Về chuyện làm quan trong triều đình nhà Lê của Nguyễn Trãi
Xét kỹ hơn về nhân cách cũng như quãng thời gian làm quan của Nguyễn Trãi trong triều đình nhà Lê
Trong bài viết “Vai trò thực sự của Nguyễn Trãi trong khởi nghĩa Lam Sơn”, chúng ta đã xem xét lại các nguồn sử liệu và rút ra một kết luận hiển nhiên rằng: Nguyễn Trãi thực chất không nắm vai trò quá quan trọng trong sự thắng lợi của cuộc khởi nghĩa. Tất nhiên, đóng góp của ông là có, đủ để được xét phong thưởng làm khai quốc công thần. Thế nhưng qua những ghi chép trong sử liệu, ta thấy rằng đóng góp của Nguyễn Trãi phần lớn xoay quanh công việc văn thư là chủ yếu, và trong giai đoạn cuối có góp công dụ hàng một số thành trì của quân Minh. Tuy nhiên, vì một số lý do, tên tuổi của Nguyễn Trãi nhiều khi còn vượt quá bao nhiêu tướng lĩnh quan trọng khác của khởi nghĩa Lam Sơn. Về điều này, tác giả lạm đoán rằng nó bắt nguồn từ việc Nguyễn Trãi là người viết “Bình Ngô đại cáo”, và được công nhận là một bản Tuyên ngôn độc lập của nước ta. Vả lại, tên tuổi Nguyễn Trãi gắn liền với vụ án Lệ chi viên cùng bản án tru di tam tộc nổi tiếng bậc nhất trong lịch sử Việt Nam. Bởi vụ án này cùng nhiều bài thơ ông để lại, có lẽ nhiều người đã xây dựng hình tượng một bậc đại nho chân chính bị gian thần dèm pha mà phải về ở ẩn, rồi lại vướng vào thảm án tru di tam tộc.
Nhưng một lần nữa, sự thực có đúng như vậy? Con người của Nguyễn Trãi khi làm quan như thế nào, có phải một bậc chính nhân quân tử, không chịu chung bè với những phe phái trong triều, dẫn tới bị buộc phải từ quan về ở ẩn? Trong bài viết này, chúng ta hãy cùng ráng làm sáng tỏ điều đó, và tìm hiểu xem một Nguyễn Trãi làm quan trong triều Lê qua hai đời Thái Tổ - Thái Tông là một người như thế nào, qua một số sự vụ được ghi chép lại trong sử liệu.
Những tranh đấu trong triều đình nhà Lê và việc chia bè kéo phái của Nguyễn Trãi
Trước khi nói về Nguyễn Trãi, chúng ta cũng nên hiểu qua một chút về tình hình triều chính thời hai vua Thái Tổ và Thái Tông. Thái Tổ lên ngôi năm 1428 sau khi khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi. Tuy nhiên, những năm tháng gian khổ chiến đấu nơi rừng thiêng nước độc đã ảnh hưởng đến sức khỏe của ngài, dẫn đến việc vua chỉ ở ngôi được hơn 5 năm rồi băng, vào năm 1433. Lúc đó, thái tử Lê Nguyên Long kế vị lúc mới hơn 10 tuổi, tức là vua Thái Tông. Do đó, việc triều chính phần lớn rơi vào tay các khai quốc công thần. Và cũng chính vì thế, mâu thuẫn và tranh đấu đã nổi lên. Thực chất thì việc tranh đấu chính trị vốn đã có ngay từ thời Thái Tổ, nhưng do lúc đó hoàng đế vẫn còn nắm quyền lực và ngài cũng bỏ công sức để dung hòa, giảm nhẹ mâu thuẫn nên chưa có biến cố gì xảy ra. Tuy nhiên, khi mà người kế vị ngài còn quá trẻ, thì chẳng còn ai đủ danh vọng và quyền lực để kìm hãm những mâu thuẫn đó nữa. Nhìn chung, nội bộ triều đình nhà Lê chia ra rất nhiều phe phái. Hai ban văn - võ mâu thuẫn nhau đã đành, mà ngay nội bộ các quan văn, võ cũng chia ra các phe để đấu đá nhau nữa. Bởi vậy, trong thời vua Thái Tông, việc quyền thần tranh đấu xảy ra như cơm bữa, nhưng cũng chỉ gói gọn trong nội bộ triều đình và cũng chẳng ảnh hưởng đến dân chúng. Và tất nhiên, trong những việc tranh đấu đó, Nguyễn Trãi cũng không thể đứng ngoài. Thực chất việc này cũng chỉ là chuyện bình thường với người làm chính trị, cũng không có gì đáng nói nếu như Nguyễn Trãi có thể làm tốt những công việc được giao và không công kích các quan lại khác phe một cách quá đà. Thế nhưng, đọc sử liệu, ta lại thấy chuyện làm quan của Nguyễn Trãi khác hẳn so với nhiều người nhận định xưa nay.
Đầu tiên và chắc cũng khá là nổi tiếng là vụ án xử 7 tên ăn trộm tái phạm. Đầu đuôi như sau:
“Có 7 tên ăn trộm can tội tái phạm, đều còn ít tuổi, hình quan chiếu luật đáng xử chém. Bọn đại tư đồ Lê Sát thấy giết người nhiều quá, trong lòng ngần ngại. Vua đem việc ấy hỏi Thừa chỉ Nguyễn Trãi. Trãi trả lời: 'Pháp lệnh không bằng nhân nghĩa cũng rõ lắm rồi. Nay một lúc giết bảy người, e không phải là hành vi của bậc đại đức. Kinh Thư có câu: "An nhữ chỉ" (hãy yên với chỗ đứng của mình), sách truyện có câu "Tri chỉ nhi hậu hữu định" (biết dừng rồi thì mới vững). Thần xin thuật lại nghĩa của chữ "chỉ" để bệ hạ nghe: "Chỉ" có nghĩa là yên với chổ đứng của mình, như trong cung là chỗ đứng của bệ hạ, thỉnh thoảng bệ hạ có ngự ra nơi khác, thì mới yên chỗ đứng của mình được. Người làm vua đối với nhân nghĩa cũng vậy, phải để lòng nơi nhân nghĩa, coi nhân nghĩa là chổ đứng của mình. Tuy có lúc ra oai giận dữ, nhưng không thể như thế mãi được, xin bệ hạ lưu ý những lời của thần' Bấy giờ bọn Sát và Ngân nói: 'Ông có nhân nghĩa, có thể cảm hóa kẻ ác thành người thiện, xin giao chúng cho ông, phiền ông cảm hóa cho'. Bèn bảo bọn Trãi và Thiên Tước nhận lấy những tên tù ấy. Trãi nói: 'Chúng là hạng trẻ con ương ngạnh, ranh mãnh, pháp chế của triều đình còn không trừng trị được, huống hồ bọn chúng tôi đức mỏng, cảm hóa thế nào được'. Rồi sau xử chém 2 tên, còn lại thì xử đi đày.” - Đại Việt Sử ký Toàn thư, Quyển XI, Kỷ nhà Lê, mục Thái Tông Văn Hoàng Đế -
Ta có thể thấy rằng, mặc dù pháp luật nghiêm minh, đúng ra thì phải xử tử hết 7 tên trộm, nhưng chúng đều còn ít tuổi, ngay cả Đại tư đồ Lê Sát - người từng kinh qua bao nhiêu trận đánh, thấy máu chảy đầu rơi đến mòn con mắt - còn phải e ngại là hà khắc quá. Do đó, ông cùng Lê Ngân không biết nên xử trí làm sao cho ổn. Chẳng bỏ lỡ cơ hội, Nguyễn Trãi liền chủ động nói đến chuyện nhân nghĩa để tỏ rõ cho vua thấy mình là người đạo đức, và dùng hình phạt hà khắc quá là không nên. Thực chất việc này sẽ là có ý tốt, nếu Nguyễn Trãi không có ý muốn ngầm công kích đám võ tướng như Lê Sát là chỉ biết dùng bạo lực, không biết nhân nghĩa giáo hóa. Bực mình trước lời nói suông của Nguyễn Trãi, Lê Sát bèn giao cho ông xử vụ này xem ông thực hiện việc nhân nghĩa như đã nói ra sao. Và ta thấy Nguyễn Trãi cũng chả biết làm gì khác, ngoài việc xử theo luật là chém 2 tên cảnh cáo và cho đi đày số còn lại. Tức là có nhẹ hơn một chút, nhưng hoàn toàn không phải chuyện giáo hóa nhân nghĩa như ông rao giảng trước đó.
Một vụ nữa được chép lại trong sử là việc gây hấn của Nguyễn Trãi với các quan của Nội mật viện là Nguyễn Thúc Huệ và Lê Cảnh Xước. Nguyên văn như sau:
“Ngày 16, sai bọn Tuyên phủ sứ Nguyễn Tông Trụ: Trung thư hoàng môn thị lang Thái Quân Thực: kỳ lão Đái Lương Bật mang tờ biểu và phương vật sang cầu phong nhà Minh. Hành khiển Nguyễn Trãi soạn xong tờ tâu, bọn Nội mật viện Nguyễn Thúc Huệ và Học sĩ Lê Cảnh Xước muốn đổi lại mấy chữ: Nguyễn Trãi giận nói: 'Bọn các ngươi là hạng bề tôi vơ vét, nạn hạn hán này là do các ngươi gây nên cả'. Thúc Huệ tố các với Đại tư đồ Sát và Đô đốc Vấn. Sát và Vấn tức lắm, trách Trãi rằng: 'Làm nên nỗi có thiên tai không phải là do lỗi của bọn ấy, lỗi ở vua và tể tướng thôi, sao ông trách nhau quá như thế?' Trãi từ tạ nói: 'Thúc Huệ chỉ vì chút tài vét thuế mà chiếm chỗ then chốt của thiên hạ, mỗi khi có sổ sách tâu vào đều muốn vơ của dân về cho quan, để mong hợp ý vua, cho nên tôi nhân việc này mà nói ra thôi, không dám chê bàn gì đến vua và tể tướng cả'. Sát vẫn chưa nguôi giận. Nhưng bản tâu vẫn theo như của Trãi, không thay đổi.” - Đại Việt Sử ký Toàn thư, Quyển XI, Kỷ nhà Lê, mục Thái Tông Văn Hoàng Đế -
Vụ Nguyễn Thúc Huệ và Lê Cảnh Xước đòi sửa mấy chữ trong tờ văn biểu mà Nguyễn Trãi soạn: không rõ hai vị kia muốn sửa chữ gì, nội dung ra sao, nhưng xét về cách phản ứng của Nguyễn Trãi thì có thể xếp vào trường hợp "công kích cá nhân”. Đáng khen hơn cả lại chính là Lê Sát, khi đã chủ động tìm cách giảng hòa cho cả hai phe bằng cách không sửa tờ văn biểu để chiều lòng Nguyễn Trãi, lại vẫn đứng ra nói giúp Nguyễn Thúc Huệ và Lê Cảnh Xước để làm hài lòng họ.
Hai câu chuyện trên kể ra cũng chưa có gì đáng nói lắm. Ta có thể thấy Nguyễn Trãi cũng có tật xấu, đại để là ưa công kích, hay nói đạo lý suông, nhưng cũng không phải điều gì quá bất ngờ, bởi làm gì có ai hoàn hảo, nhất lại là người trong triều đình, làm chính trị. Tuy vậy, điều đáng nói về Nguyễn Trãi nằm ở một câu chuyện khác, mà nó làm nổi bật được những vấn đề của ông về khả năng hợp tác, năng lực làm việc và cả sự công kích cá nhân của ông cùng phe cánh. Ấy chính là chuyện làm quy chế mũ áo và lễ nhạc cho triều đình.
Về chuyện làm quy chế mũ áo và lễ nhạc cung đình
Về việc này, sử liệu cho ta biết như sau:
“Đinh Tỵ, [Thiệu Bình] năm thứ 4 [1437], (Minh Chính Thống năm thứ 2) Sai Hành khiển Nguyễn Trãi và Lỗ bộ ty giám Lương Đăng đốc suất làm loan giá, nhạc khí, dạy tập nhạc múa. [...] Tháng 2, vua tới trường đua xem tập võ nghệ. [...] Tháng 5, Hành khiển Nguyễn Trãi tâu rằng: 'Mới rồi, bọn thần cùng với Lương Đăng hiệu định nhã nhạc, nhưng kiến giải của thần không giống với Lương Đăng, thần xin trả lại công việc được sai'. Trước kia Thái Tổ sai Nguyễn Trãi định ra quy chế mũ áo, chưa kịp thi hành [...] vua sai Lương Đăng định ra các quy chế. Đăng nhân đó dâng lên quy chế về mũ áo và nhạc khí. Đại để, quy chế do Đăng và Trãi định ra phần nhiều không hợp nhau, những chỗ bàn về số lượng, trọng lượng các nhạc khí có nhiều điều trái nhau, mà trình bày cũng khác nhau, cho nên Trãi xin thôi việc đó.” - Đại Việt Sử ký Toàn thư, Quyển XI, Kỷ nhà Lê, mục Thái Tông Văn Hoàng Đế -
Thái Tổ khi còn sống đã từng giao cho Nguyễn Trãi phụ trách việc soạn quy chế mũ áo triều đình và lễ nhạc, thế nhưng không biết bởi vì sao mà Nguyễn Trãi làm mấy năm liền mà không xong. Thái Tổ băng năm 1433, mà đến tận năm 1437 việc vẫn chưa xong, đến mức Thái Tông phải để cho Lương Đăng hợp tác nhằm xúc tiến công việc. Vậy tức là Nguyễn Trãi nắm nhiệm vụ này trong ít nhất 5-6 năm mà không làm được. Đến lúc Lương Đăng được ủy thác vào làm cùng thì hai bên không thể hợp tác, và cuối cùng nhóm của Nguyễn Trãi xin rút, giao cho Lương Đăng toàn quyền quyết định. Điều đáng nói là ngay sau khi Nguyễn Trãi xin rút, công việc được hoàn thành rất nhanh:
“Tháng 9 [...] Lỗ bộ ty đồng giám kiêm tri điển nhạc sự Lương Đăng dâng nhạc mới phỏng theo quy chế của nhà Minh mà làm. Mùa đông, tháng 10 [...] Ngày Canh Ngọ, năm kiểu xe lộ làm xong. Cho Lỗ bộ ty đồng giám Lương Đăng làm đô giám. Tháng 11 [...] Ban bố các nghi thức mới định lại trong các dịp lễ thánh tiết, chính đáng, sóc vọng, thường triều, đại yến. Trước kia, vua sai Lương Đăng định các nghi thức đại triều, đến đây hoàn thành dâng lên. Vua bái yết Thái miếu, các quan mặc triều phục làm lễ theo nghi thức mới bắt đầu từ đây.” - Đại Việt Sử ký Toàn thư, Quyển XI, Kỷ nhà Lê, mục Thái Tông Văn Hoàng Đế -
Có thể tóm tắt rằng tháng tháng 1 thì hai bên được lệnh hợp tác; tháng 5 bắt đầu xảy ra mâu thuẫn, Nguyễn Trãi tự ái rút lui, vua giao Lương Đăng làm dự án; tháng 9 thì xong nhã nhạc; tháng 10 thì xong xa giá; tháng 11 thì xong lễ nghi.
Tuy nhiên, đến đây, mặc dù Nguyễn Trãi vốn đã xin rút, tức là trao lại nhiệm vụ cho Lương Đăng, mà giờ mọi việc đã xong; ông cùng một số văn thần lại dâng tấu nhằm công kích cá nhân Lương Đăng, tỏ ý không phục và chê bai các quy chế của Lương Đăng làm ra là không hợp lễ nghi.
“Bọn Hành khiển Nguyễn Trãi, Tham tri bạ tịch Nguyễn Truyền, Đào Công Soạn, Nguyễn Văn Huyến, Tham nghị Nguyễn Liễu dâng sớ tâu rằng: 'Muốn chế tác lễ nhạc, phải đợi có người rồi hãy làm, được như Chu Công thì sau mới không có lời chê trách. Nay sai kẻ hoạn quan Lương Đăng chuyên định ra lễ nhạc, chẳng nhục cho nước lắm sao! [...] Vả lại, Đăng là đứa hoạn quan, thần trộm lấy làm ngờ lắm'. Đăng tâu: 'Thần không có học thức, không biết quy chế cổ, các nghi thức nay đã làm, chỉ trông cả vào hiểu biết của thần mà thôi, còn ban hành hay không là quyền của bệ hạ, thần đâu dám chuyên quyền'. Nguyễn Liễu tâu rằng: 'Từ xưa đến nay chưa bao giờ có cảnh hoạn quan chuyên phá hoại thiên hạ như thế này'. - Đại Việt Sử ký Toàn thư, Quyển XI, Kỷ nhà Lê, mục Thái Tông Văn Hoàng Đế -
Như vậy, ta có thể thấy rõ rằng khi được giao trọng trách thì Nguyễn Trãi làm mãi không xong, chẳng biết vì lý do gì. Rồi khi được vua lệnh hợp tác cùng Lương Đăng thì cũng lại không hợp tác được, rồi tỏ thái độ và xin rút khỏi công việc, chắc phần lớn do tự ái vì phải làm việc chung với một hoạn quan. Mà sau khi công việc đã xong, thì lại bắt đầu dâng tấu lên đàn hặc, công kích cá nhân. Lương Đăng có thể không giỏi văn thơ như Nguyễn Trãi, nhưng ông là người có học, việc này đến cả người thuộc bè cánh với Nguyễn Trãi là Trung thừa Bùi Cầm Hổ còn phải công nhận là “có chút chữ nghĩa”:
“Trung thừa Bùi Cầm Hổ tâu rằng: 'Bệ hạ lên ngôi tới nay, hay thay đổi phép cũ của Thái Tổ, như Lỗ bộ ty đồng giám Lương Đăng, Tiên đế cho là người có chút chữ nghĩa, dùng làm Nội nhân phó chưởng, sau thấy hắn khúm núm, không thể gần gũi được, cho ra làm văn đội. Nay lại thấy hắn làm quan xin bệ hạ nghĩ lại'. - Đại Việt Sử ký Toàn thư, Quyển XI, Kỷ nhà Lê, mục Thái Tông Văn Hoàng Đế -
Hẳn nhiên Lương Đăng là người có thực lực, bởi bằng chứng rõ ràng là chỉ trong 6 tháng đã soạn xong các quy chế mũ áo triều phục và lễ nhạc dâng lên, được triều đình chấp thuận. Phe cánh của Nguyễn Trãi liên tục dâng tấu sớ phản đối, nhưng cuối cùng không có kết quả gì. Lý do mà Nguyễn Trãi đưa ra để phản đối những quy chế của Lương Đăng là do ông không dựa theo đúng các quy chế của nhà Minh, mà khác khá nhiều. Cụ thể như sau:
“Vả lại, quy chế lễ nhạc của y là dối vua lừa dưới, không dựa vào đâu cả, như đánh trống là bao giờ ra chầu triều sớm, nay vua ra chầu triều sớm, nay vua ra chầu rồi mới đánh. Theo quy chế xưa, khi vua ra, thì bên tả đánh chuông hoàng chung, rồi năm chuông bên hữu ứng theo, lúc vua vào đánh chuông chưng tân rồi năm chuông cũng ứng theo. Nay vua ra chầu, đánh 108 tiếng chuông, đó là số lần đếm tràng hạt của nhà sư. Nếu theo quy chế của nhà Minh, thì khi vua ngồi ở cửa Phụng Thiên phải có ngai báu, nay chỉ có một điện Hội Anh, lại chỉ có sập vàng, nếu di chuyển thì sợ không yên, đặt cả hai thứ cũng không được, thế là lễ nghi gì?. Làm xe thì đằng trước có diềm, đằng sau mở cửa. Nay lại mở cửa đằng trước, quy chế xưa làm như thế hay sao? Khi vua ra thì có hô thét, khi vào thì có thu dẹp, đó là quy định của nghi lễ. Nay quan coi cửa xướng tâu mọi việc xong, các quan lui ra, vua con ngồi mà người thu dẹp đã la thét dọn dẹp là làm sao?” - Đại Việt Sử ký Toàn thư, Quyển XI, Kỷ nhà Lê, mục Thái Tông Văn Hoàng Đế -
Nhiều người có thể lấy làm lạ khi tại sao quy chế mũ áo triều phục hay lễ nhạc lại phải dựa theo nhà Minh. Kỳ thực việc này chẳng hề lạ, mà cũng không phải đến nhà Lê mới làm. Ngay từ các triều đại Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần trước đó; các quy chế về mũ áo, triều phục, lễ nghi cung đình đều phỏng dựa theo các quy chế của các triều đại Trung Hoa như Hán, Đường, Tống. Lý do là bởi vì các triều đại Trung Hoa là trung tâm văn hiến của Đông Á. Là một quốc gia đi có nền văn hiến học tập từ Trung Hoa, vậy làm như các triều đại Việt Nam là lẽ dĩ nhiên, chẳng có gì bất ngờ.
Tuy nhiên sau 20 năm thuộc Minh, phần lớn quy chế mũ áo và lễ nghi đều đã thất lạc hết cả, cho nên Lương Đăng khi làm đã buộc phải tự nghĩ ra nhiều để sao cho bớt giống với nhà Minh, trong khi Nguyễn Trãi thì cho rằng như thế là không hợp văn hiến, là “dối vua lừa dưới, không dựa vào đâu cả”. Tuy nhiên, nếu đã thế thì tại sao Nguyễn Trãi không làm cho xong khi được giao việc, mà kể cả có chậm trễ, thì khi được lệnh hợp tác với Lương Đăng, tại sao ông không cố gắng để mà cộng tác, mà lại tỏ thái độ khi bất đồng ý kiến, rồi vùng vằng xin rút, để đến khi quy chế ra đời không như ông muốn, thì chỉ còn biết dâng tấu sớ đàn hặc một cách vô lý như vậy? Thêm nữa là tốc độ thực hiện các dự án của Lương Đăng nhanh khủng khiếp, trong khi ông thì lại chậm lẹt đẹt. Đó là còn chưa kể Lương Đăng rất khiêm tốn, nhã nhặn và tập trung vào chuyên môn chứ không rình hở ra là công kích cá nhân, chia bè kéo cánh dâng tấu đàn hặc loạn cả lên như Nguyễn Trãi.
Thậm chí, Nguyễn Liễu còn nâng tầm vấn đề, cho việc Lương Đăng soạn lễ nhạc là “phá hoại thiên hạ”, đến mức bị một hoạn quan khác là Đinh Thắng bước ra mắng thẳng vào mặt rằng “Hoạn quan làm gì mà phá hoại thiên hạ? Nếu phá hoại thiên hạ thì chém đầu ngươi trước!”. Cuối cùng, triều đình vẫn bác bỏ tấu sớ của Nguyễn Trãi, dùng quy chế lễ nhạc của Lương Đăng, đồng thời giao Nguyễn Liễu cho Hình quan xét xử, và kết án thích chữ vào mặt, đầy đi phương xa.
Như vậy là đến đây, coi như Nguyễn Trãi cùng các quan lại cùng phe cánh đã không còn chỗ đứng trong triều đình. Bởi vì ông chưa thực sự làm được công tích gì lớn lao cho triều đình, lại gây hấn với nhiều người khác. Nhận ra chẳng thể làm gì, Nguyễn Trãi liền từ quan về quê, hoặc nói thẳng ra là nếu ông không đi thì sớm muộn cũng bị các phe cánh khác hất cẳng. Nhưng Nguyễn Trãi đâu có chịu an phận? Ông từ quan về quê, nhưng ngay khi được vua Thái Tông vời lại về triều, Nguyễn Trãi đồng ý ngay. Đấy là năm 1439, và Nguyễn Trãi được phục chức, làm Vinh lộc Đại phu, Nhập nội Hành khiển Môn hạ sảnh Tả ty Hữu Gián nghị Đại phu kiêm Hàn Lâm viện Học sĩ Tri Tam quán sự Đề cử Côn Sơn Tư Phúc tự. Chức tước kể ra dài dòng, nhưng đại khái là chức to, vào hàng tam phẩm. Theo GS. Phan Huy Lê, Nguyễn Trãi dâng biểu tạ ơn với một “sự hả hê thấy rõ”, và đây là “quãng thời gian đắc chí nhất của Nguyễn Trãi”. Nếu thực sự đã có ý định từ quan, thì hẳn thái độ này không thể có được. Trong thời gian từ năm 1439 đến năm 1442, Nguyễn Trãi dường như đã biết điều hơn nên không còn tỏ ra gây hấn như trước, và có đóng góp nhất định vào các công việc triều đình, đáng kể nhất là làm Giám khảo kỳ thi Hội năm 1442.
Thế nhưng, mọi việc cũng chỉ kéo dài được dăm năm, bởi vì vào năm 1442, đã xảy ra án Lệ Chi viên, mà kết cục là Nguyễn Trãi phải chịu tội tru di tam tộc do bị phán tội liên quan đến cái chết đột ngột của vua Thái Tông.
Về án Lệ chi viên và những việc làm của Nguyễn Trãi
Ở phần trên, chúng ta có nói rằng sau khi được trở lại triều làm quan năm 1439, Nguyễn Trãi đã biết điều hơn nên quãng thời gian này không có điều gì đáng nói. Tuy nhiên, nói thế không có nghĩa là Nguyễn Trãi từ bỏ việc can thiệp vào triều đình nhằm mưu lợi cho mình. Việc này rõ thấy nhất ở hành động cho người thiếp là Nguyễn Thị Lộ vào hầu vua, và nói trắng ra thì đây là hành động ngầm cài cắm tai mắt trong triều.
“Trước đây, vua thích vợ của Thừa chỉ Nguyễn Trãi là Nguyễn Thị Lộ, người rất đẹp, văn chương rất hay, gọi vào cung phong làm Lễ nghi học sĩ, ngày đêm hầu bên cạnh. Đến khi đi tuần miền đông, xa giá về tới vườn Vải, xã Đại Lải, ven sông Thiên Đức, vua thức suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ rồi băng, các quan bí mật đưa về.” - Đại Việt Sử ký Toàn thư, Quyển XI, Kỷ nhà Lê, mục Thái Tông Văn Hoàng Đế -
"Khi ông (Nguyễn Trãi) lo việc nước, những chiếu thư, từ mệnh (Nguyễn Thị Lộ) đều được dự nhuận sắc. Thái Tông nghe tiếng, vời nàng về hầu cho làm Lễ nghi học sĩ". - Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí -
Vua Thái Tông có thể coi là một vua tài giỏi, tuổi còn trẻ mà có thể đảm đương việc triều chính. Thế nhưng bởi vì mất cả cha lẫn mẹ từ khi còn nhỏ (mẹ của vua là bà Phạm Thị Ngọc Trần, mất từ năm 1425, Thái Tổ thì mất năm 1433 khi vua mới hơn 10 tuổi) cho nên Thái Tông thiếu đi sự giáo dục đúng đắn, thành ra cuộc sống riêng tư có nhiều điều không hay. Nhiều sử quan đã chê trách vua là ham sắc, và thực tế là mặc dù khi băng vua mới gần 20 tuổi, nhưng đã có đến 4 hoàng tử và 5 hoàng nữ, cùng rất nhiều phi tần và hầu hết đều hơn tuổi ông. Có thể kể tới các hậu phi nổi bật như Dương Thị Bí (sinh năm 1420) sinh con trai cho ông là Lê Nghi Dân năm 1439, Nguyễn Thị Anh (sinh năm 1422) sinh cho ông con trai là Lê Bang Cơ (sau là vua Nhân Tông) năm 1441, Ngô Thị Ngọc Dao (sinh năm 1421) sinh con trai cho ông là Lê Tư Thành (sau là vua Thánh Tông) năm 1442.
Bà Nguyễn Thị Lộ sinh năm 1400, tức là hơn Thái Tông đến 17 tuổi. Khi nhập triều (muộn nhất cũng khoảng những năm 1440-1441) thì mới trên dưới tứ tuần, nhưng cũng không tính là già và lại còn thạo đời hơn các phi tần của vua rất nhiều, bởi phụ nữ sống trong các gia đình quan lại và quý tộc thường được hưởng một cuộc sống thoải mái và giàu có nên rất biết cách chăm chút bản thân. Bằng chứng cho việc đó chính là Thái Tông đã có rất nhiều hành động không đứng đắn với Nguyễn Thị Lộ, cũng như dành khá nhiều thời gian ở chung với bà:
“Trước đây, Nguyễn Thị Lộ ra vào cung cấm, Thái Tông trông thấy rất ưa, liền cợt nhả với thị.” [...] “Trước đây, vua thích vợ của Thừa chỉ Nguyễn Trãi là Nguyễn Thị Lộ, người rất đẹp, văn chương rất hay, gọi vào cung phong làm Lễ nghi học sĩ, ngày đêm hầu bên cạnh.” [...] “Đến khi đi tuần miền đông, xa giá về tới vườn Vải, xã Đại Lải, ven sông Thiên Đức, vua thức suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ[...]” - Đại Việt Sử ký Toàn thư, Quyển XI, Kỷ nhà Lê, mục Thái Tông Văn Hoàng Đế -
Có thể thấy, đây là một nước đi rất thâm cơ, vì để hiểu rõ việc hậu cung của Thái Tông thì hẳn Nguyễn Trãi cũng phải thăm dò về đời tư của vua ở mức tương đối sâu.Và thông qua Nguyễn Thị Lộ, Nguyễn Trãi ít nhiều đã có những can thiệp vào nội bộ triều đình của Lê Thái Tông, được thể hiện qua những sự kiện sau:
“Tân Dậu, [Đại Bảo] năm thứ 2 [1441], (Minh Chính Thống năm thứ 6). Giáng Dương Thị Bí xuống làm thứ nhân.[...] Bắt giam hạng đàn bà ngỗ nghịch, đó là làm theo kế của Nguyễn Thị Lộ (Thị Lộ là vợ của Nguyễn Trãi). - Đại Việt Sử ký Toàn thư, Quyển XI, Kỷ nhà Lê, mục Thái Tông Văn Hoàng Đế -
Sau khi Nguyễn Thị Lộ vào cung thì còn gièm pha Lê Lễ, một trung thần dưới thời Lê Thái Tổ khiến ông này mất chức:
"Kỷ Tỵ, [Thái Hòa] năm thứ 7 [1449], (Minh Chính Thống năm thứ 4) [...] Mùa hạ, tháng 4, khôi phục tước Tự Hiệu hầu và chức. Nhập nội thị trung cho Thái tử thiếu bảo Lê Lễ. Hôm ấy, Lễ chết. Lễ suốt đời làm gia thần cho Thái Tổ, rất được tin dùng, sớm tối hầu chầu, không lúc nào rời bên cạnh, dốc lòng trung trinh, có sức hơn người. Khi Thái Tổ khởi nghĩa, vợ cả vợ lẽ bị hoạn nạn mà vua phá vòng vây, thoát khỏi nguy hiểm, phần nhiều là công của Lễ. Thái Tổ thường khen ông và từng nói: 'Nếu dồn mọi công lao lại thì ngôi tể tướng chẳng ngươi còn ai? Trẫm có tiếc gì với ngươi, chỉ vì tài của ngươi không xứng mà thôi'. Đến khi sắp băng, khóc bảo Lễ rằng: 'Nếu trẫm không còn thì còn ai biết khanh nữa, sợ từ đây về sau bị giáng truất mà thôi!'. Sau bị Nguyễn Thị Lộ gièm, phải giáng làm Thái tử thiếu bảo, đúng như Thái Tổ đã nói. Đến đây, ốm nặng, được khôi phục chức cũ. Ngày mồng 4 thì chết, thọ 82 tuổi. Được truy tặng Hương hầu, tên thụy là Trung Tiết." - Đại Việt Sử ký Toàn thư, Quyển XI, Kỷ nhà Lê, mục Thái Tông Văn Hoàng Đế -
Dĩ nhiên, chiến lược “vợ gửi” cũng là một con dao hai lưỡi đối với Nguyễn Trãi, vì với tư cách là chồng của người phụ nữ thân cận với vua, nếu nhà vua có xảy ra mệnh hệ gì thì Nguyễn Trãi cũng sẽ lãnh đủ. Và lịch sử xảy ra như chúng ta đã biết:
“Đến khi đi tuần miền đông, xa giá về tới vườn Vải, xã Đại Lải, ven sông Thiên Đức, vua thức suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ rồi băng, các quan bí mật đưa về. Ngày mùng 6 về tới kinh, nửa đêm đem vào cung rồi mới phát táng. Mọi người đều nói là Nguyễn Thị Lộ giết vua.” [...] “Ngày 16, giết Hành khiển Nguyễn Trãi và vợ là Nguyên Thị Lộ, bắt tội đến ba họ. Trước đây, Nguyễn Thị Lộ ra vào cung cấm, Thái Tông trông thấy rất ưa, liền cợt nhả với thị. Đến đây, vua đi tuần về miền đông, đến chơi nhà Trãi rồi bị bạo bệnh mà mất, cho nên Trãi bị tội ấy.” - Đại Việt Sử ký Toàn thư, Quyển XI, Kỷ nhà Lê, mục Thái Tông Văn Hoàng Đế -
Có thể nói, đời Lê Thái Tông, vua thì buông tuồng, bầy tôi thì chuyên quyền. Nguyễn Trãi nếu là người hiền thì nên sớm liệu rút lui, ẩn náu tung tích để cho danh tiếng được toàn vẹn. Thế mà lại đi đón rước ngự giá, thả lỏng cho người vợ làm việc hoang dâm, vô liêm sỉ để mưu đồ thu lợi cá nhân. Vậy thì cái vạ tru di cũng là tự Nguyễn Trãi chuốc lấy. Như thế sao được gọi là người hiền? Nếu thực là một người hiền bị oan, tại sao khắp cả triều đình không một ai đứng ra xin tội cho Nguyễn Trãi? Thời điểm Nguyễn Trãi bị tội, vẫn còn rất nhiều khai quốc công thần như Trịnh Khả, Trịnh Khắc Phục, Nguyễn Xí, Nguyễn Chích, Đinh Liệt có quen biết và hẳn nhiên biết rõ con người Nguyễn Trãi. Vậy nếu thực sự Nguyễn Trãi được lòng các đồng liêu, tất phải có ai đó đứng ra xin cho ông không phải chịu tội chết. Nhưng thay vì thế, ta thấy rằng không một ai đứng ra nói gì hết, đủ thấy được Nguyễn Trãi thật sự không được lòng mấy người, dù ông bị oan là đúng thật. Tuy nhiên đến sau cùng, Nguyễn Trãi dẫu có không góp phần vào cái chết đột ngột của Thái Tông, nhưng mọi việc cũng đều tự do ông mà ra, chứ chẳng có ai bày mưu hãm hại gì cả. Sau này, vua Thánh Tông có ban chiếu minh oan và đại xá cho con cháu Nguyễn Trãi, thì cũng chỉ là nhìn nhận công bằng hơn cho một trong những khai quốc công thần của triều đình mà thôi. Nguyễn Trãi cũng chẳng phải người duy nhất được Thánh Tông xuống chiếu đại xá, khôi phục danh dự, mà còn nhiều người khác như Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo, Lê Sát, Lê Ngân, Trịnh Khả hay Trịnh Khắc Phục. Việc đại xá này phần nhiều mang tính chất tỏ lòng nhân đức của hoàng đế và ghi nhớ công lao của những người từng là khai quốc công thần mà thôi.
Về câu thơ "Ức Trai lòng sáng tựa sao Khuê"
Cuối cùng, một chi tiết nhỏ nữa, bạn đọc có thể cho là hơi rườm, nhưng thiết nghĩ cũng nên làm rõ, nếu như đã định nói đủ về Nguyễn Trãi. Ấy là một câu thơ mà lâu nay nhiều người hay nhắc đến khi nói về ông. Đó là câu “Ức Trai lòng sáng tựa sao Khuê” của vua Thánh Tông, và nhiều người hay dẫn câu đấy ra làm bằng cớ về nhân cách của Nguyễn Trãi. Nhưng kỳ thực, đây lại là một câu bị… dịch sai.
Đây vốn là một câu thơ nằm trong bài “Quân minh thần lương” của vua Lê Thánh Tông, nhân một buổi ngồi trong cung, vua nghĩ tới các bậc vua sáng tôi hiền thời xưa và cơ nghiệp thịnh vượng của triều Lê, mới ngẫu hứng làm ra bài này. Nguyên văn như sau:
“Cao Đế anh hùng cái thế danh, Văn Hoàng trí dũng phủ doanh thành. Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo, Vũ Mục hung trung liệt giáp binh. Thập Trịnh đệ huynh liên quý hiển, Nhị Thân phụ tử bội ân vinh. Hiếu tôn Hồng Đức thừa phi tự, Bát bách Cơ Chu lạc trị bình”
Cao Đế ở đây tức là chỉ Thái Tổ Cao Hoàng đế Lê Lợi, là người sáng lập triều Lê. Văn Hoàng tức là Thái Tông Văn Hoàng đế Lê Nguyên Long, đã nối được cơ nghiệp, trí dũng có đủ cả. Ức Trai là tên hiệu của Nguyễn Trãi, Vũ Mục là tên thụy của Tư mã Lê Khôi, cháu gọi vua Thái Tổ bằng bác, tài lược hơn người, có nhiều công lao. Thập Trịnh ở đây chỉ Thái úy Trịnh Khả cùng các con hơn mười người đều làm quan to trong triều, rất vinh hiển. Nhị Thân ở đây chỉ hai người là Thân Nhân Trung và con là Thân Nhân Tín, học rộng tài cao, làm quan trong triều Thánh Tông. Hồng Đức là niên hiệu của vua Thánh Tông, còn Cơ Chu ý chỉ đến triều nhà Chu của Trung Hoa có các vua mang họ Cơ, kéo dài 800 năm.
Câu “Ức Trai lòng sáng tựa sao Khuê” dịch từ câu 3 trong bài - “Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo”. Từ “khuê” đứng một mình thì có thể dịch là sao Khuê thật, cái đó đúng, nhưng vấn đề là ở đây, nó thuộc về từ kép là “khuê tảo”, để đối với từ kép là “giáp binh” ở câu dưới. Từ kép “khuê tảo” ở đây mang nghĩa là văn chương có giá trị, tức là nếu dịch đúng, thì câu đó Thánh Tông chỉ muốn ngợi ca văn chương của Nguyễn Trãi, chứ có nhắc gì đến nhân cách hay tấm lòng của ông đâu? Bản dịch đúng nghĩa cho cả bài thơ thì phải thế này:
“Cao Đế anh hùng dễ mấy ai, Văn Hoàng trí dũng kế ngôi trời. Văn chương Nguyễn Trãi lòng soi sáng, Binh giáp Lê Khôi bụng chứa đầy. Mười Trịnh vang lừng nền phú quý, Hai Thân sáng rạng vẻ cân đai. Cháu nay Hồng Đức nhờ ơn trước, Cơ nghiệp Thành Chu vận nước dài.” (Bản dịch trong Hoàng Việt thi tuyển, NXB Văn học, 2007).
Cũng là một chi tiết hay, tuy nhỏ nhưng ít người biết đúng mà nhiều người lại hiểu lầm.
Kết
Tổng kết lại, ta có thể đưa ra một kết luận tương đối rõ ràng về con người của Nguyễn Trãi. Không thể phủ nhận là ông có tài năng nhất định về mặt văn chương, và khả năng làm việc của ông cũng tương đối đủ để được giao một số nhiệm vụ trong triều đình. Tuy nhiên, Nguyễn Trãi cũng chẳng phải một con người có nhân cách cao thượng. Ông cũng có những tính xấu, cũng mưu đồ chính trị chia bè kết phái, cũng có tham vọng; và chính những điều đó đã góp phần đưa đến cái kết bi thảm cho Nguyễn Trãi. Người như Nguyễn Trãi tất nhiên không phải xấu xa, không phải gian thần hay loạn thần. Nhưng người như Nguyễn Trãi tuyệt nhiên chẳng phải một người với nhân cách vĩ đại không tì vết. Bài viết này cũng không nhằm mục đích hạ bệ hay bôi nhọ Nguyễn Trãi, mà chỉ phục vụ mục đích đem đến cho bạn đọc một cái nhìn thực tế và chính xác hơn về Nguyễn Trãi mà thôi.
Người viết: Nguyễn Quốc Hoàn; biên tập và chỉnh lý: Hải Stark
Tài liệu tham khảo
- Đại Việt Sử ký Toàn thư
- Khâm định Việt sử thông giám cương mục
- Lịch triều hiến chương loại chí
Science2vn
/science2vn
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất