Vì sao bạn không đòi được nợ?!
Năm hết, Tết đến là thời điểm mọi hoạt động đều trở nên tất bật hơn, trong đó có hoạt động thu hồi công nợ, dân gian gọi là đòi nợ....
Năm hết, Tết đến là thời điểm mọi hoạt động đều trở nên tất bật hơn, trong đó có hoạt động thu hồi công nợ, dân gian gọi là đòi nợ. Nợ có vô vàn hình thức, từ lớn lao như các doanh nghiệp xuất khẩu đi nước ngoài, phải đến 45 ngày sau khi nhận hàng mới được thanh toán, các doanh nghiệp trong nước làm ăn với nông dân theo hình thức "gối đầu" - sau khi thu hoạch mới được thanh toán, bạn bè vay mượn nhau vài chục triệu làm ăn, vài triệu khi túng thiếu, cho đến thanh thiếu niên vay nhau vài chục nghìn đồng. Nhưng nguyên nhân phổ biến nhất của việc không đòi được nợ vẫn là: con nợ không muốn trả.
Vì sao nói là không muốn trả? Không có khả năng chi trả cũng có, nhưng thật ra thấp hơn không muốn trả nhiều. Vì ít nhiều trước khi cho vay, cho nợ thì người ta cũng ước lượng phần nào khả năng chi trả rồi.
Mình có thằng bạn làm bên ngành vật liệu xây dựng, cuối năm nào hai anh em nó cũng phải đi "đòi nợ" khắp các đại lý trong tỉnh. Làm đại lý vật liệu xây dựng, chẳng có mấy chỗ là thật sự thiếu tiền, mà họ không muốn trả, họ dùng đồng tiền đó xoay vòng việc khác, đợi khi nào nhắc nhở, đến tận nơi thì họ trả. Mấy doanh nghiệp làm ăn với nông dân cũng vậy: mất mùa hay thiên tai, dịch bệnh thì tất nhiên là "hẹn mùa sau" rồi, nhưng được mùa có khi họ vẫn không trả nợ. Họ mua cái xe, sửa cái nhà, và vô tư khất nợ.
Những tình trạng tương tự như trên thì quá phổ biến, cùng lắm đưa nhau ra tòa, nhưng khả năng và thời gian thi hành án cũng là một vấn đề rất lớn. Có rất nhiều "món nợ" mà các con nợ nhơn nhơn tự đắc, quịt nợ một cách rất "kèo trên", kiểu "Tao giàu như này mà nợ gì mày hở con quỷ nghèo khổ". Ở đây, mình muốn nói về những trường hợp như vậy.
1. Mặt bạn không dày bằng họ:
Trong đây có nhiều hoàn cảnh của các bạn freelancer, làm thêm, thử việc hay đôi khi có những trường hợp có hợp đồng chính thức. Chủ sử dụng lao động ngang nhiên trả chậm lương đến vài tháng, thậm chí không đòi liên tục thì họ lờ đi luôn. Những người "chủ nợ" lại cảm thấy xấu hổ khi nhắn tin đòi tiền thuộc về họ, vì phần tiền đó quá nhỏ so với sự "vĩ đại" của con nợ kia.
Người thì mang tiếng bạn bè, cả mấy năm không liên lạc, tự nhiên lại mượn mấy triệu, rồi im ỉm mấy tháng trời, hỏi tới thì nói "trời có mấy triệu cũng đòi hoài"..
Tóm lại: cho người khác nợ tiền, mặt phải dày hơn họ.
2. "Vô phúc đáo tụng đình"
Nhiều con nợ không những mặt dày mà còn rất "cứng", nhắc đến nợ thì họ hẹn hết lần này đến lần khác, đến khi không thèm hẹn nữa, họ kênh mặt lên bảo "Có giỏi đi thưa đi".
Đa phần người ta nghe đến pháp luật, đến cơ quan công quyền đều ngán ngại, nếu số tiền không quá lớn thì cũng đành vuốt mặt chửi mình ngu.
Trong trường hợp của bản thân mình, mình đã có giấy viết tay của con nợ, ghi rõ số tiền và thời gian trả nợ, vậy mà họ vẫn còn dám nói "Giấy viết tay không có giá trị pháp lý".
Như vậy, bạn không dám đối mặt với con nợ trước pháp luật, bạn thua.
3. Nhát gan hơn con nợ:
Có nhiều con nợ không xăm mình nhưng vô cùng hổ báo, kiểu: mày đòi nữa tao đánh mày đó. Hoặc là họ đe dọa sẽ nói xấu bạn, hoặc chụp mũ cho bạn một tội danh gì đó nghe rất ghê gớm. Trong trường hợp của mình, khi mình nhắn tin nhắc con nợ đã qua thời hạn trả nợ, họ bảo mình "tống tiền", và dọa sẽ thưa mình đi tù, dọa sẽ đến cơ quan mình "làm việc" nếu mình tiếp tục thu nợ họ.
Thậm chí họ còn tiếp xúc, nói xấu mình với bạn bè, người yêu mình, muốn qua đó gây áp lực để mình "sợ phiền" mà bỏ qua. Những trường hợp như vậy: nếu bạn sợ, bạn thua.
Tóm lại: Không tính đến các trường hợp nợ xấu có thể nhờ pháp luật can thiệp, thì người bình thường chúng ta bị giựt nợ có 3 nguyên nhân chính: Da mặt mỏng, tiền của mình mà ngại không dám đòi nhiều; Sợ phiền phức, sợ kiện cáo; Sợ những thủ đoạn của con nợ.
Vậy thì làm gì bây giờ?
Nếu không khắc phục được các điểm yếu trên, thì trước khi cho vay nợ hãy xác định khoản tiền đó bạn sẵn sàng bỏ đi mà không quá khổ sở vì nó. Hoặc đơn giản là đừng để ai thiếu tiền mình, hông lẽ thiếu 3-4 triệu kiện nhau ra tòa, hay thuê xã hội đen..
Mình có một trường hợp con nợ đã thể hiện đầy đủ đặc tính nói trên. Số nợ mình đang cần thu hồi là 60 triệu đồng (tổng nợ 100 triệu, con nợ đã trả 40 triệu). Hiện tại việc mình đang làm là làm một album "Đòi nợ vui vẻ" để nhắc nhở con nợ hàng ngày. Điều này mang tính cá nhân nên mình không post lên web, nếu các bạn quan tâm có thể xem album cụ thể tại link dưới đây:
Album "Đòi nợ vui vẻ" hiện đang được cập nhật, mong là mình sẽ sớm đòi được nợ.
Cảm ơn mọi người đã đọc bài này. Chúc một năm hết nợ.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất