Cảm nhận cá nhân

Sách Tôi tự học - Tác giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần

Từ lâu tôi vẫn luôn tự hỏi vì sao các nhà khoa học ngày xưa thường rất giỏi ở rất nhiều lĩnh vực và Isaac Newton (1643-1727) là một trong số đó. Với 84 năm tuổi thọ, ông vẫn có đủ thời gian nghiên cứu và tinh thông hầu hết các lĩnh vực lớn của khoa học cơ bản gồm toán học, vật lý học, triết học, thiên văn học, thần học. Trước đây, suy nghĩ của tôi về ông là một bậc thiên tài với bộ óc siêu phàm hơn người. Tuy nhiên, suy nghĩ này đã bị bác bỏ khi tôi may mắn đọc được quyển sách “Tôi tự học” của học giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần do Nhà xuất bản Trẻ xuất bản.
Về tác phẩm “Tôi tự học”, nội dung được tác giả thiết kế chặt chẽ, từng bước giúp người đọc giải quyết vấn đề cấp bách hiện thời là tự học bao gồm khơi gợi, kích thích kỹ năng tự học bên trong con người độc giả và thiết kế bảng chỉ dẫn cho độc giả để tự hoàn thiện các kỹ năng đó. Tự học, không dừng lại ở việc học kiến thức khoa học, điều làm cho quyển sách này có giá trị vượt thời gian chính là học cách làm người để có thể trở thành phiên bản tốt nhất của mình mà đóng góp lợi ích cho xã hội. Đây là lối tư duy thường thấy trong các tác phẩm của tác giả, trích lời Nhà xuất bản Trẻ “Thu Giang Nguyễn Duy Cần (1907-1998) là một học giả lớn với nhiều tác phẩm có giá trị cao...Những tác phẩm của ông giúp con người nhận chân được sự thật, không những giúp mở mang kiến thức mà còn có thể thay đổi được nhận thức để hành động hợp lý, hợp tình”. Là một học giả có kiến thức sâu rộng về cả hai nền văn hóa Đông/Tây, tinh thông nhiều lĩnh vực (Dịch học, Y học,…) và vốn sống phong phú về Đạo làm người, nghệ thuật sống nên ông đã khái quát hóa các khái niệm về tư duy và kỹ năng tự học, rồi lần lượt đưa ra quan điểm cá nhân xoay quanh vấn đề này (như sắp xếp thời gian, cách đọc sách và viết văn,...), sau đó ông phân tích các quan điểm đó và dẫn chứng các câu nói của cả những bậc thánh hiền phương Đông và những nhà khoa học vĩ đại phương Tây. Kết cấu này của tác giả không ngoài mục đích khẳng định việc học là quan trọng, tự học là cần thiết và bậc thiên tài cũng chỉ là người bình thường có ý chí tìm tòi, nghiên cứu bằng khả năng tự học.
Một đời người có mấy năm ngồi trên ghế nhà trường để được Thầy/Cô tận tình truyền dạy kiến thức, điều đó cho thấy tầm quan trọng của sự tự học mà “Tôi tự học” là kim chỉ nam cho những ai muốn đi trên con đường “Học, học nữa, học mãi”. Đối với tôi, một thanh niên gần 30 tuổi, tôi tự vấn bản thân đã dành được bao nhiều thời gian cho tự học? – Rất hiếm, đó là hai chữ đầu tiên xuất hiện trong đầu của tôi. Thật sự, rất ít khi tôi tự học một cách đúng nghĩa cho tới khi tôi đủ duyên để đọc quyển sách này. Lần đầu tiên đọc lướt qua, tôi phải rất cố gắng để bắt kịp lối hành văn cũ thời thập niên 50-60 của thế kỷ trước và hơn nữa là tư tưởng triết lý rất khó hiểu mà tôi chưa được tiếp cận bao giờ. Điều đó thoi thúc tôi tìm đọc nhiều quyển sách căn bản về triết học cũng do tác giả trước tác như Nhập môn Triết học Đông Phương, Tinh hoa Đạo học Đông Phương…để nắm bắt được triết lý và quen với cách hành văn của tác giả. Sau khi chuẩn bị đầy đủ “nền tảng”, tôi bắt đầu đọc lần hai, lần này tâm trí tôi như bừng sáng, đọc đến đâu, tiếp thu đến đó, những quan niệm sai lầm về cách học của tôi trước giờ được nhận ra và tôi quyết tâm thay đổi. Nội dung của sách đã giúp tôi rột rửa tâm hồn, thay da đổi thịt và quan trọng hơn là đã khơi gợi được trong tôi sự tự học. Không dừng lại ở đó, tác giả rất tâm lý khi chia sẻ những điều kiện, phương tiện và phương pháp để tự học thành công, đó chính là ánh đuốc soi đường cho những người mới bắt đầu tự học giống như tôi.
Một trong những triết lý khi viết sách của tác giả Nguyễn Duy Cần là “Các bạn không nên quan tâm lắm đến những gì tôi trình bày, vì đó là những ý kiến riêng tư của một cá nhân, xin hãy chú ý đến những gì tôi đã khêu gợi được ở các bạn mà thôi”. Đây là một quan điểm mới mẻ mà tôi được tiếp cận. Hiện nay có rất nhiều tên sách giúp phát triển bản thân được xuất bản hằng ngày, các sách này chủ yếu đưa ra các nguyên tắc cần phải tuân theo để đạt thành tựu trong một lĩnh vực nào đó mà không thể khơi gợi được tiềm thức bên trong của người đọc. Trong tác phẩm “Tôi tự học”, tác giả có viết: “Mỗi người, tùy khả năng, tùy phương tiện, tùy tính khí, tùy khuynh hướng…phải biết tự mình tìm thấy một phương pháp thích ứng cho riêng mình” hay “Học cũng như ăn. Tuy là cần thiết cho tất cả mọi người nhưng không phải món nào ăn cũng hợp cho tất cả mọi người. Có kẻ ăn mau tiêu, có người ăn lâu tiêu: sức tiêu hóa của mỗi người mỗi khác…”. Qua đó cho thấy, đây là một tác phẩm dành cho mọi người, mọi lứa tuổi và đặc biệt dành cho những ai đang không ngừng học hỏi. Mỗi người tự học, tự rèn luyện bản thân dựa trên những gì được khơi gợi trong sách; không ngừng bổ sung kiến thức, quan sát sự vật với cái nhìn chân chánh, sau đó sẽ phát sinh trí tuệ. Mỗi người đều có kiến thức, đều phát sinh trí tuệ thì sẽ hành xử với nhau đúng mực, khi đó sẽ được dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
“Tôi tự học” là một quyển sách hay, có khả năng làm thay đổi tư duy dẫn đến thay đổi cuộc đời. Một quyển sách đọc đi đọc lại nhiều lần vẫn nhận ra còn nhiều bài học mởi mẻ mà tác giả khơi gợi cho người đọc.
Nguồn: revisach.com
Nguồn: revisach.com