[ngày tám] chuyện ăn

Tôi đã từng trải qua nhiều chế độ ăn khác nhau, từ ăn mặn, ăn chay, ăn nửa mặn nửa chay cho tới ăn chay trường, ăn thực dưỡng, ăn gạo lứt muối mè hoặc nhịn ăn. Để biết rằng, việc ăn-cái-gì có lẽ không quan trọng bằng chuyện ăn-như-thế-nào.

Mỗi người sinh ra trong một môi trường khác nhau, thụ hưởng đời sống vật chất, phương pháp giáo dục khác nhau, sẽ tự động hình thành nên chế độ ăn uống và cách chọn thực phẩm khác nhau. Ngược lại, chính chế độ ăn cũng sẽ tác động tới tâm lý, tính cách, công việc và số phận của mỗi người.

Khi còn ăn mặn, tôi cảm thấy trong người có rất nhiều năng lượng. Vậy nên tôi ưa thích các hoạt động thể chất như chơi bóng rổ, đạp xe, tập võ… Đồng thời, tôi cũng có nhiều tham vọng thể hiện chính mình hơn, tuy nhiên cơ thể cũng nặng nề và dễ bực tức hơn. Đến khi chuyển sang ăn chay, tôi cảm nhận rõ rệt sự nhẹ nhàng của cơ thể. Tâm trí và tinh thần cũng dễ chịu, bình ổn hơn. Bù lại, tôi nhanh đói hơn và ít tham gia các hoạt động xã hội hơn.

Tuy nhiên, điểm chung của hai thời kỳ này, là tôi đều không hiểu cơ thể mình muốn gì. Tôi ăn chỉ vì thói quen hoặc ý muốn cá nhân. Nếu ốm đau tôi uống thuốc, nếu sợ thiếu chất tôi bổ sung vitamin, mệt mỏi tôi truyền đạm. Nhưng cái gì đang thực sự diễn ra trong người, thì tôi không cách nào hay biết.

Chuyện đó chỉ dần rõ ràng hơn từ ngày tôi tìm hiểu và thực hành Thực Dưỡng. Có thể bây giờ danh từ này đã quen thuộc với mọi người hơn nhiều, nhưng trước đây thì chúng khá lạ lẫm. Thực Dưỡng, hay Macrobiotics, là một phương pháp dưỡng sinh thông qua ăn uống, được phát triển bởi ông Sakurazawa Nyoichi (George Ohsawa). Điều thu hút tôi nhất khi biết đến Thực Dưỡng, đó là phương pháp này cho phép tôi có khả năng hiểu nhiều hơn về con người mình. Khởi nguồn từ quy luật âm – dương của vạn vật, Thực Dưỡng chỉ ra mối tương quan giữa các sản vật thiên nhiên, cách thức ăn tác động tới cơ thể người, từ đó đề xuất phương thức lựa chọn và chế biến thực phẩm, cách ăn…v…v...


Bây giờ hãy quay lại điều tôi đã nói ở trên. Mỗi chúng ta là một cá thể hoàn toàn khác biệt. Do đó, không thể có chuẩn mực giống nhau trong việc ăn uống được. Vậy nên, người duy nhất biết bạn nên ăn gì, là chính bạn mà thôi.

Đó là lý do khi mọi người tìm đến tôi để hỏi xem họ nên ăn gì, tôi thường trả lời rằng tôi không biết. Cùng lắm tôi chỉ có thể khuyên họ, hãy ăn đơn giản đi. Vì sao vậy? Vì mọi người thường chỉ quan tâm đến việc ăn uống khi họ bị bệnh. Lúc đó, việc đầu tiên cần biết là mình bị bệnh gì và vì sao. Mà muốn hiểu được, cách tốt nhất (mà tôi biết) là ăn đơn giản đi. Không phải tự nhiên ông Ohsawa đề xuất ra phương pháp số 7, nghĩa là ăn gạo lứt muối mè. Khoan nói chuyện món ăn đó quân bình hay không, chỉ riêng chuyện ăn ít và đơn giản lại, đã giúp cơ thể rất nhiều trong việc tìm ra và tự giải quyết vấn đề chúng đang mắc phải.

Đây cũng là cách mà Thực Dưỡng chữa bệnh cho nhiều người. Trên thực tế, phương pháp này không “chữa” bệnh nào cả. Nguyên tắc của chúng chỉ là, khi bạn ngưng đầu độc cơ thể và tạo ra các điều kiện thuận lợi, cơ thể sẽ tự biết chữa bệnh cho mình.

Nhưng tôi tìm đến Thực Dưỡng vào năm 22 tuổi, khi còn rất trẻ và không mắc chứng bệnh nan y nào cả. Vậy tôi ăn Thực Dưỡng để làm gì? Như đã nói, tôi muốn hiểu cơ thể của mình hơn. Cụ thể là, tôi có thể biết rằng thứ gì gây hại cho cơ thể mình và thứ gì không. Chi tiết hơn, chúng gây hại như thế nào. Ví dụ ăn mì chính thì đau họng, nhức đầu, ăn nhiều dầu thì nổi mẩn, ăn đồ có chất bảo quản thì rộp lưỡi… Kiểu như vậy. Ngày trước tôi vẫn nghĩ rằng các biểu hiện ấy là do người quá yếu. Sau này mới hay đó là cơ chế phòng vệ hết sức tự nhiên của cơ thể, mà chúng ta thường vô tình hay cố ý “đóng” chúng lại, vì không biết hoặc thấy quá phiền.

Một ông anh của tôi đã tự “luyện” bằng cách ăn hàng rất nhiều cho đến khi cơ thể không còn phản ứng với mì chính nữa. Một người bạn của tôi có bầu đã ăn rất nhiều thịt cá, vì nghĩ như thế tốt cho con, bất chấp tất cả các phản ứng nôn oẹ thải độc của cơ thể. Một người bác dù bị bệnh rất nặng nhưng không thể bỏ đường và trái cây, vì thèm.

Tôi luôn nói rằng, mọi người có toàn quyền quyết định với cuộc sống của mình. Bạn có thể chọn ăn cái này hoặc cái kia. Nhưng nếu bạn hiểu chúng, rồi vẫn chọn, thì cho dù chọn sai, bạn cũng sẽ không hối hận. Nó rất khác với việc bạn không hiểu gì và chỉ chọn bừa, vì người ta bảo thế là đúng.

Với riêng chuyện ăn, tôi nghĩ rằng có 5 bước mà chúng ta nên biết và sử dụng:

(1) Hiểu về thực phẩm và cách chúng tác động đến cơ thể
(2) Chọn lựa thực phẩm phù hợp với mình
(3) Nấu nướng đúng cách
(4) Nhai kỹ khi ăn
(5) Theo dõi phản hồi của cơ thể

Bước đầu tiên sẽ tốn của bạn nhiều công sức nhất, vì chúng là đầu tiên. Bạn có thể bắt đầu bằng cách đọc sách, tìm kiếm trên mạng, hỏi người mà bạn tin tưởng… Sau đó, tự mình thực hành bằng bước hai và ba: chọn lựa thực phẩm phù hợp và nấu nướng đúng cách. Để biết cái gì là thích hợp với mình, có thể dựa vào nhiều yếu tố như tình trạng sức khoẻ, thời tiết, môi trường xung quanh….Việc này ông bà mình đã làm từ ngàn xưa rồi. Như là trời nắng nóng thì ăn rau muống, rau dền. Các món thịt, cá kho thì luôn đi kèm các loại gia vị như hành, gừng, tiêu. Về cách nấu cũng vậy, không phải tự dưng mà thịt, cá lại tốn nhiều thời gian nấu nướng hơn rau, củ. Hay vì sao cơm được nấu trong nồi đất, đun nhỏ lửa lại thấy ngon hơn cơm nấu bằng nồi cơm điện. Đó là những thứ có thể thấy được bằng cảm nhận trực quan của mỗi người.

Khi việc nấu đã xong, việc ăn đã tới, thì điều quan trọng nhất mà tôi thấy, là nhai kỹ. Kỹ tới mức nào? Kỹ tới mức thức ăn được đưa đi khắp cả khoang miệng, khi nước bọt được tiết ra thấm đều toàn bộ thức ăn, khi miếng cơm bạn nhai được nghiền nhuyễn ra thành nước. Thì mới nuốt. Đây có lẽ là kỹ năng làm phiền lòng người ăn nhất, vì mọi người không quen như vậy. Nhưng chỉ cần chịu khó nhai kỹ mỗi bữa như thế trong một tuần, bạn sẽ cảm nhận ngay đường tiêu hóa của mình tốt lên nhường nào.

Cuối cùng, và ít được quan tâm nhất, là sự phản hồi của cơ thể. Việc đó có thể thấy được dễ nhất qua phân và nước tiểu. Qua các phản ứng của lưỡi, làn da, tay chân, bụng dạ. Rồi tuyến mồ hôi, trung tiện… Đó là lý do vì sao những người mới ăn Thực Dưỡng luôn được khuyên rằng hãy viết lại nhật ký ăn uống. Bằng cách theo dõi, và liên tục ghi nhận các phản hồi, bạn mới dần hiểu được cơ thể này và biết rằng nên cho chúng ăn cái gì, ăn như thế nào, lượng bao nhiêu.

Qua gần 4 năm tìm hiểu Thực Dưỡng, điều tôi tự hào nhất có lẽ là lâu lắm rồi không cần phải uống một viên thuốc nào, và độ nhạy cảm tăng lên đáng kể. Giờ đây, tôi tự tin có thể nhận biết thực phẩm sạch – bẩn, biết nên ăn cái gì, vào lúc nào. Tất nhiên, không phải khi nào tôi cũng ăn đúng chuẩn, ngược lại, khá nhiều lúc tôi ăn linh tinh. Nhưng mỗi lần như vậy, tôi có thể biết trước cơ thể mình sẽ có phản ứng ra sao, và cần phải làm gì sau đấy. Tôi nghĩ, đó mới chính là cái “tự do vô biên” mà ông Ohsawa đã luôn muốn gửi gắm. Nó không phải việc bạn “muốn ăn gì thì ăn”, mà là chuyện luôn biết rằng “ăn cái gì thì sẽ như thế nào”.

Lúc đó, bạn sẽ lựa chọn thực phẩm dựa vào chính bạn, chứ không phải lời đảm bảo của một nhãn hàng nào đó. Lúc đó, bạn sẽ chọn ăn chay hay ăn mặn, ăn một quả trứng hay một quả táo, dựa vào chính bạn, chứ không phải vì người ta bảo thế là tốt. Lúc đó, khi bạn ốm sốt, cảm mạo, đau bụng, ho khan…bạn cũng sẽ biết được vì sao, chứ không “bán mạng” cho những viên thuốc đủ màu với hy vọng mong manh chúng có thể giúp mình khỏi bệnh.

Lúc đó, tự do là của bạn. Lúc đó, muốn ăn gì là quyền của bạn. Lúc đó, bạn sẽ tự viết nên “chuyện ăn” của riêng mình.

Nhược Lạc kể chuyện | Phạm Đ. Dũng chụp hình.