Ngày 5 thứ 6 tháng 7, 8 tiếng sầu, 9 năm sau 2010.
Vào một khoảnh khắc như thế, em mới nhận ra một điều, nỗi buồn chỉ đến khi chẳng còn cách nào khác. Cảm xúc mới là thứ bất biến trong vô vàn sự ngổn ngang, toan tính và tàn nhẫn của thế giới này.
Lá cây đã từng là vật ngang giá, vỏ sò và cả răng cá mập. Mới đến bạc, vàng, tiền đồng, tiền giấy, tiền ảo... để đổi lấy giá trị. Vậy thì thứ gì đổi lấy nỗi buồn? Chẳng thứ gì?!
Em thấy, chỉ có 2 cơ chế để một người không còn buồn nữa. Ghi đè và/hoặc giải quyết được nguồn cơn nỗi buồn. Nhưng em đã nói, nỗi buồn thực sự, chỉ ập vào tâm hồn khi không còn cách nào nữa, hoặc khi đã làm hết cách rồi và ta chỉ biết chờ đợi, trong vô vọng, rồi những hình ảnh của quá khứ sẽ diễn tiến nguồn cơn nỗi buồn của ta.  Và hình hài thực sự của nỗi buồn phải có ở đó sự mất mát. Khi không thể làm gì thêm nữa, là lúc em biết em thua lỗ, mất mát. Cái gì muốn trao đổi với sự thua lỗ? Chẳng ai, chẳng thứ gì?! Có thể suy ra nỗi buồn thực sự rất vô ích, vô giá trị không? Còn ghi đè? Là dần dần thay thế cảm giác buồn bằng cảm giác khác hoặc cố gắng làm sao lãng tâm trí cho việc khác để quên đi cảm giác buồn. Vậy chắc họa may thời gian và hành động của bản thân ta có thể sẵn sàng trao đổi với nỗi buồn. Thế chẳng phải nỗi buồn là thứ quá đắt đỏ sao? 
Dù là gì đi nữa, em sẽ không lựa chọn sầu muộn... Cũng không lựa chọn là người phải chịu đau buồn.


“Có bao giờ chúng ta sống được hai lần trên hạnh phúc của mình. Bởi vì, dù ngày của chúng ta vẫn còn, kỳ hạn của chúng ta chưa đến. Nhưng sống trong một kỳ hạn, có phải cũng là sống trong sự chấm dứt đã bắt đầu của mình?”
Cảm xúc là thứ bất biến, không có cảm xúc hiện đại nào mà con người cổ xưa lại chưa trải qua. Chỉ trách càng ngày nó lại càng trở nên đắt đỏ vì cái giá phải trả cho việc lựa chọn cảm xúc ngày càng lớn, phải làm sao bây giờ hỡi em? 
Anh biết tất cả những chuyện đó. Anh chưa bao giờ thua đậm trên sàn khi anh chủ động cắt lỗ, nhưng vì sao thứ tình cảm này với em... lại cứ nuôi hy vọng, bơm vốn, chờ đợi một ngày nào đó. Rồi nỗi đau của anh, lớn dần, già nua đi theo năm tháng trưởng thành của cả hai. “Hỡi em yêu dấu”, anh tự hỏi có phải anh đã đạt được em trên dây nhạc êm lặng, đạt được em trên đỉnh mộng huyền, anh hằng ấp ủ? Hay chỉ là vẽ ra mà thôi...
Anh sẽ phải đánh giá thế nào về lựa chọn này của anh?
Có phải là giữa chuyện biết mình nên làm gì, muốn làm gì với việc bản chất mình như thế nào trước tình cảm, có khoảng cách rất xa không? Anh nên sống như thế nào? 
Nỗi mất mát này nên tính từ khi nào đây em? Có phải là từ
"ráng chiều hôm đó, là lần cuối cùng anh đưa em về nhà, anh không nói gì vì sợ nước mắt tuôn rơi"
Khoảng thời gian trưởng thành dài như vậy, "đợi em về nhà, lớn lên cùng em, không có ngày nào là không gọi cho em", là em khởi đầu vào buổi chiều hôm đó anh quay lại thấy em đứng, giờ cũng là em đặt cho nó dấu chấm hết. 
Nhiều lúc anh tự hỏi, người anh yêu là em hay chỉ là hình bóng của em trong tâm trí anh. Người mà anh trao giữ trọn tâm tư này, dẫu không một lần được ở cạnh em trong đoạn đời mà anh từ cậu trai sinh viên đã trở thành một người đàn ông trẻ với con đường sự nghiệp bắt đầu rộng mở; là em của thực tại hay là em vào giờ khắc cuối cùng gặp gỡ đó?
Anh mất em từ khi nao? Bây giờ "vài câu nói có khiến người thay đổi"? Vài "nỗi đau" có khiến ANH thay đổi...