Chuyện vi-rút SARS-CoV-2 là ác quỉ mới nổi khiến dân tình hoảng sợ vái như bổ củi là điều rõ ràng rồi, việc này không cần nói nữa. Đáng nói ở đây là việc dân tình trưng ra bản mặt đầy kính cẩn để vái lạy công tác phòng dịch, đến mức coi đó là điều thiêng liêng và sẵn sàng tế sống bất kì cá nhân nào tỏ thái độ đùa cợt trước nó. Dù cũng hết sức cẩn thận và cũng trân trọng công tác phòng dịch của đất nước, nhưng chuyện này vẫn khiến tôi thấy quái đản và tự hỏi phải chăng việc thần thánh hoá và thích tôn sùng đã ăn vào máu dân Việt rồi?
Vâng, tôi đang nói về trường hợp dân mạng lên đồng tập thể vì bài đăng gần đây ở Facebook cá nhân của GS Ngô Bảo Châu, cũng như các bài đăng tếu táo của những người nổi tiếng khác, như Văn Mai Hương chẳng hạn.
Dưới đây là bài đăng của GS Ngô Bảo Châu.

Dưới đây là bài đăng của Văn Mai Hương.

Cả hai bài trên đều bị dân mạng tế sống chỉ vì lỡ đùa cợt khi toàn dân đang ra sức chống dịch. Tất nhiên khi dân chúng đòi thiêu sống ai đó, họ không nói thật lí do bắt nguồn từ nỗi sợ hãi và cơn khát máu trong lòng họ, mà họ luôn viện những lí do cao đẹp như tiễu trừ phù thuỷ hoặc bảo vệ thần thánh chẳng hạn.
Thực tế hiện tượng này xuất hiện đã lâu ở người Việt, áp dụng vào nhiều đối tượng được thần thánh hoá khác, nhưng khuôn khổ bài viết này tôi chỉ xét đại diện những ví dụ mới xảy ra trong mùa dịch hiện nay.

1. Tư duy thích suy diễn và thích thần thánh hoá

Về bài của ông Châu, với một bộ óc lành mạnh, thông tin mà người ta nhìn ra nhiều nhất ở đây chỉ có thể là: Chỗ ông Châu (Pháp) đang bị phong toả; Việt Nam đang có dịch và kêu gọi ủng hộ; ông Châu muốn ủng hộ nhưng chưa thành công; ông đăng ở FB cá nhân để hỏi bạn bè; giọng văn ông mang sắc thái trêu đùa qua các từ “rảnh”, “đồng bào này”, “đồng bào khác”.
Hết. Và chỉ nên nghĩ đến thế thôi.
Tất nhiên vẫn tồn tại thực tế là trước kia ông Châu đã tỏ thái độ bất đồng với Đảng Cộng sản VN. Nhưng ta không thể lấy quá khứ ra suy diễn, vì trường hợp này thuộc về mối quan hệ khác và thuộc thời điểm khác, theo logic học thì không thể đồng nhất chúng với nhau được. Đã là suy diễn, tại sao lại không suy diễn theo hướng tốt là ông Châu bây giờ đã có thiện cảm với Đảng nên thật lòng muốn quyên góp, thay vì nghĩ đến hướng xấu là ông ấy đang đá đểu? Rồi vin theo hướng xấu để chửi ông ấy?
Bình luận chửi bới ông Châu
Việc suy diễn chỉ bộc lộ bản chất thấp kém hoặc cao đẹp của người suy diễn chứ không nói lên sự thật về đối tượng bị suy diễn. Tranh luận mà không suy diễn là việc rất khó vì nó đòi hỏi người ta phải bỏ hoàn toàn thiên kiến cá nhân, bỏ hết cảm xúc yêu ghét, để chỉ nhìn vừa đủ vào vấn đề đang có, phải giữ cho lí trí không cố nhìn nhiều hơn trong khi cảm tính liên tục kêu gào phải nhìn nhiều hơn nữa bằng cách suy diễn.
Người đầu óc lành mạnh sẽ chỉ xét về tính đúng sai của câu nói thay vì soi mói động cơ của họ là gì – việc này vô nghĩa vì không ai có siêu năng lực đọc được suy nghĩ để biết động cơ của người khác; hoặc soi mói ẩn ý của họ là gì – việc này hạ tiện vì ẩn ý là thứ mà người suy diễn tự nghĩ ra hòng nhét vào miệng người nói, chứ nó không bộc lộ điều gì về người nói cả.
Và cuối cùng, sự thật tự nó giết chết những âm mưu đen tối, bởi hôm kia ông Châu đăng bài thông báo đã quyên góp thành công. Nếu việc cố kết luận người khác là xấu bằng đủ suy diễn đầy thấp kém và hạ tiện, thì việc kết luận họ là tốt rất rõ ràng và dễ dàng. Đảng kêu gọi quyên góp chống dịch, ai quyên góp thì là người tốt, sự thật giản dị và minh bạch vậy đấy.

Ví dụ thứ hai về bài của Văn Mai Hương, ví dụ này vốn không có gì đáng nói, đây chỉ là một câu đùa phổ thông, ai cũng nghĩ ra được và ai cũng nói được. Thế nên việc VMH bị tế sống thật khó hiểu, trừ một số thành phần tay sai chủ ý đánh cá nhân cô ta vì hồi xưa cô ta phản đối luật an ninh mạng, thì số người còn lại hoặc là bị tay sai dắt mũi hoặc là đang thần thánh hoá công tác chống dịch. Một khi họ đặt công tác chống dịch lên bàn thờ, có nghĩa là việc đùa cợt với công tác chống dịch cũng báng bổ như đùa cợt với thần thánh của họ.
Nhưng chưa hết, tôi còn nhận ra tính thích thần thánh hoá đã ăn sâu vào máu giới trẻ Việt đến nỗi cứ người nổi tiếng là họ thần thánh hoá một cách vô thức. Người nổi tiếng thì cũng là con người, cũng biết nói đùa, đôi khi đùa suồng sã, đùa vô duyên, nhưng đó là lỗi lầm bình thường của con người. Thật quái đản khi tế sống người khác chỉ vì lỗi lầm bình thường mà ngay bản thân mình cũng có lúc phạm phải. Một ca sĩ thì hát hay, nhưng không có nghĩa là viết phải hay như nhà văn, hoặc lối sống phải mẫu mực như nhà hiền triết, nên nhớ VMH chỉ đùa ở FB cá nhân thôi.
Phải chăng vì giới trẻ Việt tinh thần quá nghèo nàn, văn hoá quá thấp kém, đến nỗi chỉ là ca sĩ với họ thôi cũng như người chết đuối mong vớ bất kì cái cọc nào có được, đến nỗi cái cọc đấy chỉ là thanh gỗ bình thường nhưng họ mặc định phải là thần thánh, để cuối cùng nhận ra thanh gỗ không có phép màu như họ tưởng thì họ mếu máo khóc lóc, và đòi thiêu cháy như trẻ con dỗi vặt?

2. Tư duy nô lệ

Tiếp tục nói về hai ví dụ đầu bài. Một điều rõ ràng mà những người đang bận chỉ trích không nhận ra, đó là GS Ngô Bảo Châu và Văn Mai Hương cũng là nạn nhân của dịch COVID-19, và bản thân họ cũng chung tay chống dịch như bất kì người dân nào. Thế nên cho rằng họ là kẻ đứng ngoài phá rối thì rõ ràng là không đúng, và tất nhiên càng không có chuyện họ tự phá để tự sát.
Hành động của GS Ngô Bảo Châu và Văn Mai Hương chính là hành động rất cần có trong cuộc sống, đặc biệt trong nghịch cảnh: Tự trào. Tự trào trước hết chỉ là tạo không khí vui vẻ cho bản thân để bản thân giữ lạc quan mà tiếp tục đối mặt. Lạc quan là liều thuốc quí trong nghịch cảnh, việc này không cần bàn cãi. Nhưng với những người không thấy hài hước thì sao?
Thứ nhất, thấy hài hước hay thấy khó chịu hoàn toàn là chủ quan, dễ thấy bài đăng của ông Châu tạo không khí bình luận vui vẻ với bạn bè ông ấy, nhưng những người bê vào các group thì bình luận hằn học, vấn đề không nằm ở bài đăng mà nằm ở người tiếp nhận. Thứ hai, hằn học thì cũng không sao, miễn là người ta phải học cách chung sống với cảm xúc ấy mà không được dùng nó để xúc phạm hay làm tổn hại người khác. Vậy thôi.
Bởi Điều 19 của Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền đã bảo hộ cho quyền được tự do biểu đạt của con người. Đây chính là lí do tôi nói tư duy dân mạng sặc mùi nô lệ, vì họ đã quen với việc không được quyền tự do nói điều mình thích, việc này in sâu vào tiềm thức khiến cho đến lượt họ thì họ tiếp tục bịt miệng người khác bằng cách xúc phạm hoặc thậm chí làm tổn hại những người không hành xử nô lệ giống họ.

Việc chửi rủa trên mạng và hò nhau kéo vào FB cá nhân ông Châu để khủng bố tất nhiên không được quyền tự do biểu đạt bảo hộ. (Cũng tương tự việc tung tin giả không được quyền tự do biểu đạt bảo hộ.) Theo John Stuart Mill, người đặt nền tảng cho quyền tự do, trình bày ở Chương 2 trong Bàn về tự do cho rằng người ta có quyền cản trở tự do của một người nếu họ định dùng tự do của họ để làm tổn hại người khác, đây gọi là nguyên tắc tổn hại. Và nếu nguyên tắc tổn hại chưa hiệu quả thì Joel Feinberg có đề ra nguyên tắc xúc phạm, trong đó có giới hạn cho các phát ngôn thù hận mà dễ khiến người nghe phạm tội và khiến người bị xúc phạm khó tránh né được.
Cư xử như một con người tự do thì trước cơn lên đồng của đám đông, người ta đơn giản không vào các group đó để đọc, hoặc lỡ đọc thì tắt đi và bỏ ngoài tai là được. Điều này rất dễ tránh. Nhưng việc đám đông kéo nhau vào FB cá nhân ông Châu chửi rủa, và khi thấy không cho người lạ bình luận thì họ chuyển qua nhắn tin chửi, rõ ràng đây là việc ông ấy khó tránh được, không ai có quyền bắt ông ấy phải chịu đựng hay phải xoá Facebook vì lúc này những người chửi rủa đang vi phạm nguyên tắc xúc phạm rồi.

Góc chặn họng:

Xoay quanh vấn đề này sẽ có những luận điểm sau đây, dù thực tế chúng là công kích cá nhân chứ không phải tranh luận đúng nghĩa, nhưng do nhiều người dùng và cũng nhiều người không biết trả lời sao nên tôi sẽ giải quyết ở đây luôn.
a/ Nếu bản thân anh gặp khó khăn mà có người đùa cợt chắc anh vui? (Mà thực tế là phải lôi bố mẹ nhau ra ví dụ để vừa hỏi vừa chửi)
    Trả lời: Tất nhiên tôi không vui, thậm chí sẽ nổi nóng, nhưng như đã nói, người tự do phải biết chung sống hoà bình với điều này. Bởi nếu không thì làm gì? Nó chưa đủ nặng để pháp luật xử. Chẳng lẽ xách dao chém nhau? Không, tôi còn cuộc đời với nhiều lạc thú phía trước. Giải quyết bằng bạo lực chỉ là hành động của người ít học hoặc thú vật, mà đều dẫn đến kết cục không đẹp. Giữa việc mặc kệ và chém nhau, dù cả hai đều tệ, người trưởng thành sẽ chọn cái ít tệ hơn. Tôi có thể coi là ví dụ mẫu mực cho điều này khi mà có thể hoàn toàn mặc kệ và vui vẻ như thường trước cả biệt đội có lí tưởng sống là nhận thông báo từng bài tôi viết chỉ để, hehehe, downvote.
b/ Sao anh không thực hành những điều anh thuyết trước? Tức là kệ cho dân mạng chửi, anh ngăn cản họ làm gì?
`Trả lời: Tôi không bao giờ ngăn dân mạng nói, nhưng tôi cũng không bao giờ chủ trương kệ họ. Việc của tôi là chỉ ra những tính xấu của họ bằng lí lẽ và dẫn chứng. Cạnh đó, tôi đủ thông minh để không vi phạm nguyên tắc xúc phạm vì không kích động người đọc làm gì đó, tất cả là chỉ ra và suy ngẫm về những cái xấu xa của loài người.

3. Tư duy phổ quát

Một hiện tượng được cho là mang tính phổ quát khi hiện tượng ấy áp dụng được lên tất cả sự vật và không có ngoại lệ. Tư duy phổ quát là cách tư duy chấp nhận tất cả sự vật đều đứng trong mối quan hệ đó, bản thân mình và những gì mình yêu đều không được làm ngoại lệ. Câu hỏi a/ bên trên rất dễ xử lí với người có tư duy phổ quát, nhưng lại là câu hỏi hóc búa với những người không tư duy phổ quát, hay còn gọi là kiểu tư duy “nó trừ mình ra”. Nhưng tất nhiên một hiện tượng đã là phổ quát thì sẽ không trừ ai ra cả, kể cả là chính người đưa ra hiện tượng đó.
Điều này nghe có vẻ hiển nhiên nhưng nhiều người không có khả năng làm được. Hãy trở lại với ví dụ tự trào ở đầu bài. Đùa cợt cũng là một dạng biểu đạt nên được quyền tự do biểu đạt bảo hộ. Mặt khác việc đùa cợt xảy ra ở mọi người và mọi nước, thế nên thật lạ khi người ta lên đồng vì trò đùa nào đó trong khi bản thân họ bình thường vẫn đùa cợt nhau.
Lí do ở đây đến từ tư duy “nó phải trừ tao ra”. Khi họ mang cả đất nước khác ra đùa thì với họ là vui, nhưng khi đất nước khác đùa lại với họ thì họ nổi khùng, chính xác thì chưa có đất nước nào đùa cợt Việt Nam, mới chỉ có người trong nước tự trào mà cũng đã khiến họ lên đồng rồi.
Trò đùa được dân mạng Việt Nam khen lấy khen để (Tôi không nói nó xấu hay phản đối nó)
Đây cũng là lí do cho hiện tượng những người nổi khùng lên vì trò đùa lại thường là người Việt Nam và Trung Quốc, chứ tôi chưa thấy nước phương Tây nào nổi khùng dù họ bị trêu, và cả tự trào, chẳng hề ít. 
Tôi chỉ thấy người Trung Quốc lên đồng vì nhân vật Lý Tiểu Long bị bóp méo trong phim Once upon a time in Hollywood, thậm chí cả người Việt Nam cũng lên đồng theo. Trong khi một nhân vật vĩ đại không kém là nhà khoa học Stephen Hawking bị chế parody đầy rẫy trên mạng, vậy mà người Mĩ không phiền lòng, gia đình Hawking cũng không ý kiến gì hết. (Lưu ý không mang trường hợp gia đình Michael Jackson phản đối phim tài liệu gì đó vào đây, vì ông ấy bị cáo buộc lạm dụng trẻ em, chứ không còn là trò đùa vô hại.)
Hoặc là Đại tướng Võ Nguyên Giáp của Việt Nam bị mang ra đùa thì cả tổ tông người đùa bị réo, trong khi các vị tổng thống vĩ đại của Mĩ như George Washington không hề được làm ngoại lệ trong lãnh địa hài hước.

Có người sẽ bảo do khác biệt văn hoá. Hẳn rồi, chính là khác biệt văn hoá. Nhưng họ phải tự hỏi tại sao có sự khác biệt này, khi mà con người ở đâu cũng có chung tâm lí thích đùa cợt? Đối tượng bị cấm mang ra đùa tại sao lại được làm ngoại lệ, khi họ cũng là con người, cũng có tính tốt và tính xấu, cũng có lúc đúng và lúc sai?
Việc đặt ngoại lệ này chính là tư duy nô lệ của những xã hội bị nô lệ. Nó không khác bao nhiêu với việc sĩ tử ngày xưa đi thi Nho học phải nhớ huý của Vua và hoàng tộc để tránh viết vào bài thi, kẻo không mặc định là bị đánh rớt, vậy. Và nó cũng nực cười như chuyện chỉ là một trò chơi như cờ tướng mà cũng phải kiêng kị không được gọi quân vua là quân vua, mà phải gọi là quân tướng (soái) vậy. Đây là viêc nô lệ ngay từ trong suy nghĩ, hình thức nô lệ gắt gao nhất trong các kiểu nô lệ.
Tất nhiên những gò ép nhân tạo khó lòng triệt tiêu hoàn toàn được thiên tính, con người ta vẫn cứ đùa về đối tượng đó dù bị cấm cản. Nhưng điều đó dẫn đến xã hội toàn những kẻ đạo đức giả, một mặt họ làm trong lén lút, mặt khác họ chường bộ mặt đạo đức ra trước công chúng để lên án những người không chịu làm lén lút như họ. Họ lén lút làm những việc họ chửi, và họ chửi những người dám làm việc mà họ không đủ dũng cảm để làm theo. Cuối cùng, họ tự nô lệ lẫn nhau, không còn cần người khác nô lệ họ nữa. Và vẫn duy trì kiểu sống hai mặt quái gở như xưa nay.

Tóm lại

COVID-19 là thảm hoạ nhưng chắc sẽ không kéo dài nhiều năm, nạn nhân của nó là những người bất cẩn, còn tư duy nô lệ thì đã và đang kéo dài hàng chục năm, nạn nhân của nó là bất kì ai khi họ làm bất kì việc gì, dù chỉ đơn giản là việc tự trào để tạo không khí hài hước giữa nghịch cảnh.



TORNAD
1/4/2020