Tại sao tôi KHÔNG phải một người Marxist?
Một bài tiểu luận nhằm phản biện Karl Marx và chia sẻ quan điểm cá nhân về Chủ nghĩa Cộng sản (Communism).
Lời đầu tiên
Kính chào quý độc giả,
Tiêu đề của bài viết này được lấy cảm hứng từ bài tiểu luận “Why I am not a Christian” (tạm dịch: Tại sao tôi không phải một tín đồ Ki-tô giáo) của nhà Triết học, nhà Toán học, nhà Logic học, nhà văn tiểu luận vĩ đại người Anh Bertrand Russell. Bertrand Russell, cùng với Ludwig Wittgenstein và Karl Popper, được xem là những nhà Triết học lớn của thế kỷ XX. Cá nhân tôi, sau khi nghiên cứu và đọc nhiều tác phẩm của Russell, đánh giá ông là nhà Triết học vĩ đại nhất thế kỷ trước, mặc dù danh hiệu này thường được đại chúng vinh danh cho Wittgenstein. Tiêu đề nhấn mạnh chữ “không” bằng cách viết hoa, và dấu chấm hỏi được đặt ở cuối đóng vai trò là một câu hỏi tu từ. Điều này cho thấy quan điểm của tôi xuyên suốt bài viết, đồng thời cũng là nhãn tự dẫn dắt quý độc giả qua từng luận điểm cá nhân được trình bày trong bài.
Duyên cớ khiến tôi có cảm hứng viết nên bài này là các sê-ri (series) bài viết của trang cá nhân Phong trào Xã hội Việt Nam ngay trên Spiderum. Trang này hiện đang hoạt động mạnh trên nền tảng, đóng vai trò mà tôi suy đoán là tuyên truyền về Chủ nghĩa Cộng sản (Communism), lý tưởng về xã hội xã hội chủ nghĩa không tưởng (Utopian Socialism) và Chủ nghĩa Marx - Lenin (Marxism - Leninism). Thực ra, tôi vốn phản đối hành vi tuyên truyền và nhồi sọ dù là bất cứ tư tưởng chính trị nào, bởi vì hành vi này đã và đang tạo ra một xã hội tư duy tập thể và tư duy nhị nguyên, và việc xung khắc hệ tư tưởng đã trực tiếp và gián tiếp nổ ra hàng loạt các cuộc xung đột, các cuộc chiến tranh ủy nhiệm trên toàn cầu trong Chiến tranh Lạnh, khiến hàng triệu người thiệt mạng, như lịch sử nhân loại đã chứng minh.
Ở Việt Nam, việc phê phán và phản biện Chủ nghĩa Cộng sản, Chủ nghĩa Marx - Lenin và lý tưởng xã hội chủ nghĩa thường xuyên bị chụp mũ là “phản động”, “ba que”, “tự diễn biến hòa bình”, “kích động”,... Đối với giới học thuật, và với tinh thần cầu tiến tri thức của tôi, việc phản biện bất cứ học thuyết nào là chuyện hết sức bình thường, vì không một ai có thể có cùng một quan điểm với nhau, và việc phản biện vốn tự thân nó cũng là xây dựng tri thức và các học thuyết ngày một tiến bộ hơn. Những người Marxist, hoặc nên gọi đúng hơn là cuồng Cộng, dường như không thể hiểu được chân lý này. Tôi tin rằng sẽ có những người bình luận phía dưới công kích cá nhân tôi với những cái mũ đã được nêu ra ở trên, trong khi không thể phản biện, dù là dẫn nổi một vài câu trích nhỏ nhất của chính Marx, Engels hay Lenin.
Sẵn đây, tôi sẽ nói qua một chút về tư tưởng chính trị và quan điểm của cá nhân tôi. Nếu quý độc giả đã theo dõi tôi suốt thời gian qua, hẳn quý vị cũng nhận thấy tôi là một người hiện thực chủ nghĩa. Chủ nghĩa hiện thực (Realism) đóng vai trò rất quan trọng trong thế giới quan và nhân sinh quan của tôi, và cũng là phương pháp luận tôi dùng trong nhiều bài luận, bài viết trên Spiderum. Bên cạnh đó, tự bản thân tôi cho rằng tôi là một người hữu khuynh, nếu nói thuần Việt thì tôi thuộc phe cánh hữu. Quan điểm chính trị của tôi, có lẽ quý độc giả sẽ rất ngạc nhiên, lại là bồ câu (dovish) chứ không phải diều hâu (hawkish). Có một định kiến sai lầm rằng những người hiện thực chủ nghĩa, và hữu khuynh, thường rất hiếu chiến. Bản thân Giáo sư John J. Mearsheimer, nhà lý luận hiện thực chủ nghĩa lớn của thế giới và cũng là người ảnh hưởng mạnh đến tư tưởng của tôi, cũng là một bồ câu, và điều này được thể hiện rất rõ trong các tác phẩm của ông, tiêu biểu là trong “The Tragedy of Great Power Politics” (tạm dịch: Bi kịch của chính trị cường quốc).
Bản thân tôi chẳng cuồng Cộng và cũng chẳng cuồng Chống Cộng. Với cá nhân tôi mà nói, hai thể loại này đều rác rưởi như Tifosi. Tôi viết bài này nhằm chia sẻ quan điểm cá nhân của tôi, không nhằm mục đích tuyên truyền hay giáo huấn bất cứ ai, và tôi cũng chẳng cần bất cứ ai vào “khai sáng” tôi. Cụ thể hơn thì quý độc giả có thể xem qua Phần III, chặn họng.
Đó là một số chia sẻ ngắn của tôi, giờ hãy cùng bắt đầu vào nội dung bài viết.
Phần I: Vài phản biện ngắn đối với Karl Marx
Karl Marx chịu ảnh hưởng sâu sắc từ nhà Triết học vĩ đại người Đức Georg Wilhelm Friedrich Hegel trong việc phát triển tiến trình quyết định luận kinh tế của ông. Khái niệm về phép biện chứng lần đầu tiên xuất hiện từ các cuộc đối thoại của các nhà Triết học Hy Lạp cổ đại, nhưng nó đã được hồi sinh và đạt đến đỉnh cao bởi Georg Wilhelm Friedrich Hegel vào đầu thế kỷ XIX như một khung khái niệm để mô tả các lực lượng thường đối lập nhau của quá trình tiến hóa lịch sử. Chính đề cơ bản của Hegel là “Mâu thuẫn (về bản chất) là gốc rễ của mọi sự vận động và sự sống.” Hegel đã mô tả mâu thuẫn này theo phép biện chứng, các lực lượng chống đối nhau cuối cùng sẽ tạo ra một lực lượng mới. Một “chính đề” (Thesis) được hình thành sẽ tạo ra một “phản đề” (Anti-thesis) phát triển theo hướng ngược lại, đến lượt nó rốt cuộc sẽ tạo ra một “hợp đề” (Synthesis) mới. Hợp đề này sau đó trở thành một “chính đề” và quá trình lại lặp lại theo sự tiến bộ của văn minh.
Cái gì tồn tại thì hợp lý, cái gì hợp lý thì tồn tại.
Giải thích sơ lược về phép biện chứng, thì phép biện chứng là một phương pháp luận Triết học. Nói một cách cụ thể hơn, tư duy con người phát triển theo một cách thức được đặc trưng bởi ba đoạn biện chứng:
(1) Chính đề (Thesis): Đầu tiên có một ý tưởng, hoặc một lý thuyết, hoặc một xu hướng vận động nào đó. Đây được gọi là một chính đề. Một chính đề như thế thường sẽ tạo ra cái đối lập, do giống như hầu hết các sự vật tồn tại, nó có thể sẽ có giá trị hạn chế và sẽ có các điểm yếu.
(2) Phản đề (Anti-thesis): Là ý tưởng hoặc xu hướng vận động đối lập, bởi vì nó nhằm phản đối lại cái trước tiên, tức chính đề. Cuộc đấu tranh giữa chính đề và phản đề diễn ra cho tới khi đạt được một giải pháp nào đó mà, theo một nghĩa nhất định, vượt lên trên cả chính đề và phản đề do nó phát hiện ra được các giá trị riêng của chúng và do nó cố gắng bảo tồn các tinh hoa và tránh các hạn chế của cả hai.
(3) Hợp đề (Synthesis): Là giải pháp đạt được. Đến khi đạt được, hợp đề đến lượt nó có thể lại trở thành bước thứ nhất trong một của ba đoạn biện chứng mới khác, và quá trình sẽ lại tiếp diễn như thế nếu hợp đề cụ thể vừa đạt được lại trở nên thiếu thuyết phục, hoặc trở nên không thỏa mãn. Trong trường hợp này, mặt đối lập sẽ lại nổi lên, và điều này có nghĩa là cái hợp đề vừa đạt được có thể được mô tả như là một chính đề mới, cái chính đề tạo ra một phản đề mới. Do đó, ba đoạn biện chứng sẽ lại diễn ra ở một trình độ cao hơn, và nó có thể đạt tới cấp độ cao hơn khi một hợp đề khác xuất hiện.
Có thể diễn tả phương pháp luận biện chứng của Georg Wilhelm Friedrich Hegel qua biểu đồ sau:
Karl Marx đã áp dụng phép biện chứng của Hegel vào quan điểm quyết định luận về lịch sử của ông. Theo Marx, tiến trình lịch sử có thể được mô tả bằng cách sử dụng khái niệm của Hegel: Từ chế độ chiếm hữu nô lệ tới Chủ nghĩa Tư bản (Capitalism) rồi đến Chủ nghĩa Cộng sản (Communism). Theo lý thuyết của Marx, nô lệ được xem như phương tiện sản xuất chính hay một chính đề trong suốt thời kì Hy - La. Chế độ phong kiến (Feudalism) đã trở thành phản đề chính của nó trong thời Trung cổ. Hợp đề đã trở thành Chủ nghĩa Tư bản, thứ trở thành chính đề mới sau thời đại Khai sáng. Tuy nhiên, Chủ nghĩa Tư bản đã phải đối mặt với phản đề của chính nó – mối đe dọa tăng lên từ Chủ nghĩa Xã hội. Sau cùng, cuộc đấu tranh này sẽ dẫn tới hệ thống sản xuất tối hậu, Chủ nghĩa Cộng sản. Với cách lập luận này, Marx luôn là một người lạc quan. Ông tin chắc rằng mọi quá trình lịch sử đều hướng tới các hình thái xã hội cao hơn, đỉnh cao là Chủ nghĩa Cộng sản. Và từ đó, Karl Marx đưa ra một giải pháp: Bạo lực cách mạng. [1]
Karl Marx là người đề xuất dùng bạo lực mạnh mẽ để lật đổ chính quyền và thiết lập Chủ nghĩa Xã hội cách mạng. Marx đã thôi thúc cách mạng diễn ra trong “Tuyên ngôn của Đảng cộng sản” (The Communist Manifesto) năm 1848, Quốc tế thứ nhất năm 1860, và tại Công xã Paris năm 1871. Tuy Karl Marx đã không tiết lộ kế hoạch cụ thể, nhưng “Tuyên ngôn của Đảng cộng sản” mang một cương lĩnh gồm mười điều (Marx and Engels 1964 [1848], 40):
1. Xóa bỏ sở hữu (tư nhân) đối với đất đai và đưa toàn bộ đất đai phục vụ cho mục đích công. 2. Thuế thu nhập theo mức hoặc lũy tiến bậc cao. 3. Xóa bỏ mọi quyền thừa kế. 4. Tịch thu tài sản của toàn bộ người di dân và phiến loạn. 5. Tập trung tín dụng trong tay nhà nước bằng một ngân hàng quốc gia với vốn nhà nước và độc quyền duy nhất. 6. Tập trung các phương thức truyền thông và vận tải trong tay nhà nước. 7. Mở rộng các nhà máy và công cụ sản xuất thuộc sở hữu nhà nước; khai hoang đất trống và cải tạo đất nói chung phù hợp với kế hoạch chung. 8. Nghĩa vụ lao động ngang nhau đối với tất cả mọi người. Thành lập các đội quân ngành, đặc biệt là trong nông nghiệp. 9. Kết hợp nông nghiệp với các ngành sản xuất; từng bước xóa bỏ sự phân hóa giữa thành thị và nông thôn bằng sự phân bổ dân số đồng đều hơn trên cả nước. 10. Giáo dục miễn phí cho toàn bộ trẻ em tại các trường công. Xóa bỏ việc sử dụng lao động trẻ em trong các nhà máy hiện nay. Kết hợp giáo dục với sản xuất công nghiệp,…
Quả thật, tôi phải thừa nhận rằng những điều không tưởng ở trên khó có thể đạt được nếu không phải sử dụng đến bạo lực. Marx tán thành “nền chuyên chính vô sản” độc tài, ủng hộ việc xóa bỏ hoàn toàn sở hữu tư nhân, dựa trên học thuyết của ông cho rằng sở hữu tư nhân là căn nguyên của xung đột, đấu tranh giai cấp và là một hình thái nô lệ (1964 [1848], 27). Karl Marx và Friedrich Engels tán thành việc triệt tiêu tiền tệ, và theo họ, “sản xuất và tiêu dùng sẽ tiếp diễn và thậm chí là phát triển thịnh vượng thông qua kế hoạch tập trung mà không cần trao đổi hay tiền tệ”.
Tuy nhiên, cả hai người đều đã sai.
Leszek Kolakowski, cựu lãnh đạo của Đảng Cộng sản Ba Lan đã tuyên bố:
Tất cả những lời tiên tri quan trọng của Marx hóa ra đều sai lầm.
Dưới chế độ Tư bản chủ nghĩa, tỷ lệ lợi nhuận không hề giảm, ngay cả khi ngày càng nhiều vốn được tích lũy qua hàng thế kỷ. Giai cấp lao động cũng không hề rơi vào cảnh ngày càng bần cùng, và mức lương về căn bản đã tăng hơn mức đủ sống. Mức sống trung bình của công nhân tăng dần tại các nước công nghiệp. Tầng lớp trung lưu không hề biến mất mà còn tăng lên. Paul Samuelson, nhà Kinh tế học đầu tiên của nước Mỹ đoạt giải Nobel Kinh tế năm 1970, kết luận: “Sự bần cùng hóa của giai cấp lao động… chỉ đơn giản là chẳng bao giờ diễn ra. Là một nhà tiên tri, Marx đã vô cùng không may mắn và hệ thống của ông cũng chẳng đem lại kết quả gì” (1967, 622). Hơn thế nữa, có rất ít bằng chứng về sự tập trung công nghiệp tăng lên trong các xã hội tư bản tiên tiến, đặc biệt là khi có sự cạnh tranh toàn cầu. Các xã hội xã hội chủ nghĩa không tưởng không hề nảy nở, và cũng không có cuộc cách mạng vô sản tất yếu nào xảy ra. Bất chấp các chu kỳ kinh doanh và thậm chí đôi khi xảy ra các cuộc suy thoái lớn, Chủ nghĩa Tư bản dường như vẫn phát triển rực rỡ hơn bao giờ hết.
Karl Marx cũng đã phải đối mặt với một vấn đề lưỡng nan được xem là vấn đề chuyển đổi, vấn đề về tỷ suất lợi nhuận và giá trị. Một xung đột nổi lên dưới hệ thống của Marx do có một số ngành cần nhiều nhân công và các ngành khác lại cần nhiều vốn (trong ngôn ngữ Marxist, chúng có kết cấu hữu cơ về tư bản cao hơn). Trong tập Một của tác phẩm “Tư bản” (Das Kapital), Marx đã khẳng định rằng “giá biến động hoàn toàn theo thời gian lao động”, do đó kết luận rằng các ngành cần nhiều vốn sẽ ít có khả năng sinh lời hơn là các ngành cần nhiều lao động. Tuy nhiên, khả năng sinh lời tương đương nhau ở tất cả các ngành trong dài hạn, do vốn và các khoản đầu tư có thể di chuyển từ các ngành có khả năng sinh lời thấp tới các ngành có khả năng sinh lời cao hơn. Marx không bao giờ có thể giải quyết được vấn đề hóc búa này, điều mà Rothbard gọi là “lỗ hổng rõ ràng nhất trong mô hình của Marx” (Rothbard 1995, 413).
Theo các nhà phê bình, điều này cũng tạo ra một vấn đề khác cho Chủ nghĩa Marx. Nếu kiến trúc thượng tầng cũng ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng thì không cần đến những khẳng định thường xuyên của Marx rằng lịch sử xã hội là lịch sử của xung đột giai cấp kinh tế. Điều này sau đó trở thành một cuộc tranh luận cổ điển như câu hỏi con gà hay quả trứng về việc cơ sở hạ tầng hay kiến trúc thượng tầng có trước. Peter Singer đề xuất rằng cách để giải quyết vấn đề này là hiểu rằng Marx đã coi cơ sở kinh tế là có thật. Marx tin rằng đặc điểm xác định của loài người là tư liệu sản xuất của nó, và do đó, cách duy nhất để con người tự giải phóng mình khỏi sự áp bức là nắm quyền kiểm soát tư liệu sản xuất. Theo Marx, đây là mục tiêu của lịch sử và các yếu tố của kiến trúc thượng tầng đóng vai trò là công cụ của lịch sử. [2]
Có thể thấy Karl Marx đã vật lộn với vấn đề chuyển đổi này trong suốt cuộc đời của ông. Trong lời giới thiệu về tập Hai của “Tư bản”, Friedrich Engels đã trao giải thưởng cho một cuộc thi viết luận về cách giải quyết vấn đề lưỡng nan của Karl Marx. Trong chín năm sau đó, một số lượng lớn các nhà Kinh tế học đã cố gẳng giải quyết nó, nhưng lúc xuất bản tập Ba của “Tư bản”, Engels đã thông báo rằng không có ai chiến thắng (Rothbard 1995b, 413). Eugen Bohm - Bawerk đã công kích kịch liệt sai lầm Kinh tế học này của Marx. Như lời của Paul Samuelson, “rõ ràng Bohm - Bawerk hoàn toàn đúng khi khẳng định rằng tập Ba của “Tư bản” không bao giờ có khả năng thực hiện được lời hứa giải quyết được các mâu thuẫn hư cấu” (Samuelson 1967, 620).
Quan điểm của Marx về máy móc và hàng hóa vốn cũng rất phiến diện. Máy móc tiết kiệm thời gian và tiết kiệm sức lao động không đơn giản là sa thải công nhân hay giảm lương. Nó thường giúp công việc vận hành dễ dàng hơn và cho phép người công nhân tham gia vào các hoạt động sản xuất khác. Máy móc và công nghệ đã làm một việc đáng kinh ngạc khi giảm thiểu hoặc xóa bỏ “sự tách ly người lao động” mà Marx buộc tội một cách cay nghiệt. Bằng cách cắt giảm chi phí, các tiến bộ về máy móc và công nghệ đã tạo ra những nhu cầu mới và cơ hội mới để sản xuất sản phẩm. Chúng tạo thêm các việc làm, thường với mức lương cao hơn cho những người công nhân bị chúng thay thế. Như Ludwig von Mises từng khẳng định “một thế kỷ sau, chỉ có một phương thức duy nhất để tăng mức lương liên tục và vì lợi ích của tất cả những người khát khao kiếm tiền - cụ thể là thúc đẩy mức tăng lượng vốn có sẵn so với mức gia tăng dân số” (Mises 1972, 89). Bằng chứng rõ ràng là năng suất lao động tăng (sản lượng trên giờ công lao động) dẫn tới mức lương cao hơn.
Sự mỉa mai nằm ở chỗ chính Chủ nghĩa Tư bản, chứ không phải Chủ nghĩa Xã hội hay Chủ nghĩa Marx, đã giải phóng người lao động khỏi những xiềng xích của sự nghèo khổ, độc quyền, chiến tranh và áp bức, và đạt được nhiều thành tựu hơn là sự ảo tưởng của Marx về một thời đại hoàng kim của hy vọng, hòa bình, sự dư thừa, nhàn rỗi và sự thể hiện nghệ thuật của loài người “hoàn thiện”.
Một trong các vấn đề lớn nhất mà Chủ nghĩa Marx phải đối mặt ngày nay là sự tan rã dần các giai cấp kinh tế. Không còn sự phân hóa rõ rệt giữa nhà tư bản và người công nhân. Ngày càng có ít hơn các công nhân chỉ đơn thuần là nhân công hay người làm công ăn lương. Họ thường là cổ đông hoặc chủ sở hữu một phần của các công ty nơi họ làm việc nhờ vào sự phân chia lợi nhuận và kế hoạch lương hưu tại công ty nơi họ làm việc và sở hữu cổ phần. Nhiều công nhân làm thuê cho chính mình và là nhà tư bản bán thời gian. Ngày nay, có quá nửa các gia đình người Mỹ sở hữu cổ phiếu của các công ty giao dịch công khai. Wall Street tạo nên một số lớn các nhà tư bản - công nhân mới, điều đã làm suy giảm nhiều nhiệt huyết cách mạng trong các thị trường lao động.
Nhà kinh tế học Tân cổ điển người Mỹ Milton Friedman (Nobel Kinh tế 1976) lập luận rằng sự vắng mặt của nền kinh tế thị trường tự do dưới Chủ nghĩa Xã hội chắc chắn sẽ dẫn đến một chế độ chính trị độc đoán. Friedrich Hayek cũng chia sẻ quan điểm của Friedman, người cũng tin rằng Chủ nghĩa Tư bản là điều kiện tiên quyết để tự do phát triển trong một quốc gia dân tộc. Jonathan Chait viết rằng: “Các chính phủ theo Chủ nghĩa Marx chà đạp lên quyền cá nhân vì lý thuyết Chủ nghĩa Marx không quan tâm đến quyền cá nhân. Chủ nghĩa Marx là một lý thuyết về công lý giai cấp [...] Không giống như Chủ nghĩa tự do coi các quyền là một lợi ích tổng cộng có thể mở rộng hoặc thu hẹp lại cho toàn xã hội, những người theo Chủ nghĩa Marx (và những người chỉ trích Chủ nghĩa tự do cánh tả khác) nghĩ về các quyền chính trị như một cuộc xung đột có tổng bằng không. Hoặc là chúng được thực hiện nhân danh sự áp bức hoặc chống lại nó” [3]. Mặc dù Chait là một nhà tự do chủ nghĩa, và tôi cũng không hẳn là đồng tình về cách đề cao Chủ nghĩa tự do của Chait, nhưng tôi lại rất tán thành quan điểm Marx đã thất bại của ông.
Bên cạnh đó, Karl Popper, nhà Triết học vĩ đại người Anh - Áo của thế kỷ trước, đã lập luận rằng cả khái niệm về phương pháp lịch sử của Marx cũng như ứng dụng của nó đều không thể chứng minh được, và do đó nó là một học thuyết ngụy khoa học:
“Học thuyết lịch sử của Chủ nghĩa Marx, bất chấp những nỗ lực nghiêm túc của một số người sáng lập và những người theo nó, cuối cùng đã áp dụng phương pháp tiên tri này. Trong một số công thức trước đó (ví dụ như trong phân tích của Marx về đặc điểm của “cuộc cách mạng xã hội sắp tới”), những dự đoán có thể kiểm chứng được trên thực tế đã bị làm sai lệch. Tuy nhiên, thay vì chấp nhận những lời bác bỏ, những người theo Marx đã diễn giải lại cả lý thuyết và bằng chứng để khiến những người phản đối đồng ý. Bằng cách này, họ đã cứu lý thuyết khỏi bị bác bỏ; nhưng họ đã làm như vậy với cái giá phải trả là áp dụng một phương pháp khiến nó không thể bác bỏ được. Do đó, họ đã đưa ra một bước ngoặt truyền thống cho lý thuyết; và bằng mưu kế này, họ đã phá hủy tuyên bố được tuyên truyền nhiều về tình trạng khoa học của nó.” [4]
Popper tin rằng Chủ nghĩa Marx vốn ban đầu là một lý thuyết khoa học, theo đó Marx đã đưa ra một lý thuyết có tính tiên đoán thực sự. Khi những tiên đoán của Marx không thể được chứng minh trên thực tế, Popper lập luận rằng lý thuyết của Marx đã được cứu khỏi sự sai lầm bằng cách bổ sung các giả thuyết đặc biệt cố gắng làm cho nó tương thích với các sự kiện. Bằng cách này, một lý thuyết ban đầu mang tính khoa học thực sự đã thoái hóa thành giáo điều ngụy khoa học. Popper đồng ý về tính không thể sai được nói chung của Khoa học Xã hội, nhưng thay vào đó sử dụng nó như một lập luận chống lại kế hoạch hóa tập trung và các hệ tư tưởng lịch sử bao trùm tất cả. Popper đã dành nhiều sự quan tâm để mổ xẻ việc thực hành sử dụng phép biện chứng để bảo vệ tư tưởng của Chủ nghĩa Marx, vốn chính là chiến lược mà Vladislav A. Lektorsky sử dụng trong việc bảo vệ Chủ nghĩa Marx, chống lại phản biện của Popper. Một trong số những kết luận của Popper là những người theo Chủ nghĩa Marx đã sử dụng phép biện chứng như một phương pháp tránh né những lời chỉ trích, thay vì thực sự trả lời hoặc giải quyết chúng:
“Hegel cho rằng Triết học phát triển; tuy nhiên, hệ thống của riêng ông vẫn là giai đoạn cuối cùng và cao nhất của quá trình phát triển này và không thể thay thế được. Những người theo Chủ nghĩa Marx cũng có thái độ tương tự đối với hệ thống của Chủ nghĩa Marx. Vì vậy, thái độ chống giáo điều của Marx chỉ tồn tại trên lý thuyết, chứ không tồn tại trong thực tiễn của Chủ nghĩa Marx chính thống, và phép biện chứng được những người theo Chủ nghĩa Marx sử dụng, theo xu hướng chống Dühring của Engels, chủ yếu nhằm mục đích biện hộ để bảo vệ hệ thống của Chủ nghĩa Marx. Như một quy luật, các nhà phê bình bị lên án vì không hiểu phép biện chứng, hay Khoa học vô sản (Proletarian Science), hoặc vì bị xem là những kẻ phản bội. Nhờ phép biện chứng, thái độ chống giáo điều đã biến mất, và Chủ nghĩa Marx đã tự khẳng định mình là một Chủ nghĩa giáo điều đủ linh hoạt, bằng cách sử dụng phương pháp biện chứng để tránh bất kỳ cuộc tấn công nào nữa. Do đó, nó đã trở thành cái mà tôi gọi là chủ nghĩa giáo điều được củng cố.” - Trích “Conjectures and Refutations: The Growth of Scientific Knowledge” (tạm dịch: Phỏng đoán và bác bỏ: Sự phát triển của tri thức khoa học), Karl Popper.
Phải chăng Chủ nghĩa Xã hội của Marx đã có thể tạo ra sự dư thừa và đa dạng về hàng hóa và dịch vụ, công nghệ đột phá, các cơ hội việc làm mới và thời gian nhàn rỗi của ngày hôm nay? Marx ngây thơ đến mức khó tin khi cho rằng Chủ nghĩa xã hội không tưởng có thể đạt được sự tăng trưởng cao về mức sống cho người lao động. Ông từng viết vào những năm 1840:
“Trong xã hội cộng sản [...] không một ai có lĩnh vực hoạt động độc tôn nhưng mỗi người có thể trở nên thành công trong bất kỳ một ngành nào họ muốn [...] do vậy tôi có thể làm việc này vào ngày hôm nay và một việc khác vào ngày mai, săn bắn vào buổi sáng, câu cá vào buổi chiều và chăn nuôi gia súc vào buổi chập choạng, bình phẩm sau bữa ăn tối, đúng như khuynh hướng của tôi mà không trở thành thợ săn, ngư dân, người chăn cừu hay nhà phê bình” (Marx 2000, 185).
Marx đã tiên đoán rằng Chủ nghĩa xã hội cách mạng “sẽ lần đầu tiên cho phép con người có sự biểu đạt đầy đủ về sự tồn tại và hạnh phúc”. Mục tiêu “vạn vật giàu có” mà Adam Smith theo đuổi cuối cùng sẽ đạt được dưới chế độ Chủ nghĩa Cộng sản. Thiên đường “có thể đạt được trên cõi trần”. Rốt cuộc nền chuyên chính vô sản “sẽ được thay thế bởi một xã hội không giai cấp, không nhà nước”. Marx và Engels cũng yêu cầu xóa bỏ gia đình truyền thống trong một nỗ lực nhằm “ngăn chặn hiện tượng cha mẹ bóc lột con cái” và “hình thành một cộng đồng phụ nữ.” Những người sáng lập chủ nghĩa cộng sản ủng hộ một chương trình giáo dục giới trẻ vốn sẽ “phá hủy những mối quan hệ tôn kính nhất” và “thay thế giáo dục gia đình bởi giáo dục xã hội” (33 - 35).
Tại sao Karl Marx lại sai lầm sau khi thiết lập thứ ông gọi là định luật “khoa học” của Kinh tế học? Đầu tiên, thuyết giá trị về lao động của ông có những khiếm khuyết. Khi bác bỏ quy luật về thị trường của Say, Marx cũng đã phủ nhận thuyết giá trị có căn cứ của Say. Say đã nói đúng rằng giá trị của hàng hóa và dịch vụ rốt cuộc sẽ được xác định bằng lợi ích. Nếu các cá nhân không có nhu cầu hoặc không cần tới một sản phẩm thì không cần biết có bao nhiêu lao động và nỗ lực được đặt vào đó, sản phẩm đó vẫn là không có giá trị. Nhà sử học Jacques Barzum cho rằng “Ngọc trai không phải có giá trị vì con người lặn tìm nó mà con người lặn tìm ngọc trai vì nó có giá trị” (Barzum 1958, 152). Và Philip Wicksteed, người viết bài phê bình khoa học đầu tiên về thuyết giá trị của Marx vào năm 1884, đã nhận định “Một cái áo choàng không đáng giá tám lần so với một cái mũ bởi thời gian làm ra nó lâu gấp tám lần… Mà mọi người sẵn sàng dành tám lần thời gian để làm ra một chiếc áo choàng bởi vì nó đáng giá tám lần cái mũ” (Wicksteed 1933, vii). Ngoài ra còn tất cả những thứ đáng giá vốn liên tục tăng giá trị ngay cả khi chúng yêu cầu rất ít hoặc không cần tới lao động, ví dụ như nghệ thuật và đất đai thì sao? Marx đã nhận ra đây là những ngoại lệ trong học thuyết của mình nhưng vẫn coi chúng không quan trọng đối với vấn đề căn bản về sức lao động.
Chủ nghĩa lý tưởng của Marx đã đưa chúng ta về thời nguyên thủy, nếu không phải là man rợ, thời kỳ của sự trao đổi hàng hóa và lối sống bộ lạc mà không quan tâm tới lợi ích từ sự trao đổi hàng hóa và phân công lao động. Nếu một nơi như thế có thật và điều quan trọng hơn là vẫn còn dai dẳng, thì quả thật ai là người muốn sống ở đó?
Phần II: Về Chủ nghĩa Sô vanh và Chủ nghĩa Cộng sản
Trong bài viết “Tifosi, yêu nước online, và Chủ nghĩa Sô vanh”, tôi đã có phân tích và lập luận rất cụ thể về Chủ nghĩa Sô vanh và dân tộc tính cực đoan ở Việt Nam [5]. Một cách sơ lược, Chủ nghĩa Sô vanh (Chauvinism) là Chủ nghĩa dân tộc cực đoan dựa trên hệ tư tưởng tuyệt đối hóa các giá trị của cộng đồng, dân tộc mình, xem bản sắc của dân tộc mình là ưu việt đến mức tự phụ và bài ngoại, thậm chí xem thường và xâm hại đến các dân tộc khác. Chủ nghĩa dân tộc là xu hướng tư tưởng tuyệt đối hóa giá trị dân tộc mình, đặt dân tộc mình ở vị trí cao nhất trong toàn bộ hệ thống giá trị, đi đến chỗ khoa trương, bài ngoại, tự phụ, coi dân tộc mình cao hơn tất cả và gây thiệt hại cho dân tộc khác. Nó đã giữ vai trò ảnh hưởng chính hay nguyên nhân của chiến tranh, cụ thể nhất là Đệ nhất Thế chiến (1914 - 1918) và Đệ nhị Thế chiến (1939 - 1945). Tất cả đều liên quan đến những tư tưởng dân tộc chủ nghĩa cực đoan.
Trong bài viết trên, tôi cũng đã so sánh sự giống và khác biệt giữa Chủ nghĩa dân tộc và Chủ nghĩa yêu nước, qua đó nhấn mạnh sự nguy hiểm đặc biệt của Chủ nghĩa Sô vanh. Tuy Chủ nghĩa yêu nước rất gần với Chủ nghĩa dân tộc và vì thế chúng hay được dùng như những từ đồng nghĩa, nhưng nếu xét cặn kẽ thì Chủ nghĩa dân tộc liên quan tới các học thuyết và phong trào chính trị, trong khi Chủ nghĩa yêu nước liên quan tới tình cảm nhiều hơn. Về nguồn gốc khái niệm “dân tộc”, theo các nhà nghiên cứu Trung Quốc, trong tiếng Hán cổ không có từ “dân tộc”. Từ này thực tế được du nhập từ Nhật Bản. Năm 1899, Lương Khải Siêu là người Trung Quốc đầu tiên đã sử dụng từ “dân tộc” trong bài viết của mình. Năm 1905, Tôn Trung Sơn bắt đầu nói về “dân tộc”. Từ đó, người Trung Quốc mới dần dần làm quen với khái niệm này. Theo các tác giả cuốn “Tân thư”, từ “dân tộc” có thể được các nhà Đông du Việt Nam như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh du nhập từ Trung Quốc vào Việt Nam.
Là một quốc gia theo tư tưởng cộng sản chủ nghĩa, việc Việt Nam có sự pha trộn của Chủ nghĩa dân tộc (Nationalism) và Chủ nghĩa Marx - Lenin thực là một sự kết hợp kỳ quái, bởi vì Chủ nghĩa dân tộc và Chủ nghĩa Marx - Lenin vốn dĩ là kẻ thù không đội trời chung. Bản thân Karl Marx tin rằng “Chủ nghĩa dân tộc là một hiện tượng tạm thời và phi tự nhiên, là một trong những biểu hiện của sự tự tha hóa của con người”. Sự phân chia con người thành các quốc gia dân tộc đối kháng không chỉ ngăn cách họ với nhau thông qua các biên giới quốc gia nhân tạo mà còn khiến con người xa lạ với bản chất con người của chính mình, vì trong quá trình hình thành lòng trung thành với quốc gia, con người đã gán quyền lực của mình cho một thực thể (quốc gia) mà anh ta không còn nhận ra là sáng tạo của chính mình. Tóm lại, Marx coi Chủ nghĩa yêu nước và Chủ nghĩa dân tộc là những hình thức thờ ngẫu tượng, tức là sự tôn thờ và phục tùng sứ mệnh của con người đối với một sinh vật do chính mình tạo ra. [6]
Sở dĩ lại có sự kết hợp này là bởi xuất phát từ quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bản thân Hồ Chủ tịch là một nhà dân tộc chủ nghĩa trước tiên, tiếp đến mới là nhà cộng sản chủ nghĩa. Hồ Chủ tịch có một nhận định mà sách giáo khoa thường xuyên trích dẫn:
“Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước. Lịch sử đã có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại chứng tỏ tinh thần yêu nước của dân tộc ta. Chúng ta có quyền tự hào về những trang lịch sử vẻ vang thời đại Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung... Chúng ta phải ghi nhớ công lao của các vị anh hùng dân tộc, vì các vị ấy là tiêu biểu của một dân tộc anh hùng...”
Từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay, hiện tượng Chủ nghĩa dân tộc nổi lên gắn liền với xu hướng phục hồi của tôn giáo và tư tưởng bài ngoại. Bên cạnh đó, các thế lực Chủ nghĩa ly khai dân tộc cũng ngày càng lớn mạnh ở mức độ khác nhau, hình thành nên các thế lực chính trị và lực lượng quân sự, thông qua các cơ chế dân chủ phương Tây hoặc hoạt động khủng bố thông qua bạo lực nhằm mở rộng Chủ nghĩa ly khai, thực hiện quyền dân tộc tự quyết, thành lập nhà nước độc lập. Tất cả các nhân tố đó kết hợp với nhau đang tạo nên một cục diện phức tạp và không ổn định không chỉ trong nội bộ nhiều nước mà còn đe dọa nghiêm trọng nền an ninh và ổn định thế giới.
Là một nhà Sử học và nhà lý luận Marxist đương đại, Giáo sư Eric Hobsbawm đã nhìn thấy những gì được gọi là truyền thống, phong tục, tập quán quốc gia thực ra được con người tạo ra (Invented Tradition) trong quá trình vận động xây dựng ý thức dân tộc. Ông cho rằng lịch sử chuyển vận do một động lực phát triển liên kết cả cơ sở hạ tầng về con người và phương tiện sản xuất lẫn thượng tầng kiến trúc của chính trị, văn hóa và nghệ thuật (Hobsbawm, 1992). Lối lập luận của Hobsbawm đưa đến kết luận rằng những nơi mà dân tộc chỉ là chương trình chính trị, thiếu biến chuyển trước đó từ cơ sở hạ tầng, hay còn gọi là dân tộc trong ngoặc kép, thì theo đà quay của lịch sử sẽ tan rã như trường hợp của Liên Xô. Như vậy, theo Hobsbawm, Chủ nghĩa dân tộc từng là động lực phát triển từ sau cuộc Cách mạng Pháp, nhưng hiện không còn vai trò là quy luật của lịch sử nữa.
Tuy thời điểm hình thành quốc gia dân tộc Việt Nam năm 1945 nằm đúng trong khoảng thời gian mà Hobsbawm cho là cao trào của Chủ nghĩa dân tộc (1918 - 1950), nhưng ông dứt khoát xếp Việt Nam cùng một số nước khác, như Trung Quốc và Triều Tiên, vào nhóm chỉ giải phóng, còn dân tộc là khẩu hiệu mượn từ hệ tư tưởng phương Tây. Trong lúc Việt Nam thường tuyên truyền về thắng lợi của mình là lá cờ đầu cho phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa trên thế giới, Hobsbawm thẳng thắn cho rằng phong trào này chỉ có thể dùng chữ dân tộc trong ngoặc kép mà thôi.
Một đặc trưng của tư tưởng Sô vanh là tính hiếu chiến. Nó thúc đẩy các dân tộc tự xem mình là thượng đẳng, từ đó thực hiện các hành vi phô trương sức mạnh để bảo vệ vị thế của mình. Tiếp cận từ lý thuyết của Chủ nghĩa Sô vanh, trong Đệ nhất Thế chiến, vì các nhà lãnh đạo Nga đã đặt đất nước mình ở một vị thế chính nghĩa và tốt đẹp về mặt đạo đức, họ cần thiết phải can thiệp ngay vào hành vi điên cuồng của đối thủ để bảo vệ lấy uy tín và hình ảnh của mình: “Sức mạnh từ sự tự tôn của dân tộc Nga, đó chính là nỗi sợ hãi bị sỉ nhục nếu họ cho phép người Đức và Áo tiêu diệt Serbia - quốc gia nhỏ bé được Nga bảo trợ, và mức độ dữ dội trong cơn thịnh nộ của người Nga”. Về phía Đức, Hoàng đế (Kaiser) Wilhelm II vào năm 1914 đã từng tuyên bố rằng: “Chúa đã tạo ra chúng ta để văn minh hóa thế giới. Thống khổ và chết chóc cho tất cả những ai kháng cự lại ý chí của tôi”.
Ngoài mặt trận quân sự, tư tưởng Chủ nghĩa Sô vanh còn biểu hiện ở các học thuyết, chính sách đối ngoại của các nước lớn. Tuy có vẻ “bình lặng” hơn nhưng nó vẫn có khả năng tạo ra các tác động tiêu cực. Thuyết “Vận mệnh hiển nhiên - Manifest Destiny” (1840) của Mỹ cho rằng việc dân tộc này “mở rộng lãnh thổ” và chinh phục các vùng đất khác ở châu Mỹ là điều “hiển nhiên”, “tất yếu” và “định mệnh”. Chủ nghĩa “Biệt lệ Mỹ” tin rằng dân tộc mình giữ vị thế xuất chúng hơn so với phần còn lại của thế giới, người Mỹ được Thượng đế ban giao cho sứ mệnh định hình thế giới bằng các giá trị Mỹ và khuôn mẫu dân chủ tiến bộ của mình. Trên trường quốc tế hiện nay, chính sách “ngoại giao chiến lang” của Trung Quốc phần nào phản ánh các biểu hiện Sô vanh khi các nhà lãnh đạo nước này ngày càng trở nhạy cảm trước những động thái chỉ trích, sẵn sàng áp dụng các biện pháp cưỡng ép kinh tế khi các nước khác dám thách thức họ.
Trong bài viết “Lòng yêu nước: Truyền thống ngàn đời hay truyền thống tân tạo?”, tác giả Tornad tuy không cho rằng Chủ nghĩa dân tộc là xấu, nhưng nhận định rằng “người ta nên ý thức được mình đang hi sinh vì cái gì, bản chất là gì, nguồn gốc ra đời, nền tảng đạo đức, thay vì mù quáng tin tưởng và sỉ nhục những người không mang cùng tư tưởng với họ, bởi đó là dấu hiệu của yêu nước cực đoan” [7]. Việc chứng minh lòng yêu nước không có cơ sở tồn tại ở Việt Nam từ thời cổ đại, hoặc chí ít chỉ là đã manh nha xuất hiện từ khoảng thời gian đó, xin được phép dẫn lại bài viết của Tornad. Tác giả đã chứng minh và lý luận rất xuất sắc về vấn đề này. Nếu quý độc giả có hứng thú, tôi xin phép dẫn liên kết ở phần tư liệu tham khảo.
Có một nhận định mà các nhóm Marxist hoặc những nhà dân tộc chủ nghĩa cực đoan thường sử dụng, đó là:
Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay.
Nhiều người thường dẫn câu này kèm theo người phát ngôn là cố Tổng thống Mỹ John F. Kennedy, nhưng có lẽ câu này là của thầy ông Kennedy. Thật vậy, người viết tiểu sử Kennedy cho rằng câu nói nổi tiếng “Ask not...” là câu nói mà thầy giáo trung học ông hay nói, chứ ông Kennedy không phải là người đầu tiên nói câu đó. Trớ trêu thay một điều là nhiều người, trong đó có cả quan chức, rất thích lấy câu đó ra để phản bác lại bất cứ ai phản biện, phê phán, phê bình chính quyền. Họ hay hỏi “anh đã làm gì cho tổ quốc chưa mà hỏi tổ quốc phải làm gì cho anh”, và đó là cách đánh đồng giữa tổ quốc và thể chế.
Bản thân câu nói này mắc phải lỗi ngụy biện dùng từ ngữ không rõ ràng (Equivocation). Người mắc lỗi này dùng một từ nhưng với nghĩa khác nhau ở hai mệnh đề. Đây là một cách nói lập lờ phổ biến của người ngụy biện. Sự lập lờ ở đây là đánh tráo khái niệm tổ quốc và thề chế. Tổ quốc ở đây bao gồm ý niệm về địa lí, hay dân tộc, hay đất nước, hay dịch vụ nhà nước. Không có ai hỏi tổ quốc phải làm gì cho mình, vì tổ quốc là ý niệm tinh thần và trừu tượng.
Theo lý thuyết của Benedict Anderson, dân tộc chỉ là những “cộng đồng tưởng tượng”, nơi mà sự gắn kết về giới hạn lẫn chủ quyền chỉ là vấn đề về sự nhìn nhận của các cá nhân cho rằng mình thuộc về cộng đồng đó: Không phân biệt thực tế bất bình đẳng hay sự bóc lột có thể chiếm ưu thế trong mỗi quốc gia, dân tộc luôn được quan niệm như tình đồng chí bình đẳng và sâu sắc. Từ đó mà những sai lầm về tư tưởng, việc đánh giá sai tiềm năng của quốc gia, dân tộc, cộng đồng mình dẫn đến các biểu hiện Sô vanh là một điều nguy hiểm cho sự phát triển của chính cộng đồng mình cũng như các dân tộc khác. Lịch sử đã chứng minh rằng dòng thác tâm lý Sô vanh là đối tượng tiềm năng cho các cá nhân có dã tâm lợi dụng, tệ hại nhất là khi tự đẩy quốc gia mình đi đến sụp đổ. Phong trào Sô vanh, giá trị Sô vanh không phải là một “phương thuốc” cho niềm tự hào dân tộc, nó là kẻ đã gây ra chiến tranh trong lịch sử và đang ngăn cản quá trình toàn cầu hóa, sự hội nhập tiến bộ của con người.
Phần III: Chặn họng
Bài viết chống chỉ định với những luận điệu sau:
(1) Tác giả bài viết đang có mưu đồ lật đổ chế độ.
(2) Tác giả bài viết là một kẻ phản động, ba que, tự diễn biến hòa bình, thoái hóa, biến chất.
(3) Tác giả bài viết không hiểu rõ về Chủ nghĩa Marx - Lenin và Chủ nghĩa Cộng sản. Tác giả đọc nhiều hiểu ít, suy diễn quá đà.
(4) Tác giả có thâm thù với chế độ Cộng sản, với Marx, Engels và Lenin. Tác giả là một kẻ lật sử, là một kẻ ngụy biện.
(5) Tác giả không công tâm với những đóng góp của Karl Marx đối với sự phát triển của nhân loại.
Nếu quý vị có những suy nghĩ như thế này trong đầu sau khi đã đọc xong bài viết, xin mời đi ra. Còn với những vị không đọc hết bài mà đã nhảy vào bút chiến, không tiễn. Tôi không hoan nghênh những thành phần phản tri thức.
Bài viết được lên ý tưởng và bắt đầu soạn thảo vào 01/03/2023, hoàn thành vào 07/04/2023.
Dẫn nguồn và tư liệu tham khảo:
[1] Skousen, Mark (2007). “Karl Marx Leads a Revolt Against Capitalism”, in M. Skousen, The Big Three in Economics: Adam Smith, Karl Marx, And John Maynard Keynes (New York: M.E.Sharpe), pp. 64-104 (Ch. 3). Accessed 05 April 2023.
[2] Singer, Peter (1980). “Marx: A Very Short Introduction”. Oxford: Oxford University Press. p. 50. ISBN978-0192854056. Accessed 05 April 2023.
[3] Chait, Jonathan (2016). “Reminder: Liberalism Is Working, and Marxism Has Always Failed”. Intelligencer. Accessed 05 April 2023.
[4] Popper, Karl (2002). “Conjectures and Refutations: The Growth of Scientific Knowledge”. Routledge. p. 49. ISBN978-0415285940. Accessed 05 April 2023.
[5] Tran, Tuan (2022) “Tifosi, yêu nước online, và Chủ nghĩa Sô vanh”. Spiderum. https://spiderum.com/bai-dang/Tifosi-yeu-nuoc-online-va-Chu-nghia-So-vanh-cSAKIgAfPzOR. Accessed 05 April 2023.
[6] “CHAPTER VIII. NATIONALISM AND INTERNATIONALISM”. Li Ta-chao and the Origins of Chinese Marxism, Cambridge, MA and London, England: Harvard University Press, 1967, pp. 176 - 194. https://doi.org/10.4159/harvard.9780674180819.c12. Accessed 06 April 2023.
[7] Tornad (2022) “Lòng yêu nước: Truyền thống ngàn đời hay truyền thống tân tạo?”. Spiderum. https://spiderum.com/bai-dang/Long-yeu-nuoc-Truyen-thong-ngan-doi-hay-truyen-thong-tan-tao-iEZ2Lm0feZxv. Accessed 06 April 2023.
Ngày 07 tháng 04 năm 2023,
Trần Tuấn
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất