Về Inter Milan của Conte. Về Việt Nam của Troussier.
Thông tin được dịch từ bài viết: A Tactical Analysis Of Inter Under Antonio Conte – Part 2: Build-Up Play của Thanos Chelas, cùng với đó là nhận định của mình về 2 trận đấu vừa qua của Việt Nam.
Việt Nam quá phụ thuộc vào các tiền vệ. Minh Trọng và Xuân Mạnh đã có những dấu ấn riêng trong tấn công, nhưng tiền đạo trong cả 2 trận gần như mất hút. Kể cả trong trận với Indonesia, một tiền vệ “tĩnh” như Tuấn Anh, đã có một tình huống xâm nhập nguy hiểm. Tiền vệ của tuyển Việt Nam phải làm quá nhiều việc...
Thông tin được dịch từ bài viết: A Tactical Analysis Of Inter Under Antonio Conte – Part 2: Build-Up Play của Thanos Chelas, cùng với đó là nhận định của mình về 2 trận đấu vừa qua của Việt Nam.
TRIỂN KHAI BÓNG
Cách Inter Milan triển khai bóng dựa vào những nguyên tắc và lối di chuyển nhất quán, không phụ thuộc vào đối thủ của mình. Những quy tắc đó là:
Bộ 3 trung vệ cùng sự hỗ trợ của 3 tiền vệ sẽ bình tĩnh chuyền bóng, đôi khi là thêm cả các hậu vệ biên và thủ môn, cho tới khi tìm thấy cơ hội chuyền có thể phá vỡ được các tuyến của đối thủ.
Chuyển hướng tấn công giữa 2 hậu vệ biên nhờ vào tiền vệ nếu cần. (Không thực sự cần thiết thêm thông tin này)
Lối di chuyển đặc trưng của các tiền đạo dưới sự dẫn dắt của Conte. Một người sẽ chạy về hướng bóng, trong khi người còn lại sẽ di chuyển vào khoảng trống khi người kia kéo theo đối thủ.
1 hậu vệ biên tiến về phía bóng, hoặc lùi về, sau đó thả một đường bóng chéo bằng chân không thuận về phía tiền đạo đang có sự di chuyển ngược lại.
Vì thường có 3 tiền vệ, nên tiền vệ ở xa bóng nhất (tự do hơn) sẽ tấn công vòng cấm (yếu tố quan trọng để đảm bảo đủ quân số trong vòng cấm), thường sẽ là giữa 2 tiền đạo.
Tiền vệ trung tâm gần bóng nhất sẽ lùi xuống, gần đường biên và cạnh 3 trung vệ (tạo điều kiện cho hậu vệ biên đẩy cao), cũng như có một hàng ngang 4 người ở tuyến đầu trong triển khai bóng. Điều này giúp trung vệ ở phía đối diện cũng linh hoạt hơn trong di chuyển ngang và dọc sân.
Thêm vào đó, việc có 4 người + 1 thủ môn là một quân số rất lớn để đối đầu với các phương án gây áp lực của đối phương. Nếu cả những tiền vệ của đối thủ cũng tham gia gây áp lực, việc có trong tay bộ đôi Lukaku và Martinez với lối di chuyển đã đề cập (3), sẽ là quá đơn giản cho họ để có một tình huống tấn công nguy hiểm.
CHỐNG LẠI SỨC ÉP LỚN
Với đội hình 3 trung vệ, trong đó có hai trung vệ xuất sắc nhất Serie A khi có bóng trong chân là Stefan de Vrij và Milan Skriniar là một lợi thế quá lớn. (Nhìn lại tuyển Việt Nam lần này, còn nhớ những Hải Quế, Thành Chung, Đình Trọng,... so với những cầu thủ trong lứa U23 thì đúng là một mất mát lớn với ý đồ chơi tương tự, dù chúng ta đã có Filip Nguyễn).
Cùng với họ, Conte có trong tay 3 tiền vệ đầy kỹ thuật, không ngại trước áp lực lớn đó là Brozovic, Barella và Sensi, hay nói cách khác, Inter có nhân sự hoàn hảo để chống lại hành động pressing của đối thủ.
Nếu đối thủ muốn tiếp tục gây sức ép lớn, họ sẽ gần như bị kéo tới tận vòng cấm của Inter, với không chỉ tất cả tiền đạo mà còn cả tiền vệ, hậu vệ biên của họ, để cố gắng bắt kịp quân số của Inter. Hệ quả để lại là những khoảng trống sẽ mở ra, để Lukaku hoặc Martinez chiếm lĩnh, nhận bóng, rồi trả ngược cho những tiền vệ khác đang dâng lên (Nhiều tình huống tương tự của Việt Nam, nhưng lần này, những tiền đạo mà Việt Nam có đó là Văn Tùng, là Văn Trường. Nên kể cả khi có trong tay những tiền vệ hoàn hảo trong việc chống lại áp lực như Thái Sơn, Tuấn Anh, Hùng Dũng thì một điểm nhận bóng tốt là chưa có. Do vậy, ở trận đấu với Nhật, những tình huống nhận bóng sệt khi Đình Bắc lùi xuống, rồi cầu thủ này tự xoay xở vượt qua người mình theo kèm diễn ra thường xuyên và hiệu quả hơn).
KÈM NGƯỜI 1-1
Với đối thủ chọn pressing 1-1, Conte yêu cầu hậu vệ biên ở bên có bóng lùi lại, đặc biệt là phải kéo theo 1 hậu vệ biên khác của đối phương. Cách này tạo điều kiện cho 2 tiền đạo rơi vào thế 2 đấu 2. Nếu đối phương còn tới 3 người, một tiền vệ cùng hướng lên bóng sẽ được thêm vào, giả vờ giật về tham gia nhận bóng, rồi lập tức đâm lên, khi một hậu vệ nhận ra và theo kèm, anh này sẽ lại giật về phía bóng. Đây là cách để tạo nên thế 2 đấu 2 đã nêu (Vẫn phải nói lại, chất lượng tiền đạo là điều luôn cần phải lưu ý, đây là thứ Việt Nam thiếu ở đợt tập trung này. Với Tuấn Hải ở trận gặp Nhật Bản và Văn Tùng ở trận gặp Indonesia, là quá khó cho họ khi phải đối đầu với những trung vệ vừa chất lượng, vừa có thể hình. Thường xuyên thấy Việt Nam bình tĩnh cầm bóng, nhưng tiền đạo của ta lại không được “chơi” bóng).
ĐỐI THỦ PHÒNG NGỰ THẤP HƠN
Conte yêu cầu hai tiền vệ lệch sẽ di chuyển ra biên, khi bóng ở trung tâm, còn các hậu vệ cánh sẽ được đẩy cao, vừa kéo dãn, vừa ghim hàng phòng ngự của đối thủ.
(Điều này đặc biệt quan trọng, khi mà đối thủ sử dụng tới 5 hậu vệ, thì 2 tiền đạo không bao giờ là đủ. Các hậu vệ biên sẽ được đẩy cao. May mắn khi lần này, các hậu vệ biên của tuyển Việt Nam chơi không hề tồi. Nhưng các đường chuyền ngang, chéo sân từ các tiền vệ của Việt Nam nhằm chuyển hướng tấn công lại không được sử dụng thường xuyên, như một thói quen, họ chọn chuyền về cho các trung vệ nhằm duy trì thời lượng kiểm soát… Các đường chuyền dọc sân thì đã bị đối phương phòng ngự chặt, thêm vào đó là Việt Nam có xu hướng thêm người tham gia triển khai bóng, co cụm hơn vào một khu vực, nên nếu không có những đường chuyển hướng thì thực sự quá thiếu sót.
ĐƯA BÓNG TỚI FINAL THIRD (CUỐI SÂN)
Lần này không cần nói về Inter Milan của Conte nữa, khi mà họ có quá nhiều phương án để tấn công rồi, từ việc hậu vệ biên nhận bóng ở vị trí cao, tới việc tiền đạo lùi lại chơi bóng.
Việt Nam quá phụ thuộc vào các tiền vệ. Minh Trọng và Xuân Mạnh đã có những dấu ấn riêng trong tấn công, nhưng tiền đạo trong cả 2 trận gần như mất hút. Kể cả trong trận với Indonesia, một tiền vệ “tĩnh” như Tuấn Anh, đã có một tình huống xâm nhập nguy hiểm. Tiền vệ của tuyển Việt Nam phải làm quá nhiều việc.
Với Conte, thành công của ông tại Inter được làm nổi bật lên bởi những trung vệ xuất sắc, kèm bộ đôi tiền đạo đầy nguy hiểm thì với Việt Nam, điểm sáng lần này của ta có lẽ là thủ môn Filip Nguyễn và hàng tiền vệ, cùng một vài nhân tố trẻ như Đình Bắc, Minh Trọng. Tiếc cho Thành Long, có lẽ anh cần cọ xát thêm với những đối thủ có sức vóc lớn, ý tưởng chơi bóng của tiền vệ này là hoàn toàn tốt, nhưng anh cần rèn luyện thêm để có thể có một suất chính trong đội hình. Thái Sơn và Tuấn Anh đều đã làm tốt, nhưng thật sự rất phí khi không được thấy Hùng Dũng, Văn Thanh, Tấn Tài trên sân nhiều hơn, có lẽ, khi có họ thì Việt Nam sẽ có thêm những nguồn năng lượng mới.

Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất