Mai lại là ngày cúng ông Công ông Táo rồi!
Từ đợt bắt đầu thuộc lòng “Sống mòn” của Nam Cao, chẳng lần nào đến ngày 23 tháng Chạp này mà mình không có chút gợn gợn, bởi mấy dòng, đơn giản, mà lại vô cùng tinh tế và thể hiện một khả năng quan sát đánh giá quá chất của một trong những cây bút thiên tài đặc sắc nhất của nền văn học nước nhà:
“Thứ không tin lắm. Y thấy cuộc đời ở nhà quê chẳng vui gì. Người nhà quê làm quần quật suốt ngày như một kẻ chung thân bị khổ sai mà chẳng có quyền nghĩ đến gì hơn, ngoài mỗi ngày mấy bữa cơm gạo đỏ như nâu, độn ngô khoai, mà họ ăn chẳng đủ no, ăn mải mốt vội vàng, như chỉ cốt ngốn thật nhiều, cho đầy bụng thì thôi, chẳng kịp biết ngon. Họ sống dò dẫm, tối tăm, nhút nhát, suốt đời chỉ những sợ cùng lo: Mưa nhiều lo, nắng nhiều lo, nước lớn lo, gió to lo… Họ lo những tai họa của trời của đất, của sông, họ lo những sự nhũng nhiễu của thần thánh, quỷ ma; họ lo trộm cướp ban đêm và những trộm cướp ban ngày … những người luôn luôn tính toán nhưng lại tính rất nhầm, họ tiếc, không dám giết một con gà cho bố mẹ ăn, nhưng nếu bố mẹ chết đi lại rất có thể giết đến mấy con bò để làm ma thật lớn. Những người rất ngờ nghệch nhưng lại rất đa nghi, chẳng khó gì mà có thể khiến cho họ tin rằng một con cá chép vừa hóa thành một ông lão tóc bạc phơ để nói thành lời báo tin đói kém, mất mùa …”
Đó, thử hỏi làm sao mà đọc xong chẳng phải lắc đầu, mà môi vẫn phải nhoẻn cười, với cái chân chất, thật thà, mà lại có phần mê tín trong suy nghĩ, trong cái truyền thống của dân tộc: “Những người rất ngờ nghệch nhưng lại rất đa nghi, chẳng khó gì mà có thể khiến cho họ tin rằng một con cá chép vừa hóa thành một ông lão tóc bạc phơ để nói thành lời báo tin đói kém, mất mùa …”
...
Mấy năm gần đây mình cũng để ý hơn, cũng đi hỏi anh này chị nọ, những người mà dù đi làm bận thế nào cũng phải trước 12 giờ trưa mua bằng được con cá mang về đặt lên bàn thờ. Nhưng được cái, hỏi cả chục người đều như một, cấm có suy nghĩ gì, chỉ bảo truyền thống là thế thì mình theo thôi, bố mẹ mình làm thế nào thì mình cứ thế mà tiếp tục.
Ừ thì, có thể cái truyền thống này đã rất đẹp, rất nhân văn, ngày xưa, khi mà thả cá ra sông, ra hồ là để chúng thỏa chí vẫy vùng, và cũng là một hành động đẹp với môi trường.
Tuy nhiên, cứ nhìn cái cảnh bây giờ, đứng bậc thang thả cá xuống hồ, mà nhìn ra cách có độ trăm mét là cả 5 7 chiếc thuyền, mấy anh zai chờ đón sẵn, một tay lăm lăm cái vợt cái lưới, một tay cắp điếu thuốc, mắt đăm chiêu, chờ vớt vài chú là lại đánh thuyền ra chợ làm thêm vài lượt
thì thử hỏi nhân văn ở đâu!
Không những bị bắt, mà còn là chích điện để bắt hẳn hoi cơ!
Không những bị bắt, mà còn là chích điện để bắt hẳn hoi cơ!
Vậy nên, thôi thì, mình nghĩ sau này về mà phải cúng, mình sẽ lấy tiền mua cá ấy để mua cái gì đó cho người nào đó nghèo thật nghèo, nấu hay rửa đi rồi đặt lên bàn thờ tâu lên với ông Công ông Táo rằng năm nay nhà cháu cũng ổn, vậy nên cháu mua cái này giúp người, nhờ các ông cám ơn bác Ngọc Hoàng hộ cháu, và tiếp tục phù hộ cháu năm sau. Tất nhiên trên bàn thờ sẽ nhớ để thêm ít tiền (cả âm phủ cả nhân gian), để các ông bắt grab bus điện đi cho tiện.
Vì, quy cho cùng, tất cả là ở cái tấm lòng thành tâm cơ mà!
Đọc thêm các bài viết của mình ở đây: