Tôi ở đây để viết cho tôi và chính bạn.


I. Lắng nghe, lắng nghe và lắng nghe nhiều hơn nữa

Có một dạo tôi thôi không còn viết, thôi không còn nghĩ và cũng thôi không còn loay hoay với việc mình phải viết và nghĩ nữa. Tôi đi hết giảng đường này đến giảng đường khác, sự kiện này đến sự kiện nọ, gặp hết người này người kia chỉ để học một kĩ năng cơ bản: lắng nghe.
Vấn đề của thế giới này là "mọi thế hệ luôn hình dung rằng mình khôn ngoan hơn thế hệ trước, và sáng suốt hơn thế hệ sau". Ấy vì vậy mà đi đến đâu tôi cũng nghe các bạn trẻ than phiền rằng họ chưa được nói đủ nhiều, không được thể hiện quan điểm cá nhân hay thậm chí là họ không được phép nói. Trong khi đó, những giảng viên, những diễn giả thì than phiền rằng dường như họ không được lắng nghe, không được tôn trọng một cách trọn vẹn và đầy đủ.
Tôi thuộc thế hệ Z, một thế hệ năng động, xông xáo và vô cùng nhạy cảm. Dường như đây cũng là thế hệ mắc kẹt trong định kiến rằng họ đang bị thế giới bịt miệng, không cho phép thể hiện quan điểm và chính kiến của mình. Nhưng không, thế hệ Z là thế hệ được sống trong một xã hội cởi mở và tự do ngôn luận nhất. Họ có thể đứng lên tại giảng đường, bỏ bát cơm và ngẩng đầu nói chuyện bình đẳng với bố mẹ, viết ra những đoạn status vài nghìn chữ và nếu thấy vẫn chưa đủ thì có thể lên Spiderum viết thêm chục bài nữa. Nhưng dường như bấy nhiêu vẫn là chưa đủ.
Họ muốn đứng lên ngắt lời người khác giữa nơi công cộng ngay cả khi người kia còn chưa chấm dứt bài phát biểu. Như thể đây là một trong những hành động nghĩa hiệp, cần được ủng hộ trong một thế giới "kiểm duyệt". Như thể họ đã bị đèn nén bởi bất công, sự giả dối suốt bấy lâu. Như thể họ là những nhà hoạt động vì nữ quyền cực đoan, và thiếu họ thì thế giới sẽ sụp đổ.
Họ muốn cất cao giọng để đính chính những quan điểm sai lầm của người khác trong một buổi thảo luận nhóm, dù cho chính họ còn chẳng biết họ có đang suy nghĩ đúng đắn hay không. Như thể chính họ mới là người nắm được chân lý, và những kẻ ngu muội kia hẳn là vẫn đang bị dối lừa bởi chuyến du hành mặt trăng bịa đặt của NASA, hay việc Trái Đất thật ra hình con mèo.
Họ muốn họ có thể nói về hàng chục chủ đề với hàng chục người khác nhau và chủ đề nào trông cũng chuyên nghiệp.
Hơn hết, họ rất muốn được lắng nghe.
Thế thì, bạn tôi à, hãy lắng nghe.
Hãy lắng nghe chính mình để biết bản thân muốn gì, nghĩ gì hay đang muốn truyền tải thông điệp gì. Đừng trở thành một cái loa di động truyền thanh lại những suy nghĩ lộn xộn mà bản thân đã lượm nhặt được trong một thế giới vốn đã lộn xộn không kém. Đừng trở thành một cái loa mà ngay cả chính cái lao còn chẳng biết mình là một cái loa.
Hãy lắng nghe người khác để biết đâu là điều nên lắng nghe, đâu là điều không nên lắng nghe. Hãy lắng nghe để biết rằng ngay cả khi người khác nói chuyện khó nghe thì phản ứng đúng đắn cũng không phải là ngắt lời hay một hành động tiêu cực nào khác. Hãy lắng nghe ngay cả khi người nói là người nhàm chán nhất, cực đoan nhất, ngu ngốc nhất. Vì họ nhàm chán, cực đoan và ngu ngốc là chuyện của họ, biết lắng nghe hay không là chuyện của bạn. Đùa chứ, tôi vẫn thường đứng lên bỏ về khi phải gặp những người như vậy, vẫn tốt hơn là cố sức chịu đựng rồi nghĩ những điều không hay, nói ra những điều không hay.
Hãy lắng nghe để biết rằng bản thân chúng ta có giới hạn, thời gian có hạn, khả năng có hạn và mỗi người cũng đều có giới hạn của riêng họ. Thế nên hãy chỉ cần biết vừa đủ, nghĩ vừa đủ, hiểu vừa đủ và nói vừa đủ.

II. Nhận diện những giới hạn

Tôi đã từng gặp nhiều người hay ho. Thật ra bất kì ai khi mới gặp, tôi đều cho rằng họ là người hay ho, cho tới khi lỡ chân bước vào giới hạn của nhau.
Mỗi người chúng ta đều là một người hay ho, thú vị tùy thuộc vào điểm nhìn. Thú vị với người này, không thú vị với người kia. Bạn có thể là một anh chàng sinh viên thú vị, một anh kĩ sư công nghệ thông tin thú vị, một cô nàng thích đi du lịch thú vị, một người nội trợ thú vị, một người mệt mỏi lướt lướt màn hình máy tính lúc nửa đêm thú vị...
Tất cả chúng ta đều thú vị, nhưng không phải tất cả chúng ta đều thấy người khác thú vị. Ví dụ bạn thích sự hài hước, sự lạc quan và bạn không thể tìm thấy điều này ở những người thân của mình. Có thể bạn lại thích sự nghiêm túc, kiến thức uyên bác và cũng không thể tìm được điều này ở những đứa bạn đại học. Hay có thể bạn thích sự chân thành, sự cá tính,... nhưng một số người không đáp ứng được yêu cầu ấy.
Thế thì, làm thế nào để những-người-thú-vị-nhưng-lại-không-thấy-sự-thú-vị-ở-những-người-khác sống chung được với nhau? Câu trả lời là nhận diện các giới hạn và tuân thủ nó.
Chúng ta có thể hài hước, nhàm chán, cá tính, chân thành, đểu giả,... sao cũng được. Nhưng khi ở trong một sân chơi chung thì cần tuân theo luật chơi chung. Luật của xã hội đó là: tôn trọng lẫn nhau. Bạn có thể không tuân theo luật và chấp nhận hình phạt của xã hội như: không được tôn trọng, bị phớt lờ, bị tẩy chay hay bị đấm vào mồm.
Nếu bạn có thể tuân theo luật (tức là tôn trọng mọi người) thì về cơ bản là có thể hòa nhập được với xã hội. Tuy nhiên để trở thành một người có nhiều mối quan hệ hay được nhiều người đánh giá cao thì bạn cần biết nhận diện những giới hạn của những người bạn tiếp xúc thường ngày và tránh chạm vào nó.
Bạn không thể gửi meme cho tất cả mọi người. 
Bạn không thể nói chuyện này với người này và chuyện kia với người kia.
Bạn không thể nói chuyện của người này với người kia.
Thậm chí bạn không được hỏi câu hỏi này với người này và hỏi câu hỏi kia với người kia.
Thậm chí bạn còn phải biết khi nào thì có thể hỏi, khi nào thì không dùng chỉ với một người.
Hay thậm chí có một vài người thì bạn nên im lặng thì hơn.
Có nhiều người sẵn lòng nghe bạn than thở, có nhiều người không. Có nhiều người sẵn sàng cùng bạn đùa cợt, nhiều người không. Có nhiều người bạn có thể mời đi tiệc, nhiều người lại chỉ sẵn sàng cùng bạn đi dạo loanh quanh. Có nhiều người sẵn sàng cùng bạn cãi nhau với bạn một trận ra trò, nhiều người lại chỉ muốn im lặng ngồi cạnh là đủ.
Giới hạn của mỗi người lại khác nhau với những người khác nhau. Tức là bạn sẽ có giới hạn khác nhau cho người thân, người yêu, bạn thân, đồng nghiệp, bạn xã giao và người lạ. Bạn cần biết họ xem bạn ở nhóm nào và hãy cư xử cho đúng với những giới hạn mà họ áp lên nhóm ấy.
Để có thể nhận diện được những giới hạn là cả một nghệ thuật và dường như chẳng có ai đúng tuyệt đối, tất cả những cuốn sách cũng chỉ đưa ra được một vài trường hợp cụ thể. Bạn cần phải có một vốn sống cực đa dạng để biết sự khác biệt về giới hạn giữa các nhóm người khác nhau về giới tính, văn hóa, đẳng cấp,... và cả những người khác nhau trong mỗi nhóm ấy nữa. Nhất là khi mỗi người không đeo một cái bảng ghi ra nguyên tắc của họ, hay ghi nó lên bio Instagram hoặc phần mô tả ở Tinder. Tuy nhiên để trở thành một người có duyên hay ít nhất là không khiến người khác bĩu môi nhăn mặt tỏ vẻ khó chịu khi tiếp xúc thì bạn chỉ cần chịu khó quan sát là đủ.
Lời khuyên là bạn không thể phù hợp với tất cả các giới hạn, thế nên đừng lãng phí đời mình để làm hài lòng tất cả mọi người. Không hợp thì nghỉ chơi thế thôi.
Lời khuyên là hãy có một giới hạn riêng của bản thân và hãy làm sao cho mọi người phải tôn trọng nó.
Lời khuyên là:

III. Thôi nghe theo những lời khuyên


Khi viết bài này, tôi đã sợ rằng mình lại cho ra những lời khuyên vô dụng và trống rỗng. Những cuối cùng cũng đã nghĩ thông và thôi không lo lắng nữa.
Vì:

Lời khuyên thì vô dụng, bạn ngu thì do bạn.

Mỗi ngày tôi gặp cũng tương đối nhiều người chăm chỉ lắng nghe những lời khuyên, một số lại kịch liệt phản đối. Nhưng thế thì cũng bằng hòa.
Vấn đề của lời khuyên đó là nó chỉ là kết quả của một bài toán. Bạn có thể học thuộc lòng và đôi lúc điền trúng, đôi lúc lại điền sai. Nếu muốn giải được bài toán, cũng như giải được vấn đề trong cuộc sống, bạn cần suy nghĩ một cách có hệ thống và chính xác.
Điều này cơ bản là có thể trong toán học nhưng không thể trong cuộc sống. Chính xác thì có thể không, nhưng tương đối lại có thể.
Ví dụ có một vài lời khuyên về lắng nghe như:
- Hãy nhìn vào mắt người đối diện, thỉnh thoảng nhìn ra chỗ khác
- Thỉnh thoảng gật đầu
- Khi hỏi hãy lặp lại tình tiết
- Không đặt mình vào câu chuyện của họ
...
Nhưng bạn tôi ơi, nếu bạn thật sự lắng nghe thì làm đếch gì phải tỏ ra như thể bạn đang lắng nghe? Tất cả những lời khuyên trên đều là biểu hiện của việc "lắng nghe". Bạn có thể lắng nghe nhưng nằm dài trên bàn, hay nằm nhìn lên trần nhà (yeah, why not?! lúc nào mình cũng thế luôn). Nhưng bạn cũng có thể chả nghe mẹ gì mặc dù cứ nhìn vào người kia và gật gật, thỉnh thoảng lại cười cười.
Đó cũng là lí do mình rất ghét câu "Fake it, till you make it". No you, your mom gay! Nếu bạn không yêu ai đó thì tốt nhất đừng tỏ ra như thể bạn yêu họ, nếu bạn không hài hước thì tốt hết hãy nhạt nhẽo, nếu bạn không hiểu thì tốt nhất đừng tỏ ra là hiểu. Cuộc đời sẽ đơn giản hơn rất nhiều, cám ơn bạn.
Thế nên với những lời khuyên khác, hãy nhìn sâu hơn để xem thật sự bài toán ở đây là gì, thay vì chỉ chăm chăm học thuộc lòng đáp án:
Lời khuyên:
- Khi ảnh bị cháy sáng, hãy khép khẩu lại.
Thực tế là:
- Khi ảnh bị cháy sáng tức là nó bị dư cmn sáng.
- Bạn có thể khép khẩu trong trường hợp muốn trường ảnh sâu.
- Còn nếu không thì hãy tăng tốc lên.
- Hoặc giảm bù sáng.
- Hoặc giảm iso.
- Hoặc đi vào nhà cho bớt sáng.
- Hoặc tắt máy nghỉ chụp, kiểu thế.
- Tức là: ảnh cháy do dư sáng, không phải do khẩu độ lớn.
- Tức là: việc bạn cần giải quyết là dư sáng, không phải khẩu độ.
Lời khuyên:
- Đừng quay lại với người yêu cũ.
Thực tế là:
- Vì có thể chia tay rồi tức là hai bạn không còn yêu nữa.
(nhưng bạn còn yêu thì quay lại thôi ngại ngùng đếch gì)
- Vì có thể cả hai chỉ đang luyến tiếc những thói quen cũ.
(chính bạn có thể xác nhận việc này có thật hay không)
- Vì chẳng ai tắm rồi lại mặc lại quần áo cũ cả.
(thế là bạn chưa gặp bọn lật mặt quần sịp mặc lại ngày thứ 3 liên tục rồi)
- Vì yêu rồi sẽ lại chia tay thôi.
(thế yêu nym thì cưới luôn và hạnh phúc mãi về sau à?)
- Tức là: đừng yêu nếu không yêu. Cũ mới không quan trọng
nhưng cũ thì dễ khiến bạn ngộ nhận về tình yêu.
Còn đã tự biết yêu hay ngộ nhận thì đẩy láo thôi chứ ngại gì mới cũ.
Lời khuyên: 
- Hãy theo đuổi đam mê
Thực tế là:
- Hãy biết mình thích gì
- Hãy làm nó
- Hãy bỏ ra đủ nhiều thời gian và công sức
- Hãy hi sinh
Tức là: bạn có thể thành công dù đó không phải đam mê
chỉ cần đó là thứ khiến bạn cố gắng đủ nhiều.
Hoặc thật ra bạn có thể là thằng thất bại, đừng khóc, chả sao cả.
Lời khuyên:
- Thôi nghe những lời khuyên
Thực tế là:
- Bạn cần phải rõ bản chất vấn đề trước khi tìm giải pháp

...
Thế nên lần tới khi nghe những lời khuyên, hãy nghĩ xem vì sao mọi người lại khuyên như vậy, và lý do đó có thật sự ảnh hưởng tới bạn không. Nhất là mấy lời khuyên ở phần I, II và kể cả lời khuyên "Thôi nghe những lời khuyên" ở phần III này. Tránh trường hợp lấy kết quả đắp sai bài toán lại trách vì sao nước biển lại mặn.

IV. Thôi làm ông cụ non

Vấn đề của một bộ phận các bạn trẻ ngày nay là đau đáu lo nghĩ về quá nhiều thứ. Họ nghĩ về văn hóa, giáo dục, chính trị, xã hội, nghệ thuật,... với hàm lượng kiến thức mỗi thứ một ít. 
Trong kinh tế học có một thuật ngữ đó là "chi phí cơ hội": khi bạn làm việc này tức là đang bỏ lỡ việc khác.
Thế nên khi những bạn trẻ đang bỏ thời gian và công sức ra để nghiên cứu bề mặt và phóng chiếu sự quan tâm của họ ra những vấn đề lớn lao vĩ mô tức là họ đang bỏ qua cơ hội để làm những việc khác.
Vấn đề ở đây là, người trẻ cần phải xác định rõ nhiệm vụ của họ ở giai đoạn hiện tại là gì. Tránh việc lãng phí quỹ thời gian vàng son này vào những thứ hỗn loạn, những thứ mà sẽ lại gây ra những hỗn loạn trong tương lai cho chủ nhân nó.
Giai đoạn 14 - 25 tuổi nên là giai đoạn mà bạn nên dùng thời gian để:
- Tích lũy kiến thức.
- Tích lũy kĩ năng.
- Vui chơi, vô tư và phát triển.
- Xem memes.
- Ngồi ban công đàn hát linh ta linh tinh.
- Hỏi thằng bạn xem vì sao chân mày hôi thế?
- Bị thằng bạn hỏi lại "mày ngửi chân tao à?"

Chứ không phải để:
- Lo chuyện cơm áo gạo tiền.
- Nghĩ xem vì sao chúng ta phải sống hay chúng ta có thật sự đang sống hông?
- Đau đáu vì sao nhân gian lại lầm than, con người lại khổ cực như thế.
- Nghĩ xem đạo đức là gì và vì sao lại có nó.
...
Đọc đến đây có lẽ một vài bạn sẽ cảm thấy bị đụng chạm. Sẽ cho rằng thật ra họ đang tích lũy kiến thức và kĩ năng, thật ra đó là cách họ chọn và chẳng liên quan gì đến anh bạn avatar mặc áo vest đen này cả.
Nhưng vấn đề ở đây là dường như đây là một phương pháp sống sai, chứ không liên quan đến chuyện sở thích, tính cách hay quan điểm sống. Một "ông cụ non" dường như lúc nào cũng sẽ nghĩ mình biết nhiều hơn người khác nhưng thật ra chỉ là biết mỗi thứ một ít và nói trắng ra là chẳng biết gì. Trong thế giới hỗn loạn thông tin như ngày nay, những người chọn cách sống "ông cụ non" sẽ bị hấp dẫn và lôi kéo bởi hàng tỉ tỉ thông tin thú vị khác nhau, khiến họ sẽ mãi là những "cái loa di động - dù đôi khi loa bị hỏng và chẳng phát ra tiếng, nhưng cơ bản vẫn là cái loa". Và trong lúc họ đang bị phân tán như thế, người khác đang dần tập trung hơn và tìm ra được con đường của chính họ.
Chỉ khi những "ông cụ non" nhận ra đã quá trễ thì đúng là đã trễ thật. Đến khi họ nhận ra rằng lo lắng về thế giới không thể giúp thế giới tốt hơn. Họ cần phải hành động, nhưng để hành động họ cần có kĩ năng và kiến thức, và họ phải học từ rất rất lâu trước kia thì bây giờ họ mới có thể làm điều gì đó có ích. Nhưng không, họ đã lãng phí quá nhiều thời gian chỉ để... nghĩ.
Cho đến khi họ nhận ra biết quá nhiều cũng chẳng cool ngầu gì, khác biệt cũng chẳng vui lắm và lo lắng linh tinh cũng chả giải quyết vấn đề gì thì có lẽ cũng đã muộn. Việc để bản thân bị dẫn dắt và hình thành bởi một mớ những thông tin đa chiều khiến họ dường như khó có thể tiếp xúc và kết nối với những người khác. Những người mà vốn thành công hơn họ, vô tư sống sót được trong cơn bão kiến thức của thế giới, nhưng vẫn bị những ông cụ non ngấm ngầm cho rằng đó là những kẻ thực dụng, vô duyên vô dụng vô dùng.
Đến khi họ nhận ra rằng đỉnh cao của uyên thâm, của hiểu biết là chẳng biết gì cả. Thì họ mới nhận ra "à thì ra mình cũng chỉ là một thằng nhóc con" và những người thật sự tài giỏi chẳng giống họ tí nào.
Cho đến khi họ nhận ra rằng lẽ ra họ có thể đi xa hơn, nếu khi trước không quá vội vã. Muốn nhanh phải đi từ từ. Hai người, một người chạy khi còn trẻ và một người chạy khi đã trưởng thành thì ai sẽ chạy xa hơn? (ý mình trẻ ở đây là trẻ vl còn trưởng thành là tầm 20-27 tuổi í).
Đáng buồn là những ông cụ non thường không đủ ngây thơ để bắt đầu lại nhưng lại quá hỗn loạn để có thể tiếp tục phát triển. Thế nên họ sẽ dừng lại ở chỗ dở dở ương ương nào đấy, trở thành một người chỉ có thể lo nghĩ nhưng chẳng đủ khả năng làm gì. Kiểu như bạn nghĩ được rằng nên đóng góp cho Spiderum để phát triển nhưng lại chẳng có khả năng gì hữu dụng. Trong khi đó những người không đặt nặng chuyện này có nhiều thời gian mà tâm trí để học code, học viết, học marketing và sau này cống hiến cho Spiderum, kiểu thế.
Thế nên bạn tôi ơi, dừng lại trước khi quá muộn. Dăm ba cái kiến thức cũng chỉ là muỗi, không đánh giá thấp nhưng cũng đừng đánh giá nó quá cao.
Ông cụ non chẳng phải trưởng thành, cũng chẳng phải điều gì đặc biệt. 
Trưởng thành là khi bạn nhận ra rằng cuộc đời của mình là một món quà. Một món quà mà bạn có thể đem tặng cho những người khác.
Chứ không phải một hòn đá, hai thằng nhóc cầm ném nhau.


- Ảnh: Shutterstock.
- Lì xì cho tác giả qua Momo: 0912684840.