Ảnh bởi
Kyle Glenn
trên
Unsplash
Vậy là đã hơn 1 tháng từ ngày Nga và Ukraine đánh nhau. Người ta bàn luận rôm rả trên khắp cõi mạng, phỏng đoán về những diễn biến tiếp theo. Lâu rồi mới thấy được cái không khí bàn luận chính trị sôi nổi như vậy. Còn tôi, vì cũng muốn trải nghiệm bầu không khí chính trị và đấu đá đó, chỉ đơn giản là mở một ván Civilization, tự mình trở thành lãnh đạo quốc gia, làm mọi thứ để đưa đất nước mình tới chiến thắng. Và dưới đây vài câu chuyện hay ho trong quá trình làm minh chủ của tôi.

Chuyện kinh tế

Ảnh bởi
Jorge Salvador
trên
Unsplash
Vấn đề đau đầu nhất luôn là tiền. Cái gì cũng tốn tiền. Tiền xây dựng công trình và bảo trì đường sá. Tiền nuôi ăn quân đội. Tiền hối lộ các thành quốc (city-states) để họ trung thành với mình. Tiền mua quân đội lúc khẩn cấp. Tiền mua tài nguyên từ nước khác. Tiền triều cống cho nước lớn, nhằm mua thêm thời gian hoà bình.
Tôi phải làm mọi thứ để kiếm tiền về. Có một ngân khố đầy ắp và dòng tiền dương luôn là mục tiêu của các vị minh chủ. Mỹ muốn đặt đại sứ quán ở nước tôi? Xòe tiền ra. Ấn Độ muốn tôi mở biên giới để họ hành quân xuyên qua cho nhanh? Nôn tiền ra đã. Pháp muốn có đặc sản nấm truffle của tôi? Xin mời thanh toán. Venice muốn mua sắt và ngựa từ tôi? Tiền trao thì cháo mới múc.
Tại sao tôi lại làm mọi thứ vì tiền vậy? Vì đã có lúc các quốc gia hàng xóm liên minh lại và tấn công tôi. Lúc đó mọi tuyến đường thương mại của tôi bị cấm vận, mọi hợp đồng buôn bán tài nguyên đều bị huỷ bỏ. Chi phí đào tạo và duy trì quân đội tăng lên chóng mặt nhằm đối đầu với liên minh đông đảo đang mấp mé nơi biên cương. Thứ duy nhất giữ cho đất nước tôi tồn tại là lượng tiền tích góp được qua nhiều năm hoà bình.
Tất cả vì một kho ngân khố đủ đầy. Nước tôi làm kinh tế hết sức có thể, nhằm tích trữ của cải phục vụ khoa học, ngoại giao và chiến tranh. Khi tổ quốc cần thì nhà thơ cũng phải đi làm kinh tế, thống chế cũng phải đi đặt vòng.

Chuyện chiến tranh và bành trướng

Ảnh bởi
Dave Photoz
trên
Unsplash
Khó có thể tránh được chiến tranh. Các quốc gia chẳng bao giờ an phận với những gì họ có. Họ luôn cố gắng bành trướng hết mức có thể. Các thành quốc thì chẳng giỏi gì hơn ngoài việc lật mặt. Mới lượt trước đang giao hảo với mình, nay biến thành kẻ thù sát nách. Các hiệp ước phòng thủ thì luôn là con dao hai lưỡi.
Muốn đế chế mạnh thường phải mở mang bờ cõi, tìm được những vùng đất tốt, có tiềm năng phát triển, có nhiều tài nguyên và nằm ở vị trí chiến lược. Điều này có cả mặt lợi và hại. Mặt hại là một quốc gia càng lớn, lãnh thổ càng rộng, thì càng có nhiều thứ phải quản lý, càng dễ đổ vỡ từ bên trong. Lãnh thổ càng lớn càng dễ bị tấn công ở những nơi biên thuỳ xa xôi. Mặt lợi là mở rộng lãnh thổ giúp thiết lập các vùng đệm cho thủ đô, làm bàn đạp phát triển kinh tế, làm các nguồn ứng cứu về quân sự khi thủ đô gặp nạn. Còn tôi, thay vì cố gắng mở mang bờ cõi hết mức có thể, tôi chỉ thiết lập vài ba thành phố phụ nhằm bảo vệ thủ đô, và chú trọng phát triển chất lượng của từng thành phố hơn là số lượng.
Có lúc nước tôi bị Mỹ, Pháp và Ấn bọc quanh lãnh thổ của mình. Vậy là nếu họ muốn đánh úp tôi, thì chắc chắn tôi phải tứ bề thọ địch. Những đơn vị dò đường của tôi muốn du hành xa ra? Phải đi qua biên giới của họ. Và bất đắc dĩ tôi phải trả tiền cho họ để được phép thông quan. Tôi muốn thiết lập hệ thống đường sá giữa hai thành phố của mình? Vô dụng thôi, vì một ông hàng xóm quái đản nào đó chiếm khoảng đất ở giữa, chia nước tôi thành hai phần tách biệt. Tôi càng nhân nhượng, bọn họ càng lấn tới. Con giun xéo lắm cũng quằn. Bài học địa chính trị luôn hiển hiện và cay đắng. Thế là tôi phải chủ động đánh, phải chiếm đóng và sát nhập vài vùng lãnh thổ đang bọc quanh nước tôi, nhằm tạo không gian giúp tôi giao thương và tiếp cận ra xa hơn ngoài lục địa.
Các thành quốc luôn là những thành phần khó đoán. Họ chưa đủ lớn để trở thành một quốc gia riêng, nhưng chẳng đủ nhỏ bé để mà bị phớt lờ. Họ tồn tại như những thực thể tự do thân ai nấy lo, vừa có thể là những đồng minh tiềm năng, vừa có thể là những kẻ thù dai dẳng. Muốn có được lòng trung thành từ họ, hoặc là phải tặng họ hàng đống tiền, hoặc là phải làm các nhiệm vụ như xây đường, tặng lính, thiết lập tuyến thương mại, nhằm cải thiện quan hệ ngoại giao.
Các hiệp ước phòng thủ thì luôn là một món cược đầy rủi ro. Khi ký hiệp ước phòng thủ với nước nào, thì khi một nước thứ 3 tấn công 1 trong 2 chúng tôi, nước còn lại sẽ phải tuyên bố chiến tranh và tham gia trợ giúp. Tôi đã ký hiệp ước phòng thủ với Roman, do thấy gã có quân đội vô cùng đông đảo. Và đúng vậy, khi tôi bị tấn công, gã đã giải vây giúp tôi. Nhưng mặt khác, tôi đã sai khi không tính đến việc gã Roman này là một tên hiếu chiến bậc nhất. Gã liên tục đánh nhau với các nước láng giềng của tôi, điều này vô hình trung cuốn tôi vào vòng xoáy binh đao với láng giềng của mình, kể cả trong những thời điểm không hề thích hợp.

Chuyện khoa học

Ảnh bởi
SpaceX
trên
Unsplash
Không gì tạo đà phát triển cho quốc gia tốt như khoa học, và cũng không gì tốn kém như khoa học. Đầu tư vào khoa học là một khoản đầu tư đầy rủi ro, khi mà cơ sở hạ tầng cho khoa học như thư viện, trường học, phòng nghiên cứu là những cỗ máy đốt tiền khủng khiếp. Các nhà khoa học và học giả làm việc trong các công trình trên vừa tốn tài nguyên để nuôi ăn và duy trì, vừa chẳng trực tiếp tạo ra lương thực hay vật liệu. Các học giả ngồi trên tháp ngà, ăn lắm thải nhiều và ngốn tài nguyên như điên. Nhưng khi đã vượt qua được giai đoạn bế ẵm và ăn dặm đầy khó khăn của nền khoa học, những thứ đạt được về lâu về dài là vô cùng xứng đáng.
Hãy tưởng tượng, khi các nước khác mới phát minh ra đồ gốm thì tôi đã có chữ viết. Họ có kiếm đồng thì tôi rèn kiếm sắt. Họ chế được đồ sắt thì tôi đang xây dở đại học Oxford. Họ có kỵ sĩ thì tôi có súng trường. Họ đi tàu buồm thì tôi chạy tàu hơi nước. Họ có xe tăng thì tôi đã sở hữu tàu sân bay. Một đạo quân lính thuỷ đánh bộ của tôi đủ sức cân ba bốn đội kỵ sĩ và máy bắn đá.
Mặc dù mục đích nghiên cứu khoa học của tôi là để chế tạo tàu vũ trụ nhằm chiến thắng trò chơi, nhưng với sự tân tiến của khoa học thì sự cám dỗ của quân sự và vũ lực là không thể chối từ. Cần gì phải nghiên cứu nhiên liệu tên lửa khi tôi có thể đánh chiếm cả lục địa với B-52, tăng thiết giáp và tàu ngầm hạt nhân? Nhưng có lẽ phong cách của một bạo chúa không hợp với tôi, và tôi vẫn giữ nguyên đường hướng phát triển của mình: tiến vào vũ trụ.
Khoa học giống như một quả cầu tuyết vậy, càng lăn thì nó càng nhanh và to hơn. Chưa bao giờ là quá sớm để đầu tư vào khoa học, và không bao giờ là quá muộn để hưởng thành quả từ đó. Như tôi nói ở trên, tôi có thể bắt nhà thơ đi làm kinh tế, chuyển thống chế đi đặt vòng, nhưng các nhà khoa học của tôi thì luôn được làm đúng chuyên ngành, vì họ là tương lai của đất nước. Ở đế chế tôi không có chuyện phân lô bán nền muôn đời thịnh, khoa học công nghệ vạn kiếp suy.

Chuyện đối ngoại

Ảnh bởi
JESHOOTS.COM
trên
Unsplash
Ngoài chuyện kinh tế cơm áo gạo tiền, ngoại giao cũng là một câu chuyện đau đầu. Mỗi nước láng giềng là một thực thể riêng với những toan tính khác nhau.
Lão Roman có quân đội dàn đầy nhà, vậy nên khi nó xin đểu chút tiền từ tôi, tôi cũng đành ngậm ngùi cống nạp. Nếu tôi ko làm vậy, chẳng mấy chốc mà quân đội của nó đã chào cờ ở biên giới của tôi trong lúc tôi đang cày ruộng, đào đá và đọc sách.
Thằng Venice đại gia dùng tiền mua chuộc đồng minh của tôi, và tất nhiên là tôi không đủ giàu để đấu lại. Nhìn từng thành quốc đồng minh cứ thế bắt tay với nước khác, tôi cũng đành chấp nhận, vì nước nghèo và nhỏ, vì mình chưa có lợi ích gì để giữ họ lại.
Thằng Mỹ thì tỏ thái độ không hài lòng khi tôi công bố quan hệ ngoại giao hữu hảo với thằng Rome, hẳn là vì hai đứa nó đang có xung đột.
Vậy giải pháp là gì? Tôi xin chọn trường phái ngoại giao con nhím. Cũng dễ hiểu thôi: con nhím hiền như cục đất, có thể làm bạn với các loài vật khác. Nhưng đứa nào động tay vào con nhím thì cũng phải đổ máu không ít.
Vậy ... điều này có nghĩa là gì? Tức là tôi phát triển đất nước trong hoà bình, chú trọng vào kinh tế và khoa học. Mỹ, Pháp đánh nhau và cơ hội của chúng ta? Tôi không quan tâm, mặc kệ chúng nó tự sinh tự diệt. Venice dùng tiền mua chuộc đồng minh của tôi? Tôi không quan tâm, và chỉ đơn giản là mở tuyến giao thương với thằng Venice. Anh Venice mắt sáng dáng hiền, chỉ cần đem tiền cho tôi là được. Thằng Roman đi tuyên chiến bừa bãi làm tôi bị vạ lây? Tôi vẫn tuyên bố chiến tranh đúng như điều khoản hiệp ước, nhưng chỉ gửi tí quân tiếp viện cho có lệ, và không quên cầu nguyện cho người đồng đội tham lam.
Trong khi mấy nước hàng xóm mở rộng bờ cõi to vật vã, chiếm gần hết lục địa với hàng chục thành phố, thì tôi chỉ có vài ba thành phố bao phủ một diện tích khiêm tốn. Nhưng chất lượng hơn số lượng. Với nền khoa học phát triển vượt bậc và giao thương mạnh mẽ, mấy thành phố của tôi vừa giàu lại vừa đông dân, lại có cả quân đội tân tiến. Thằng Mỹ không thấy tôi triều cống, liền liên minh với mấy đứa khác và đem quân tràn vào lãnh thổ của tôi. Nhưng máy bắn đá của nó làm sao bì được đại bác của tôi. Quân đội tôi chỉ đông bằng 1/4, nhưng mà dễ dàng đánh ngược lại, áp sát thủ đô Washington. Thế là nó phải cầu hoà, cống nạp lại cho tôi. Ngoại giao con nhím là đây chứ đâu.
Civ vẫn luôn là một trong những game hay nhất tôi từng chơi, vì tính chiến thuật, sự phức tạp và cách nó mô phỏng phần nào thế giới thật. Câu nói của Churchill vẫn là một biểu tượng của chủ nghĩa hiện thực: "Chỉ có lợi ích quốc gia là vĩnh viễn". Những câu chuyện tôi gặp lúc chơi game cũng phần nào giống những vấn đề xung đột thế giới được đưa tin hàng ngày.
Dù sao thì, game vẫn chỉ là game, nhưng việc được trải nghiệm một phần sự căng thẳng của bàn cờ thế giới cũng không tệ chút nào.