Tại sao bạn phải đọc "Chúa Ruồi" của William Golding?
Không cần mô tả vì quá hay
1. Giới thiệu tác phẩm
Chúa Ruồi (tên gốc: Lord of the Flies) là kiệt tác văn học kinh điển của nhà văn người Anh đoạt giải Nobel William Golding, xuất bản năm 1954 – sau khi bị hơn 20 nhà xuất bản từ chối vì “quá dở tệ”.
Cuốn sách nói về một nhóm các cậu bé người Anh bị mắc kẹt trên một hòn đảo hoang và cách mà bản năng sinh tồn từng bước bóp nghẹt sự ngây thơ trong chúng – và từ đây thực tại của chúng tan hòa vào ác mộng.
Nhìn chung cuốn tiểu thuyết đã được đón nhận. Nó có tên trong danh sách 100 cuốn tiểu thuyết hay nhất của Modern Library, xếp thứ 41 trong danh sách của biên tập viên và thứ 25 trong danh sách của độc giả. Vào năm 2005, tạp chí Time cũng đưa nó vào danh sách 100 tiểu thuyết hay nhất, phù hợp cho giới trẻ mọi thời đại.
Vì mang tính ẩn dụ và biểu tượng sâu sắc, Chúa Ruồi được phổ biến rộng rãi ở các trường học, đặc biệt là ở các nước nói tiếng Anh.
2. Tóm tắt truyện
Giữa cuộc chiến tranh hạt nhân, một nhóm cậu bé người Anh bị mắc kẹt trên một hòn đảo “không người lớn” ở Thái Bình Dương, sau khi chiếc máy bay chở chúng đi sơ tán gặp nạn.
Nhóm này đại khái được chia thành “những cậu bé nhỏ” – khoảng 6 tuổi và “những cậu bé lớn” – trong độ tuổi từ 10 tới 13.
Ban đầu, cả bọn cố gắng hình thành một nền văn hóa tương tự như trên đất liền. Chúng bầu Ralph – nhân vật chính của truyện làm thủ lĩnh, với lời khuyên và sự giúp đỡ từ Piggy (tri thức của nhóm). Ralph sau đó đã cố gắng thiết lập các quy tắc về nhà ở và vệ sinh, đồng thời coi việc duy trì đám cháy là ưu tiên hàng đầu, với hy vọng một con tàu đi ngang qua sẽ nhìn thấy khói và giải cứu cả bọn.
Quái thay là thằng Jack cũng muốn làm lãnh đạo. Ralph sau đó giao cho Jack chỉ huy một nhóm thợ săn và yêu cầu chúng trông chừng ngọn lửa. Tuy nhiên, Jack cùng đồng bọn đã mải mê săn heo và dần dần lôi kéo những đứa khác rời khỏi Ralph.
Xung đột giữa Ralph và Jack – giữa văn minh và chuyên chế – càng trở nên trầm trọng hơn bởi nỗi sợ hãi của các cậu bé về một con thú thần thoại lang thang trên đảo.
Một đêm nọ, một trận chiến trên không xảy ra phía trên hòn đảo, và một nạn nhân của trận chiến rơi xuống với chiếc dù đã mở của anh ta. Những cơn gió thỉnh thoảng thổi phồng chiếc dù, khiến các cậu bé kinh hoàng khi nhầm xác chết với con thú mà chúng sợ hãi.
Để đối phó với sự hoảng loạn này, Jack đã thành lập một nhóm nhỏ – cuối cùng có sự tham gia của tất cả trừ một số cậu bé. Bọn chúng sau đó vẽ vằn vện, đi săn và biểu diễn các điệu múa nghi lễ của bộ lạc. Cuối cùng, nhóm của Jack thực sự giết một con lợn nái, xẻ thịt và đặt riêng đầu lợn lên cọc nhọn – coi như làm vật hiến tế cho ác thú.
Trong số tất cả cậu bé, chỉ có Simon đủ can đảm để tự mò vào rừng và khám phá ra danh tính thực sự của con quái vật. Sau khi chứng kiến cái chết của con lợn nái và cái đầu của nó, Simon bắt đầu bị ảo giác, và cái đầu lợn bị đóng cọc kia trở thành Chúa Ruồi, truyền đạt cho Simon điều mà cả bọn vẫn nghi ngờ: Chẳng có con thú nào lởn vởn trên đảo cả, mà nó ẩn chứa trong tâm hồn mỗi cậu bé. Tới đó, Simon bất tỉnh.
Sau khi tỉnh dậy, Simon lại tìm lên đỉnh núi và phát hiện rằng con quái vật chỉ là một phi công tử nạn. Cố gắng truyền tin này cho những cậu bé khác, Simon tình cờ tham gia vào điệu nhảy điên cuồng của các cậu bé. Cho rằng Simon là con quái vật kia, cả bọn đã đánh cậu tới chết.
Chẳng mấy chốc, chỉ còn vài người ở lại cùng Ralph. Một buổi tối, nhóm Jack đánh cắp kính của Piggy để đốt lửa nấu ăn, đồng nghĩa Ralph không thể duy trì ngọn lửa tín hiệu của mình. Khi nhóm Ralph tìm tới bộ tộc của Jack để đòi lại chiếc kính, Roger đã thả một tảng đá lớn vào Piggy và giết chết cậu. Sau đó, bộ lạc bắt hai anh em sinh đôi Sam và Eric nhập bọn, bỏ lại Ralph một mình.
Để truy lùng và giết Ralph, Roger thậm chí đã vót nhọn hai đầu của một cái cọc để xiên đầu Ralph qua đó, và chúng thiêu rụi khu rừng để cậu buộc phải mò ra. Đúng lúc này thì một con tàu đi qua nhìn thấy khói từ ngọn lửa, và một sĩ quan hải quân Anh đến bãi biển đúng lúc để cứu Ralph khỏi cái chết dưới bàn tay của những “cậu học sinh man rợ”.
3. Phân tích truyện
Theo các tài liệu giảng văn nước ngoài có chuyên đề về Chúa Ruồi thì đây là một tác phẩm văn học đầy ẩn dụ và nhiều biểu tượng.
Tên truyện
Chúa Ruồi vốn dịch nguyên từ Beelzebub – một từ trong tiếng Hebrew của dân Do Thái – nghĩa là “Ác quỷ” trong Tân ước. Ngoài ra, tác giả còn đặt tên cho mấy nhân vật chính dựa trên vai trò, tính tình hoặc số phận của chúng.
Sự xung đột trung tâm
Xung đột chính của Chúa Ruồi là sự đối lập giữa Ralph và Jack. Cuộc chiến giành chức lãnh đạo hòn đảo tượng trưng cho hai thái cực – một bên là nền dân chủ văn minh, tiến bộ của Ralph và bên còn lại là chế độ độc tài, quân phiệt, bạo lực bởi Jack.
Ralph và Jack (và cả những cậu bé khác ủng hộ họ) tượng trưng cho những giá trị và khía cạnh khác nhau trong đời sống xã hội. Ralph đại diện cho luật pháp, nghĩa vụ, dân chủ và bảo vệ kẻ yếu thế; trong khi Jack đại diện cho bạo lực, độc tài, đàn áp bằng nỗi sợ và thể hiện mặt tối trong mỗi con người.
Cả hai cậu bé đều sở hữu những phẩm chất của một nhà lãnh đạo tiềm năng, và mặc dù Jack ban đầu vẫn nghe theo chỉ thị của Ralph, sự căng thẳng dần dần leo thang và cuối cùng là dẫn tới trận chiến sinh tồn.
Ralph
Ralph là nhân vật chính của Chúa Ruồi, được miêu tả là người có vẻ ngoài hấp dẫn và mang tố chất lãnh đạo bẩm sinh. Cậu là người đã thổi chiếc tù và triệu tập toàn bộ 13 đứa trẻ và sau đó được bầu làm thủ lĩnh.
“Nhưng cái cách Ralph ngồi im lặng khiến nó nổi bật hẳn lên, rồi thân hình to lớn của nó, vẻ ngoài hấp dẫn của nó và điều kỳ bí nhất, song mạnh mẽ hơn cả, đó là chiếc tù và. Cái kẻ đã thổi tù và, ngồi trên vỉa đá chờ đợi chúng với cái vật dễ vỡ kia trên đầu gối, hẳn phải khác thường.”
Xuyên suốt truyện, Ralph là đại diện của trật tự, văn minh và khả năng lãnh đạo. Trong khi hầu hết các cậu bé khác mới đầu chỉ quan tâm tới việc chơi đùa, vui vẻ, săn bắn và trốn tránh công việc, thì Ralph đã nghĩ tới việc xây dựng lều và nhóm lửa để nuôi hy vọng được giải cứu. Ralph và Piggy đều có tầm nhìn xa, tuy nhiên Ralph không được thông minh như cậu bạn thân. Ở chiều ngược lại, Piggy dù đại diện cho trí tuệ nhưng lại không có tố chất lãnh đạo, vậy nên sẽ hợp lý hơn khi Piggy đứng ở vai trò cố vấn cho Ralph.
Quyền lực và sức ảnh hưởng của Ralph đối với những cậu bé khác được đảm bảo ở phần đầu tiểu thuyết. Tuy nhiên, khi sự biến chất bắt đầu lan rộng, cả nhóm dần khuất phục trước bản năng man rợ nguyên thủy, vị trí của Ralph giảm sút nhanh chóng và Jack trỗi dậy. Cuối cùng, hầu hết các cậu bé (trừ Piggy) rời nhóm Ralph để đến với Jack, và sau khi Piggy chết, Ralph chỉ còn lại một mình.
Cam kết của Ralph với nền văn minh và đạo đức rất mạnh mẽ, và mong muốn sâu thẳm nhất trong cậu luôn là được giải cứu và trở về nhà. Cậu đã luôn mơ về ngôi vườn với những con ngựa pony, những cuốn sách “dành cho bé trai”,... và chính sức mạnh đó đã giúp Ralph chiến thắng về mặt tinh thần ở phần cuối tiểu thuyết, khi cậu ném Chúa Ruồi (đầu heo trên cọc nhọn) xuống đất và cầm lấy cây cọc để tự vệ trước bè lũ của Jack.
Jack
Nếu như Ralph đại diện cho văn minh, dân chủ thì Jack sẽ là mặt tối của nền văn minh đó – bản năng man rợ, bạo lực và chuyên chế. Ngay từ đầu, Jack đã tỏ ra khao khát quyền lực hơn tất cả những thứ khác.
“Tao phải làm thủ lĩnh, vì tao ở trong đội đồng ca của nhà thờ và là trưởng lớp.”
Trước khi mắc kẹt tại hòn đảo này, Jack là trưởng nhóm hợp xướng ở trường. Nói cách khác, Jack đã khá quen với việc cầm đầu và nhận thức được về các quy chuẩn đạo đức cơ bản mà xã hội đã truyền dạy.
Lần đầu tiên gặp một con lợn, cậu ta không thể giết nó. Nhưng Jack nhanh chóng bị ám ảnh bởi việc “phải giết” và hết mình vì nhiệm vụ đó. Cậu ta bắt đầu buông thả bản thân, tô vẽ khuôn mặt mình như một tên thổ dân và chìm vào cơn khát máu. Jack càng biến chất bao nhiêu, các thành viên khác càng khiếp sợ hắn và chịu phục tùng hắn bấy nhiêu.
Simon
Trong tiếng Hebrew, Simon là “kẻ sẵn lòng lắng nghe”, mở lòng với mọi người; giống như thánh tông đồ Simon Peter của Chúa Jesus, Simon bị động kinh. Ở châu Âu xưa, dân gian cho rằng người bị động kinh có sức mạnh tâm linh, trò chuyện được với thần thánh, nên Simon là đứa duy nhất “trò chuyện” được với Chúa Ruồi.
Trong truyện, Raplh và Jack đứng ở hai cực đối lập của quang phổ giữa nền văn minh và sự man rợ, thì Simon lại đứng trên một bình diện hoàn toàn khác. Cậu là hiện thân của lòng tốt bẩm sinh, nguyên thủy như cái bản năng của Jack. Ở một mức độ nào đó, ngay cả Ralph và Piggy cũng chỉ là sản phẩm của một nền văn minh nhân tạo – khi người ta đe dọa trừng phạt đối với những hành vi sai trái – từ đó ép cho đạo đức vào khuôn khổ. Simon luôn ở một mình và tránh xa các thú vui giết chóc hay nhảy múa – trong khi Ralph và Piggy đôi khi vẫn khó lòng khước từ.
Không như các cậu bé khác, Simon hành động có đạo đức không vì cảm giác tội lỗi hay “người nớn sẽ nghĩ gì” như cách Piggy vẫn nói, mà vì cậu tin vào giá trị vốn có của đạo đức. Chính vì vậy, Simon là người đầu tiên nhận ra bản chất của Chúa Ruồi: con quái vật trên đảo không phải là một con thú vật chất có thật mà là một loài dã man ẩn nấp bên trong mỗi con người. Tuy nhiên cậu đã không đủ may mắn để nói ra điều đó với mọi người và phải chịu một cái chết tức tưởi.
Piggy
Piggy có nghĩa là heo con, để rồi cuối cùng Piggy phải chịu chung số phận khốn khổ như những con heo bị giết.
Trong truyện, Piggy là đứa bị châm chọc nhiều nhất vì vẻ ngoài “béo ị”. Cậu ta mắc bệnh suyễn, bù lại bằng một cái đầu biết suy tính. Tuy nhiên, Piggy không có vẻ ngoài hấp dẫn và khả năng lãnh đạo như Ralph hay Jack, vì vậy cậu luôn xuất hiện dưới vai trò cố vấn.
Roger
Roger trong tiếng German cổ là “cây lao”, và hình ảnh ẩn dụ này được tác giả nhắc tới rất nhiều trong truyện. Nếu Jack là một tên bạo chúa man rợ, hẳn Roger chính là gã đao phủ khát máu.
Quá trình tha hóa của Roger là hình ảnh ẩn dụ cho sự phát triển tính xấu của con người nếu không được nền văn minh kiềm hãm. Ban đầu, Roger được miêu tả là một thằng “mảnh khảnh, lặng lẽ, không quen ai trong nhóm, chỉ kín đáo thui thủi một mình.” Nhưng càng về cuối truyện, Roger càng gây ám ảnh.
Ban đầu, Golding đã khéo léo đan cài chi tiết Roger ném đá Henry trên bãi biển. Mặc dù chủ tâm không ném trúng Henry mà chỉ ném chơi chơi để trêu chọc, phân đoạn này báo hiệu xu hướng bạo lực trong Roger đang tăng dần và chắc chắn tiếp đó sẽ vượt khỏi ranh giới. Cái chết của Piggy tại Tòa Thành Đá chính là làn ranh giới đó.
Sam và Eric
Sam và Eric là hai anh em sinh đôi trên đảo, thường được gọi như một người duy nhất, Samneric, và trong hầu hết truyện thì hai nhóc này ủng hộ Ralph. Vì còn nhỏ, Sam và Eric rất dễ bị kích động, thường xuyên kết thúc câu nói của nhau.
Giống như Ralph và Piggy, Sam và Eric có tham gia vào cái chết của Simon, nhưng khăng khăng rằng họ rời buổi tiệc sớm vì quá mệt. Sau cái chết của Piggy, Sam và Eric bị ép gia nhập bộ tộc của Jack và Roger là kẻ đứng ra tra tấn chúng.
Dù đã cố gắng cảnh báo Ralph về kế hoạch săn lùng của Jack và Roger, cặp song sinh vẫn buộc phải tiết lộ nơi ẩn náu của Ralph ngày hôm sau.
4. Các hình ảnh ẩn dụ khác trong truyện
Dưới đây là một vài hình ảnh ẩn dụ khác trong truyện:
*Chiếc tù và tượng trưng cho lý trí, quyền tự do phát biểu và nền trật tự dân chủ mà Ralph cùng Piggy cổ xúy – đối lập với kiểu bạo lực, chuyên chế của Jack, Roger và đồng bọn. Golding đã gọi chiếc tù và là “vật dễ vỡ” – nghĩa là nền trật tự dân chủ kia vốn dĩ đã rất lung lay. Tại cuối truyện, chiếc tù và nát thành trăm mảnh và Ralph chỉ còn lại một mình – đồng nghĩa việc nền văn minh mà cậu cố gắng duy trì đã bị lấn át bởi sự chuyên chế của Jack.
*Mắt kính của Piggy tượng trưng cho trí tuệ, tầm nhìn. Việc Piggy thường xuyên lau kính là để tầm nhìn không bị che lấp và đi chệch hướng khỏi mục tiêu ban đầu. Đây có lẽ là chi tiết quan trọng nhất của truyện – vì mắt kính là thứ duy nhất giúp bọn trẻ tạo ra lửa và được cứu. Dù cuối cùng ngọn lửa cũng hoàn thành nhiệm vụ của nó – nhưng lại đến từ việc Jack thiêu rụi khu rừng để săn đuổi Ralph.
*Hành động vẽ vằn vện lên mặt như những tên thổ dân tượng trưng cho sự sa đọa, buông thả và biến chất.
*Giết heo mẹ tượng trưng sự dứt bỏ mọi luân lý, đạo đức, hủy diệt tự nhiên.
*Chúa Ruồi (đầu heo trên cọc nhọn) vốn dịch nguyên từ Beelzebub – một từ trong tiếng Hebrew của dân Do Thái – có nghĩa “Ác quỷ” trong Tân ước. Khi Simon nói chuyện với Chúa Ruồi, hắn đã nói hắn không phải là con quái vật mà ta có thể nhìn thấy hay bắt được, hắn tồn tại trong chính mỗi đứa trẻ, tức là phần “con” trong mỗi “con người”.
*Ngọn lửa tượng trưng cho hy vọng và sự cứu rỗi. Đối với lũ trẻ, ngọn lửa là mọi thứ – thứ để sưởi ấm, để nướng thịt, và quan trọng nhất là thứ để nuôi niềm hy vọng được cứu. Niềm hy vọng này cũng là thứ thôi thúc Ralph và đám trẻ cùng nhìn về một hướng và trung thành với một tầm nhìn chung. Cùng với chiếc kính của Piggy, ngọn lửa là hai chi tiết quan trọng nhất trong mạch truyện.
Mỗi khi ngọn lửa bị tắt, những suy nghĩ kỳ lạ sẽ bắt đầu nhen nhóm trong từng thành viên. Ngọn lửa tắt càng lâu, sự biến chất sẽ càng rõ rệt. Khi ngọn lửa bị “đánh cắp” bởi Jack, Ralph – người có đức tin nhất trong cả đám – thậm chí còn quên mất lý do tại sao mình phải duy trì ngọn lửa.
*Đàn bướm vẫn lượn lờ khi heo mẹ bị giết tượng trưng cho sự vô cảm, lãnh đạm của con người trước cảnh giết chóc tàn bạo.
*Nỗi sợ rắn hay con quái vật tượng trưng cho việc con người thường đổ lỗi ác quỷ tới từ bên ngoài, trong khi ác quỷ thực sự nằm ở bên trong bản ngã mỗi người.
Truyện không có hậu, vì tuy Ralph được cứu khỏi họa thảm sát, rồi lũ trẻ được cứu khỏi hoang đảo, nhưng chúng chưa và có thể sẽ không thoát khỏi cảnh giết chóc. Chi tiết cuối truyện dưới đây đã làm rõ điều đó:
“Giữa bọn chúng, Ralph, bẩn thỉu, tóc rối bù, mũi dãi lòng thòng, khóc than cho sự thơ ngây đã chết và lòng dạ đen tối của con người, khóc cái ngã từ trên cao xuống đến chết của người bạn chân thành và khôn ngoan tên là Piggy.”
Cuộc chiến giữa những cậu nhóc chỉ tàn phá một khu rừng và gây ra cái chết cho ba đứa trẻ vô tội, nhưng cuộc chiến giữa “người lớn” thì sao?
Chúa Ruồi không chỉ là mối trăn trở giữa Thiện và Ác trong mỗi con người, đó còn là lời cảnh tỉnh của tác giả William Golding.
Về tác giả William Golding
William Golding sinh ngày 19 tháng 9 năm 1911 tại Cornwall, nước Anh. Mặc dù cố gắng viết tiểu thuyết ngay từ khi mới 12 tuổi, cha mẹ đã thúc giục ông theo học các ngành khoa học tự nhiên. Golding làm theo nguyện vọng đó, đến năm thứ hai tại Oxford thì ông chuyển hướng sang văn học Anh.
Sau khi tốt nghiệp Oxford, ông làm việc một thời gian ngắn với tư cách một diễn viên và đạo diễn sân khấu, làm cả thơ và sau đó gắn mình với công việc giáo viên. Năm 1940, một năm sau khi Anh tham gia Thế chiến II, Golding gia nhập Hải quân Hoàng gia, nơi ông phục vụ với tư cách chỉ huy một bệ phóng tên lửa và tham gia cuộc xâm lược Normandy.
Trải nghiệm chiến tranh kinh hoàng có ảnh hưởng sâu sắc đến quan điểm của Golding về loài người và những điều xấu xa họ có thể gây ra. Sau chiến tranh, ông tiếp tục dạy học và bắt đầu viết tiểu thuyết – dưới sự khích lệ của vợ.
Mới đầu, khoảng hai mươi nhà xuất bản ở Anh đã từ chối bản thảo của Golding. Cuối cùng, cuốn sách được nhà xuất bản Faber and Faber tại Luân Đôn phát hành do một biên tập viên trẻ tuổi nhìn thấy tiềm năng sáng giá của nó.
Phải tới hai, ba năm sau, cuốn tiểu thuyết mới được đón nhận – nhưng ở thị trường Mỹ. Điều này khá dễ hiểu vì người Anh vừa trải qua hai cuộc thế chiến thảm khốc, họ đâm ra kỵ loại truyện có nội dung u ám, bi quan.
Từ đó Chúa Ruồi trở nên nổi tiếng, được đưa vào giáo trình văn học ở Anh, Mỹ và nhiều nước châu Âu. Tác phẩm còn được dựng thành phim hai lần – năm 1963 và 1990.
Sách bán chạy giúp Golding an tâm nghỉ việc dạy học và chuyên tâm vào viết lách. Sau Chúa Ruồi, ông cho ra đời nhiều tiểu thuyết và vở kịch khác, phần lớn đều mang nỗi trăn trở về hai chữ Thiện và Ác của con người.
William Golding nhận giải Nobel Văn học năm 1983 và qua đời 10 năm sau đó. Ông là một tác giả được kính trọng và nổi tiếng bậc nhất nửa sau thế kỷ XX.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất