Quốc vương Said bin Sultan và Đế quốc Oman thời kỳ cực thịnh.
Truyện ngụ ngôn Ngụ ngôn của Aesop (hoặc ngụ ngôn Hungary) có một câu chuyện khá nổi tiếng, đại loại là:

''Hai anh em gấu con đang tranh nhau một cái bánh, gấu em nói:
-Đưa cho em, cái bánh là do em nhìn thấy trước.
Gấu anh nói:
-Không, anh thấy nó trước tiên.

Hai anh em giữ chặt cái bánh không ai thả ra. Lúc ấy, một con cáo đi ngang qua đó, thấy vậy nói: “Để ta giúp các cậu chia hai phần lớn nhỏ bằng nhau nhé !”
Hai anh em Gấu đưa cho cáo, nhưng hắn ta lại cố ý chia bánh làm hai phần lớn nhỏ không đều nhau. 2 chú Gấu thấy thế đòi chia lại. Cáo lại cắn ở miếng bánh to hơn 1 miếng, thì miếng đó lại nhỏ hơn miếng kia. Gấu lại đòi chia lại tiếp. Sau đó Cáo lại tiếp tục cắn miếng nọ rồi lại qua miếng kia, đến lúc hai miếng bánh trong tay bây giờ nhỏ còn chút xíu.

Lúc ấy, Cáo mới đưa cho hai anh em Gấu, nói: “Này các cậu, cầm lấy ăn đi nhé! 2 miếng đã bằng nhau rồi nhau rồi.”

Hai anh em Gấu nhìn mẩu bánh bé xíu còn lại thì rất hối hận, đáng lẽ 2 anh em đã có thể ăn trọn cái bánh, thì giờ lại để con Cáo ăn mất.

Bài học: nếu người trong nhà không giải quyết được chuyện nội bộ mà để người ngoài xen vào tất sẽ nhận lấy hậu quả''.



Câu chuyện tưởng chừng chỉ có trong sách vở này hóa ra lại rất đúng với trường hợp của Đế quốc Oman giữa thế kỷ 19.

Vào thế kỷ 17, đất nước tương ứng với Oman hiện nay chia làm 2 phần. Vùng đất nội lục nằm phía trong dãy núi Al Hajar gọi là Oman, nơi ở của các bộ lạc du mục thiện chiến. Vùng duyên hải phía ngoài dãy Al Hajar gọi là vùng Muscat, có một hải cảng lớn là cảng Muscat, thì bị người Bồ Đào Nha chiếm đóng.

Cuối thế kỷ 17, một triều đại của các chiến binh du mục ở Oman là triều đại Yaruba đã tấn công ra Muscat, đánh đuổi người Bồ Đào Nha và thống nhất được Oman. Nhưng tham vọng của họ không dừng lại. Vào triều vua thứ 4 của triều Yaruba, khoảng năm 1692, quốc vương Saif Al-Arabi (Saif bin Sultan) đã thành lập một hạm đội Hải quân hùng mạnh, chinh phục các vùng đất của người Bồ Đào Nha ở Đông Phi và Ấn Độ. Cuộc chinh phạt thành công, biến Oman thành một đế chế rộng lớn kéo dài từ châu Phi sang châu Á, kiểm soát Ấn Độ Dương với lực lượng hải quân hùng mạnh đến tận thế kỷ 19. Đất nước Oman trở nên thịnh vượng cực độ trong 2 thế kỷ.

Trong số những vùng đất mà người Oman chiếm được, quan trọng nhất phải kể đến đảo Zanzibar ở Tây Ấn Độ Dương, ngoài khơi đất nước Tanzania ngày nay. Từ thời cổ đại, Zanzibar đã là nơi người Arab thiết lập một điểm giao dịch sầm uất ngoài khơi bờ biển Đông Phi. Trong hàng nghìn năm, vàng bạc, hổ phách, ngà voi và nô lệ được người Arab đưa đến đây và xa hơn tới châu Á, biến hòn đảo nhỏ bé Zanzibar thành một hòn đảo giàu có. Khi người Oman chiếm được hòn đảo này, nó đã mang lại cho họ số tài sản khổng lồ. Zanzibar trở thành kho báu quý giá nhất của Đế quốc Oman.
Oman thế kỷ 17 với vùng Oman (cam) và Muscat (đỏ)
Đế quốc Oman thế kỷ 19
Từ năm 1744, Đế quốc Oman chuyển sang triều đại Al-Busaid, cũng là triều đại cuối cùng của Đế quốc Oman. Trong các vị vua trị vì thời kỳ này, vị vua cuối cùng cũng là vị vua vĩ đại nhất. Said bin Sultan, lên ngôi năm 1806 (phân biệt với vua đầu tiên là ''Saif'', vua cuối cùng là ''Said''), đã có công trong việc mở rộng quan hệ của Oman với phương Tây, thiết lập quan hệ với Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, đặc biệt là liên minh với Đế Quốc Anh thiết lập sự thống trị Ấn Độ Dương. Trong cuộc đàm phán với Hoa Kỳ, Said bin Sultan được cho là đã ''gài'' nhiều điều khoản khôn khéo, mang về phần lợi hơn cho Oman.

Thời kỳ của Said bin Sultan được coi là thời kỳ hoàng kim trong lịch sử Oman, khi đất nước phát triển không chỉ về lãnh thổ mà cả về kinh tế.

Trong giai đoạn trị vì của mình, một trong những quyết định quan trọng nhất của Said bin Sultan là việc dời đô. Năm 1840, nhận thấy lợi ích mang lại từ Zanzibar và bờ biển Đông Phi quá lớn, Said bin Sultan đã quyết định dời đô từ Muscat trên bán đảo Arab đến đảo Zanzibar giữa Ấn Độ Dương để trực tiếp cai quản Zanzibar và châu Phi. Quyết định này dù mang lại sự quản lý tốt hơn với các lãnh thổ Đông Phi của Đế quốc Oman, nhưng sau này nó lại chính là nguồn cơn cho sự sụp đổ của Đế chế.

Said bin Sultan - vị vua vĩ đại nhất lịch sử Oman
Vị trí đảo Zanzibar trên bản đồ châu Phi
Chuyện là Said bin Sultan có 36 người con, 26 trai và 10 gái. Thái tử ban đầu được bổ nhiệm là Sayyid Sultan, đáng tiếc là một người nghiện rượu và bất tài. Vì vậy nên khi rời Muscat để dời đô đến Zanzibar, quốc vương Said bin Sultan trao lại quyền cai trị Oman và bán đảo Arab cho con trai thứ 3, Sayyid Thuwaini. Còn bản thân Quốc vương đến Zanzibar trong đó có mang theo con trai thứ 6 là Sayyid Majid, người được cho là được vua cha coi trọng nhất nhờ tài năng của mình.

Mọi chuyện đang yên ổn thì năm 1856, Quốc vương Said bin Sultan đột ngột qua đời, không để lại chỉ định người nối ngôi. Hoàng tử thứ nhất Sayyid Sultan nghiện rượu, hoàng tử thứ 2 Sayyid Khalid thậm chí còn qua đời trước cha (1854). Nếu theo bình thường, hoàng tử thứ 3, tức Sayyid Thuwaini, người đang cai trị thực tế trên bán đảo Arab, sẽ là người nối ngôi. Nhưng triều đình và kinh đô Đế quốc Oman, lại đang ở đảo Zanzibar, nơi mọi người đề nghị hoàng tử thứ 6, Sayyid Majid, nên là người kế vị.

Sự không thống nhất giữa ngôi kế vị giữa 2 hoàng tử đẩy đất nước đến nguy cơ nội chiến. Cả 2 hoàng tử đều không muốn điều này xảy ra, nên họ đã chọn cách nhờ Đế quốc Anh, đồng minh lớn nhất của Oman lúc đó đứng ra phân xử. Không ngờ đó lại là quyết định tai hại nhất của họ.

Đại diện của Đế quốc Anh được chọn đứng ra hòa giải, đã đề nghị giàn xếp rằng nên tách vương quốc ra làm hai.  Sayyid Thuwaini sẽ cai trị bán đảo Arab cùng các vùng đất của Đế quốc Oman ở Ấn Độ và Ba Tư, trong khi em trai Sayyid Majid sẽ cai trị Zanzibar và châu Phi. Vấn đề nhỏ phát sinh là khi Sayyid Thuwaini sợ rằng việc tách Zanzibar khỏi Oman sẽ làm vương quốc của ông không đủ tiền để cai trị, vì thực tế lúc đó nguồn thu chính của Đế quốc Oman đến từ Zanzibar. Người Anh lại đề nghị Sayyid Majid phải trả cho Sayyid Thuwaini  một khoản phí hàng năm, được cho là vào khoảng 40.000 tiền vàng. Sayyid Majid trả tiền đúng 1 năm và thất hứa ngay sau đó. Sayyid Thuwaini bất lực không thể làm gì người em.
Sayyid Thuwaini - con trai thứ 3 vua Said bin Sultan - vua của Vương quốc Oman
Sayyid Majid - con trai thứ 6 vua Said bin Sultan - vua của Vương quốc Zanzibar
Quyết định chia đôi đế quốc Oman là một sai lầm tai hại theo các nhà sử học đánh giá, cho rằng nó xuất phát từ sự ích kỷ cá nhân của hoàng tử Sayyid Majid muốn chiếm lấy đảo Zanzibar cho riêng mình. Dù sao, cả 2 vương quốc mới đều đã cảm nhận được hậu quả to lớn của sự chia cắt không lâu sau đó.

Sau khi mất đi Zanzibar cũng như khoản tiền hỗ trợ hứa hẹn từ Sayyid Majid, vương quốc Oman của Sayyid Thuwaini bị mất đi nguồn lợi khổng lồ từ thương mại, trở về với nền nông nghiệp lạc hậu trên bán đảo Arab. Vương quốc Oman ngày càng bị thiếu hụt về kinh tế, nhà vua Sayyid Thuwaini  phải tăng thuế và  bán một số vùng đất chiếm được cho người Ba Tư và người Anh. Họ cũng phải vay tiền của Pháp và Anh, hậu quả là càng ngày Oman càng bị phụ thuộc vào Vương quốc Anh. Năm 1866, vua Sayyid Thuwaini  bị con trai của mình sát hại, cướp ngôi.

Càng về sau, các quốc vương của Oman càng lệ thuộc vào Anh, dẫn đến Oman gần như trở thành xứ bảo hộ của Anh một cách tự nguyện dù trên thực tế không có hiệp định nào được ký kết. Trường hợp của Oman một trong những trường hợp hiếm hoi trong lịch sử khi một nước châu Âu thiết lập sự bảo hộ không thông qua vũ lực. Tuy nhiên, một số bộ lạc ở vùng nội lục trong dãy Al Hajar, phản đối sự bảo hộ của Anh, nên đã thiết lập quyền tự trị và được vua Oman chấp nhận.

Các vùng đất mà người Oman chiếm được trước kia, bị mất hết chỉ còn lại cảng Gwadar thuộc Pakistan, được bán lại cho Pakistan vào năm 1958. Lãnh thổ của Oman thu hẹp lại bằng diện tích ban đầu vào thế kỷ 17.

Đất nước Oman hiện tại với các tỉnh thành.
Đối với Zanzibar, dù giữ được "mỏ vàng" cho riêng mình, nhưng Sayyid Majid nhanh chóng nhận ra rằng ông đã mất đi lực lượng quân sự bảo vệ, do các đơn vị thiện chiến nhất của Đế quốc Oman đang ở bán đảo Arab.

Vậy nên đúng vào thời điểm các cường quốc thực dân châu Âu mở rộng bành trướng ở châu Phi, Vương quốc Zanzibar đã mất đi các lãnh thổ rộng lớn của mình trên đất liền. Somali mất vào tay người Ý, Kenya được nhượng cho Anh, Tanganyika (đất liền nước Tanzania ngày nay) mất cho Đức, Mozambique bị Bồ Đào Nha giành lại. Sau một cuộc chiến tranh ngắn với Đế quốc Bỉ trên đất Congo, Vương quốc Zanzibar mất hoàn toàn thị trường nô lệ ở Đông Phi, và chế độ nô lệ trên đảo cũng bị người Anh ép bãi bỏ không lâu sau đó.

Phải nhờ sự can thiệp của Anh, Zanzibar mới thoát khỏi nguy cơ bị Đức xâm lược năm 1890, sau khi nước này chiếm được Tanganyika. Nhưng cũng do hiệp ước Anh kí với Đức, Zanzibar trở thành lãnh thổ bảo hộ của Đế quốc Anh. Vậy là đến cuối thế kỷ 19, cả 2 Vương quốc tách ra từ Đế quốc Oman đều bị biến thành xứ bảo hộ.

Vào năm 1896, trong một cuộc chiến đi vào lịch sử với thời gian ngắn kỉ lục, quân đội Anh đã đè bẹp quân đội Zanzibar của Quốc vương Khalid bin Bargash chỉ trong có...45 phút! Quốc vương Khalid bin Bargash bị phế truất, thay bằng một vị vua do người Anh chỉ định. Vì vậy trên thực tế, Zanzibar đã mất hoàn toàn quyền tự chủ của mình vào cuối thế kỷ 19.
Hải quân Anh và cung điện vua Zanzibar bị phá hủy trong cuộc chiến Anh - Zanzibar năm 1896.
Như vậy, từ một Đế quốc hùng mạnh, nhưng do việc không giải quyết được tranh chấp kế vị giữa hai hoàng tử, mà Đế quốc Oman theo cách sắp xếp của người Anh đã bị chia đôi, trở thành 2 vương quốc nhỏ, để rồi cuối cùng đều bị suy yếu và sụp đổ.