“Đối với ai muốn hiểu chế độ quân chủ Trung Quốc, thực tế không có tác phẩm nào quan trọng bằng Hàn Phi Tử. Toàn bộ các quan hệ xã hội được phơi bày đến mức tàn nhẫn, không nể nang gì hết: óc phê phán của tác giả sắc bén đến mức nó là bản cáo trạng đầy đủ nhất, khách quan nhất về chế độ quân chủ” - GS. Phan Ngọc.

Trong bốn trường phái tư tưởng lớn của Trung Quốc (Nho, Mặc, Lão, Pháp), thì Pháp gia của Hàn Phi mang nhiều điểm khác biệt nhất, thể hiện tính thực tế và hiện đại của một nhà cải cách chính trị. Xuất phát từ cục diện chiến tranh hỗn loạn thời Xuân Thu - Chiến Quốc, các nhà tư tưởng lớn của Trung Quốc bấy giờ đều có những triết thuyết để trị nước, an dân: Lão Tử đề cao tư tưởng “vô vi”, “cai trị bằng cách không cai trị”; Khổng Tử dùng “nhân trị” và “đức trị”; Mặc Tử chủ trương hòa bình, kiêm ái, bình đẳng giữa người với người; chỉ riêng Hàn Phi kiên trì đề ra “luật pháp” để trị nước, một khái niệm còn mới thời bấy giờ.
Trước Hàn Phi, ở Trung Quốc đã có trường phái pháp gia, nhưng chỉ dừng lại ở quy củ. Chính Hàn Phi là người tìm ra cái cốt lõi của pháp luật:
- Pháp luật là văn bản và phải được công khai: "Pháp là cái chép để ở trong sách vở, đặt nơi cửa công, ban bố cho trăm họ".
- Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật: “Pháp luật không hùa theo người sang... Khi đã thi hành pháp luật thì kẻ khôn cũng không thể từ, kẻ dũng cũng không dám tranh. Trừng trị cái sai không tránh kẻ đại thần, thưởng cái đúng không bỏ sót kẻ thất phu.”
- Dùng pháp luật làm quy chuẩn chung: "Bậc vua sáng khiến pháp luật chọn người chứ không tự mình tiến cử, khiến cho pháp luật đo lường công lao, chứ không tự mình tính toán."
Người thời nay đọc lại Hàn Phi Tử khó tránh khỏi kinh ngạc bởi từ 2500 trước, ở Trung Quốc đã có được cách thi hành pháp luật hiện đại như thế. Xuất hiện vào cuối thời Chiến quốc, những lý thuyết của Hàn Phi là một trong những yếu tố quan trọng giúp Tần Thuỷ Hoàng thống nhất Trung Quốc. Sau đó nó trở thành lý thuyết của nền quân chủ Trung Hoa dưới cái vẻ bên ngoài của Nho giáo. Thời nhà Đường, nhà Tống - nổi tiếng với pháp chế nghiêm ngặt (tưởng tượng như trong phim Bao Thanh Thiên), cũng có phần nhiều công lao của Hàn Phi Tử.
Ảnh sách Hàn Phi Tử (Phan Ngọc dịch)
Tuy vậy, lý thuyết Pháp gia không thể trở thành luật pháp hiện đại bởi suy cho cùng, pháp luật thời quân chủ cũng chỉ để phục vụ cho nhà vua. “Pháp luật không hùa theo người sang” nhưng ông vua không chỉ là người sang mà còn là người sở hữu pháp luật, nắm quyền thưởng - phạt. Hàn Phi chủ trương xóa bỏ giai cấp để mọi người bình đẳng nhưng là bình đẳng ở giai cấp nô lệ, đều bị thống trị như nhau bằng luật pháp của nhà vua. Pháp luật khi đó không tách khỏi giai cấp mà là ở vị trí “dưới một người, trên vạn người.” Vì vậy khi nhìn lại nhà Tần, một nhà nước pháp trị theo tư tưởng của Hàn Phi, nhiều người đánh giá nó giống như chế độ độc tài hơn (một phần là do cách làm cực đoan của Tần Thủy Hoàng khi muốn loại bỏ các luồng tư tưởng khác, đặc biệt là Nho gia).
Thời đó, Pháp gia và Nho gia là hai tư tưởng đối chọi nhau gay gắt nhất. Khổng Tử đưa ra khái niệm “chính danh” để phân chia tôn ti, cấp bậc trong xã hội, để ai làm việc nấy, thì Hàn Phi lại dùng “hình danh”, tức là không có giai cấp trước pháp luật, mọi người phải được bình đẳng. Khổng Tử lấy Nghiêu, Thuấn làm tấm gương của “đức trị”, “nhân trị” thì Hàn Phi cho rằng dùng lý luận của 3000 năm trước thì không thể giải quyết những vấn đề hiện tại.
Bỏ pháp luật mà dùng cái tâm để trị, thì Nghiêu cũng không thể chỉnh đốn một nước. Bỏ cái quy, cái củ mà cứ ức đạc bừa thì Hề Trọng cũng không thể làm xong một bánh xe. - Hàn Phi
Hàn Phi cũng không hợp với tư tưởng của Mặc gia dù cả hai đều có cùng ý tưởng về bình đẳng. Pháp gia khác Mặc gia bởi mọi người bình đẳng không phải vì “kiêm ái” (yêu thương lẫn nhau) mà bình đẳng là để trị.
Ngược lại, Pháp gia lại hòa hợp với Đạo gia nhiều hơn. Hàn Phi đã dành hai thiên để giải thích về tư tưởng Đạo gia trong tác phẩm của mình. Và nhờ có triết lý của Đạo gia, Hàn Phi mới dung hòa “pháp trị” để nó không trở thành học thuyết khô khan và độc đoán. "Cái quyền không nên lộ ra, bản chất của nó là vô vi. Bậc thánh nhân nắm lấy cái chủ yếu, bốn phương đến phục dịch. Mình hư tâm đối xử, người ta tự họ thi hành.” Tức là làm vua không nên để lộ ý mình mà để người khác lên tiếng, vừa thi hành được ý mình nhưng không mất lòng dân.
Nhìn chung, hai tác phẩm Hàn Phi Tử và Quân Vương của Machiavelli có nhiều điểm tương đồng trong hệ tư tưởng. Ví dụ, bản thân Machiavelli cũng cho rằng, nếu phải chọn làm vua được yêu mến hay làm vua được kính sợ nhưng bị ghét bỏ, thì tốt hơn là vế sau. Bởi người đời dễ tổn thương người họ yêu mến hơn là người họ sợ hãi. Nếu đọc và so sánh Hàn Phi Tử và Quân Vương, hai tác phẩm “hướng dẫn làm vua” kinh điển của Đông và Tây, sẽ thấy được từ xưa các tư tưởng Đông - Tây đã giao nhau một cách thú vị.
---------------
VỀ HÀN PHI
Nếu bạn thắc mắc tại sao trong các nhà tư tưởng Trung Quốc, Hàn Phi là người có lối lý luận tàn nhẫn nhất, thì lý do chính có lẽ bởi vì ông là một nhà tư tưởng hiếm hoi xuất thân quý tộc. Hàn Phi sống vào thời Chiến quốc, là con trai của vua nước Hàn, vì vậy ngay từ bé ông đã nhìn rõ các quan hệ vua tôi, cách trị nước và bản tính tranh giành, ích kỷ của con người.
Hàn Phi là học trò Tuân Tử, nhà học giả lớn nhất thời bấy giờ. Ban đầu tiếp thu Nho giáo, rất thông thạo về lịch sử, văn học nên sau này mỗi khi công kích Nho giáo ông đều đưa ra rất nhiều dẫn chứng, lý luận sắc bén. Ông có tư tưởng con người sinh ra bản tính vốn ác, ích kỷ và gian trá nên không thể dùng "đức trị" mà thay vào đó là dùng thế, dùng thuật và dùng luật để trị. Người làm vua phải đề phòng từ vợ, con, tể tướng, trâm quan đến các nhà biện luận, các sứ thần, nước ngoài...
Ông tập trung nhiều vào những biện pháp đề phòng, những dấu hiệu báo trước sự mất nước, những mánh khóe kiểm tra… Khi còn ở nước Hàn, Hàn Phi từng nhiều lần dâng thư cho vua Hàn nhưng nhà vua không nghe. Khi nước Hàn sắp bị nước Tần xâm chiếm, Hàn Phi làm sứ giả để nước Tần để thuyết phục vua Tần không đánh Hàn. Vua Tần (sau này là Tần Thủy Hoàng) thích sách của Hàn Phi nên vô cùng mến ông. Nhưng thừa tướng nước Tần là Lý Tư, bạn học cũ của Hàn Phi lại gán cho ông tội mưu lợi và giam ông vào ngục.
Ở trong ngục, Hàn Phi viết tác phẩm “lần đầu yết kiến vua Tần” khiến vua Tần thán phục và ra lệnh xá tội, nhưng trước đó ông đã bị Lý Tư ép uống thuốc độc chết trong ngục.
.
.
Đọc thêm các bài viết tại: FB Chuyện Đọc