Nghề phiên dịch có rất nhiều cái thú, và cái thú nhất là bạn tự hiểu được sự thú vị của nó (by itself) trước những người khác. Bạn cần hiểu trước thì mới có thể phiên dịch được cho các bên khác, và đôi khi bạn khó để chia sẻ cho cả hai bên vai trò của những người đứng giữa như bạn. Nghề Product của mình cũng là một dạng phiên dịch viên để các bên có thể hiểu nhau và làm việc được cùng nhau.
Gần đây mình đang xem hai phim là Shogun và Sympathizer, và có một số cảm xúc hay ho đặc biệt muốn chia sẻ với mọi người.
Trước khi làm Product Manager, thì mình từng làm trong ngành Consulting. Và một trong những việc mình phải làm khá nhiều đợt ấy là dịch.
Có thể một số người nghĩ đơn giản dịch chỉ cần copy text từ một văn bản và dán vào Google Translate là có thể hiểu được người kia nói gì, và với tốc độ này AI có thể thay thế được con người trong dịch thuật. Tuy nhiên dịch nếu hiểu sâu sắc thì nó không đơn giản chỉ là chuyển ngữ.
Việc dịch thuật có những nuance (ẩn ý) của nó, không đơn thuần chỉ là chuyện chuyển đổi ngôn ngữ, và có rất nhiều những việc trên đời này có cùng tính chất với việc dịch thuật . Việc diễn đạt lại ý của một người khác cũng là dịch thuật. Kể lại chuyện, cóp nhặt ý,... cũng là dịch lại những tư tưởng đã xảy ra được não bộ tiếp nhận, sang một phiên bản khác. Sự khác biệt giữa dịch thuật và sáng tạo nằm ở việc dịch cần tôn trọng và giữ nguyên cái cốt cách (essence) của thông điệp ban đầu, còn sáng tạo là thêm mới để thông điệp đó thành của mình với hình thái đẹp hơn. Sự khác biệt giữa sáng tạo và nói dối đấy là một cái vẫn giữ được ý nghĩa của bản chính, cái còn lại là nói khác đi và làm sai lệch hoàn toàn ý của người nói.
Người dịch luôn nằm trong ranh giới của việc mình đã thực sự hiểu cái người ta muốn nói chưa và mình cần sáng tạo gì thêm trong diễn đạt để có thể đạt được mục đích cho cả hai bên.
Ranh giới của người dịch
Dưới đây mình sẽ kể lại cho bạn (dịch) ba tình huống dở khóc dở cười của ba bộ phim mà bạn phải hiểu tình huống, bối cảnh và văn hoá để thấy được sự quan trọng của dịch thuật trong những tình huống này là thế nào. Vốn là một học sinh từng đi trao đổi văn hoá 1 năm tại Hoa Kỳ (không tính 4 năm đại học), mình chứng kiến sự khác biệt về văn hoá trên thế giới lớn thế nào và cũng kỳ diệu ra sao khi các nền văn hoá dù khác nhau nhưng cũng đều có những điểm chung. Bản thân người dịch ngoài việc hiểu về ngôn ngữ, còn cần trải nghiệm về văn hoá và kiến thức chuyên môn (mà ngành Product vẫn hay gọi là business domain).
Bản thân bài viết này cũng là một cách để phiên dịch/chia sẻ lại trải nghiệm điện ảnh mà mình cảm nhận được tới các bạn. Những phim này thường cũng kén người xem vì một là nó không chiếu ở Việt Nam, hai là mình nghĩ để thưởng thức được cũng cần một số vốn sống nhất định. Mình không nói việc này để humble bragging (giống như a Hiếu TV vẫn hay nói), nhưng quả thật nếu các bạn nào chưa từng đặt chân ra khỏi biên giới Việt Nam và thấm được thân phận nhỏ bé của mình như một dân tộc thiểu số trên thế giới này, và cảm giác bất lực của bất đồng ngôn ngữ và văn hoá, thì các bạn sẽ...hơi khó để cảm được tình huống mà các nhân vật sau đây phải trải qua những cú shock văn hoá trong tình huống của họ, và cần sự phụ thuộc ghê gớm vào từng câu chữ phiên dịch như thế nào.

Câu chuyện của Shogun

Shogun là một show mới nổi trên Hulu, với bối cảnh là văn hoá Nhật Bản năm 1600. Điểm thú vị ở đây là không như chán vạn các show khác, nơi mà các thanh niên da trắng đến chinh phục và ngồi lên đầu người bản địa như các thực dân, thì ở show này, những người da trắng phải làm nền và khúm núm trước một nền văn hoá Samurai hùng cường và đậm chất Á Đông của nước Nhật bấy giờ.
John Blackthorn, một kẻ đi biển người Anh muốn giao thương với Nhật Bản thay vì phải qua tay các nhà truyền giáo người Bồ, đã đi thuyền đến bờ biển Nhật Bản. Tại đây, hắn và thuỷ thủ đoàn bị bắt như tù binh và rồi hắn bị cuốn theo một cuộc chiến về chính trị của Những Quan Nhiếp Chính của Nhật thời bấy giờ.
Trong đoạn video trên là lúc John bị bắt và thẩm vấn bởi một quan sai của Lãnh Chúa Toranaga. Người Nhật lúc đó đã gọi John là kẻ man di mọi rợ, cùng với việc cho một tay phiên dịch người Bồ Đào Nha dịch cho John để tìm hiểu kẻ man di này là ai.
Mình nghĩ đây là lần đầu tiên mình thấy cảnh một người da trắng trở nên nhỏ bé tội nghiệp trước những người châu Á. Và cũng là lần đầu tiên mình thấy hai người da trắng kỳ thị lẫn nhau vì lý do chính trị. Mình đã phải ồ lên vì điều này mình nghĩ là phi logic. Bạn thử tưởng tượng một kịch bản tương tự, bạn - một thuỷ thủ người Nghệ An bị bắt bởi bọn man di nào đó lên hoang đảo (ví dụ Somali), và lo sợ bị chặt đầu, hiếp dâm hoặc ăn thịt. Thổ dân ở đó tìm được một phiên dịch người Việt gốc Thanh Hoá. Thay vì vui mừng vì có anh em đồng bào dịch hộ mình, tay người Thanh Hoá lại dịch bố láo vì hắn ghét người Nghệ An (đoạn này mình phiên dịch theo bối cảnh Shogun chứ không có ý nói anh em Nghệ - Thanh có điều gì ghét nhau nhé 😂), và muốn cho gã Nghệ An kia bị chặt đầu. Quả là kỳ dị đúng không nào 😂.
Vậy tại sao tay người Bồ lại đi ghét tay người Anh dù da của bọn chúng đều trắng hơn người Nhật 🤣? Để trả lời câu hỏi này bạn cần hiểu hai thứ:

1. Cuộc chiến về thuộc địa và tôn giáo Trong Đạo Thiên Chúa:

Nước Anh và Hà Lan từng có một cuộc thánh chiến diễn ra trên lãnh thổ, do xung đột về tôn giáo giữa phe Catholic và Protestant (Công Giáo và Tin Lành, đều thuộc Thiên Chúa Giáo). Cả hai đều chống lại đế chế Tây Ban Nha, với Bồ Đào Nha là nước chư hầu. Anh và Hà Lan theo đạo Tin Lành, còn hai nước còn lại là theo Công Giáo.
(Gần) Giống như Việt Nam có Nam Kỳ với Bắc Kỳ, hay Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia khác nhau dù nhìn có vẻ giống nhau thì Thiên Chúa Giáo cũng chia ra hai phe khác nhau. Có một số khác biệt về cách hiểu và thực hành lời của Chúa trong Kinh Thánh. Tiêu biểu nhất mình biết là với Công Giáo xưng tội thì phải qua Cha Xứ, còn bên Tin Lành có thể tự nói chuyện và cầu nguyện hẳn với Chúa.
Cuộc chiến về tôn giáo này kéo theo xung đột về thuộc địa. Bạn cứ thử tưởng tượng một ngày có một cuộc chiến về phổ cập dạy nói tiếng Việt cho toàn thế giới. Phe Bắc Kỳ sẽ muốn càng nhiều người nói chuẩn giọng Bắc nhất, còn phe Nam kỳ muốn người ta nói giọng Nam. Đồng ý là cuộc chiến mình vừa bịa ra là nhảm nhí, nhưng ở năm 1600, mấy tay da trắng thực sự nghiêm túc với sứ mệnh "dịch thuật" cách hiểu đúng về tôn giáo cho càng nhiều con chiên càng tốt và xung đột thuộc địa để tin vào niềm tin chuẩn này thực sự nghiêm trọng với họ.

2. Tính chất của giao thương giữa Nhật và Trung Quốc:

Nhật Bản và Trung Quốc ghét nhau ra sao thì chắc mọi người đã biết. Thực ra cái mình cũng không rõ chi tiết, nhưng có thể thấy là Nhật Bản thời Shogun không giao thương thẳng với người Trung Quốc, nhưng lại cho phép giao thương với một số ít quốc gia và Bồ Đào Nha đã là bên được chọn thông qua việc truyền bá thành công Công Giáo tới Nhật Bản
Như các bạn thấy có gần nửa số quan Nhiếp Chính theo đạo Công Giáo, tạo áp lực đàm phán lên cho chính trị Nhật Bản.
Hàng của Trung Quốc vẫn có nhu cầu lớn ở Nhật, và do đó người Bồ kiếm rất nhiều tiền qua việc buôn lậu/bán hàng Trung Quốc sang Nhật Bản, và độc quyền việc này trong nhiều năm
Ở vai trò của John thì anh ta đương nhiên phản đối sự độc quyền này và muốn giao kết được với người Nhật cho phe Tin Lành và từ đó trở thành một đầu mối về kinh tế và quyền lực.
Vậy khi tay phiên dịch người Bồ (hẳn là theo phe Công Giáo) nhìn thấy tên tù nhân bước ra từ chiếc tàu của Hà Lan, trong đầu hắn nhảy số là "phải chặt đầu thằng cha này không nó lại sủa linh tinh về Tin Lành và dạy cho mấy gã Nhật biết về mấy thằng hàng xóm mất dạy khác ngoài kia thì toi mất nồi cơm" (kiểu gã Thanh Hoá sợ gã Nghệ An dạy mấy tay thổ dân Somali nói được tiếng Nghệ thì bỏ mẹ 🤣 - sorry for my racist jokes )
Và gã John đã rất quái để đọc và truyền đạt được sự mâu thuẫn này dù chẳng biết chút tiếng Nhật nào bất chấp bị mớm lời rất bố láo, và qua đó giữ được tính mạng. Còn mình cảm thấy rất sướng khi nhìn thấy sự chật vật của John và những âm mưu chính trị và hiểu biết của gã nhanh chóng bị đè bẹp trước thứ văn hoá Á Đông hùng vĩ của thổ dân Nhật Bản.

Câu chuyện của The Sympathizer

Ở phần trên mình jokes về mâu thuẫn người Việt, thì bây giờ là lúc ta nói về cuộc chiến trong lịch sử nước ta. Sài Gòn thất thủ đã chia rẽ dân tộc ta thành hai phe: thắng và thua cuộc. Đây là gốc rễ của sự kỳ thị Nam Kỳ, Bắc Kỳ vẫn còn đến ngày nay và chưa biết bao giờ mới có thể hoà giải được.
Mình đã đọc gần xong Sympathizers từ khi sách được giải Pulitzer. Mình thấy cuốn sách cũng có nhiều tình huống châm biếm sâu sắc về sự xung đột của hai nền văn hoá Á Đông và phương Tây, cũng như sự giằng xé giữa tư tưởng của Cộng Sản và chính quyền Nguỵ. Cuốn sách thực sự chơi đùa với vai trò điệp viên hai mang kiêm con lai của nhân vật chính.
Tuy nhiên khi bộ phim được tạo nên, mình đã cảm thấy rất ngạc nhiên và bất ngờ khi thấy mình hình dung nó còn sống động hơn cả khi đọc sách, nhất là trong trường đoạn dịch dưới đây.
Viên tướng Nguỵ yêu cầu hai chiếc máy bay để có thể đưa người nhà của cả bên ông và bên vợ sang Mỹ khi biết Sài Gòn sẽ sớm thất thủ. Bình thường ông luôn muốn tự nói tiếng Anh để gây ấn tượng với tay tình báo Mỹ, nhưng hôm nay ông yêu cầu nhân vật chính phiên dịch.
Bản thân nhân vật chính cũng hiểu có những thông điệp và tình huống căng thẳng, qua người phiên dịch sẽ được việc và có tính ngoại giao hơn rất nhiều. Chính mình cũng học được điều này khi làm Consulting. Mình từng mơ ước là mình sẽ có ngày giỏi như chuyên gia nước ngoài và từ đó đàm phán trực tiếp tư vấn trực tiếp cho khách hàng Việt. Nhưng trải nghiệm thực tế dạy mình hai việc sau đây và khiến mình thấy ước mơ này không thực tế. Bỏ qua việc trình độ và kỹ năng giao tiếp của chuyên gia nước ngoài là tốt hơn người Việt hay không, thì :
Phần lớn người Việt tự ti về tiếng Anh nên khi nghe tư vấn tiếng Anh, thái độ "học tiếng Anh" có ngầm giúp ích cho việc khách hàng dễ tiếp thu lời tư vấn hơn và kiểm tra xem mình có thực sự hiểu ý không
Người nước ngoài có đặc quyền được nói Tiếng Anh và giao tiếp theo văn hoá của người ta và do đó, sẽ có người Việt phiên dịch lại ý cho khách hàng Việt hiểu. Việc này giúp thêm thời gian để có bộ đệm xử lý khi dịch (nếu có sự lỡ lời, nhầm lẫn) hay xin lỗi vì những sự cố trong dịch thuật
Thuê nước ngoài chi phí cao hơn => công ty consulting kiếm được nhiều tiền hơn. Giống như việc các trung tâm tiếng Anh giao tiếp phụ huynh thích kiếm thầy bản xứ dạy hơn là giáo viên Việt Nam vậy.
Do đó thì tư vấn thuê nước ngoài được ưa chuộng hơn chuyên gia Việt ở nhiều nơi. Người Việt thì phải đi theo chuẩn văn hoá Việt và lương Việt, đây là thực tế mình học được cách đây hơn 7 năm.
Và rõ ràng trong phim viên tướng Nguỵ muốn đẩy căng thẳng lên để đòi được máy bay, nhưng lại không muốn hỏng việc (vì vẫn nằm ở chiếu dưới, cần sự giúp đỡ của người ta 🤣), nên sử dụng phiên dịch là biện pháp thông minh nhất 😭.
Mình thấy khá hài hước ở hai đoạn:
Tay người Mỹ (do Robert Downey Junior đóng), khoe mình có dòng máu đen. Việc này phổ biến đến mức độ ông tướng quay sang hỏi sao mấy thằng học trường điểm ở Mỹ cứ thích khoe tao có chút máu da đen vậy? Một câu hỏi vô cùng châm biếm sự đa dạng văn hoá kiểu tình thương, giả vờ không phân biệt của Mỹ.
"Thằng Mỹ nó chơi mình nó sẽ nhìn thẳng vào mặt mình" - Ông tướng nói với tay phiên dịch như một lời tâm sự châm chọc. "Sau những gì chúng tôi làm, sao đối xử với chúng tôi như vậy? Chúng tôi không phải là kẹo cao su của nước Mỹ". Rồi sau đó ông đập bàn.
Lúc này người phiên dịch tất nhiên phải nghĩ xem đoạn nào dịch, đoạn nào không, và không quên bài toán quan trọng là cần xin xỏ người ta. Anh ta bị kẹt ở ranh giới nên dịch chính xác hay cần sáng tạo mà mình nói ở trên.
Thế là nhân vật chính đành cầu xin "Please help us!", điều mà ông tướng không thể nói thẳng ra, vì lòng tự trọng và tâm thế của ông, nhưng vẫn giữ được cảm xúc có sức nặng qua ngôn ngữ cơ thể.
Mình thấy đoạn này khá xuất sắc, cho thấy chất hài đen trong tình huống ngặt nghèo. Từ hồi hiểu và nghiện xem hài đen (hài trộn lẫn với bi kịch), mình bị khó chọc cười hơn với những kiểu cù để cười với cách làm hài thông thường, cả ở Mỹ lẫn ở Việt Nam. Trích đoạn hài trong phim cũng có nhiều cái hay, khi mà rõ ràng ta đã biết yêu cầu cấp riêng cho gia đình ông tướng tận 2 cái máy bay là quá đà, vì trong lịch sử nhiều tướng cũng bị bỏ lại đằng sau do không đủ chỗ. Và cảnh vị tướng phải xin xỏ nhưng không muốn hạ mình, mà muốn gây áp lực qua việc chửi thẳng mặt tay Mỹ cũng ấn tượng. Bạn đã xem phim nào thấy người Việt đập bàn chửi thẳng mặt tên Mỹ da trắng (mà lại là diễn viên Oscar như RDJ) chưa 🤣? Hiếm lắm. Đa phần mới chỉ dám nói tiếng Anh đối đáp tự tin thôi. Giây phút ấy mình đã có chút cảm giác thăng hoa như xem người Nhật lôi mấy tay da trắng ra chặt đầu rồi. Thảo nào mà phim Black Panther mấy tay da đen cảm thấy tột cùng sung sướng khi có một quốc gia châu Phi (dù trong tưởng tượng) có công nghệ và sức mạnh đột phá hơn và cần khai sáng cho mấy tay da trắng khác.
Có lẽ kỷ nguyên của việc phim da trắng dùng công thức cũ gượng ép suất diễn tình thương cho người da màu và phá hoại tác phẩm đã kết thúc, kỷ nguyên khám phá văn hoá qua cái nhìn của những dân tộc khác đã thực sự lên ngôi? Holywood đang tạo đất để người phương Tây được trải nghiệm góc nhìn từ nền văn hoá của các dân tộc khác, và qua đó tạo đất cho các ngôi sao mới thể hiện.
Hãy chờ xem nhưng mình khá enjoy trải nghiệm này.

Chuyện của Last Of The Mohican

Bonus thêm cho các bạn một bộ phim hay ít người Việt xem khác, nhưng có một đoạn phiên dịch đỉnh cao mình muốn giới thiệu. Đoạn dưới đây có spoilers, mọi người cân nhắc khi đọc.
Mình đã từng là học sinh trao đổi văn hoá ở vùng miền Tây nước Mỹ (Durango, Colorado), qua đó có ít nhiều kiến thức về lịch sử Mỹ liên quan đến văn hoá cao bồi và những người Mỹ Bản Địa (người da đỏ). Và bộ phim người Mohican cuối cùng có một sức hút đặc biệt với mình về vẻ đẹp văn hoá.
Người Mohican cuối cùng là tiểu thuyết và được dựng thành một bộ phim tuyệt hay đầy chất văn học. Mình sẽ dành riêng một bài sau để viết riêng về nó (không biết bao giờ), nhưng đoạn dưới đây là để phiên dịch cho các bạn đoạn nói chuyện rất nhanh và căng thẳng khôn cùng trong clip trên.
Đoạn clip trên nói về buổi phán xử của trưởng tộc da đỏ về các chiến lợi phẩm có được sau một cuộc chiến. Magua, tướng quân của nhóm da đỏ Huron đã bắt được 2 trưởng nữ của tướng Munro nước Anh, và một Thiếu Tá quân đội Hayward sau trận chiến với quân đội Anh. Ba người này thuộc hàng quan trọng vì họ là người của thực dân Anh tại Mỹ. Bạn cứ tưởng tượng không khác gì đám đàn em của băng cướp đường phố đang bắt được người nhà của một Đại Tướng Công An vậy (thậm chí nghiêm trọng hơn thế). Magua mang ba người này đến cho tộc trưởng/ già làng của Huron xét xử.
Bối cảnh câu chuyện lúc này là cuộc chiến tranh giành thuộc địa của Anh và Pháp tại Mỹ. Lúc này nước Mỹ chưa được thành lập, thực dân Anh và Pháp tranh giành lãnh thổ nước Mỹ dựa trên chính quân đội của họ và các tộc người da đỏ khác nhau được mỗi bên quy phục. Tộc da đỏ Huron theo phe của Pháp và đã chịu nhiều thương tổn về tính mạng trong các cuộc chiến với phe người Anh, do tướng Munro lãnh đạo. Sau nhiều năm vất vả, cuối cùng mãnh tướng Magua đã chém chết được tướng Munro và đạo quân của ông sau khi thua trận với phe của Pháp. Nhưng như thế là chưa đủ, Magua muốn trả thù nên đã đuổi theo và bắt được cả con gái của Huron và tay thiếu ta kia (cấp dưới của Huron).
Buổi phán xử bị ngắt quãng bởi sự tham gia của Hawkeye, một cậu con nuôi người da trắng của Chingachook thuộc tộc Mohican, một nhánh người da đỏ sống độc lập không theo phe của Anh hoặc Pháp. Ba cha con Chingachook họ tình cờ bắt gặp và bảo vệ cho hai thiếu nữ của nhà Munro trong suốt chặng đường đi tìm cha là tướng Munro. Thậm chí, tình cảm đã nảy nở giữa hai thanh niên Mohican (thực ra thanh niên da trắng là con nuôi nên không rõ có được tính là người Mohican hay không) và hai thiếu nữ nhà Munro. Hayward đã từng cầu hôn cô chị nhưng đã bị từ chối sau đó vì cô chị có tình cảm với cậu anh da trắng đẹp trai này (nếu ở thời đại này chắc chắn nhân vật con nuôi da trắng này sẽ thành da đỏ).
Già làng Huron không hề biết tiếng Anh, trong khi cậu con trai nuôi Hawkeye lại không biết tiếng bản địa của dân Huron. Tuy nhiên do dân Huron nằm trong thuộc địa của Pháp nên lại biết tiếng Pháp. Thiếu uý Heyward, đã phải phiên dịch cho Hawkeye trong cuộc phán xử này bằng tiếng Pháp.
Sau khi nghe hai bên xong già làng phán là một cô con gái sẽ được đem cho Magua để dòng họ Munro không chết, còn cô chị sẽ bị thiêu sống để trả thù cho cái chết của con Magua dưới tay tướng người Anh. Còn thiếu uý người Anh (Heyward) sẽ được thả cho người Anh. Già làng phán bằng tiếng Huron nên cả Hawkeye và Hayward đều không hiểu điều gì được diễn ra, chỉ có khán giả đọc phụ đề mới hiểu. Và thực sự mọi thứ diễn ra với tốc độ cực nhanh nên cần phải nhìn hành động để hiểu.
Hawkeye là người hiểu nhanh nhất khi thấy cô chị bị trói và dẫn đi, anh đoán là sắp bị thiêu sống. Hawkeye nhanh chóng nói bằng tiếng Anh là hãy để tôi chết thay cô ấy. Lúc này Heyward cũng nhanh chóng dịch lời bằng tiếng Pháp (có phụ đề hẳn hoi - “me for her”). Sau đó Hawkeye cũng nói tiếp một tràng tiếng Anh là hãy để tôi chết thay, tính mạng tôi sẽ là vinh dự để hiến tặng cho người Huron (tất nhiên là già làng không hiểu tiếng Anh). Heyward nói thêm một hai câu phiên dịch.
Lúc này người xem như mình vẫn băn khoăn không hiểu thanh niên Heyward có đang mồm miệng dịch nhầm không 😭. Phải đến khi già làng gật đầu, Heyward bị bắt lại và cất lời: "Món quà của tôi dành cho anh, hãy mang cô ấy đi thật xa khỏi đây", ta mới cảm thấy sửng sốt và bất ngờ trước hành động của tay phiên dịch Heyward.
Đây là một nhân vật đã thể hiện sự đố kị từ đầu phim với Hawkeye khi mình là tướng quân xịn của Anh mà không có được trái tim của người đẹp là con gái sếp, trong khi kẻ con nuôi man di kia được nàng để ý hơn. Heyward đã từng lập mưu để giết Hawkeye nhưng không thành. Tuy nhiên khi thấy sự dũng cảm, không do dự của Hawkeye để xin chết thay cho người mình yêu, Heyward đã gần như không tốn thời gian chọn lợi thế về ngôn ngữ của mình và hiến dâng tính mạng của chính hắn cho người đẹp. Một hành động can đảm và quý ông thực sự. Mình thật ngả mũ trước hành động trượng phu này của gã và thay đổi 100% thái độ của mình trước đây khi nghĩ về gã.
Và khi Heyward rên xiết vì đau đớn khi cơ thể bị ngọn lửa thiêu cháy, Hawkeye đã bắn một phát súng ân huệ để giải thoát cho hắn khỏi đau đớn với một ánh mắt đầy tôn trọng. Đây là một tình huống đầy chất điện ảnh mà hiếm có phim nào mô tả chân thực được tới vậy về hai gã đàn ông cùng cạnh tranh trái tim người đẹp. Bộ phim này là một viên ngọc quý trên Netflix mà mình may mắn xem được và thấy cực kỳ đã về trải nghiệm sâu sắc của văn hoá và câu chuyện chính trị trong đó.
Vừa rồi là một notes về ba trải nghiệm văn hoá trong ba cảnh phiên dịch mà mình lựa chọn. Ngôn ngữ là sản phẩm của cả nền văn hoá đằng sau, và những bộ phim tận dụng được điểm này quả thật là những món ăn ngon hiếm có.
Mình có tổng kết ít bài học 5 giây cho các bạn:
- Con người hoàn toàn có thể căm thù nhau vì hiểu theo cách khác nhau về cùng một lý tưởng và cách làm (Thiên Chúa Giáo, chính trị Việt Nam, Các bộ lạc da đỏ, Người da trắng ở các phe)
- Dù bạn có đọc về văn hoá ở khu vực nào, thì khi gặp một người đến từ khu vực đó, bạn vẫn không thể giả định bạn biết về văn hoá, câu chuyện và con người thật của họ.
- Bản chất của thấu hiểu nhau là việc học hỏi về văn hoá và niềm tin của một con người cũng như toàn bộ bối cảnh xung quanh người đó.
Và mình dịch đoạn trên từ ý tiếng Anh gốc mình viết dưới đây (đề phòng sáng tạo chuyển ngữ nhầm 🤣).
1. People can hate each other for believing differently on the same idea & directions
2. Just because you see a person come from a place, you still don't know their true story and culture
3. True understanding is about learning a person's culture and belief system and the whole environment around it.
Các bạn nghĩ sao về ba cảnh và ba bộ phim trên? Các bạn có thích đọc về những chia sẻ tương tự? Hãy cùng comment và chia sẻ để mình thêm động lực viết về những đề tài này nhé.
Nếu bạn thấy thích những bài viết kiểu này, rất có thể bạn sẽ thích những bài viết khác của mình. Hãy vào đây để đăng ký nhận newsletter và không bỏ lỡ các bài viết trên blog của mình mỗi tuần nhé.