Hi,
    Bắt đầu thôi.

Cre: @kellysikkema (unsplash.com)
    Cách đây cũng khá lâu, mình có đọc bài viết "Chúng ta là những bụi sao trời" của tác giả Elbe040. Sau đó, qua tìm hiểu, mình biết đến việc mỗi người chúng ta đều được cấu thành từ rất nhiều hạt bụi sao (stardust). Khi thời gian trôi qua, cơ thể của chúng ta liên tục có những hạt bụi sao rời đi và những hạt bụi sao mới được thay thế vào. Trên một phương diện nào đó, điều này có nghĩa là, mỗi khoảnh khắc trôi qua, chúng ta không còn là phiên bản của chính mình trước đó nữa. Ở một liên tưởng khác, những trải nghiệm đến từ việc ăn cơm lúc 7 giờ sáng nay chắc chắn không còn giống với trải nghiệm ăn cơm lúc 7 giờ sáng hôm qua. Chỉ là điều này quá nhỏ và ít quan trọng để bạn có thể nhận ra và nhớ được. Nhưng còn những trải nghiệm rõ ràng hơn thì sao? Hôm nay mẹ bạn kể một câu chuyện cười thú vị đến mức khiến bạn vui vẻ cả ngày. Qua ba ngày sau, bạn vẫn còn nhớ câu chuyện và kể lại được gần như 90%. Một tuần sau, 70%. Một tháng sau, 50%. Nhưng sau 10 năm nữa, bạn vẫn còn nhớ chứ? Hôm nay, đó chỉ đơn giản là một câu chuyện cười. Sau 10 năm nữa, nó có thể đã trở thành một kí ức đắt giá. Mọi thứ đều thay đổi và khác biệt ở những khoảnh khắc khác nhau. Vì vậy, (vào vấn đề rồi đây) hi vọng những điều mình vừa bịa ra (đùa đấy, mình không bịa) sẽ trở thành một trong những lí do để bạn bắt đầu có một quyển nhật kí và không bỏ qua hay lỡ quên mất những trải nghiệm đáng quý của mình.
    Nếu đã có trong tay quyển sổ rồi, nhưng ngay khi vừa mở ra trang đầu tiên, bạn đang phải thốt lên những câu kiểu như "Wtf? Rồi sao nữa?", "Cái này dùng để ghi ngày tháng năm à?" thì ngay bây giờ, bạn có thể chuyển đến phần gợi ý tiếp theo của mình: Một vài kiểu viết nhật kí mà bạn có thể áp dụng. (Thật ra chủ yếu là nghe mình kể chuyện)
1. Kiểu "nhà văn": Sắp xếp những sự việc hay những điều đặc biệt của những người xung quanh thành câu chuyện.
    Hồi cấp 2 mình có đọc dở một quyển truyện, đến giờ mình không còn nhớ rõ tên của nó nữa. Mình chỉ nhớ, cô bé nhân vật chính có một quyển sổ. Trong đó có ghi lại từ những thông tin cơ bản, sở thích, thói quen hằng ngày, những điều đặc biệt liên quan đến những người hàng xóm xung quanh. Mỗi người đều được dành riêng một phần trong quyển sổ. Những câu chuyện về họ đều được được cô ghi lại, cảm nhận, xâu chuỗi. Như vậy, kiểu này không chỉ ghi lại được câu chuyện từ những người xung quanh mình, mà còn ghi lại được cảm xúc của chúng ta dành cho họ nữa. Bạn nào có sở thích viết truyện thì kiểu nhật kí này lại càng phát huy tác dụng vì thỉnh thoảng sẽ có những chi tiết trở thành chất liệu hay ho. Mình là kiểu người thường hay nghĩ về những người xung quanh. Từ những việc như hôm vừa rồi mẹ mình chiên giúp cho cậu mình một cái trứng nhưng lỡ tay làm nó bị cháy một bên và mẹ giấu phần cháy đó ở bên dưới để không ai nhận ra, cho đến chuyện mình nhận ra một đứa bạn của mình đi comment dạo trên Youtube được lên top, mình đều cảm thấy khá.. thú vị. Thế nên hồi trước mình cũng nhiều lần có ý định thực hiện kiểu nhật kí này, nhưng vẫn chưa từng bắt đầu vì cái list này phải có nhiều người lắm và mình chưa biết phải bắt đầu từ ai. (Đùa đấy, chủ yếu là do mình lười thôi)
Đây là ảnh cái trứng mình kéo từ trên mạng xuống cho các bạn xem đỡ mỏi mắt chứ không phải trứng do mẹ mình chiên đâu. Cre: @itstrevinooo (unsplash.com)
2. Kiểu lá thư: Chọn một nhân vật (có thật hoặc tự nghĩ ra) mà bạn muốn người đấy sẽ đọc được những suy nghĩ của mình. Sau đó, viết nhật kí theo kiểu những lá thư cho người đó và gửi (hoặc không gửi) đến họ.
    Cũng đã khá lâu rồi mình chẳng đánh động gì đến việc viết nhật kí. Cho đến gần đây, khi một vài đám suy nghĩ hơi lộn xộn bắt đầu xuất hiện với tần suất ngày càng dày đặc hơn. Bạn bè và gia đình có thể lắng nghe, trên một phương diện hay trong một phạm vi nào đó. Mình biết, họ không thể hiểu rõ cảm nhận của mình, cũng như ngược lại. Trong những cuộc trò chuyện, đặc biệt là tâm sự, ngôn ngữ vẫn có hạn chế của nó. Bên cạnh đó, trước giờ, kể cả khi càng lớn, mình càng cảm thấy bất kì lời khuyên nào cũng không thể lấp đầy được những khoảng trống bên trong mình. Thế nên, một cách rất tự nhiên thôi, mình quay về với quyển nhật kí. Cơ mà lần này, mình nghĩ ra một cách có vẻ phù hợp với các vấn đề trên của mình: viết nhật kí gửi cho chính mình trong tương lai. Từ đây, mình sẽ dùng từ "cậu ấy" thay cho từ "chính mình trong tương lai" để mọi người đỡ bị rối khi đọc bài.
    Mỗi khi gặp vấn đề gì khó nghĩ, hay khó đưa ra lựa chọn, mình sẽ nhấc bút lên, mở sổ, ghi nó ra và đặt bản thân vào vị trí của cậu ấy, cố hình dung xem là cậu ấy nghĩ về vấn đề của hiện tại như thế nào. Có những chuyện làm mình khá đau đầu, nhưng đối với cậu ấy có lẽ chỉ là chuyện vặt vãnh. Có khi cậu ấy còn ganh tị với mình của hiện tại khi không còn được những trải nghiệm hay cảm xúc như vậy. Ý nghĩ này làm mình cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Hôm nào có sự việc gì ý nghĩa xảy đến, mình sẽ kể với cậu ấy. Vì biết đâu, cậu ấy đang phải trải qua những ngày tháng thật sự khó khăn. Khi mở lại quyển sổ này, những sự việc ý nghĩa của mình có thể tiếp thêm cho cậu ấy một chút động lực để vượt qua chúng.
    Bằng cách đó, mình có một người bạn tuyệt đối trung thành, thấu hiểu và đáng tin cậy để than vãn, cũng là người đưa ra cho mình những lời khuyên phù hợp nhất. Còn trong cuốn sách "Nhật ký Anne Frank", nhân vật chính đặt tên cho quyển nhật kí là Kitty và xem đó như là một người bạn của mình.  Khi viết cho người khác, cảm giác cô đơn sẽ vơi đi phần nào. Bạn có thể viết cho ai tùy thích, cho Doreamon, Conan, Elsa hay Batman gì cũng được. 

3. Kiểu chuyên môn: Ghi lại những cảm nhận, ý tưởng, những kiến thức mới, câu chuyện liên quan đến lĩnh vực chuyên môn của bạn.
    Phải khoe chuyện này một tí. Ngay lần đầu tiên mình chơi trò mini game trên mạng đã may mắn trúng được một quyển sách có tên là "Nhật kí bị lãng quên". Đến giờ mình chỉ còn nhớ là nhân vật chính khi dọn đến căn nhà mới đã nhặt được quyển nhật kí của người chủ trước để lại. Chủ sở hữu của quyển sổ đấy là một giáo viên tiểu học đã qua đời vì một tai nạn giao thông. Trong đó, cô ghi lại những lo lắng khi mới bắt đầu công việc,  những điều cô đã nhận ra được trong quá trình "gõ đầu trẻ", cách mà cô đã áp dụng để dạy bọn chúng và tính hiệu quả hay thất bại của nó, hoặc những điều cảm động mà cô nhận lại được từ đám học trò của mình. Hồi ấy, sau khi đọc xong mình còn có ý định trở thành một giáo viên nữa cơ. Dù sau đó mình đã không theo nghề này, nhưng ít nhất thì quyển đó cũng cho mình một cái nhìn khá ấn tượng về giáo viên. Trong cuốn "Người đan chữ xếp thuyền" cũng có nhắc đến thầy Matsumoto, là một người biên tập từ điển. Cứ mỗi lần thầy nghe được từ ngữ mới, thường ghi lại những từ đó và ý nghĩa của chúng vào trong một quyển sổ. Còn trong cuốn "Côn trùng ký", tác giả Jean Henri Fabre - một nhà tự nhiên học - kể lại câu chuyện, hoạt động trong cuộc sống của một số loài côn trùng, về những đặc tính, tập tính của chúng một cách rất sinh động. Nghe như ông đang kể chuyện về những người bạn của mình vậy.
    Bạn có thể áp dụng như những người này nếu làm đang cùng lĩnh vực với họ, hoặc tự thiết kế theo nghề nghiệp, chuyên môn của mình. Chỉ đến bây giờ, khi ngồi gõ những dòng này, mình mới nhận thấy kiểu ghi nhật kí này khá là có ích trong việc phát triển của bản thân. Không nhất định là nghề nghiệp, có thể ghi về lĩnh vực mà bạn thích như là phim ảnh, âm nhạc, nấu ăn hoặc một ý tưởng vừa mới nảy ra hay gì đó chẳng hạn. Vì chỉ là nhật kí nên không cần phải thấy áp lực hay cố gắng nhiều làm gì. Thoạt đầu, bạn có thể chỉ ghi những ý nghĩ thô, nhưng qua thời gian, sau khi xâu chuỗi lại, kết hợp với những ý tưởng mới, ý nghĩ thô đó có thể biến thành một một thứ gì đó đặc biệt hơn, như một lẽ tự nhiên. Mình đoán vậy.

4. Kiểu "soi gương": Viết về sự thay đổi của bản thân so với ngày hôm qua.
    Lại đến từ một quyển sách mà mình không thể nhớ tên, trong đó có nhắc đến thói quen ghi nhật kí của một nhân vật nổi tiếng nào đó mà mình cũng quên tên nốt. Thật xin lỗi vì sự bất tiện này. Nhưng thôi, mọi người chỉ cần biết là ông đấy hay ghi nhật kí kiểu đối chiếu bản thân với chính mình ngày hôm qua. Theo như mình nhớ được thì ông ấy dùng cách này để theo dõi xem hôm nay mình đã tiến bộ hay là thụt lùi hơn so với ngày hôm trước như thế nào để điều chỉnh chúng. Thay vì áp lực trong việc so sánh mình với người khác, bằng cách này, giờ bạn có thể tập trung hơn vào chính bản thân mình. Thay vì chỉ trông chờ những thành quả lớn lao, bạn có thể trân trọng những nỗ lực nhỏ nhặt hằng ngày của mình.  
_________________________________
    Phía trên chỉ là những gợi ý của mình. Hi vọng là nó sẽ có ích trong một phạm vi nào đó đối với các bạn. Mình rất sẵn lòng để nghe những kiểu khác mà các bạn đang dùng cho quyển nhật kí của mình hay bất cứ điều gì liên quan đến chủ đề cũng như bài viết. Đặc biệt, nếu mình mắc lỗi sai gì trong bài, hi vọng các bạn có thể góp ý, kể cả lỗi chính tả. Cuối cùng là một câu ngạn ngữ được nhắc tới trong quyển "Nhật ký Anne Frank", có lẽ phù hợp để chốt lại chủ đề này:
Paper has more patience than people.
Cảm ơn vì đã đọc bài viết này.
Vẫn là một link nhạc, cũng là phim ngắn nhé: https://www.youtube.com/watch?v=fzQ6gRAEoy0