Ngân ngày trời mưa gió và đồng bào miền trung đang phải gồng mình trước những dòng nước tử thần. Tôi ngồi suy nghĩ về việc từ thiện và cách làm từ thiện. Trong đầu đặt ra những câu hỏi là từ thiện có nên khoe ra trước xã hội không? Lòng tốt có cần thiết phải đem ra trưng bày hay không? Việc từ thiện có cần thiết phải được thực hiện bài bản hay chỉ cần là lòng tốt thì đều đáng trân quý? Của cho quan trọng hơn hay cách cho quan trọng hơn? Nhưng câu hỏi trên bủa vây trong đầu tôi nên đành ngồi viết ra, viết ra để mài dũa những suy tư trong đầu.
1. Lòng tốt không nhất thiết phải đem ra để trưng bày nhưng nếu có nhu cầu thì việc khoe khoang cũng không có gì xấu, không ảnh hưởng đến ai (ngoại trừ thằng ghét bạn).
Trước đây tôi thường được dạy là nếu con làm việc tốt thì con không cần phải trưng bày nó ra bên ngoài làm gì. Chỉ cần tự mình công nhận đối với hành vì của mình là đã đủ rồi và sự công nhận của người khác đôi khi là không cần thiết. Có thể giống tôi, nhiều người khi nhìn thấy người khác khoe khoang về việc làm từ thiện của họ thì cảm thấy người này thực sự là háo danh hay vụ lợi để đánh bóng hình ảnh của mình. Tuy nhiên đến hiện tại tôi cho rằng là việc lợi dụng hoạt động từ thiện để đánh bóng tên tuổi không phải là điều gì sai trái. Theo quan điểm về đạo đức của Kant thì hoạt động này chỉ thực sự là đạo đức khi nó xuất phát từ suy nghĩ tự thân của một con người rằng tôi đang mong muốn giúp đỡ đồng loại của mình bởi vì tôi là con người có phẩm giá. Tôi hành động vì việc giúp đỡ đồng loại của mình là việc cần làm để tôi có thể trở nên “người” hơn. Hành vi từ thiện để khiến mình cảm thấy tốt đẹp về bản thân và nhận được sự ngưỡng mộ, công nhận từ công chúng chứ không xuất phát từ động cơ là sự tồn tại của đồng bào mình tuy không phải là đạo đức nhưng nó không hề xấu. Tức là chỉ cần tôi đang cho người khác và tôi đang cho đi một cách đúng, không gây hại đến đối tượng thụ hưởng và bên thứ ba thì hành động trên dù không có đạo đức nhưng cũng không sai trái và cần khuyến khích. Việc làm từ thiện đó cần được khuyến khích hoặc chí ít là đừng chê bai. Vì vậy nên nếu thấy một người bạn nào đó làm từ thiện và đăng lên FB thì hãy chí ít là like ảnh của họ, đưa ra lời khen cho hành động của họ, hoặc có thể trực tiếp ủng hộ, quyền góp.
2.  Của cho quan trọng và cách cho cũng rất quan trọng
Nói đến đoạn này thì có nhiều người sẽ nghĩ cái ông nói tôi cũng biết. Ai mà chả biết là cách cho quan trọng, ai mà chả biết là ngu dốt cộng với nhiệt tình thì thành phá hoại. Đúng thế, tôi cũng đồng tình với suy nghĩ trong đầu của các bạn. Của cho thể hiện sự đồng cảm với những người bị nạn nhưng cách cho mới thể hiện tình người thực sự. Đơn giản là nếu bạn thực sự dành tình cảm cho ai đó thì khi họ bị ốm bạn sẽ không mua thuốc và vứt cho họ rồi bảo họ uống đi. Thay vào đó cách bạn làm sẽ là tìm hiểu xem căn nguyên của cơn bệnh xảy đến với họ. Tiếp đó bạn nghiên cứu xem đâu là cách tốt nhất để giải quyết vấn đề của họ. Sau cùng bạn mới bắt tay vào hành động để giải quyết vấn đề trên và chăm sóc đến khi họ khỏi bệnh. Ví dụ trên là để minh họa việc chỉ vứt tiền cho người bị nạn và nói rằng tôi rất yêu quý bạn nên tôi đã quyên ghóp tiền của tôi cho bạn. Hãy cấm lấy số tiền này và vượt qua khó khăn bạn nhé. Hành động trên có vẻ rất tốt nhưng vẫn có cái gì đó sai sai. Đâu đó trong bài học của thời cấp một chúng ta từng nhớ đến hình ảnh hai bàn tay tấy đổ của ông lão và cậu bé chạm vào nhau giữa trời rét buột. Mặc dù không cho nhau được gì nhưng cái quý giá nhất là tình người họ đã trao cho nhau. Vậy có lẽ bạn cũng sẽ đồng tình với tôi là cách cho rất quan trọng rồi chứ. Đến đây, khi bạn đã đồng tình với tôi rằng cách cho cũng quan trọng thì tôi mong muốn rằng bạn cũng sẽ đồng ý với tôi rằng từ thiện nên được xây dựng thành một nền tảng văn hóa chứ không phải là những giải pháp chữa cháy phần ngọn.
3. Hoạt động từ thiện nên được xây dựng thành một nền tảng văn hóa từ thiện.
Nhắc đến từ văn hóa có vẻ quá cao siêu đúng không. Nhiều bạn sẽ cảm thấy là nó xa vời quá và nghe có vẻ cứ vĩ mô thế nào ấy. Cá nhân tôi nghĩ từ văn hóa từ thiện ở đây đơn giản chỉ cần hiểu là một hệ tư tưởng về việc cần thiết cho đi và chia sẻ những điều may mắn của mình với những người gặp bất hành trong cuộc sống được xây dựng, thừa nhận, thực hành một cách nhất quán bởi một cộng đồng. Khái niệm tôi nghĩ ra thì dài vậy nhưng mà bản chất vẫn là câu nói lá lành đùm lá rách, là rách ít đùm lá rách nhiều. Nhưng mà những giá trị trên thì có vẻ như từ thời cha ông chúng ta vẫn thực hành bấy lâu nay rồi sao, có gì mà cần bàn thêm. Theo tôi điểm mà chúng ta phát triển thêm có lẽ là i) tư duy biết ơn với cuộc sống này để từ đó có thói quen chia sẻ sự may mắn với những người bất hạnh hơn mình, ii) một tầm nhìn rộng hơn về sự chia sẻ và từ thiện. Ở vấn đề thứ nhất tôi cá là tôi và những bạn đang ngồi bình thản đọc bài viết này đều rất may mắn. Sinh ra trọng một cơ thể lành lặn đã là may mắn. Được nuôi dưỡng để trưởng thành và được giáo dục đã là một may mắn. Chăn ấm nệm êm bên cây đèn sangs để ngồi gõ những dòng này lại là ngàn lần may mắn hơn nữa. Vì vậy nên hãy sống một cách biết ơn theo đúng nghĩa đen của nó, không triết lí cũng không văn vở. Nếu bạn không tin tôi hay thử vác xe ra chạy dọc quanh cái thành phố Hà Nội này lúc 1h đêm và chứng kiến những mảnh đời khác, đến lúc đây tôi nghĩ không cần thêm lí do gì để thuyết phục bạn về sự may mắn của bạn. Đối với vấn đề thứ hai, liên quan đến việc phóng tầm nhìn rộng hơn về sự chia sẻ và từ thiện. Tôi nghĩ rằng tôi và bạn trong mình đều có dòng máu của một vị anh hùng. Chả thể mà hồi bé ai cũng thích xem siêu nhân, mơ ước làm anh công an, chú bộ đội. Nhưng khi lớn lên những ước mơ của chúng ta bị thực tế cuộc sống bóp nghẹt. Tuy bị đè nèn như vậy nhưng chúng không hề chết đi mà chỉ tìm cách phòng thủ đợi đến khi có dịp lại lao ra. Việc ủng hộ nhiệt tình cho đồng bào miền trung chính là biểu hiện của người anh hùng trong chúng ta được đánh thức. Nó thức tỉnh một phần vì nó bị đánh thức bởi những cảm xúc quá đỗi mãnh liệt. Phần nào đó, nó thức tỉnh bởi nó luôn bị đè nèn và chờ ngày để được ngoi lên. Tôi cho rằng chúng ta dù không thể làm chú bồ đội hay Iron men của thể giới hiện đại thì bằng một cách nào đó chúng ta vẫn có thể trở thành những anh hùng. Bằng việc sống, lao động, học tập một cách hết mình vào một chuyên môn hẹp để từ đó tạo ra nhiều giá trị cho xã hội hơn. Bằng việc quan tâm đến những vấn đề chính trị xã hội đang xảy ra xung quanh mình. Ăn rau muống thì vẫn có đầy đủ tư cách để nói chuyện chính trị, bởi lẽ giá tiền của mớ rau muống ngoài kia ảnh hưởng rất lớn bởi giá xăng dầu vận chuyển, thuế nhập khẩu thuốc trừ sâu và chính sách tích tụ đất đai. Bằng việc dù không thể trực tiếp đứng ra đấu tranh cho những người yếu thế trong xã hội thì cũng đừng chê bai, dè bìu, hay cản trở những người hùng dũng cảm ấy. Chúng ta chê bai, dè bỉu bởi đơn giản chúng ta ghét phần yếu đuối trong con người chúng ta không phải bởi vì chúng ta thông minh hưởng thái bình hơn họ. Bằng việc quyên ghóp nhiều hơn cho các hoạt động xã hội, hoạt động tình nguyện cộng đồng, đi hiến máu, trồng cây xanh, nói chuyện tích cực với những người xung quanh, yêu thương bác lao công quét rác, tôn trọng người phục vụ. Tất cả những việc làm trên, tôi cho rằng nó nằm trong cái văn hóa tình nguyện mà tôi nhắc tới. Có lẽ những gì tôi viết ở đây là lan man, lạc đề và đi quá phạm vi mà tôi đang bàn luận. Nhưng có lẽ vấn đề trên chỉ là một phần nhỏ trong những suy nghĩ của ngày qua.
Để kết luận bài viết này tôi xin trích lại một câu nói của Joaqua Phoenix trong bài phát biểu nhận giải OSCAR: “I think that we’re at our best when we support each other not when we cancel each other out for past mistake but when we help each other to grow, when we educate each other, when we guide each other toward redemption, that is the best of humanity”