có sự chênh lệch giới tính rõ rệt khi có tới 62% người dùng là nữ còn nam chỉ là 37%. 
Và rồi chúng ta có Tiktok, mạng xã hội chia sẻ video ngắn sinh ra từ Douyin của Trung Quốc. Mặc dù sinh sau đẻ muộn nhưng Tiktok đã có cú vọt lớn chỉ trong thời gian ngắn. Theo thống kê của SensorTower, vào quý đầu năm 2017 Tiktok chỉ có 22,4 triệu người dùng nhưng đến quý đầu năm 2020 thì con số đó đã là 315 triệu người dùng. Và chỉ sau hai năm khóa cửa vì đại dịch, Tiktok đã có 1,5B người dùng toàn cầu và 1B trong số đó là người dùng tích cực. 
Sự phát triển một cách rầm rộ của mạng xã hội đã đem đến nhiều lợi ích cho cuộc sống. Ngoài việc mở ra các hình thức kinh doanh mới, tạo điều kiện tăng thu nhập cho nhiều người trên thế giới thì mạng xã hội cũng là nơi để chúng ta học tập nhiều điều, tăng khả năng tiếp thu kiến thức mà giáo dục truyền thống không thể đem tới. 
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, mọi tích cực đều phải đính kèm với tiêu cực. Sự bành trướng của mạng xã hội trong những năm qua không chỉ đem đến cơ hội mà còn có những hậu họa vô cùng khôn lường. 

Nghiện mạng xã hội

Định nghĩa chính xác của từ “chán nản” là gì vẫn cần phải được bàn luận thêm nhưng đây là cảm giác khá quen thuộc với giới trẻ hiện tại. Theo nghiên cứu của Common Sense Media, thanh thiếu niên độ tuổi teen dùng điện thoại hơn 7 giờ mỗi ngày, và khi dứt ra khỏi công nghệ nói chung, hầu hết các bạn trẻ đều không biết phải làm gì. Nói chung, khi không có đồ giải trí, họ chán nản. 
Theo nghiên cứu của giáo sư Timothy Wilson của đại học Virginia vào năm 2014 về hành vi con người khi không sử dụng đồ công nghệ, chúng ta cần phải thực sự suy nghĩ kỹ hơn về bản thân khi sử dụng điện thoại. 
Nghiên cứu cho một nhóm người đến một phòng trống và không sử dụng đồ công nghệ, đồ giải trí nói chung từ 6 đến 15 phút. Kết quả sau thí nghiệm nhỏ là họ thấy khó tập trung và họ có suy nghĩ luẩn quẩn không thống nhất. 
Kết quả trên có phần đáng sợ nhưng thí nghiệm sau đó mới thực sự rùng mình. Người tham gia bị giật điện nhỏ và được đặt điều kiện phải trả $5 để tránh bị giật tiếp. Hầu hết đều không muốn bị giật điện nên đã trả tiền. Nhưng cùng với thí nghiệm đó, khi được cho phép tự giật điện trong căn phòng trống không có thiết bị giải trí, họ đã làm điều vô tưởng.
67% nam giới và 25% nữ giới tự giật điện mình ít nhất một lần chỉ để giải trí, thoát khỏi cảm giác nhàm chán một cách tạm thời. 
Thí nghiệm nhỏ trên không hề khẳng định rằng con người có xu hướng tự hại khi bị nhàm chán. Nhưng nó có nói lên một sự thật là chúng ta đều có nhu cầu giải trí và mức độ thèm khát có thể bị thao túng. 
Trong thời đại công nghệ số tràn lan như vừa kể trên, không ai là thoát khỏi giải trí công nghệ. Các phần mềm mạng xã hội nói chung được thiết kế để lôi kéo, thu hút và giữ chân người dùng trong thời gian lâu nhất nhằm đạt hiệu quả quảng cáo cao nhất. 
Các vấn đề được đề xuất như nút Like, bình luận, việc kéo thả để tải thêm nội dung hoặc việc kéo dọc trên điện thoại để xem thêm đều được bình luận và đều dẫn tới kết luận là có khả năng thao túng người dùng, để họ bị hút vào nền tảng và không dứt ra được. 
Nút Like và các bình luận đem đến cho chúng ta một chút Dopamine trong não và chúng ta sẽ dần thèm khát trải nghiệm đó. Mỗi một dấu đỏ nổi trên màn hình đều khiến chúng ta nóng lòng mở ra xem có gì đặc biệt. Mỗi khi tin nhắn đến đều cho một cú sốc Dopamine vào cơ thể và như đã giải thích về cơ chế gây nghiện Dopamine, chúng ta luôn thèm nhiều hơn. Từ một vài like, chúng ta muốn có vài trăm like. Từ một vài bình luận, chúng ta muốn có một cuộc thảo luận lớn. 
Mặc dù có thể cho qua những vấn đề kể trên và tự vỗ ngực nói rằng mình là người lớn, mình có thể kiểm soát bản thân. Nhưng vấn đề không nằm ở chính mình, vấn đề một phần đến từ tính bất ổn và khó lường trước của người khác.
Sự phát triển của mạng xã hội hoàn toàn dựa trên sự đóng góp của người dùng. Khái niệm nội dung tự phát hay User Generated Content là một thứ vô cùng quan trọng, nó là chìa khóa dẫn tới thành công của mọi nền tảng. Nếu không có người dùng đóng góp nội dung, các nền tảng sẽ chết và nhanh chóng bị lãng quên. Nhưng điều đó có nghĩa là nội dung chúng ta xem hàng ngày trên các trang này cần được kiểm soát chặt chẽ nhằm tránh các nội dung không lành mạnh bị phát tán. 
Đáng buồn thay, nỗ lực kiểm soát không thể nào vượt được khối nội dung khổng lồ bị bơm vào hệ thống mạng hàng giờ hàng phút. 

Nội dung người lớn

Giữa thời điểm đang phát triển rầm rộ nhất, Tiktok gặp phải một sự cố khi nội dung mèo Ai Cập Ankha trong game Animal Crossing làm chuyện người lớn bị phát tán khắp nơi trên nền tảng này. 
Sự việc trên dấy lên nhiều lo ngại về việc sử dụng Tiktok và mặc dù đã có biện pháp tạm thời để ngăn cản sự lan truyền của nội dung trên nhưng Tiktok vẫn là tâm điểm của sự chú ý về nội dung bẩn trên mạng Internet. 
Cùng thời điểm đó, đội ngũ Wall Street Journals đã bắt tay vào điều tra thuật toán của Tiktok để tìm hiểu cách ứng dụng này điều phối nội dung. Như mọi nền tảng khác, những từ khóa được tìm kiếm và những nội dung chúng ta xem sẽ trở thành điểm nhấn với nền tảng, từ đó họ sẽ tìm kiếm những nội dung tương tự để đề xuất cho người xem tiếp tục trải nghiệm. 
Vậy chuyện gì sẽ xảy ra nếu một đứa trẻ chưa đủ tuổi vị thành niên tìm kiếm nội dung đồi trụy trên Tiktok?
Sau khi thử tạo tài khoản có độ tuổi là 13 trên Tiktok, đội ngũ Wall Street Journals tìm kiếm từ khóa Nhất Quạt, một mạng xã hội nội dung đồi trụy trên Tiktok và chỉ sau một vài phút quẹt nội dung, họ đã bắt đầu tìm thấy dấu vết của nội dung hở hang trên Tiktok. 
Những nội dung này được người dùng tự tạo và tự đăng lên, lách khỏi những luật hà khắc của mạng xã hội về độ hở và độ đồi trụy. Những nội dung bắt mắt này thường được trá hình bởi những cô gái đáng yêu, trang điểm đậm đặc và lồng vào âm nhạc đang thịnh hành để được phổ biến hơn. Và chỉ cần nhìn qua là chúng ta có thể hiểu họ đang bán cái gì trong những nội dung đó. 
Với thuật toán Tiktok, chỉ cần ở lại một video đủ lâu, Tiktok sẽ ghi nhận là người dùng thích các nội dung này và sẽ tiếp tục đẩy thêm các nội dung tương tự tới cho người xem. Và kết quả là sau 2 đến 3 nội dung hở hang, người dùng sẽ được Tiktok mớm cho hàng loạt các clip hở hang, có khi còn lộ đến mức khó hiểu vì sao vẫn được Tiktok duyệt. 
Theo chân đội ngũ Wall Street Journals, họ còn sớm tìm thấy một từ khóa ẩn khác có tên là Kinktok với nội dung gợi cảm bạo hành. Tiếp theo, họ ghi nhận được hơn 560 video có nội dung liên quan đến sử dụng chất kích thích, sản phẩm không lành mạnh và tình dục được đề xuất cho tài khoản 13 tuổi này. 
Về độ gợi cảm của nội dung trên Tiktok, có lẽ không ai cần được thuyết phục thêm vì gần như ai từng dùng Tiktok đều cũng đã lướt qua những nội dung kiểu này ít nhất một lần rồi. 
Để chống lại vấn đề nhạy cảm này, Tiktok đã có cập nhật mới về chính sách và cách thức hoạt động. Trong thông báo ngày 17.10.2022, Tiktok chia sẻ rằng kể từ 23/11/2022, họ sẽ tăng độ tuổi sử dụng của nền tảng và những tính năng như nhắn tin, Livestream sẽ bị giới hạn tuổi. Ngoài ra, người dùng cũng có lựa chọn để được xem nội dung người lớn hay không. Điều này nghĩa là các nội dung người lớn sẽ không còn cách để tiếp cận người dùng trẻ và những ai muốn làm nội dung hở hang quá độ đều sẽ bị thanh trừng. 
Cơ chế trên có cản được việc Tiktok tiếp tục lan truyền nội dung không lành mạnh hay không? Khó nói trước được, nhưng việc các em nhỏ tiếp cận nội dung hở hang, đồi trụy và vô tình click phải những đường link đen đã không còn quá xa lạ nữa rồi. 
Tiktok không phải nền tảng duy nhất có sự tồn tại bất cập này.
Twitter, mạng xã hội nổi tiếng nhất nhì sau Facebook được báo Reuter chỉ ra rằng đang chứa đựng đến ít nhất 13% tổng nội dung là nội dung đồi trụy với những hình ảnh không thể cho trẻ em nhìn thấy. 
Tumblr, một mạng xã hội khác, từng bị mất đi 30% tổng người dùng sau khi cấm đăng tải nội dung đồi trùy. Youtube, trang đăng tải nội dung video lớn nhất thế giới cũng chứa đựng những nội dung đồi trụy không bị thanh trừng. Whatsapp, nền tảng nhắn tin cũng đầy rẫy các group chat chia sẻ nội dung này. Và thậm chí là Instagram, nền tảng được kiểm soát nghiêm ngặt không khác gì Facebook cũng chứa đựng rất nhiều hình ảnh và video hở hang của những người dùng tạm gọi là táo bạo để tăng nhận diện và bán sản phẩm của mình trên trang khác. 
Và trang khác chúng ta đang nói ở đây chính là nền tảng mạng xã hội dành cho người lớn có tên là Nhất Quạt. 
Nhất Quạt là cái tên việt hóa của nền tảng này nhằm tránh việc ủng hộ mô hình kinh doanh của nó. Mô hình của Nhất Quạt bao gồm việc người dùng đăng tải hình ảnh của mình lên và bắt người dùng khác phải trả phí để được xem. Phí dịch vụ này sẽ được chia cho chủ nền tảng và người bán ảnh. Tóm lại, người bán ảnh có thể sử dụng nền tảng này để kiếm tiền một cách khá là không lành mạnh. Và cách để quảng bá các hình ảnh trên trang này là sử dụng các trang mạng xã hội như Facebook, Instagram, Tiktok và Youtube để gắn đường dẫn tới trang Nhất Quạt của mình và bán ảnh. 
Sự bành trướng của mạng xã hội và công dụng của nó với các mô hình kinh doanh tự phát của người dùng đem lại cả lợi lẫn hại cho xã hội. Nhưng cũng nhờ cơ chế này mà việc ngăn cản nội dung bẩn đến với tay và mắt trẻ em thực sự không hề dễ dàng chút nào. 
Và tất nhiên, nhờ sự trôi nổi này mà ảnh hưởng của nó đến đời sống sinh hoạt của trẻ em cũng bị thay đổi không hề nhỏ. 

“Giáo dục” giới tính, môn học “khó dạy”

Chủ đề giáo dục giới tính vẫn luôn là vấn đề nhạy cảm. Trẻ em đến tuổi dậy thì bắt đầu có nhu cầu khám phá bản thân và xu hướng tính dục của mình sẽ khó có được giáo dục bài bản và đầy đủ về chuyện tình dục nói chung. 
Rất nhiều người lớn lên với kiến thức còn kém về vấn đề giới tính, thậm chí nhiều phụ huynh còn có tư tưởng sai lệch về chuyện tình dục dẫn tới việc truyền đạt lại nội dung giáo dục nhạy cảm này gặp nhiều vướng mắc. 
Giáo dục giới tính trên trường lớp thì qua loa và thiếu sự tương tác cần thiết cho khái niệm học tập. Hầu hết những gì các em được thấy là hình ảnh dương vật và cách đeo bao cao su. Trong khi đó những yêu cầu khác và những bài học sâu sắc hơn về chuyện tình dục như tình cảm đôi lứa, độ tuổi thích hợp, những gì cần làm sau khi quan hệ hoặc trong trường hợp bị cưỡng ép thì phải làm gì…thì lại ít được đề cập.
Tôi cũng dám cá rằng ở đây, số người biết rằng nên đi vệ sinh sau khi quan hệ là thiểu số. Vậy thì với điều kiện thông tin chính thống khan hiếm, các em nhỏ sẽ làm gì để khám phá bản thân và xu hướng tính dục của mình? 
Câu trả lời nằm trong chiếc điện thoại các em sử dụng.
Theo báo Thanh Niên chia sẻ, các em nhỏ ở độ tuổi lớp 7 lớp 8 đều tiếp xúc với chuyện tình dục thông qua các ấn phẩm đồi trụy trên mạng. Việc các em nhỏ tự tìm hiểu và khám phá là điều hoàn toàn bình thường. Nhưng thứ không bình thường là các ấn phẩm đó không được đưa vào bối cảnh giáo dục, hầu hết được sinh ra nhằm tác động tâm lý khiến người xem bị kích thích chứ không có tính kiến thức. Và với tâm lý trẻ, học với hành đi đôi với nhau, không ít trường hợp quan hệ tình dục xảy ra trong trường học đã bị phát giác và cho tới nay đây vẫn là tình trạng thường xuyên xảy ra ở trong các trường trung học phổ thông và thậm chí là trung học cơ sở. 
Bên cạnh đó, với tác động của mạng xã hội, đặc biệt là nền tảng Instagram và Tiktok, nơi các bạn trẻ được phép khoe mình và thể hiện cá tính, nhiều tình trạng bất cập cũng xảy ra. Khi đăng hình ảnh lên mạng xã hội, những hình ảnh hở hang của các em nữ sẽ luôn được nhiều ủng hộ hơn so với ảnh kín đáo. Điều này vô hình trung đã ủng hộ các em đăng tải nhiều da thịt hơn và cứ như thế các em dần bình thường hóa các hành động này. 
Trong trường lớp, việc một học sinh có tài khoản Instagram hoặc Tiktok hở hang đã không còn là chuyện hiếm gặp khó tin nếu không muốn nói là phổ biến. Từ đây những bình luận khiếm nhã cũng thường xuyên xuất hiện, bình phẩm về cơ thể của em nữ. Hoặc thậm chí là tệ hơn, sẽ có những tin nhắn gửi tới cho các em đòi hỏi về chuyện tình dục.
Khi sống trong một môi trường bình thường hóa chuyện tình dục, việc gửi nhau những hình ảnh khỏa thân hay sexting trở thành điều quá đơn giản, chỉ cần bấm hai ba nút là xong thì việc các em gái bị lộ hình từ quá sớm là chuyện có thể xảy ra. 
Từ những bất cập này, các tình huống oái oăm có thể xảy ra với các em nhỏ khiến tâm lý non trẻ của các em phải tìm đến các giải pháp cực đoan. Khi bạn bè thường xuyên đăng ảnh có nhiều tương tác, có những thân thể hở hang, các em khác cũng bắt đầu bị cuốn vào cuộc đua hình ảnh hoặc có thể cũng bị bạn bè lôi kéo vào những cuộc chơi đua đòi đó. Sau khi đăng những hình ảnh nhiều tương tác ấy, các em sẽ gặp tình trạng bình thường hóa chuyện quan hệ khi có những tin nhắn gửi tới với hai loại nội dung. Một là chỉ trích các em vì có hành động đó, hai là những lời khen ngợi cơ thể đến từ những bạn nam khác. 
Sau khi chuyện này xảy ra, tương tác qua lại giữa các em nhỏ dễ đưa bạn gái vào tình thế tiến thoái lưỡng nan khi bị các bạn dụ dỗ gửi ảnh nóng cho nhau. Câu mời gọi các em hay sử dụng sẽ thường là “Ai cũng làm thế mà có sao đâu?”. Nếu không gửi thì các em sẽ bị chỉ trích thậm tệ, còn nếu gửi đi thì sẽ bị các bạn phát tán hình ảnh. 
Một số trường hợp khác là khi các em đang trong mối quan hệ với bạn trai. Có những câu chuyện về việc bạn trai đòi xem ảnh nóng thì mới cho làm quen hoặc cho hàn gắn mối quan hệ.
Những chuyện vừa được kể nghe có vẻ hoang đường nhưng đó lại là sự thật đã xảy ra ở nhiều trường học khác nhau. Và điều tồi tệ nhất không nằm ở việc các em có quan hệ tình dục. Vấn đề thực sự xảy ra sau khi các gia đình biết chuyện và xử lý tình huống không hiệu quả, dẫn tới rạn nứt gia đình và nỗ lực đưa em trở về cuộc sống lành mạnh trở nên vô hiệu. 
Tâm lý phụ huynh khi những chuyện này xảy ra thường sẽ là đổ lỗi cho các em nhỏ non dại, không hiểu vì sao lại có suy nghĩ như thế và coi rằng mình trong sáng, mình là người đúng đắn còn các con mới là những kẻ có tội. 
Nhờ tâm lý ấy kèm theo sự khan hiếm về giáo dục giới tính, tình dục ở tuổi mới lớn tạo ra tình trạng các em nhỏ liên tục rơi vào vòng xoáy của chuyện sexting và cyberbullying. 
Và như đã chia sẻ ở nội dung về ảnh hưởng của phim đen đến tâm lý em nhỏ, tỉ lệ nạo phá thai ở Việt Nam trong các năm qua dù đã giảm nhưng trong số các ca nạo phá, tỉ lệ mang thai ở tuổi còn đi học lại tăng lên. Điều này là minh chứng rõ nhất cho việc trẻ vị thành niên vẫn chưa được giáo dục giới tính một cách hiệu quả và đàng hoàng. 
Nhưng điều tồi tệ hơn vẫn chưa được nói ra, các em nhỏ có thể non dại và lâm vào các tình cảnh khó khăn nhưng điều đó không có nghĩa là các em là nơi để chĩa mũi nhọn vào và chỉ trích. Ngoài sự cố gây ra vì những tư duy ngây thơ thì còn có những hậu quả để lại từ những kẻ xấu muốn đục nước béo cò. 

Lạm dụng tình dục trẻ em

Khi còn nhỏ chúng ta được dạy là hãy tránh xa người lạ, không giao tiếp và không tiếp cận. Điều đó đúng với tình hình những năm trước 2010 nhưng hiện nay, chúng ta cần nhìn nhận lại một chút.
Khái niệm bạn trên mạng đã dần làm mờ ranh giới giữa người quen và người lạ. Khi các em nhỏ lên mạng, việc gặp phải các tình huống ngoài mong muốn là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra. 
Những kẻ xấu sẽ rình rập trên mạng xã hội, tìm kiếm những tài khoản vừa ý và bắt chuyện. Những cuộc trò chuyện sẽ mở đầu trong sáng và dần dần mang tới sắc thái gợi dục. Khi đó, những kẻ xấu sẽ dụ dỗ các em nhỏ chia sẻ hình ảnh hay video nhạy cảm của mình mỗi khi các em đăng những bức ảnh mới. Tâm lý nhẹ dạ cả tin của các em nhỏ dễ bị kẻ xấu đánh lừa và gửi cho chúng những bức ảnh của mình. Một khi có được hình ảnh của các em, chúng nắm thóp, thao túng và đe dọa khiến các em trở thành nạn nhân dài hạn. 
Mặc dù quy trình vừa kể có vẻ hoang đường và không thực tế nhưng dưới lốt các bạn trai, bạn gái trẻ tuổi, đẹp trai xinh gái, học cấp 2 hoặc cấp 3, những kẻ xấu hoàn toàn có thể che mắt thiên hạ, lừa các em nhỏ và tấn công tình dục trên mạng mà không hề có ai hay. Các em nhỏ thường nghĩ rằng đối tượng là một người bạn cùng trang lứa, phải lòng hoặc muốn tiếp cận tình cảm với mình, từ đó dẫn tới các hành động không chín chắn và sa lưới kẻ xấu. 
Nhưng đó vẫn chưa phải bức tranh toàn cảnh. Những kẻ xấu trên thường hoạt động có tổ chức, có khả năng buôn bán thông tin, buôn bán trẻ em và chúng có thể lôi kéo, dụ dỗ trẻ em một cách rất dễ dàng. 
Bên cạnh đó, các em nhỏ sau khi bị xâm hại thường có tâm lý tự trách và không dám chia sẻ với phụ huynh vì sợ hậu quả. Những câu chuyện xâm hại thường bị giấu kín trong nhiều năm và chỉ được tố cáo khi các em đã tới tuổi vị thành niên hoặc tệ hơn là khi đã có hậu quả nhất định. 
Theo thống kê của Bộ văn hóa, thể thao và du lịch Vụ gia đình, Trong 02 năm 2017 – 2018, toàn quốc xảy ra 3.139 vụ bạo lực, xâm hại trẻ em với 3.221 trẻ em bị bạo lực, xâm hại, trong đó 2.643 vụ xâm hại tình dục với 2.690 trẻ em bị xâm hại tình dục; 3 tháng đầu năm 2019 đã xử lý 310 vụ bạo lực, xâm hại trẻ em với 325 trẻ em bị bạo lực, xâm hại.
Tình trạng của xâm hại tình dục trẻ em ngày càng phức tạp và đòi hỏi các cơ quan chính phủ ra tay xử lý chặt chẽ. Vào năm 2019, Bộ trưởng Bộ Công An, đại tướng Tô Lâm đã gửi văn bản chỉ đạo yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương tăng cường hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện, điều tra, xử lý, giảm tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em.
Nhưng các mối nguy từ bên ngoài không phải là duy nhất, vẫn còn những mối nguy tiềm tàng từ chính các em nhỏ mà chúng ta khó có thể can thiệp được. 

Tấn công, bắt nạt trực tuyến

Gia đình thường được ví là tổ ấm, là nơi an toàn nhất cho các em nhỏ. Nhưng điều đó chỉ đúng khi ở nhà các em sẽ không phải gặp các mối nguy từ bên ngoài. Trong thời đại 4.0, khi thông tin tràn lan trên mạng và có khả năng tiếp cận mọi người thông qua các thiết bị điện tử, việc gặp các mối nguy ở ngay chính gia đình mình là điều thường xuyên xảy ra.
Khi còn nhỏ, những kẻ bắt nạt chỉ có thể tấn công chúng ta khi ta ở ngoài đường, ở trường, ở lớp, vân vân. Nhưng ngày nay, những kẻ bắt nạt có thể ở mọi nơi trên mạng. Không gian mạng đầy rẫy những kẻ vô danh có khả năng bình phẩm, chế giễu hoặc thậm chí tấn công tâm lý các em ở các nền tảng mạng xã hội. Một bức ảnh đăng lên mạng có thể bị cả trăm cả ngàn người nhìn thấy và bình phẩm. Chuyện này xảy ra không hề ít và thậm chí còn có cả trường hợp người bắt nạt lại chính là gia đình của trẻ em. 
Câu chuyện về người mẹ phát giác con mình xem nội dung đen và đăng lên mạng, chia sẻ với đại chúng về thói hư của con trai đã khiến cộng đồng mạng phải rúng động. Với tốc độ lan truyền của mạng xã hội, giờ đây bất cứ ai cũng biết đứa trẻ xem nội dung đen là ai, nó đã làm gì và phải khóc lóc ra sao. Đòn đánh tâm lý này thực sự rất hiệu quả trong việc tra tấn đứa trẻ khi nó phải đến trường lớp và gặp những lời bàn tán từ mọi phía. 
Là những người ở tuổi chớm trưởng thành, chúng ta vẫn còn đang phải học cách chống lại nội dung tiêu cực trên mạng, tìm cách giải độc tâm lý sau một thời gian dài đối mặt với mạng xã hội. Với tâm lý còn chưa vững, các em nhỏ sẽ phải làm gì để chống lại những thứ tiêu cực luôn rình rập đó?
Giải pháp cơ bản sẽ luôn là cãi lộn và chống chế. Giải pháp cao hơn mà các nhà phát triển mạng xã hội cho phép là xóa bình luận, chặn và tắt thông báo. Nhưng những kẻ bắt nạt hoàn toàn có thể kêu gọi thêm lực lượng, cải trang thành các tài khoản vô danh khác và tiếp tục cuộc tấn công. 
Điều đáng ngạc nhiên ở đây không phải ở quy mô và độ phủ của các cuộc tấn công mạng này. Điều khiến chúng ta phải bất ngờ nằm ở tâm lý của nhiều phụ huynh khi khám phá ra sự tồn tại của những thế lực ảo đó. Nhiều người vẫn cho rằng đó là điều bình thường hoặc không để tâm đến mức chỉ nói rằng các con nên tắt điện thoại đi là xong. 
Khi ở trong chính căn nhà của mình mà vẫn bị tấn công, tâm lý của các em dần bị tổn thương và rơi vào trạng thái lo âu, suy thoái tâm lý và dẫn tới các tình trạng biến chứng tâm lý tiêu cực. 

Trầm cảm - rối loạn lo âu

Ngày 1/4/2022, người dân ở khu chung cư Văn Phú Victoria Hà Đông, Hà Nội phát hiện ra thi thể của một học sinh cấp 3 trường Amsterdam. Em đã nhảy lầu từ tầng 28 tòa nhà V1 và để lại một bức thư tuyệt mệnh cho cha mẹ. Nhưng câu chuyện của em không phải là duy nhất. Vào cuối tháng 3, nữ sinh lớp 9 đã tử vong sau khi rơi từ tầng 26 chung cư ở Hà Nội; một nữ học sinh lớp 8 ở Bắc Ninh cũng đã tìm đến cái chết bằng cách treo cổ tại nhà. 
Những câu chuyện về việc trẻ em tìm đến giải pháp cực đoan đã không còn xa lạ trên các mặt báo. Theo thống kê của tổ chức y tế thế giới, ở Việt Nam tỷ lệ tự sát trong năm 2015 là 5,87 trên 100.000 dân. Theo thống kê của Unicef, độ tuổi từ 18 đến 21 có ý định tự tử ở mức cao nhất và đại đa số trẻ em có ý định muốn tự tử đều sống trong gia đình có thu nhập thấp. 
Theo số liệu thống kê được công bố trong tọa đàm “Tiếp cận đa ngành trong nghiên cứu, phòng ngừa, can thiệp tự sát ở trẻ em và thanh thiếu niên” được tổ chức ngày 4/5/2022, thực trạng tự tử ở Việt Nam càng ngày càng trẻ hóa và có dấu hiệu gia tăng, năm 2019 chiếm 7.5% dân số. Tuy nhiên trên thực tế, con số có thể nhiều hơn so với số liệu thống kê.
Trong khi tình trạng báo động trên vẫn còn đang gây nhiều tranh cãi, một bộ phận vẫn cho rằng các em là những người yếu đuối và để những bất cập trong cuộc sống tước đi cuộc đời mình. Chúng ta không ở đây để bàn luận về tính vô lý của nhận định đó nhưng điều chúng ta rút ra được là nhận thức về bệnh tâm lý nói chung vẫn còn thấp và chúng ta càng im lặng về nó là càng khiến nó có cơ hội phát triển. 
Và đáng buồn thay, mạng xã hội lại là chất xúc tác khiến sự cô đơn, cô độc ngày càng nghiêm trọng hơn. 
Trong khi nghiên cứu các nguồn tài liệu để xây dựng nội dung này, tôi đã gặp khó khăn trong quá trình chọn ra bài nghiên cứu nào để lấy ví dụ và thông số cho sự cô độc của chúng ta trong thời đại này. Vấn đề nằm ở chỗ mọi bài viết đều có điểm đúng, điểm chưa được chứng minh, nhưng có lẽ chẳng bài viết nào có thể chính xác hơn đời thực. 
Để thấy rõ nhất về thực trạng này, các bạn chỉ cần nhìn lại chính cuộc sống của mình là sẽ thấy. Các buổi gặp mặt bạn bè thường có cảnh cả nhóm ngồi ôm điện thoại thay vì nói chuyện, gia đình thường ăn uống với nhau rồi ai làm việc đó với máy tính, điện thoại, TV, vân vân. Bằng cách nào đó chúng ta đã quen dần với không gian riêng trong khoảng thời gian chung. Chúng ta có thực sự cô đơn trong thời đại số không? Câu trả lời đã được nêu lên trong hàng trăm ngàn bài viết được nghiên cứu và chia sẻ trong thập kỷ qua. Nhưng có lẽ các bạn tự có câu trả lời cho mình rồi. 
Chúng ta im lặng đến bất ngờ trước sự đối diện trực tiếp với người ngoài nhưng lại cực kỳ hoạt ngôn khi ẩn mình sau bàn phím và đoạn chat. Chúng ta có nhiều bạn trên mạng xã hội hơn bạn ngoài đời. Chúng ta có công cụ nhắc nhở ngày sinh nhật của gia đình và thay vì phải đi mua quà và hẹn gặp nhau, giờ đây ta chỉ cần viết một câu lên tường nhà ai đó là đủ. 
Con người là sinh vật của cộng đồng, chúng ta khác với những động vật khác ở điểm có khả năng giao tiếp và phối hợp với nhau để tạo ra những kỳ vĩ mà nhân loại vẫn còn đang phải vắt óc để tìm hiểu bằng cách nào mà những người đời trước có thể xây nên những kỳ quan đó. 
Và với khái niệm mạng xã hội, chúng ta đang… ít xã hội hơn chúng ta nghĩ. 
Sự xa cách kèm theo những mối nguy mà mạng xã hội đang mang tới khiến chúng ta bị chia rẽ. Và khi cô độc, chúng ta trở thành con mồi cho những nguy hiểm rình rập ngoài kia. Chúng ta mạnh hơn khi ở bên nhau, đoàn kết và cùng chung tay xây dựng và bảo vệ điều gì đó. Vậy nên khi đối mặt với những mối nguy kia, chúng ta có thể làm gì?

Trách nhiệm của người lớn

Chúng ta đều muốn có một mục tiêu nào đó để chĩa mũi nhọn vào và nói rằng đó là thứ khiến chúng ta đang khổ sở. Nhưng trong thế giới thực tế, không có gì là trắng và cũng chẳng có gì là đen. Mọi thứ đều ở trong một màu xám mù mịt mà chúng ta cần phải chủ động tìm lối đi. 
Sự phát triển của công nghệ đem đến nhiều lợi ích nhưng cũng nhiều bất cập. Mặc dù mạng xã hội mở lối cho những vấn đề nguy hiểm đến với giới trẻ nhưng nó cũng cho chúng ta những cơ hội, những tiềm năng mới mà trước đó chưa hề có. Không ít gia đình đã tạo ra thu nhập lớn nhờ sử dụng mạng xã hội, không ít những gia đình đã được cứu nhờ sự hỗ trợ từ cư dân mạng. Mặc dù không thể phủ nhận được những nguy hiểm tiềm tàng mà nó mang đến nhưng mạng xã hội cũng không phải thứ chỉ mang đến hiểm nguy.
Internet nói chung cũng như vậy. Mặc dù những thứ đồi trụy gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý con trẻ chỉ cách tầm mắt vài từ khóa và vài nút bấm, chúng ta không thể nào nói rằng Internet không có thứ tích cực. Nhờ sự phát triển của Internet mà chúng ta tiếp cận thông tin dễ hơn, có hệ thống quản lý tốt hơn, thuận tiện hơn, gặp nhiều cơ hội hơn và giải quyết được nhiều thông tin hơn. 
Thế giới luôn nằm trong sự cân bằng giữa những thứ ổn và những thứ bất ổn. Chúng ta không thể nào chỉ nhìn vào cái sai mà bỏ qua cái đúng, tập trung vào cái dở mà bỏ quên rằng xã hội cũng đang cần đến nó. 
Cái nhìn toàn cảnh, rộng hơn và vị tha hơn sẽ giúp chúng ta có một cách suy nghĩ khác về các vấn đề bất cập trên. Khi con người còn đi bằng hai chân thì tai nạn giao thông là thứ gì đó không thể xảy ra. Nhưng nhờ có sự ra đời của xe bốn bánh, chúng ta mới có thể tiếp cận được các mục tiêu xa hơn, phát triển công nghiệp và đem đến cơ hội việc làm cho nhiều người. Khi xe hơi mới ra đời, chúng ta còn nhiều bất cập và nhiều tai nạn đáng tiếc đã xảy ra. Nhưng chúng ta đã học hỏi, tìm cách cải thiện và phát triển, tạo ra luật giao thông đường bộ, tạo ra đèn báo giao thông, tạo ra những chế tài xử lý để giúp ổn định trật tự đường bộ. Và trong suốt bề dày lịch sử nhân loại, dù vẫn còn nhiều bất cập, giao thông đường bộ đã phần nào đi vào ổn định và đem đến sự phát triển bền vững cho chúng ta. 
Kể từ khi chiếc xe hơi đầu tiên được chế tạo vào năm 1885 bởi Carl Benz tại Đức, chúng ta đã có hơn 100 năm phát triển và ổn định cho công nghiệp bốn bánh. Đó là thời gian cực kỳ dài gồm nhiều thăng trầm khác nhau của thời đại. Internet ra đời vào cuối những năm 60 và chỉ thực sự được đem đến cho đại chúng từ những năm 90. Phải tới gần 10 năm sau đó, vào những năm đầu tiên của thế kỷ mới, Internet mới thực sự bùng nổ và đem đến cho chúng ta những tiến bộ như bây giờ. Hầu hết các trang mạng xã hội đều chưa đến tuổi 30 và vẫn còn phải có thêm nhiều năm nữa mới đi vào ổn định. Nói cách khác, chúng ta đang trong giai đoạn phát triển và vì thế nên những bước đi chập chững thiếu chín chắn vẫn sẽ tiếp tục diễn ra. 

Vậy chúng ta có thể làm gì?

Đầu tiên, sự chia rẽ mà mạng xã hội đang đem đến cho chúng ta là chất kích thích khiến mối quan hệ gia đình đang dần trở nên xa cách. Người thân là lá chắn đầu tiên trước những vấn đề xã hội và chúng ta cần phải khẳng định điều đó. Nếu bắt gặp con cái hoặc em nhỏ đang tiếp cận những thông tin độc hại trên mạng, chúng ta không nên chế giễu, phạt, cấm đoán hoặc im lặng bỏ đi. Vào lúc này, sự quan tâm, chia sẻ, thông cảm và hướng dẫn sẽ có giá trị cao hơn cả. 
Thay vì phạt, tố giác và tạo cảm giác tiêu cực với phụ huynh, hãy cho con nhỏ và các em biết rằng mình là nơi các em các con có thể tìm đến để truy tìm những thông tin bổ ích, giúp các em định hướng tư duy tốt hơn thay vì phụ thuộc vào những thứ các em tìm được trên mạng. 
Ngoài ra, giáo dục giới tính cần được thoát khỏi chiếc két mà các phụ huynh đã làm mất chìa khóa. Từ những thay đổi trên cơ thể khi đến tuổi dậy thì cho tới những tâm tư tình cảm và nguyện vọng ở tuổi mới lớn, tất cả đều quan trọng với giới trẻ. Vậy nên dù cuộc sống có bộn bề và căng thẳng, vài phút lắng nghe, tâm sự và thấu hiểu vẫn quan trọng hơn cả. 
Ở độ tuổi này, các em thường muốn chứng tỏ bản thân, nghĩ rằng mình là người lớn và cố gắng thể hiện điều đó thông qua cách ăn mặc, ăn nói và hành xử. Hãy để các em hiểu quyền lợi của mình, sự tự do nhất định của mình và có những sự hướng dẫn nhất định để các em không rơi vào bẫy của kẻ xấu. 
Những lời chia sẻ trên có vẻ là sáo rỗng với nhiều bậc phụ huynh nhưng những trường hợp đáng tiếc thường đến với những gia đình có hoàn cảnh, phụ huynh thiếu thời gian bên con vì lý do như ly dị, cơm áo gạo tiền hoặc vì những yếu tố ngoại cảnh. Vậy tại sao chúng ta không cố thêm một chút và có niềm tin vào giới trẻ?
Ngoài tác dụng kết nối của việc lắng nghe, chúng ta cũng cần thực sự nghe chứ không phải để âm thanh rơi vào tai. Những lời cầu cứu thường được ẩn mình trong những câu nói nửa đùa nửa thật hoặc những sự phản kháng đầy giận dỗi. Khi trẻ chia sẻ rằng chúng không muốn gì hoặc là sao cũng được, hoặc nói đến chủ đề chết chóc, có lẽ chúng ta nên để tâm hơn và hiểu ý của con.
Ngoài ra, những lời khuyên chung chung vô ích như hãy tích cực lên, nghĩ thoáng vào hoặc nghĩ khác đi thường sẽ tạo ra nhiều tổn thương trong lòng người khác. Nếu chúng ta là những người thực sự muốn hiểu và dành tình thương để chữa lành, chúng ta sẽ có những lựa chọn từ ngữ phù hợp hơn.
Thêm vào đó, khi thấy dấu hiệu tự cô lập, thiếu năng lượng hoặc có những câu nói tiêu cực về chủ đề chết chóc và mục đích sống, đừng ngần ngại tìm đến các đường dây tư vấn trầm cảm. Đường dây nóng “Ngày mai” của bác Đặng Hoàng Giang là một lựa chọn nên có trong tâm trí của phụ huynh mỗi khi nghĩ tới trầm cảm ở con cái. Bên cạnh đó, những cuốn sách như “Đại Dương Đen, Bức xúc không làm ta vô can hay Thiện, ác, smartphone” của bác Đặng Hoàng Giang cũng là cẩm nang hữu ích cho mọi người khi đối mặt với trầm cảm trong gia đình. 
Tất nhiên nội dung này không được sinh ra để khẳng định rằng Internet là có hại, phim đen và ấn phẩm đồi trụy hủy hoại con người. Và cũng tất nhiên là có nhiều người đang xem đã từng có thời nổi loạn, xem phim đen, chơi bời với bạn bè và lêu lổng ngoài đường rồi sau này đâu vẫn vào đó. 
Nội dung này được sinh ra nhằm đưa thông tin về thực trạng báo động, về những gì chúng ta đã và đang làm và đưa thông điệp rằng chúng ta phải làm tốt hơn trong công cuộc giáo dục và định hướng cho thế hệ tiếp theo. Và đó là trách nhiệm mà những người ở độ tuổi làm cha, làm mẹ, làm bậc anh chị cần phải nhận, phải hiểu và phải tiếp tục triển khai. Không phải bởi vì chúng ta có nghĩa vụ lớn lao gì với xã hội mà bởi vì chúng ta chính là những người sẽ đảm bảo hạnh phúc cho gia đình của chính mình, những người chúng ta yêu thương và yêu thương chúng ta. 
Vậy chúng ta có thể làm gì? Chúng ta có thể yêu!

Lời Kết

Bài viết vừa rồi cũng chính thức khép lại nội dung về Chuyện tình dục.
Nếu các bạn thích biết thêm vài thứ vui vui mỗi tuần thì hãy subscribe cho kênh này nhé, tôi là Samurice và hẹn gặp lại các bạn trong lần tới. Peace!

Footnote

Nội dung vừa rồi được tham khảo từ các nguồn sau: + [PDF] Just think: The challenges of the disengaged mind (researchgate.net): https://bit.ly/3Vkckvq + Common Sense Media: https://bit.ly/3VeAojn + Thực trạng trẻ em bị xâm hại - VỤ GIA ĐÌNH: https://bit.ly/3ueiqBH + Sức khỏe tâm thần ở Việt Nam: https://bit.ly/3FiGp9m + Unicef: Tình hình tự tử ở Việt Nam: https://bit.ly/3gVtQHn + Báo cáo tóm tắt của Unicef: https://bit.ly/3AY1J1b + 5G Explained - MKBHD: https://youtu.be/_CTUs_2hq6Y?t=78 + Phiên điều trần của Thượng Viện Hoa Kỳ: https://youtu.be/WQMuxNiYoz4?t=17