Thời buổi lạm phát bằng cấp, phổ cập tiến sỹ tại Việt Nam nhưng quả thật, chúng ta đào tạo được quá ít người người có khả năng viết. Ý tôi là viết về những gì chúng ta BIẾT, chứ không phải là những gì chúng ta NGHĨ. Mặc dù một bài luận tử tế là điều kiện tiên quyết để có được bằng cấp, thì ngay cả sau bốn năm học đại học, đây vẫn là kỹ năng thiếu sót trầm trọng của “giới tinh hoa” đất Việt. 
Ngay cả khi bạn không có kế hoạch trở thành một “người viết” chuyên nghiệp, khả năng viết là một trong những kỹ năng quan trọng nhất mà một người trưởng thành nên có. Từ việc viết một báo cáo công việc, đến việc viết bài post vơ vẩn trên MXH, hay sau này là tự mình lên một dự án quảng bá cho doanh nghiệp cũng như sự nghiệp của bản thân… Viết là một kỹ năng thực sự hữu ích bất kể bạn sẽ làm công việc gì.
Ngoài việc chỉ có lợi ích nghề nghiệp, học cách viết tốt hơn sẽ nâng cao khả năng logic lý tính và tâm tư cảm tình cũng như cải thiện đời sống tinh thần của bạn. Viết thực sự là một khả năng mà mọi người, bất kể giới tính hay tuổi tác nên tìm cách rèn luyện và cải thiện trong suốt cuộc đời.
Với suy nghĩ đó, và một tinh thần rất “spiderum”, mình xin phép chia sẻ cách mình cải thiện viết lách trong 20 năm qua. Dĩ nhiên người viết không dám tự coi mình là bậc thầy về viết lách, chỉ là tôi nghĩ, tất cả những người hiểu biết đều luôn cố gắng cải thiện mình mỗi ngày. Vì vậy, hãy coi bài viết này như lời chia sẻ từ những người bạn đồng môn nhé!
Dài dòng thế đủ rồi, mình sẽ bắt đầu với cách mà bố mẹ mình đã dạy cho mình từ khi bắt đầu biết cầm bút và sau đó là lần đầu tiên mình được giáo viên khen là “có năng khiếu”... rằng làm sao để bắt đầu từ vài chữ, vài dòng đến vài trang mà không mất hứng, không nản chí, không bỏ cuộc! Đến khi bắt đầu kiếm được tiền từ sự nghiệp viết lách và tự hào khoác lên mình cái danh Copy-writer và công việc Copy-work, mình càng thấm thía hơn điều đó.
Cách tốt nhất để bắt đầu trở thành một người viết tốt: Sao chép tác phẩm của người khác. Đây từng là phương pháp chuẩn mực mà nhiều thế hệ học sinh được đào tạo, với hàng nghìn giờ học đến lẹm ngón tay hay bật máu (mình đã trải qua) chỉ để viết đi viết lại những dòng chân lý cho đến khi thuộc nó, hiểu nó và hiện thực hóa nó. Theo mình biết, đó cũng là "bí quyết" mà nhiều soạn giả và người truyền cảm hứng vĩ đại nhất trong lịch sử đã thành thạo “món nghề” này, biến nó thành nấc thang để tiến lên nghề khác... Mặc dù nghe có vẻ không hấp dẫn và không có gì mới lạ, nhưng hãy thử cùng mình suy ngẫm và xem nó có hiệu quả với bạn không nhé?