Câu chuyện "Nồi cơm của Khổng Tử" kết thúc với đoạn:
“Chao ôi! Thế ra trên đời này có những việc chính mắt mình trông thấy rành rành mà vẫn không hiểu được đúng sự thật! Suýt tí nữa là Khổng Tử này trở thành kẻ hồ đồ!”
Chuyện người dân tràn ra ngoài đi mua thuốc, thực phẩm chuẩn bị cho việc phải ở nhà tối thiểu 7 ngày, bỏ qua các lời khuyên và thông báo của chính quyền. Những người ngoại tỉnh và những người nhận xét vội vã, nhìn vào và thấy rằng dân Sài Gòn ý thức kém trong công tác phòng chống dịch. Vấn đề dịch bệnh, theo người viết, không thể hiện hoàn toàn toàn công tác phòng chống dịch, mà thể hiện những tư tưởng về công lý và đạo đức nhiều hơn. Nếu xem kết quả chống dịch là sự đánh giá tuyệt đối về một xã hội đáng sống, liệu ta có muốn sống trong một nhà nước toàn trị kiểu Triều Tiên và Taliban?
Có thể nói tỉ trọng dân nhập cư ở Sài Gòn cao, dân từ các vùng khác vào lập nghiệp nhiều, nên Sài Gòn năng động hơn, tính đa dạng và tự do lớn hơn những vùng khác. Những người chủ trương tự do, cực kỳ chú trọng vào hai yếu tố nền tảng của đạo đức, hơn các nền tảng khác:
Nền tảng Chăm sóc/ Làm hại. Diễn tả dễ hiểu là cảm giác muốn giúp đỡ người khác. Nền tảng này nguyên gốc về mặt tiến hóa là tình mẫu tử. Nó quan trọng, vì những người mẹ (xét về mặt tiến hóa) có khả năng duy trì nòi giống tốt hơn khi chăm sóc trẻ em tốt hơn. Không chỉ những người mẹ phải hi sinh một khoảng thời gian để nuôi dưỡng thế hệ sau, mà cả bộ lạc phải hợp sức phân chia lao động để góp phần vào việc nuôi dưỡng đó. Nền tảng đạo đức này có thể được thỏa mãn thông qua những hành động từ thiện, giúp đỡ người khác, mà ta thấy xuất hiện khá nhiều ở Sài Gòn.
Nền tảng Công bằng. Diễn tả dễ hiểu là những người tự do có xu hướng ủng hộ tính bình đẳng, rộng lượng với những người lạ, nhưng tránh để những người khác lợi dụng mình. Giải quyết mâu thuẫn này bằng việc rộng lượng trước, và đánh giá mối quan hệ, xem người đó có "lợi dụng" mình không. Điều này hợp lý về mặt tiến hóa: "Nếu tôi giúp anh lần đầu, có khả năng tôi và anh sẽ tạo mối quan hệ tương hỗ, khi anh cũng sẵn sàng giúp lại tôi". Vì thế, nền tảng này có thể giải thích rõ ràng tư tưởng "Hào sảng" của người Sài Gòn. Ta có thể thấy rõ ràng vụ phát cơm từ thiện và vụ mượn bình Oxy: những người phát cơm từ thiện rất ghét việc bị trục lợi bởi các nhóm lấy cơm chuyên nghiệp, trong khi những tổ chức thiện nguyện đang phải vất vả đi đòi lại từng bình Oxy cho mượn (cho mượn 500, hiện thu về được 100, khá buồn). Và bởi vì nó vi phạm tư duy đạo đức bình đẳng, nên người ta lên án nó, vì cho rằng những người lợi dụng lòng tốt không có lợi, và nên bị loại ra khỏi cộng đồng.
Tóm lại, người Sài Gòn, do quá khứ (Bên thua cuộc), và đặc điểm dân cư, nên tính tự do lớn hơn nhiều so với các vùng khác, cụ thể là miền Bắc. Dĩ nhiên, vẫn có những trường hợp vô ý thức một cách khách quan, nhưng nó cá biệt, và không thể hiện tính cách chung của một vùng. Và vì tính tự do, nên "Khẩu vị" về đạo đức của họ cũng khác: Họ xem trọng sự bình đẳng và tính minh bạch, giúp đỡ người khác. Vì thế, họ xem những việc như chậm trễ hoặc lập lờ trong việc phân phối tiền cứu hộ, hoặc những lời hứa suông về chuyện đáp ứng đủ nguồn cung thực phẩm là một việc vô đạo đức.
Khi "Con sói" Ý chí tự do tới, "Chú bé" Nhà nước chẳng thể làm gì khác được, vì chú lỡ nói dối quá nhiều.
Vụ thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp rườm rà và bất hợp lý.
Vụ vaccine Sinopharm.
Vụ "Úp sọt" giãn cách lần một.
Vụ "Úp sọt" giãn cách lần hai.
Vụ nhận trợ cấp từ nhà nước.
Vụ gia hạn chỉ thị 16 làm hàng ngàn người liều mạng về quê rồi quay đầu.
Đó là những dẫn chứng rõ ràng nhất cho thấy việc người dân mất niềm tin vào chính quyền, không hoàn toàn, nhưng không nhỏ. Tách riêng mỗi vụ việc ra còn có thể thông cảm được do công tác chuẩn bị còn cập rập, nhưng quá nhiều lần như vậy thì chẳng thể bào chữa được một sai lầm mang tính hệ thống, những lời hứa hão kiểu suy nghĩ Tập quyền và việc tự trấn an: "Luôn có thể sửa chữa bằng việc áp dụng quyền lực", mà việc điều động quân đội vào Sài Gòn để hỗ trợ là một bằng chứng. Vấn đề không phải là ý thức. Vấn đề là niềm tin.
Và bởi vì "Nhà hàng" ban lãnh đạo không đáp ứng được hai "Khẩu vị" đạo đức đó, nên lẽ tất yếu là người ta mất niềm tin, và phải tự cứu mình trước. Người ta thà tin vào ý chí cá nhân kiểu "Tôi chỉ cần giữ cho bản thân không bị lây nhiễm, nhưng gia đình phải có đủ ăn" hơn là tin vào người khác: "Bà con cứ yên tâm, thành phố sẽ không để ai bị đói". Kết luận này có thể bị quy vào tư tưởng "Phản động", nghe khá buồn, nhưng thực tế là vậy. Họ tin vào bản thân hơn là tin vào chính quyền, dễ gây ra tình trạng hỗn loạn, thế nhưng, xã hội vận hành khác quân đội, và bị chi phối bởi những nguyên tắc đạo đức khác nhau.
"Tiên trách kỷ, hậu trách nhân", chẳng thể nào đổ lỗi cho người dân trong hoàn cảnh này được. Một học trò dở không phải do họ dở, mà là do người thầy không biết truyền đạt đúng cách. "Người ta không hiểu không phải do người ta ngu, mà là do mình ngu, vì mình không biết cách làm cho người ta hiểu" (Thu Giang, Nguyễn Duy Cần).
Người không hiểu thì cho là "Dân Sài Gòn thiếu ý thức". Người trong cuộc thì mất niềm tin và tuân theo ý chí cá nhân. Chẳng có cách nào hòa hợp được hai luồng suy nghĩ này, vì ta phán xét các tình huống đạo đức theo kiểu trực giác, nên ta lại càng phải khoan dung để tìm hiểu các suy nghĩ có vẻ khác mình. Một câu nói kinh điển rất cũ mà hầu như chẳng ai muốn nghe, nhưng có thể làm ta suy nghĩ trong trường hợp này:
"Sao anh thấy cái rác trong con mắt người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới?" (Lc 6,41)