Trả lời: Yehong Zhu, học Triết học tại đại học Harvard
__________________

Có một định kiến rằng mọi người ở đây hoặc là FA, hoặc là đã kết hôn (nghĩa là trong một mối quan hệ nghiêm túc lâu dài), chứ không ai thực sự hẹn hò cả.
21% sinh viên tốt nghiệp tại Harvard không có mối tình nào suốt thời đại học. Trung bình một sinh viên năm cuối tại Harvard có bao nhiêu mối quan hệ? Chỉ 1 thôi. Ngoại trừ những người may mắn đang yêu đương nồng thắm, đa số sinh viên ở đây độc thân trong mọi hoàn cảnh – nhưng không hề thiếu những cảnh thanh xuân vườn trường một chút nào.
Tất nhiên, không phải tự nhiên mà người ta định kiến như vậy. Có những lý do nhất định khiến cho sinh viên Harvard không muốn hẹn hò, tôi sẽ liệt kê ra dưới đây:

1. Bất bình đẳng trong nhận thức về giới

Hẹn hò đã đủ khó rồi. Bắt Harvard phải vật lộn với sự công bằng còn khó hơn gấp bội. Vai trò của giới đã trải qua một chặng đường dài, nhưng những nhận thức lỗi thời về sự bất công của hai giới vẫn còn tồn tại, đặc biệt là khi nói về sự hấp dẫn tình dục trong môi trường của những người 18-22 tuổi cực kỳ tài giỏi.
Một nghiên cứu trước đây đã cho thấy, đưa ra hai tấm ảnh giống hệt nhau của cùng một cô gái – một tấm cô gái mặc áo có in chữ “Harvard”, một tấm thì không – đàn ông có xu hướng đánh giá cô gái mặc áo không in chữ là hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, khi đảo ngược lại giới tính, thì chị em phụ nữ lại đánh giá người đàn ông mặc áo “Harvard” là hấp dẫn hơn.
Theo một nghiên cứu khác, đàn ông thích những người phụ nữ thông minh trên lý thuyết, không phải trong đời thực. Một nhóm các nhà nghiên cứu đã yêu cầu 151 nam sinh đại học làm một bài kiểm tra trí thông minh trước khi gặp mặt một cô gái khác cũng tham gia khảo sát có kết quả thi cao hơn hoặc thấp hơn họ. Khi gặp nhau, những nam sinh này có xu hướng ngồi cách xa cô gái có kết quả cuộc thi giả thuyết cao hơn họ, đồng thời cũng đánh giá cô ấy ít hấp dẫn hơn, mặc dù họ đã nói rằng họ thấy những cô gái thông minh có những đặc điểm hấp dẫn để hẹn hò.
Để giải thích cho vấn đề này, thì đó là do những tiêu chuẩn xã hội về sự nam tính và sức mạnh đều là ưu thế của phái mạnh – bao gồm cả thể chất, trí tuệ, tham vọng, và khả năng kiếm tiền. Đàn ông có khuynh hướng thích những người phụ nữ ít thành đạt hơn họ, với cùng lý do như những người phụ nữ thích đàn ông cao hơn mình vậy. Những nhận thức đã ăn sâu trong đầu như vậy có khả năng gây hại cho tất cả mọi người.
Truyền thuyết kể rằng, những cô nàng Harvard thấy mấy anh chàng Harvard cũng chẳng hấp dẫn mấy. Câu thả thính tâm đắc “Anh học ở Harvard” không còn hiệu quả với cô em dễ thương đó nữa, bởi vì – ngạc nhiên chưa, cổ cũng học ở Harvard luôn. Khi phụ nữ được giáo dục tốt và thành đạt, họ có xu hướng nâng cao tiêu chuẩn về người mà họ sẽ hẹn hò. Mấy cô bạn của tôi thường phàn nàn rằng: “Mấy anh trai ngon lành để hẹn hò đâu hết cả rồi?”
Nhưng, có thể cả hai bên đã quá hà khắc. Những anh chàng ngon lành để hẹn hò có thể ở ngay phía trước, khuất đâu đó trong tầm mắt. Và những cô nàng thông minh mặc áo Harvard cũng chẳng tệ đến thế.

2. Văn hóa hẹn hò nhanh (hook-up culture)

Một phần lý do tại sao người ta không hẹn hò là bởi vì họ không yêu đương.
Thay vào đó, sự phát triển của văn hóa hẹn hò nhanh trong khuôn viên trường đang dần thay thế cái-đáng-ra-phải-là-văn-hóa hẹn hò. Rõ ràng việc “vuốt màn hình sang phải” dễ hơn rất nhiều so với việc bỏ công sức vào một mối quan hệ nghiêm túc, và giá trị của tình dục – được hỗ trợ bằng các ứng dụng như Tinder, Grindr, Bumble, và Hinge – được hạ thấp xuống mức đáng kể.
Hãy xem xét điều này theo một góc độ lịch sử. Thái độ về “đi tàu nhanh” đã thay đổi từ một điều cấm kỵ nghiêm ngặt về tình dục trước hôn nhân trở thành nụ hôn đầu sau 1 tháng tìm hiểu, sau đó là những cuộc vui chóng vánh được thúc đẩy bởi những bữa tiệc ký túc xá đẫm mổ hôi và sự tuyệt vọng, rồi trở thành hình thức phát triển nhất nhiện nay: Tin nhắn hùng hồn lúc 3 giờ sáng rủ “Netflix and Chill?”
Dù vậy thì, bao nhiêu sinh viên thực sự hẹn hò nhanh? Theo khảo sát năm 2015 của lớp cuối cấp Harvard Crimson, 24% sinh viên đang theo học năm cuối vẫn còn nguyên tem. (Có nghĩa là gần ¼ số sinh viên chưa từng QHTD) Mặc dù không có số liệu chính thức nào về việc số sinh viên còn lại hẹn hò nhanh thường xuyên hay không, nhưng dành cả đêm dài cày cuốc tại thư viện phổ biến hơn hẳn việc dành cả đêm dài cày cuốc nhau.

3. Không có thời gian

Có lẽ chỉ đơn giản là họ không đủ thời gian.
Giữa những giờ lên lớp, nộp đơn thực tập, chạy đi chạy lại giữa các câu lạc bộ, tham gia các hoạt động xã hội, duy trì lượng calo, tập thể dục và giả vờ như đi ngủ, thì những mối quan hệ đầy ý nghĩa trở nên vô dụng so với những thứ khác.
Theo Alex Benzer ’93, tác giả cuốn sách “Đạo Hẹn Hò” (Tao of Dating) và một cựu gia sư tiền y khoa ở Cabot House, “Việc biên soạn [cuốn sách cố vấn hẹn hò của tôi] đã kết thúc bởi những đặc trưng hẹn hò trong khuôn viên Harvard khi tôi quan sát họ như một cố vấn, và trước đó, để họ làm bất cứ thứ gì họ muốn như một sinh viên.” Theo như Benzer quan sát, “hẹn hò [ở Harvard] xếp sau các hoạt động ngoại khóa khác, hạng 6 hoặc 7, nằm đâu đó giữa đại diện Liên hợp quốc và tham gia câu lạc bộ cầu lông."
Một CV vượt trội là điều tốt, nhưng nó thường đi kèm với cái giá cho cuộc sống yêu đương. Đáng buồn thay, thành công không phải sự thay thế thích hợp cho mối liên kết chân thành giữa người với người. Một bản lý lịch không thể ủ ấm bạn trong những đêm đông lạnh giá, và tôi có thể chứng minh rằng mùa đông ở Cambridge thực sự rất, rất lạnh.

4. Không giỏi yêu đương

Đây là nguyên nhân chính. Những đứa trẻ ở Harvard có khuynh hướng làm những gì mà chúng giỏi và tránh làm những thứ mà chúng không giỏi. Sau tất cả thì, những thứ như thất bại và bị từ chối khá khó để đối phó – đặc biệt là khi bạn đã thành công trong gần như cả cuộc đời rồi.
Cũng có một định kiến chung rằng những sinh viên học trong khối Ivy League có nhiều kỹ năng học thuật hơn là các kỹ năng xã hội. Theo như lời tác giả của The Dbag Dating Guide to Ivy League Guys “Hãy nhớ rằng, những bạn trẻ này dành cả quãng đời trung học để học hành, chứ không phải để định hình tính cách. Sau đó, cả quãng thời gian đại học của họ được vây quanh bởi những chú gà con cũng dành cả trung học để học hành chứ không phải để phát triển tính cách.”
Mặc dù những định kiến này không phải không có cơ sở, tôi thì cho rằng việc “thiếu cá tính” không hẳn sẽ ảnh hưởng đến việc thu hút người khác. Khá dễ dàng để giảm thiểu rủi ro bằng cách ngồi yên chờ điều gì đó xảy ra, hơn là chỉ làm những điều nhỏ nhặt để cuối cũng không xác định được liệu mình có trên mức tình bạn hay không. Ngày nay, những việc làm như tỏ ra quá hứng thú, nhắn tin 2 lần khi người ta không trả lời tin nhắn, quá thật thà, hoặc không tham khảo ý kiến từ hội chị em bạn dì trước khi thực hiện “bước tiếp theo” được xem là tội lỗi.
Để tia lửa cháy lên, trước tiên cần có một mồi lửa. Hẹn hò chỉ cải thiện trong thực tiễn, và thực tiễn chỉ đến khi chính bạn là người thực hiện. Thật không may, những đứa trẻ ở Harvard thường không thích rủi ro như những anh chàng Joe bình thường khác, điều  này không thể khiến cho buổi hẹn đầu tiên từ tốt trở nên thành công.

Lời cuối

Bạn không cần phải là một tên mọt Toán để nhận ra rằng Harvard là một nơi tuyệt vời để tận hưởng tuổi trẻ và sự cô đơn. Nhưng, nếu xét theo khía cạnh toán học thì chúng ta có một phương trình như sau:
Nhiều lời phán xét + văn hóa hẹn hò nhanh (dưới trung bình) + thiếu thời gian rảnh + sợ bị từ chối + thiếu kinh nghiệm + cái tôi tự phụ = Không tồn tại cảnh hẹn hò.
Bạn hỏi giải pháp cho việc này là gì?
Cứ hẹn hò thôi. Cuộc đời quá ngắn ngủi để cô đơn.
Tôi nhận ra một sự trớ trêu khi bảo những người hạng A trên thế giới hãy bớt nghiêm trọng hóa vấn đề đi một chút. Vì nó không đau đâu. Hầu hết sinh viên vào được Harvard vì họ đã nỗ lực một cách rất, cực kỳ, vô cùng nghiêm túc. Nhưng đồng thời, những nhận thức về bản thân bị thổi phồng chính xác là những gì ngăn cản họ mở lòng với người khác.
Theo ý kiến của tôi, cách tốt nhất ở đây là luôn cởi mở và lạc quan. Sau cùng thì việc chỉ có rất ít sinh viên đang hẹn hò đồng nghĩa với việc có một số dư các nam thanh nữ tú khác đủ điều kiện để hẹn hò trong trường. Nếu có đủ người nói “tới bến luôn” và thực sự làm như thế, thì có thể - chỉ có thể thôi – mọi việc sẽ thay đổi.
Suy cho cùng thì việc mời crush đi uống ly cà phê cũng không đáng sợ như bạn vẫn tưởng.