Chà, có vẻ không phù hợp lắm khi nói về cái chết trên một diễn đàn mà đa số toàn những người trẻ và người viết cũng là một người trẻ. Văn hoá của chúng ta cũng rất kiêng nói về cái chết, cho nó là xui xẻo, nói xằng nói bậy. Tuy nhiên thì có ai trên đời không qua đoạn đó đâu, chẳng qua là sớm hay muộn và bằng cách nào thôi. Và đôi khi tôi thấy ngẫm nghĩ về cái chết sẽ giúp chúng ta sống đúng hơn mỗi ngày. Vì vậy hôm nay viết bài viết này mong bạn đọc không nhìn nó theo cách bi quan tiêu cực mà hãy xem nó như một kim chỉ nam để cuộc đời của chúng ta thêm ý nghĩa nhé.

Cái chết với tôi

Không biết người bình thường thì sẽ như thế nào nhưng cái chết ám ảnh tôi từ khi tôi còn nhỏ. Đó là năm tôi học lớp 4, tôi vẫn nhớ chiều đó ba tôi đón tôi về sau khi tan trường, vẫn chiếc xe đó vẫn chiếc áo đã cũ của ba, không có gì là khác chỉ có điều hôm nay ba không hỏi tôi học thế nào hay nói gì cả, vẻ mặt của ba trầm ngâm như lúc ông đang đọc một tờ báo vậy. Chả hiểu sao tôi cũng im lặng ngoan ngoãn ngồi lên xe, đi tới cổng trường thì ba tôi lặng lẽ nói một câu :"Nay con về nhà đông người có gì thì con đi hỏi ba mẹ nhé, ông cố mất rồi". Tôi cũng bối rối chẳng biết đáp như nào chỉ dạ một tiếng. Tôi nghĩ những gì diễn ra sau đó định hình con người tôi nhiều lắm.
Lúc đó tôi mới học lớp 4, nên tới khi chứng kiến đám ma của ông cố tôi cũng chẳng mảy may suy nghĩ gì nhiều. Chỉ quan tâm tới việc nhà lúc đó đông người quá nên tôi khó ngủ thôi. Vả lại lúc ông mất là 107 tuổi, nên cả người lớn cũng không ai có vẻ quá ngạc nhiên hay đau buồn gì cả. Mọi người đang đến dự với tâm thế của một đám giỗ thì đúng hơn, chắc chỉ khác nhau ở chỗ có nhiều phong tục và mọi người kính trọng hơn thôi. Tôi thì cứ hồn nhiên nghe người lớn sai bảo mà cũng không dám hỏi gì nhiều. Sau vài ngày thì ông được chôn, cuộc sống hằng ngày trở lại bình thường. Và rồi cái "cú sốc đầu đời" của tôi mới bắt đầu. Trong một lần nghịch ở nhà thì tôi kiếm được album ảnh của đám tang. Tôi không biết là do phong tục hay mọi người muốn lưu kỉ niệm lại nữa. Nhưng trong đó có hình của cả đám tang và di hài của ông. Chắc đó là lần đầu tiên tôi nhìn thấy người chết mặc dù là chỉ qua một tấm ảnh. Tâm trí tôi bắt đầu có những câu hỏi: rồi tôi cũng sẽ như thế sao? Cả những người thân của tôi ai rồi cũng như thế sao? Tôi sẽ lạnh ngắt nằm trong cỗ quan tài chứ không được chơi đùa nữa à? Khi nào thì việc này đến? Rồi có ai nhớ đến tôi không?... Nhưng tuyệt nhiên lúc đó tôi không dám hỏi ai. Người lớn thì lúc nào cũng mắng khi bạn nói về cái chết. Sau đó thì tôi không nhớ rõ nữa, tôi chỉ nhớ tầm 1 tháng sau đó tôi ít nói hơn hẳn mà lúc nào cũng suy nghĩ về việc này.

Điều mà thứ gì cũng phải đi qua thôi

Trước khi có trải nghiệm đó thì tôi từng có ước mơ ngay ngô rằng, tôi sẽ mãi mãi nhỏ như thế và gia đình 5 người bé nhỏ của tôi sẽ mãi mãi ở bên nhau dù chuyện gì xảy ra đi nữa. Tôi sẽ luôn có đồ chơi và được ăn ngon hằng ngày. Sau lúc đó thì tôi biết, mọi thứ trên đời này đều sẽ đi đến hồi kết: căn nhà tôi đang ở, cái cây bên đường, chiếc xe này, con đường này, những người tôi đang thấy, và chính cả tôi nữa. Tất nhiên ban đầu ai mà chẳng bi quan khi nghe một điều như thế được chứ, và đừng quên lúc đó tôi 9 tuổi. Nhưng có một điều luôn luôn đúng, là cái gì rồi cũng sẽ chết.

Cái chết không giới hạn

Cái chết cũng có thể hiểu theo nghĩa của sự kết thúc, hiểu theo nghĩa này thì nó bao hàm nhiều thứ hơn so với chỉ cơ thể sinh học của chúng ta. Nó bao gồm từ những thứ vi mô như cái xe, cái cây, căn nhà, con phố đều sẽ đi đến hồi kết thúc của nó. Đến những thứ quan trọng hơn như một mối quan hệ, một công việc, một hệ tư tưởng. To lớn hơn là cả một công ty, tập đoàn hay thậm chí là một quốc gia. Chúng ta nên có một quan niệm rằng mọi thứ hiện hữu đều sẽ đi đến sự kết thúc của nó. Trong mắt chúng ta đó có thể là sự khởi đầu mới, sự nuối tiếc, cơ hội hay rủi ro. Tuy nhiên trong cái lát cắt nhỏ bé đó thì sự chết sẽ và chắc chắn sẽ hiện hữu ở muôn nơi.

Làm sao đây?

Còn tuỳ vào các bạn theo tôn giáo nào, nhưng sự thật là quá khó để nói khi chết chúng ta sẽ đi về đâu nên tôi sẽ tránh nói về vấn đề này. Chúng ta hãy tập trung vào cuộc sống chúng ta hiện tại. Tôi từng được đọc nhiều phương pháp khá hay từ Tây sang Đông về vấn đề này. Có người nói, bạn hãy tưởng tượng về đám tang của chính mình, bạn muốn mọi người nói về mình như thế nào thì hãy sống như thế đấy. Có người lại nói nếu suy nghĩ rằng tối nay ta sẽ chết ( một điều hoàn toàn có thể xảy ra chỉ là khả năng của nó thấp hay cao thôi) thì chúng ta sẽ sống một ngày thật ý nghĩa. Có nhiều tên gọi và nhiều phương pháp khác nhau, nhưng tôi sẽ tạm gọi nó là suy nghĩ về cái chết. Đôi khi chúng ta quá bận tâm tới những thứ vô thưởng vô phạt mà lại chẳng chịu dành 1 phút để nghĩ về thứ chắc chắn sẽ đến và ảnh hưởng mãi mãi lên chúng ta. Vì vậy mà chúng ta lạc lối vào những thứ vô giá trị và làm cuộc sống của chúng ta mất phần ý nghĩa. Nếu chúng ta có thể gạc bỏ định kiến về sự tiêu cực của cái chết rồi, và chúng ta luôn luôn nhận thức được rằng nó sẽ đến. Điều này chắc chắn không làm ảnh hưởng đến cái chết được. Tuy nhiên nó sẽ giúp chúng ta có một cuộc sống thật ý nghĩa, mỗi ngày của chúng ta sẽ thật giá trị, những mối quan hệ không cần thiết và những thứ vô bổ sẽ dần được loại bỏ. Rồi từ đó chúng ta sẽ sống một cuộc đời thật đáng sống.
Sự suy nghĩ này sẽ không dừng lại ở việc chính chúng ta thôi, hãy thử suy nghĩ về những mối quan hệ xung quanh bạn. Từ bạn bè, đồng nghiệp, họ hàng, người yêu, hay thậm chí là gia đình. Dù muốn hay không chúng ta đều phải thừa nhận rằng mọi mối quan hệ đều sẽ đi đến hồi kết thúc của nó, chỉ là trong bao lâu nữa, bằng cách nào, và khi chia ly chúng ta là gì của nhau vậy thôi. Quán chiếu như thế sẽ cho chúng ta một thái độ đúng hơn khi ở với những người xung quanh, từ đó ta sẽ có những mối quan hệ thật tuyệt vời.

Không có gì khó chịu hơn sự nuối tiếc

Cảm giác nuối tiếc thường xuất hiện khi ta đã không làm một thứ gì đó, cũng có thể vì ta đã làm một cái gì đó không đúng, và hiện tại chúng ta không thể làm lại nó nữa. Nó thường xuất phát từ việc không quán chiếu rằng, sẽ có một ngày chúng ta không thể nào quay lại những năm tháng ấy. Tôi nhớ mãi lúc tôi đi làm ở một tiệm cà phê nọ lúc tôi học năm nhất đại học, chị chủ với dáng nhỏ thó nhưng luôn luôn nhanh nhẹn và mạnh mẽ. Chị hơn tôi đúng 10 tuổi, và chẳng hiểu vì lý do gì mà tôi và chị quý nhau lắm. Lúc đó tôi đơn giản là đi làm thêm như bao người bạn khác trong lúc học, lúc rảnh rỗi tôi đi khám phá cái thành phố Melbourne đẹp đẽ này và kết bạn với bất kỳ ai mà tôi gặp. Còn chị thì lại hay kể về những ngày chị mới qua Úc, những câu chuyện như có thời điểm chị làm 3-4 việc một lúc, những loại redbull hay nước tăng lực mà chị buộc phải uống để duy trì cường độ làm việc, những lần chị và anh chồng cãi nhau to đến mức sắp chia tay vì chị làm quá nhiều,... Tôi thì luôn ngưỡng mộ chị, bây giờ vẫn vậy, một con người đam mê thật sự với nghề và không bao giờ tốn một giây hay một neron thần kinh nào cho những việc khác. Chợt một ngày trong lúc tôi đang nói chuyện về việc muốn học thêm khóa học nào đó, chị chợt nói với tôi bằng tiếng Anh :" Thật sự thì chị ngưỡng mộ cuộc sống hiện tại của em lắm, và chị ước gì lúc bằng tuổi em chị cũng sống như thế, vì tiền thì không lúc này thì lúc khác mình có thể kiếm được, nhưng khoảng thời gian tươi đẹp này thì mãi mãi không, it will never be the same again", tôi ngước mặt nhìn chị, mắt chị rưng rưng như sắp khóc vậy.
Cho nên suy nghĩ về cái chết của bất cứ thứ gì, mối quan hệ hay khoảng thời gian, không đơn thuần như mấy tay truyền cảm hứng trên mạng là bạn phải lao đầu vào công việc, lao đầu vào học, lao đầu đi kiếm tiền. Tôi nghĩ làm gì thì đó là sự lựa chọn của mỗi người, chúng ta có những điểm xuất phát khác nhau nên cái "cuộc sống ý nghĩa" của mỗi người sẽ là khác nhau, và chẳng ai có quyền phán xét nó cả trừ khi bạn vi phạm pháp luật. Sau khi suy nghĩ về cái chết và bạn quyết định hôm nay mình sẽ xin nghỉ để đi cà phê với các bạn hay tối nay mình sẽ không tăng ca mà dành thời gian gọi điện cho bố mẹ, hay đơn giản chỉ là nằm ở nhà và nghỉ ngơi. Đó là quyền của mỗi người, những gì tôi đã nói ở trên chỉ là bước khởi đầu cho chúng ta có một sự suy tư nho nhỏ trong đầu, như một hạt giống vậy, một dòng suy nghĩ nói là "tôi sẽ sống thật ý nghĩa" rồi những hành động nhỏ nhặt bắt đầu len lỏi vào cuộc sống của bạn, nó sẽ dần trở thành thói quen. Những thứ mà bạn nghĩ là không có chút ý nghĩa gì sẽ dần bị loại bỏ. Và bạn sẽ sống thật tốt khi trong đầu của bạn có sự hiện diện của cái chết.

Lời kết

Mong bạn đọc sẽ không bi quan về cuộc sống sau khi đọc bài viết này. Nói về cái chết có thể bị cho là bậy bạ "đang sống sờ sờ đây mà nói chết cái gì, nói vậy xui lắm". Chuyện này khá nực cười đối với tôi, vì chúng ta đang tránh bàn luận và tư duy về cái gì đó mà luôn luôn hiện hữu và ai ai cũng biết. Trong hàng triệu cuộc trò chuyện mà chúng ta đã từng tham gia chắc nhiều lắm chỉ có 1% trong số đó là nói về cái chết. Hãy bắt đầu bằng việc suy nghĩ về cái chết, hãy ý thức được nó luôn luôn ở đó. Chỉ cần nhớ tới việc đó tôi, đưa nó từ tầng vô thức lên nhận thức trong não bộ. Chúng ta sẽ dần có những câu trả lời về chính bản thân chúng ta, chúng ta phải sống như thế nào. Nếu đọc được đến đây thì bạn cũng khá gan lì với cái đề tài khó nuốt này rồi đấy, phần tiếp theo của bài viết này về hành động như thế nào sẽ được viết trong cuộc đời của chúng ta. Chúc các bạn có cuộc sống thật ý nghĩa