Với những người tìm hiểu lịch sử – chính trị Trung Đông nói chung và Iraq nói riêng, hai cuộc cách mạng vào các năm 1958 và 1963 là hai sự kiện bao phủ rất lớn lên tiến trình lịch sử. Có thể nói, đó là các cuộc cách mạng đã định hình toàn bộ lịch sử Iraq trong thời kỳ hiện đại từ thế kỷ 20.

Tuy nhiên, một thực tế là gần như khó có thể tìm thấy tư liệu tiếng Việt nào về các sự kiện này, kể cả là trên Internet. Điều này đang gây ra tình trạng ”trắng sử” rất lớn trong các cuộc tranh luận mỗi khi có sự kiện liên quan đến Iraq và Trung Đông. Nó tất yếu gây ra rất nhiều việc hiểu sai bản chất, bịa đặt, đánh tráo khái niệm về lịch sử, chính trị Iraq,…do đó người ta sẽ không thể giải thích nổi những câu hỏi, như tại sao Liên Xô không giúp Iraq chống lại Mỹ trong chiến tranh Vùng Vịnh?

Bài viết này tổng hợp những tư liệu về 2 cuộc cách mạng 1958 và 1963 ở Iraq, nhằm giải thích được những vấn đề căn bản của lịch sử, chính trị Iraq và Trung Đông thời hiện đại. Hy vọng có thể xóa bớt 1 vùng trắng trong kiến thức lịch sử Iraq hiện nay, để các cuộc tranh luận có thêm cơ sở kiến thức lịch sử.

Phần II: Cách mạng Ramadan (1963) và sự lên ngôi của Saddam Hussein.
Phải nói người Iraq rất quan tâm đến việc chọn ngày làm cách mạng. Nếu như cuộc cách mạng năm 1958, những người Cách mạng chọn ngày Phá ngục Bastille trong Cách mạng Pháp (14 tháng 7) thì đến năm 1963, những người đảo chính chọn ngày chính giữa trong tháng Ramadan đặc biệt thiêng liêng của Đạo Hồi. Cái tên của cuộc cách mạng nói lên điều đó
Cách mạng Ramadan năm 1963 chính là sự kiện chính yếu nhất trong lịch sử hiện đại của đất nước Iraq, thay đổi toàn bộ tiến trình lịch sử của đất nước Iraq. Toàn bộ lịch sử của đất nước Iraq sau năm 1963 chỉ xoay quanh duy nhất một nhân vật: nhà lãnh đạo Saddam Hussein. Chế độ của Saddam Hussein, dù có cả mặt tốt lẫn xấu, chắc chắn là có một không hai trong khu vực Trung Đông. Mặt khác, với cuộc đảo chính năm 1963, Saddam Hussein được coi là người ”đào mồ chôn chủ nghĩa Cộng sản và phong trào độc lập của người Kurd ở Trung Đông”. Bên cạnh đó, những tranh cãi, nghiên cứu lại về cuộc cách mạng (hoặc đảo chính) năm 1963 trong những năm qua đã được khơi lại rất nhiều trong những năm qua, sau khi chế độ Hussein sụp đổ.

1/ Bối cảnh sau cách mạng 1958: sự chống đối chính quyền Cộng sản ở Iraq.
Dành 1 chút thời gian đọc lại phần 1, sẽ thấy dù có nhiều cải cách tiến bộ, nhưng chính quyền Cộng sản của thủ tướng Qasim vẫn gặp phải sự chống đối của nhiều lực lượng, trong đó có cả những sĩ quan quân đội ủng hộ ông. Tiêu biểu trong số này, là cuộc nổi dậy tại thành phố Mosul, thành phố lớn thứ 2 của Iraq vào tháng 3 năm 1959.
Ngày 7 tháng 3 năm 1959, một đại tá quân đội thân đảng Ba’ath là Abdel Wahab Shawaf, đã tiến hành một cuộc binh biến ở Mosul. Cuộc binh biến ở Mosul chiến thắng, Shawaf đã xử tử một số lãnh đạo Cộng sản địa phương. Sau đó, Shawaf định tấn công thủ đô Baghdad, nhưng thất bại. Thủ tướng Qasim, được sử ủng hộ của Liên Xô sau đó đã phản công. Trong lúc máy bay của Qasim oanh tạc Mosul, Shawaf đã trúng bom tử thương. Cơ thể của Shawaf bị đánh đập và kéo lê trên đường phố Mosul trước khi bị ném vào xe và đưa đến Baghdad. Đến ngày 11/3, chính phủ đã dập tắt được cuộc nổi loạn.
Sau khi dập tắt cuộc nổi loạn Mosul, chính phủ Iraq đã củng cố được quyền lực, tập trung vào tay Đảng Cộng sản Iraq (ICP). Thắng lợi của chính phủ Iraq được báo chí Liên Xô và các nước XHCN thông tin rầm rộ trên truyền thông.
Báo Nhân dân tháng 3 năm 1959 có một số bài báo nói về sự kiện này:
-”Báo Nhân dân, Số 1822, 11 Tháng Ba 1959
Một tên Đáp-chuôn [Dap Chhuon là nhân vật phản bội nổi tiếng ở Campuchia] ở I-rắc đã bị tiêu diệt
Tin tức từ Bát-đa, thủ đô Iraq, cho biết: ngày 9-3-1959, tên phản quốc En Sa-oáp [El Shawaf], chỉ huy lữ đoàn thứ năm ở Mốt-xun (I-rắc), đã bị các binh sĩ trung thành với chính phủ Cộng hòa I-rắc giết. En Sa-oáp cũng như tên phản động Đáp-chuôn ở Khơ-me đã làm tay sai cho bọn đế quốc mưu làm loạn chống chính phủ Cộng hòa I-rắc và cũng như Đáp-chuôn, y đã phải đền tội trước nhân dân”.

-”Báo Nhân Dân, Số 1823, 12 Tháng Ba 1959
Cuộc bạo động quân sự ở I-rắc thất bại thảm hại
Cuộc bạo động quân sự ở Mốt-xun do tên đại tá phản quốc I-rắc En Sa-oáp câu kết với nước ngoài nhằm chống lại chế độ Cộng hòa ở Iraq, đã thất bại thảm hại. Xác tên En Sa-oáp đã bị kéo lê trên đường phố để mọi người phỉ nhổ.
Ngày 9-3-1959, hàng chục vạn nhân dân thủ đô Bát-đa và tại khắp nơi ở I-rắc đã biểu tình nhiệt liệt ủng hộ Thủ tướng Cát-xem. [Qasim]”.

Bên cạnh cuộc nổi dậy của các sĩ quan quân đội, là phong trào độc lập của người Kurd cực đoan dâng cao bất chấp quyền tự trị. Trong khi ở vùng nông thôn, các giáo sĩ Hồi giáo từ chối hợp tác với chính quyền. Như vậy có thể nói là ngay sau cuộc cách mạng năm 1958, mâu thuẫn đã nảy sinh trong xã hội Iraq.
2/ Sự nổi lên của Đảng Ba’ath và vụ ám sát Qasim.
Trong các phe phái chống đối Đảng Cộng sản Iraq, đảng Xã hội Arab – hay đảng Ba’ath trở thành lực lượng hàng đầu. Đảng Ba’ath có khẩu hiệu: ”Đoàn kết, tự do, Chủ nghĩa xã hội”, là một đảng cánh tả nhưng theo đường lối của lãnh đạo Ai Cập Nasser. Đặc biệt, đảng Ba’ath ủng hộ một liên bang giữa các nước Arab và kịch liệt phản đối sự can dự của Liên Xô vào Iraq. Điều này giúp Đảng Ba’ath nhận được sự ủng hộ lớn của người dân ở các thành phố lớn của Iraq như thủ đô Baghdad và thành phố Mosul.
Nhưng quan trọng nhất trong sự nổi lên của Đảng Ba’ath, là nhờ vào sự ủng hộ của Abdul Salam Arif, nhân vật quyền lực số 2 của Iraq chỉ sau thủ tướng Qasim. Do không hài lòng với sự gần gũi quá mức của Thủ tướng Qasim với Liên Xô, Arif đã quay sang ủng hộ một đảng phái mang màu sắc dân tộc Arab hơn – tức đảng Ba’ath. Do sự chia rẽ này, Arif bị Qasim đẩy khỏi quyền lực và bị quản thúc tại nhà. Nhưng việc làm này của Qasim rõ ràng là phản tác dụng: việc thanh trừng nhân vật quyền lực số 2 và là đồng chí thân cận nhất đã làm xấu đi đáng kể hình ảnh của Qasim, khiến ông từ một nhà cách mạng ngày càng gần với một nhà độc tài.
Bên cạnh đó, còn phải kể đến yếu tố bên ngoài. Trong khi Đảng Cộng sản Iraq được Liên Xô ủng hộ, thì đảng Ba’ath lại có sự ủng hộ to lớn của các nước Arab, kể cả những nước quân chủ chuyên chế như Arab Saudi. Các nước này quan niệm để Iraq trở thành một nước Xã hội chủ nghĩa của người Arab còn hơn là trở thành một nhà nước Cộng sản kiểu Liên Xô. Vì vậy khi đảng Ba’ath nổi lên ở Iraq, các lãnh đạo Ai Cập, Syria, Jordan, Arab Saudi, Lebanon,…đã ủng hộ bằng nhiều cách. Một trong số đó là giúp đảng Ba’ath thành lập nhiều cơ sở ở nước ngoài, sẵn sàng cho một chiến dịch chống lại Nhà nước Cộng hòa Iraq của Qasim từ bên ngoài. Tại thủ đô Cairo, Ai Cập, trường Đại học Cairo được biết đến là một cơ sở quan trọng cho các nhân vật lưu vong của Đảng Ba’ath ở Iraq.
Cần phải biết rằng Đảng Ba’ath không phải là một đảng của Iraq. Đây là một đảng phái được thành lập chung ở Iraq và Syria, sau đó tách ra thành 2 nhánh, vẫn liên hệ với nhau chặt chẽ. Đảng Ba’ath ở Syria có được quyền lực lớn hơn ở Iraq, và vì thế những thành viên đảng Ba’ath ở Iraq thường lưu vong ở Syria và coi nơi này là ‘’thánh địa’’. Các sự kiện ở Iraq ảnh hưởng qua lại rất lớn tới Syria.
Tuy nhiên, sự trỗi dậy của Đảng Ba’ath cũng đồng nghĩa với sự đe dọa quyền lực với Đảng Cộng sản Iraq. Nhất là sau khi phát hiện sự dính líu của đảng Baath tới cuộc nổi dậy tại Mosul tháng 3/1959, chính phủ của Qasim đã có nhiều hành động chống lại đảng Ba’ath tại các địa phương. Sự đàn áp khiến số đảng viên của Đảng Ba’ath ở Iraq giảm xuống dưới 1000 người. Để ngăn chặn nguy cơ bị tiêu diệt, các thành viên Đảng Ba’ath đã lên kế hoạch ám sát thủ tướng Qasim.
*Saddam Hussein vụ ám sát thủ tướng Qasim:
Dù nhiều người ở Việt Nam không được biết, nhưng thực sự vụ ám sát thủ tướng Qasim ngày 7/10/1959 là một dấu mốc quan trọng bậc nhất trong cuộc đời Saddam Hussein, được bản thân nhà lãnh đạo này vô cùng sùng bái. Đến nỗi Saddam Hussein đã đích thân viết kịch bản cho một bộ phim kể lại cuộc ám sát này, có tên ”Al-ayyam al-tawila”. Diễn viên đóng vai Saddam Hussein trong phim là em họ ông – Saddam Kamal.
Thực ra Thủ tướng Qasim không phải người Cộng sản đầu tiên Saddam Hussein sát hại. Năm 20 tuổi, Saddam đến thành phố Tikrit, sống với người chú là Khairallah Talfah, một người mà Saddam rất kính trọng. Saddam Hussein sau này đã lấy con gái của người chú, tức em họ của mình làm người vợ đầu tiên. Khairallah Talfah cũng là cha của Bộ trưởng quốc phòng Iraq – Adnal Talfah. Dưới chế độ Saddam Hussein, chú Khairallah Telfah phục vụ với tư cách nhà sử học, ghi lại lịch sử hiện đại Iraq.

Saddam Hussein gia nhập đảng Ba’ath năm 20 tuổi, vào năm 1957. Nhưng anh rể của Saddam, Saadoun al-Tikriti, lại là một lãnh đạo cộng sản địa phương ở Tikrit. Trong lúc cãi vã ở nhà chú Khairallah Talfah, Saddam Hussein và chú đã vô tình đánh bị thương anh rể của mình. Saadoun al-Tikriti sau đó bị thương nặng qua đời. Tòa án địa phương Tikrit tha tội cho Khairallah Telfah, do Saddam Hussein đã nhận tội thay chú. Saddam Hussein bị phạt 6 tháng tù vì ngộ sát.
 
Dẫu sao, Saddam Hussein vẫn quyết tâm gia nhập Đảng Ba’ath, trở thành một trong những thành viên trẻ nhất của Đảng. Nhưng dù trẻ, Saddam vẫn quyết định tham gia kế hoạch ám sát thủ tướng Qasim vào năm 1959.
Ngày 7/10/1959, thủ tướng Karim Qasim trên đường từ sứ quán Đông Đức trở về qua đường Al-Rashid thì bị các thành viên đảng Ba’ath tấn công. Những kẻ tấn công đã giết chết tài xế của thủ tướng và bắn Qasim bị thương. Nhưng như vậy có nghĩa là vụ ám sát đã thất bại. Gần như chắc chắn Saddam Hussein bị thương trong vụ việc đó. Ngay sau sự việc tày trời này, chính phủ Iraq đã thực hiện một cuộc truy bắt khốc liệt nhằm vào Đảng Ba’ath. 6 thành viên đảng Ba’ath bị kết án tử hình liên quan đến vụ ám sát Tổng thống Qasim.
Riêng với Saddam Hussein, ông trốn thoát và kể tại toàn bộ câu chuyện cho Giáo sư Kanan Makiya, giáo sư người Anh gốc Iraq. Theo đó, dù bị truy bắt gắt gao, đảng Ba’ath đã ưu tiên để cho Saddam Hussein được đưa sang Syria, nơi được coi là thánh địa của Đảng. Saddam Hussein được chữa trị ở Syria, nơi sau đó ông được đưa tiếp đến thủ đô Beirut của Lebanon, một cơ sở lớn của tình báo Hoa Kỳ CIA.
CIA biết thân thế Saddam đã quyết định giúp ông sang Ai Cập. Saddam đến thủ đô Cairo, học tại Đại học Cairo và lấy bằng Luật. Trong thời gian ở Cairo, Saddam Hussein làm việc cho cơ quan Tình báo Ai Cập. Còn ở trong nước, ngày 25/2/1960, tòa án Cộng hòa Iraq kết án Saddam Hussein án tử hình vắng mặt.

3/ Đảo chính và sát hại Thủ tướng Qasim.
Dù âm mưu ám sát thất bại, nhưng vị thế của Qasim và Đảng Cộng sản Iraq vẫn không được cải thiện. Bất chấp những nỗ lực cải cách, chính phủ Qasim vẫn đối mặt vô số khó khăn và những sự chống phá đến từ đủ mọi phía: người dân trong nước, quân đội, Đảng Ba’ath, các nước Arab và cả phương Tây.
Sau nhiều năm lên kế hoạch, cuối cùng cuộc cách mạng cũng nổ ra vào ngày 8/2/1963, ngày chính giữa của Tháng lễ Ramadan linh thiêng, và cũng là ngày thứ 6, thời điểm diễn ra lễ cầu nguyện làm quân đội Iraq mất cảnh giác.
Sáng sớm ngày 8/2/1963, các binh sĩ đảo chính của Đảng Ba’ath ám sát tư lệnh Không quân Iraq Jalal al-Awqati, một thành viên cao cấp của Đảng Cộng sản. Ngay sau đó, xe tăng của quân đảo chính chiếm đài phát thanh địa phương phát lời kêu gọi lật đổ chính quyền. Cuộc chiến ác liệt đã diễn ra suốt ngày 8/2, với phần thắng thuộc về Đảng Ba’ath.
Lãnh đạo Cộng sản, thủ tướng Karim Qasim có kế hoạch của riêng mình. Ngày hôm sau ông ghi âm sẵn 4 đoạn băng chứa những lời kêu gọi chống lại cuộc đảo chính và dự định phát nó trên đài truyền hình Baghdad. Nhưng máy bay của quân đảo chính đã ném bom Đài truyền hình Baghdad đúng lúc Qasim đọc diễn văn của mình. Một phần của bài phát biểu đã được người dân Iraq nghe thấy, nhưng nó bị lẫn với tiếng bom và pháo kích bên ngoài, cuối cùng dứt hẳn.
Quân đảo chính ập vào bắt thủ tướng Qasim đầu giờ chiều ngày 9/2/1963. Tại đây, sau một ”phiên tòa nhân dân” chỉ kéo dài vài phút, quân Ba’ath đã xả súng, giết chết Thủ tướng Cộng sản và toàn bộ các đồng chí của ông ở đài truyền hình.
Vụ hành hình Qasim diễn ra ngay trên đài truyền hình, nên quân Ba’ath đã dùng sóng truyền hình để truyền đi khắp Iraq và cả thế giới Arab về cái chết của Thủ tướng Qasim. Những bức ảnh nổi tiếng ghi lại cảnh thủ tướng Qasim gục chết trên sàn nhà đẫm máu trong khi các đồng chí của ông chết trên ghế trở thành hình ảnh biểu tượng cho bị kịch của đất nước Iraq hiện đại.
Sau cái chết của Thủ tướng là màn truy lùng theo phương pháp “house-to-house search”. Bằng một cách nào đó, quân Ba’ath có trong tay danh sách của tất cả những người Cộng sản cần tìm. Điều này làm người ta nghi ngờ CIA đã chuyển danh sách những nguời Cộng sản Iraq cho quân Ba’ath. Do đó, chỉ riêng tại thủ đo Baghdad, 1.500 đảng viên Cộng sản Iraq bị bắt và sát hại. Còn trên toàn quốc, con số là 5.000.
Cuộc đảo chính chóng vánh cũng như năm 1958. Quân Ba’ath thắng lợi và giành được chính quyền.




4/Kết quả và ý nghĩa cách mạng Ramadan 1963.
Cuộc cách mạng năm 1963 đưa đảng Ba’ath lên nắm quyền và đưa lịch sử Iraq vĩnh viễn rẽ theo hướng khác. Iraq từ năm 1963 gần như gắn với cuộc đời nhà lãnh đạo Saddam Hussein, càng về sau càng trở nên độc tài. Dưới thời đảng Ba’ath cầm quyền, cuộc cách mạng Ramadan năm 1963 luôn được đề cao và kỷ niệm hàng năm với lễ diễu binh lớn. Ngược lại, cuộc cách mạng năm 1958 và các cải cách của Đảng cộng sản Iraq bị gạt bỏ hoặc tuyên truyền đả kích dưới thời Saddam Hussein.
Việc đầu tiên sau khi nắm quyền của Đảng Ba’ath là xóa sổ tận gốc Đảng Cộng sản Iraq. Để thực hiện điều này, năm 1963 Saddam Hussein từ Ai Cập trở về, làm cai ngục tại trại ”Fellaheen và Muthaqafeen” khét tiếng. Tại nhà ngục này từ năm 1963 đến năm 1973, ước tính 1 vạn Đảng viên Cộng sản Iraq đã bị treo cổ. Các cơ sở của Đảng Cộng sản Iraq trên toàn quốc, kể cả vùng của người Kurd, phần lớn bị phá hủy.
Tuy nhiên, bất chấp sự đàn áp tàn khốc, những người Cộng sản Iraq vẫn tìm được nơi bám rễ kiên cường. Đó là thành phố Al-Thawra (nghĩa là ”Thành phố Cách mạng”). Đây là một thành phố mới được xây dựng dưới thời lãnh đạo Cộng sản Qasim, dành cho gần 1 triệu người vô gia cư ở thủ đô Baghdad. Sau khi lật đổ Qasim, chính quyền Saddam Hussein đổi tên thành phố thành Saddam City. Nhưng ngay dưới lòng thành phố mang tên lãnh tụ Saddam Hussein, những người Cộng sản Iraq vẫn tiến hành sống và in tài liệu chống chính quyền. Thành phố Saddam trở thành biểu tượng của sự phản kháng của người Cộng sản dưới chế độ Saddam Hussein.
Người Cộng sản Iraq không phải là những người duy nhất chịu thảm cảnh. Người Kurd sau sự sụp đổ của chế độ Cộng sản rơi vào giai đoạn bị đàn áp mới. Quân đội Saddam Hussein tấn công người Kurd và đến năm 1974, Iraq xóa bỏ quy chế tự trị của vùng Kurdistan. Thảm họa với người Kurd thực sự đến khi nổ ra chiến tranh với Iran năm 1980, khi180.000 người Kurd đã bị tàn sát trong ‘’Cuộc diệt chủng Anfal’’ nổi tiếng.
Nhưng một điều không thể phủ nhận, là đảng Ba’ath đã làm khá tốt công việc đem lại sự thịnh vượng cho Iraq, dù sự thịnh vượng này không chia đều. Ban đầu, Saddam Hussein không làm Tổng thống, mà giao cho Ahmed Hassan al-Bakr. Bản thân Saddam đàm nhận các vị trí Bộ trưởng dẫn đầu các ngành kinh tế. Saddam đã phát triển nền công nghiệp dầu mỏ của Iraq vượt bậc, đem lại sự thịnh vượng lớn cho Iraq. Ông cũng không phải là một người Hồi giáo cực đoan, mà là một người thế tục, nên đã bãi bỏ nhiều quy định khắt khe của Hồi giáo. Dù vậy, sự giàu có và quyền lực xã hội tập trung vào tay người Sunni. Người Shia, người Kurd, hay những người bất đồng nói chung vẫn chịu cảnh đàn áp khốc liệt. Năm 1979, Saddam Husein trở thành tổng thống Iraq, một năm sau ông dẫn đất nước đến chiến tranh với Iran.
Cuối cùng, dù nhìn nhận theo hướng tích cực hay tiêu cực, đều phải công nhận cuộc cách mạng năm 1963 là sự kiện quan trọng nhất lịch sử Iraq hiện đại, đưa một đất nước Cộng sản đi sang con đường của Đảng Ba’ath. Thực tế, nó cũng bị lấn át phần nào bởi cuộc đảo chính ở Nam Việt Nam diễn ra cùng năm, nơi thu hút nhiều sự chú ý hơn.
Với sự sụp đổ của chính quyền Cộng sản Iraq, đồng minh ý thức hệ của Liên Xô không còn. Trung Đông trở thành vùng trắng của Chủ nghĩa Cộng sản trong chiến tranh Lạnh. Dù vậy, Liên Xô vẫn duy trì hỗ trợ cho những người Cộng sản Iraq và cả người Kurd đến những năm sau đó. Ngoài ra, Liên Xô vẫn có đồng minh chiến lược chống lại Israel ở khu vực, là Ai Cập và Syria.
Với thế giới Arab, cuộc cách mạng năm 1963 dù loại bỏ một nhà nước Cộng sản, nhưng sau đó lại để lại một nhà nước khó chịu. Saddam Hussein trở thành một nhà nước độc tài cứng đầu, không theo phe nào, đã làm rắc rối đáng kể tình hình khu vực. Từ đó về sau, Iraq luôn là thành viên gây đau đầu cho khối Arab. Năm 1980, Saddam kéo cả khối Arab vào cuộc đại chiến 8 năm với Iran. Năm 1991, Saddam mang quân xâm lược Kuwait, khiến khối Arab phải can thiệp. Cuối cùng năm 2003, họ đã ủng hộ Mỹ lật đổ Saddam.
Với nước Mỹ, có bằng chứng cho thấy họ có dính líu trong cuộc cách mạng 1963 ở Iraq. Nhưng lịch sử đã chứng minh, nó đã đem lại cho nước Mỹ kẻ thù mới. Cuối cùng chính người Mỹ đã lật đổ Saddam Hussein năm 2003, giờ đây đang sa lầy ở đất nước này. Rốt cuộc, quyết định can thiệp vào cuộc cách mạng 1963 ở Iraq, là một sai lầm của người Mỹ.

(Hết).
Tham khảo:
-Cuốn sách đáng tham khảo nhất về phần này là ”Republic of Fear: The Politics of Modern Iraq” của Giáo sư Kanan Makiya, một trong những cuốn ”best-seller” về chính trị Trung Đông. Cùng với Tareq Ismael, Kanan Makiya là một trong những học giả hiếm hoi nghiên cứu về phong trào Cộng sản ở Iraq.
Ngoài ra còn có thể tham khảo các cuốn:
-The Rise and Fall of the Communist Party of Iraq (Tareq Y. Ismael)
-Red Star Over Iraq: Iraqi Communism Before Saddam (Johan Franzén)
Và xem bộ phim ”Al-ayyam al-tawila” (1980), mô tả âm mưu ám sát thủ tướng Qasim do Saddam Hussein thực hiện lúc trẻ. Bộ phim do đích thân Saddam Hussein hồi tưởng và viết kịch bản.