Thực chất mình nghĩ bố mẹ nào cũng thương con, cũng sẽ tin tưởng con cái mình sẽ làm nên chuyện lớn, nhưng đôi khi cách thể hiện lại khiến mình khá là... "tiêu cực".  

1. “Liệu người ta có nhầm không?” 

Mình đã từng rất cố gắng để có thể nói chuyện với bố mẹ nhiều hơn, để lắng nghe những người trong gia đình nhiều hơn. Chỉ có điều, kết quả của những việc bạn làm thường sẽ không thực sự như những gì bạn kì vọng.
Mình thường hay kể với mẹ khá nhiều, bởi mình biết mẹ sẽ muốn nghe xem cuộc sống của mình ra sao, hay mình có ổn không, đi làm gì thế nào. Đôi khi mình muốn tâm sự với mẹ thật nhiều, mà quên mất rằng bản chất của con người, thực ra chính là sự ích kỉ.
Ảnh Behance: Mara Drozdova
Sau 2 tuần nghỉ ngơi khi vừa nghỉ việc xong, có một lần mình ứng tuyển 1 tập đoàn khá lớn – cũng là 1 bước đi khác của mình, bởi trước đây phần lớn mình làm Start-up hoặc Freelance, bạ đâu quăng đó. Chị mình có một công ty riêng, nhưng vì một số vấn đề về tự trọng cá nhân, và phong cách làm việc của hai chị em, nên chúng mình không làm việc chung, thỉnh thoảng cần vẫn có thể gọi nhau giúp đỡ.
Hồi này, có một lần về ăn cưới, mình kể với mẹ rằng đang ứng tuyển vào tập đoàn xyz, và gặp một chị sếp rất hài lòng. Buổi phỏng vấn của mình diễn ra như một cuộc hội thoại hai chiều đầy sự thẳng thắn giữa Recruiter, Trưởng nhóm MKT, và mình. Mình kể rằng chị ấy là người thế nào, rằng câu nói nào của chị ấy khiến mình nhận thấy được đây chính là người mình cần,... Và nhiều nữa.
Khi có kết quả, đậu, mình nhắn tin cho mẹ đầu tiên :) Bởi mình nghĩ mẹ sẽ rất sốt ruột nếu mình tiếp tục thất nghiệp như thế. Và hiển nhiên, mẹ nói chúc mừng mình. Mọi thứ rất ổn cho đến buổi tối hôm đó, khi mình đang đi chọn đồ, mẹ chợt gọi và hỏi thăm đôi câu. Có một câu nói khiến cho mình thật sự chết lặng: “Liệu người ta có thông báo nhầm không?”
Giấu đi sự thất vọng về câu nói của mẹ, mình hỏi lại thẳng thắn và nhanh chóng:
- “Mẹ nghĩ con của mẹ không thể trúng tuyển à?”
- “Mẹ nghĩ con của mẹ ngu thế à?”
- “Mẹ đánh giá con thấp như thế à?”
Mẹ đã nghĩ rằng mình hỏi theo kiểu đùa cợt, mà không biết rằng lúc hỏi câu đó, giọng mình thật sự nghẹn lại. Mẹ trả lời một cách rất không rõ ràng, loanh quanh, ra vẻ buồn cười và tạo ra không khí vui vẻ giống như mọi lần. Sự khác biệt duy nhất trong lần loanh quanh này của mẹ, chính là mình đã đủ thông minh để lắng nghe và hiểu được suy nghĩ thật sự.
Mình biết, và mình buồn.
Buổi tối đó, mẹ gọi cho chị, và chị kể lại cho mình lúc cả mình, chị, và anh rể đang xem TV: “Mẹ bảo chứ: Thằng B thế mà cũng giỏi nhỉ, mẹ tưởng nó chỉ làng nhàng vớ vẩn thôi”.
Buổi tối đó, mình dặn chính bản thân, sẽ không bao giờ kể cho gia đình bất kì những gì mình trải qua, bởi dù gì, đâu có ai quan tâm tới điều đó đâu?

2. “Tóm lại là liệu có đỗ không?”

Hồi cuối tháng 10, mình thi Young Lion, và mình có kể với mẹ. Lúc đó mẹ đang nằm viện mổ ung thư vú, mình có đến thăm nom đều đều. Hôm mình vừa thi xong, mẹ gọi điện hỏi mình, nhưng câu đầu tiên là: “Có đỗ không con?”
Ngay cả khi mình lặp lại: Đến ngày 20 tháng sau mới có kết quả, và kể về quá trình mình làm, hay trải nghiệm của mình, mẹ vẫn sốt ruột và hỏi lại: “Tóm lại là liệu có đỗ đạt gì không?”
Hai từ “tóm lại” đối với mình chính là nói rằng: Cảm xúc của con không có giá trị trong cuộc hội thoại với mẹ
Mẹ chưa từng hỏi mình thi cái gì, thi như thế nào, có vất không, thi với ai, thi xong thì làm gì? Cũng giống như việc đi học, mẹ không hỏi mình bị bắt nạt hay không, mình đi học cảm thấy thế nào, hay chơi với những ai ở lớp, ở lớp được học những gì, mẹ hỏi rằng: “Mấy điểm?”
Đôi khi mình cảm thấy bản thân như một cái start-up, còn bố mẹ là nhà đầu tư. Nhà đầu tư chỉ quan tâm việc nhét tiền và cung cấp đủ thứ chứ không quan tâm quá trình. Họ nghĩ rằng: Chỉ cần cho đủ tiền là sẽ có kết quả như ý. Thế nên cái mẹ mình quan tâm, không phải là mình sống hạnh phúc hay không, mà là có sống đẹp cho mẹ có một chiếc mác đi khoe hay không.
Giống như hồi đó mình bắt đầu đi gia sư Tiếng Anh bên ngoài và tại trường, mẹ đi khoe với họ hàng và bạn bè, như thể đó là một kì tích, còn mình thì cho rằng mẹ hẳn đã nghĩ: “Thằng con vô dụng của mình cuối cùng cũng kiếm ra tiền.”

3. Chuyện quà tặng, nhờ vả, và hối lộ

Điểm chung của tất cả những sự kiện này, chính là chẳng ai trong nhà tin mình sẽ làm được cái khỉ gì ra hồn.
Thời gian mình đi học, mình học không giỏi, đó là lý do mẹ mình rất hay tìm cách lót đường cho mình. Ngay cả việc mình vào lớp chọn, cũng là một sự lót đường. Có lẽ vì thế nên mẹ tin rằng mình là một thằng vô dụng, hay là ngay từ đầu, mẹ đã cho rằng mình là một đứa vô dụng rồi?
Chị mình hồi đó thuộc top học giỏi trong trường, đứng khoảng top 5 của khối, tất cả các môn đều ở mức khá giỏi trở lên.
Mình hồi đó thuộc top cuối của lớp chọn, có những bạn thực sự vốn đã rất thông minh, đến giờ mình vẫn cho rằng dù quay lại thời gian đó, mình có học cả đời cũng không thể đuổi kịp họ.
Hồi đó mẹ rất hay lo lót phong bì quà cáp cho cô giáo. Dĩ nhiên đó là điều bình thường ở thời buổi này thôi, bởi lương giáo viên thì sống làm sao được? Việc mình vào lớp chọn, chính là ba mẹ sử dụng quan hệ và tiền để đẩy mình vào, bởi hồi đó không hề có một cuộc thi nào để được học ở lớp chọn cả. 
Dĩ nhiên khi lên đến Đại học, không còn ai có thể lót đường được nữa, mình chuyển qua sống với chị 2 năm, sau đó sống 1 mình. Mình nhận ra mình không ngu dốt đến thế, mình không học kém đến thế, chỉ là mình chưa từng tìm được một môi trường khiến mình cảm thấy việc học có ý nghĩa thôi. 
Ít ra hồi này, mình vẫn thuộc top học không ngu lắm ở khoa và trường. 
Dù thế nào, việc được vào lớp chọn và có một môi trường tốt, thật sự mình rất biết ơn bố mẹ, bởi đó là môi trường tốt nhất mình từng tham gia - điều mà mãi sau này mình mới hiểu được. Mình chỉ tiếc mẹ chưa từng tìm hiểu lý do tại sao mình học kém, mẹ sẽ chỉ nghĩ rằng mình là một đứa lười biếng và ngu dốt, không tôn trọng tiền đầu tư của bố mẹ thôi.
12 năm bị bắt nạt, mình chưa từng được nghe bố mẹ hỏi dù chỉ 1 câu: “Con đi học với bạn bè thế nào?”
Thà rằng về nhà chăn bò còn nhiều tiền hơn đi làm ba cái công ty vớ vẩn

4. “Về mà làm cho chị còn nhiều tiền hơn” 

Hồi đó mình làm Start-up, lương tầm 6-7tr/tháng, bố mẹ không có tự tin để khoe điều đó với hàng xóm, bởi bạn hàng xóm bằng tuồi mình học Luật ra, làm Pháp lý ở VPBank, lương tầm 1x rồi.
Cả nhà nói với mình rằng: “Làm ở đấy làm gì? Về làm cho chị này còn nhiều tiền hơn”. Chị mình thì offer một tháng 15tr, có thể chả làm gì, nhưng cuối tháng tiền vẫn về đều.
Nhưng như thế thì khác gì ăn bám? Và mình sẽ mãi mãi phải nghe những lời sai vặt, những đàm tiếu sau lưng rằng “là một thằng đàn ông lại phải đi bám váy người nhà”. Mình thà làm một công việc lương 4 triệu, còn hơn nhận 15 triệu tối ngày chỉ để nghe sai vặt và dạy đời.
Hồi đó chị mình khởi nghiệp thì được ủng hộ, còn mình đi làm thì lại bị chế nhạo? Vậy hóa ra, một người thì được bố mẹ tin tưởng và cổ động, một người bị coi là thằng vô dụng ăn bám và cứ phải để mọi người lo sẽ không được cái việc gì?
Mình không biết mọi người nghĩ sao, nhưng đối với mình, từ khi đi học cho đến khi lớn, mình chưa từng cảm nhận được bố mẹ trao cho mình bất cứ sự tin tưởng nào. Nếu bố mẹ còn không tin mình, thì ra đường ai dám tin mình nhỉ?

5. “Mẹ không đồng ý con vào Sài Gòn đâu” 

Có một lần mình hỏi mẹ chuyện vào Sài Gòn, và mẹ hiển nhiên phản ứng rất gay gắt về việc đó, giống như thể mình còn rất bé và không thể tự lo cho bản thân, mẹ thậm chí còn chẳng tin mình có thể tự lo cho bản thân, mặc dù mình đã sống một mình 2 năm trời.
Có thể mình chưa có con nên chưa hiểu, nhưng mình nghĩ đôi khi bố mẹ có những cách thương con khá vụng về. Kiểu mình làm Marketing, có một câu mình nhớ mãi: "Con người không bao giờ có thể nói chính xác được điều họ thực sự nghĩ".  Tuy nhiên mình vẫn không thể ngừng suy nghĩ tiêu cực được và phải tự tìm ra giải pháp cho bản thân: Cách ly tâm lý.
Đến bây giờ mình vẫn tự thắc mắc với chính mình, và mình tin khi đọc đến đây, các bạn cũng sẽ thắc mắc giống y hệt mình vậy: "Bố mẹ có từng tin tưởng chúng ta hay không?"
#sidavl