Nếu bạn đang tìm một game để tận hưởng trong thời gian cách ly xã hội này, Slay the Spire là một lựa chọn thực sự ổn.

Dù bạn mới chơi Slay the Spire hay đã từng bỏ hàng trăm giờ với nó, thời gian cách ly cả nước này cũng là một thời điểm phù hợp để chúng ta làm quen (lại) với game. Một tựa game nhỏ chỉ vài trăm MB, có thể chạy trên gần như mọi loại máy tính cá nhân của bạn, bất kể PC hay Mac, RGB Gaming Rig hay chiếc laptop làm việc cũ rích, thời lượng mỗi lần chơi cũng không quá lâu, nhưng có độ sâu về chiến thuật và luôn có những điều mới mẻ đợi chờ khi chơi lại, Slay the Spire là một tựa game xuất sắc mà bạn nên cho vào danh sách “game không bao giờ được xóa” trong ổ cứng của bạn.

Slay the Spire được ra mắt lần đầu trên Steam vào năm 2017 và chính thức ra mắt tháng 2/2019 cho thấy được game đã hoàn thiện rất nhiều trong 2 năm đó. Game hiện tại đã có trên PS4, Nintendo Switch, Xbox One và dự kiến có phiên bản điện thoại trên iOS và Android vào năm nay 2020. Tựa game này cũng đã được nhận bản Việt hóa chính thức bởi chính đội ngũ MercTrans chúng tôi, nên nếu có gạch đá gì thì tôi cùng đồng đội cũng sẵn sàng đón nhận ở phần bình luận dưới nhé :(
Mục tiêu chính của Slay the Spire là sống sót cuộc hành trình tới trùm cuối ở Hồi 3, và trên hành trình được vạch trên bản đồ của game, người chơi sẽ phải đối mặt với những kẻ địch đa dạng, thỉnh thoảng gặp gỡ những nhân vật không rõ lành hay ác, và cũng thỉnh thoảng tìm ra chỗ yên ấm để nghỉ chân hồi sức. Trong mỗi trận đấu, người chơi bắt đầu trận đấu với một số bài nhất định trên tay tùy theo nhân vật và 3 Năng lượng. Mỗi lá bài sẽ tốn một lượng Năng lượng nhất định, ví dụ: lá Đánh tốn 1 Năng lượng, lá Quỷ Hình tốn 3 Năng lượng, và người chơi nên biết khi nào cần Thủ và cần Công sao cho mình tiết kiệm HP nhất có thể - do HP không được hồi lại sau mỗi trận đánh (trừ 1 nhân vật ra). Gameplay cơ bản là vậy, nhưng hãy quay lại chủ đề chính của chúng ta: Các mẹo vặt và gợi ý để chinh phục Tháp Xoáy.

1. Đừng ngại load lại khi tình thế không thuận lợi


Việc lạm dụng tính năng lưu của game để load lại game về khoảng thời gian trước khi bạn gặp nguy, hay còn được gọi thân thương là Savescum, là một thủ thuật mà nhiều người chơi game hẳn đã từng dùng. Vì StS là một game roguelike, bạn sẽ gặp xui xẻo rất nhiều lần với hệ thống ngẫu nhiên (RNG) của game trong các trận đấu và sự kiện khác nhau. Lời khuyên của tôi: Hãy thoát game ra và vào lại game để thực hiện những trận chiến đó theo cách khác nếu như bạn biết chắc mình sẽ thua. Lợi thế này là do game được save ngay ở lượt đầu tiên của cuộc chạm trán, và khi bạn thoát ra và vào lại game, bạn sẽ bắt đầu lại từ lượt đầu tiên, cho phép bạn thay đổi chiến thuật và mục tiêu ưu tiên. Lưu ý là mánh này chỉ hoạt động khi bạn chưa chết và chưa đi sang phòng tiếp theo, nếu đã sang thì những gì làm ở phòng trước đó sẽ không đảo ngược lại được đâu.
Tương tự, bạn cũng có thể savescum đối với các sự kiện trong phòng được đánh dấu “?” trên bản đồ cũng có thể . Đôi khi bạn muốn thử vận may của mình nhưng sau đó thì lại hết HP chẳng hạn, đừng ngại thoát ra vào lại vì game cũng sẽ không trừng phạt bạn đâu, và cũng chẳng có ai đứng sau lưng bạn để đánh giá bạn (đôi khi lại hưởng ứng bằng cách thay đổi RNG khi bạn vào lại). Tuy nhiên, nếu bạn muốn chơi thật sự tử tế, thì nhiều khi việc bỏ qua những lời mời chào hấp dẫn lại có lợi hơn (và dễ dàng hơn) so với đánh liều vận may để rồi bị dính hiệu ứng xấu khá nặng.

Nhân tiện đang nói đến tử tế: bạn biết cái gì cũng sẽ giúp bạn được viết tử tế hơn không? Đó là trò chơi Dẫn Truyện đang khá hot trong thời gian vừa qua. Dẫn Truyện là một nền tảng game nhập vai kết hợp viết lách giữa nhiều người với nhau, với mỗi người trong vai một nhân vật, và cùng nhau lần lượt viết nên một câu chuyện hoàn chỉnh.

2. Hiểu rõ bài

Thư viện bài của Slay the Spire là nơi bạn nên dành thời gian nghiền ngẫm 
Việc biết rõ tác dụng của từng lá bài là một cách học hỏi rất tốt để xây dựng được một bộ bài cân bằng và tránh nhặt những lá chỉ hữu dụng trong một phối hợp tối ưu nhất định. Tuy nhiên, bạn không nên quá chú tâm tới khái niệm “một cỗ bài synergy tuyệt đỉnh”. Với Hồi 1, bạn có thể bỏ qua việc suy tính phối hợp tối ưu ra sao, vì ban đầu bạn sẽ cần nhiều bài nhất có thể, vậy nên đừng kén chọn mà bỏ qua những lá bài cơ bản ban đầu. Ngoài ra, trừ khi bạn may mắn và nhặt được những lá bài và Cổ vật cực kỳ ngon, việc cố tình nhặt bài để chơi theo một hướng nhất định sẽ chỉ làm game khó hơn và khiến bạn chết sớm mà thôi - nên nhớ, Thánh RNG đáp ứng được non nửa ước nguyện của bạn đã là lắm nhân phẩm lắm rồi! Lời khuyên của tôi là: ban đầu hãy cố nhặt những lá bài phòng thủ tốt, vì quân địch ở những hồi sau đánh đau như bố mẹ bạn sau khi đi họp phụ huynh về vậy.
Như tôi đã nói ở trên, bạn không nên quá ám ảnh về ước nguyện một bộ bài hoàn hảo cho mình. Thay vào đó, hãy chia cỗ bài của bạn theo các hạng mục mà bạn cần phải có (vd: 1 - Phòng Thủ, 2 - Gây sát thương, 3 - Những lá công cụ thiết yếu để phối hợp với các hạng mục trên; cùng với một vài lá bài chủ chốt trong mỗi hạng mục. Một bộ bài lý tưởng sẽ bao gồm những các loại bài thủ tốt, cộng hoặc nhân sát thương nhanh chóng (vd: Gồng Cơ + Phá Giới Hạn đối với nhân vật Thiết Giáp, Dao Độc + Xúc Tác đối với Câm Lặng, Nhận Thức Thiên Vị + Tràn Lõi đối với Khiếm Khuyết... đây chỉ là một trong số rất nhiều bộ phối hợp tốt của mỗi nhân vật trên), đồng thời quan trọng không kém là những lá bài tấn công nhắm vào một và nhiều mục tiêu vì ở những hồi sau, bạn sẽ cần phải kết thúc trận đấu càng nhanh càng tốt vì đôi lúc quân địch sẽ rất đông và ra đòn cực đau (như lũ Chym, Hắc Linh, v.v.). Nói chung, hãy cố thử nghiệm nhiều nhất có thể và bạn sẽ tìm ra được những bộ bài phối hợp với nhau thật sự tốt đối với từng nhân vật. Cuối cùng, sẽ có một số lá bài ban đầu bị khóa, bạn cần phải chơi để mở khóa dần. Mỗi lá bài được phân chia theo độ hiếm bằng bảng biểu ngữ ở tên. Những lá bài bị khóa ban đầu thường sẽ là những lá bài loại Hiếm quan trọng nhất trong bộ của bạn.

3. Hiểu rõ các cổ vật

Bộ sưu tập cổ vật của game
Ngoài các lá bài ra, một bộ cổ vật tốt có thể thay đổi hoàn toàn hành trình của bạn. Cổ vật là những vật phẩm nhặt được trên đường đi theo nhiều cách (cửa hàng, sự kiện ngẫu nhiên, đánh Tinh quái, chiến thắng Trùm của tầng) và ban thêm cho bạn các năng lực khác nhau. Ban đầu, những cổ vật mạnh nhất cũng sẽ bị khóa cùng với các lá bài của từng nhân vật. Giống như bài, cổ vật cũng được phân chia theo độ hiếm. Cùng với việc thử nghiệm các bộ bài khác nhau, sau một thời gian bạn cũng sẽ biết cách chọn những cổ vật có lợi cho nhân vật và bộ bài mà mình đang dùng. Có nhiều cổ vật thì luôn luôn hữu dụng (Thước cặp, Kem, Bánh răng lưu niệm), trong khi có những cổ vật chỉ có ích trong các tình huống nhất định hoặc thậm chí là gây hại cho bạn (Mặt nạ Gremlin). Do vậy, ngoài một bộ bài cân bằng, hãy chọn đúng cổ vật để phát huy tối đa tác dụng của bài. Ví dụ, đối với nhân vật Thiết Giáp, hãy dùng lá Gồng Cơ + Bánh răng lưu niệm để được +2 Sức mạnh vĩnh viễn trong trận đấu mà không tốn năng lượng nào. Ngoài ra, khi kết hợp với Bình sét và chọn lá Gồng Cơ, bạn đảm bảo sẽ luôn được +2 Sức mạnh vào lượt đầu của mỗi trận đấu. 
Tóm lại, hãy cố nhặt nhiều cổ vật càng sớm càng tốt, nhất là trước khi đến Hồi 2. Có những cổ vật đặc biệt cho từng nhân vật và xuất hiện rất sớm, khiến hành trình của bạn trở nên cực kỳ dễ dàng mà thậm chí còn không cần một bộ bài quá tốt. Cuối cùng, những cổ vật trùm phần lớn đều bao gồm những hiệu ứng bất lợi mà bạn phải chấp nhận đánh đổi, vậy nên hãy xem xét kỹ và thậm chí bỏ qua nếu chúng quá bất lợi đối với bộ bài hiện tại của bạn. 

4. Đừng tham!


Mánh này có thể áp dụng đối với nhiều khía cạnh của game. Như đã nói ở phần trước, việc nhặt nhiều bài ở Hồi 1 là rất tốt vì đây vẫn là thời điểm để bạn thăm dò và chọn ra chiến thuật và cách chơi hợp lý nhất cho mỗi nhân vật. Tuy nhiên, một quy tắc cơ bản mà bạn nên nhớ là hãy giữ cho bộ bài ở mức vừa đủ và dễ quản lý, ít nhất là ở chế độ chơi bình thường hoặc Nâng cao thấp . Nếu nhặt quá nhiều bài, bạn sẽ có khó thể bốc được những lá thật sự quan trọng và ra nhiều bài rác, khiến cho trận đấu kéo dài không cần thiết và gây nhiều tổn hại đến nhân vật. Vậy nên đối với những hồi sau, trừ khi bài rất ngon và kết hợp rất tốt với bộ hiện tại, bạn không nên nhặt thêm quá 25 - 30 lá bài. Lý do là vì nếu đến Hồi 2 mà bạn vẫn chưa nghĩ ra chiến thuật cụ thể cho bộ bài của mình trong các tình huống khác nhau thì sẽ rất khó chiến thắng. Ngoài ra, cửa hàng trong game cũng có chức năng bỏ bài. Hãy cố dùng chức năng này để hủy nhiều lá Đánh và Thủ nhất cơ bản nhất có thể khỏi bộ bài, vì trước sau gì bạn cũng sẽ nhặt được những lá bài khác tốt hơn rất nhiều. Có rất nhiều cách bỏ bài khác ở trong game nhưng có lẽ bỏ bài thông qua cửa hàng là luôn nhất quán và không bị phụ thuộc vào RNG. Cuối cùng, các trận đấu Tinh quái có thể rất hấp dẫn vì chúng rơi ra nhiều cổ vật tốt, nhưng nếu HP của bạn đang thấp và bộ bài không thật sự xuất sắc thì lời khuyên là hãy bỏ qua. Tránh voi chẳng xấu mặt nào mà. 

5. Xem bản đồ và thật kỹ và chọn đường phù hợp


Theo tinh thần roguelike, mỗi lần bạn chơi mọi thứ sẽ được tạo mới hoàn toàn, từ bài cho đến quái vật, sự kiện, và bản đồ của hành trình 3 Hồi của Tháp Xoáy cũng không phải là ngoại lệ. Vì mỗi Hồi đều chia đường đi thành nhiều nhánh, và mỗi nhánh lại có những căn phòng và sự kiện khác nhau, nên trước khi khởi hành, hãy nhìn thật kỹ bản đồ và chọn đường đi phù hợp nhất với mục tiêu mà bạn cần trong. Nếu bạn có hối hận vì lựa chọn của mình, đừng quá lo bởi các nhánh đường thường sẽ liên kết với nhau ở nhiều điểm nên bạn vẫn có cơ hội để suy nghĩ lại việc nên đi đường liều lĩnh hay an toàn. 
Vậy nên quy tắc chung là trong Hồi 1, hãy chọn đường có nhiều kẻ địch và Tinh quái, lý do là vì đây là thời điểm lý tưởng nhất để bạn nhặt được bài tốt và cổ vật mạnh trước khi độ khó tăng lên ở các hồi sau. Đôi khi RNG sẽ hợp theo ý bạn và cho bạn một lá Vọng Hình ngay sau khi chọn đổi bài ở phòng đầu tiên chẳng hạn. Cuối cùng, mỗi hành trình sẽ có những con trùm khác nhau ở cuối mỗi Hồi. Những con quái vật này cũng sẽ gây ảnh hưởng đến quyết định chọn đường của bạn, vì mỗi con trùm đều có những cách tiếp cận khác nhau. Đây có lẽ là một nội dung để tôi đi sâu hơn trong những bài liên quan tới Slay the Spire sau.

6. Ghi nhớ hành vi của quân địch


Từ những con Chym cho đến Quyển sách đâm chém, nếu không cẩn trọng thì lũ quái vật trong Tháp Xoáy có thể giết bạn cực kỳ nhanh chóng. Không giống như những game RPG theo lượt khác, hệ thống Ý định của kẻ thù trong game sẽ hiển thị hành động mà chúng thực hiện sau lượt của bạn. Chúng có thể tấn công, phòng thủ, gây lợi cho bản thân hoặc bất lợi cho bạn, đôi khi chúng còn có thể làm nhiều thứ trong cùng một lượt. Hơn nữa, một số loại địch có các khả năng bị động nội sinh, tạo nên lợi thế cho chúng khi bắt đầu mỗi trận đấu. Vậy nên bạn cần phải có một bộ bài cân bằng để đối phó với nhiều loại kẻ địch và tình huống khác nhau. Ngoài ra, sau một thời gian chơi nhất định bạn sẽ để ý thấy rằng hành vi của từng loại quái vật rất dễ đoán và gần như bất biến trong mỗi hành trình, vậy nên việc ghi nhớ các đòn tấn công khác nhau của chúng sẽ rất hữu dụng. Nói chung, với đủ kiến thức về loại quái vật, bài và một chút phòng xa, bạn sẽ dễ dàng quản lý các trận đấu hơn (ít nhất là ở các mức Nâng cao thấp, còn ở mức cao thì lại là một câu chuyện khác.)

7. Cứ vui vẻ tận hưởng và hãy chết thật nhiều

Một khung cảnh quen thuộc
Sau khi chơi StS được một thời gian, đôi khi RNG sẽ vô cùng bất lợi và vui vẻ bán hành ngập mồm, từ bài chán, sự kiện bất lợi cho đến những cổ vật vô dụng. Đừng nản chí mà hãy coi những hành trình thất bại là kinh nghiệm học hỏi cho những hành trình thành công trong tương lai. Bên cạnh đó, nếu bạn đã chán với chế độ Tiêu chuẩn, hãy thử chế độ Leo hàng ngày Tùy chọn. Các bộ điều chỉnh độc đáo mà bạn có thể tự chọn có thể sẽ giúp bạn hiểu rõ game hơn, thậm chí nghĩ ra những chiến thuật cực kỳ khả dụng có thể dùng được trong Tiêu chuẩn. Ngoài ra, sau khi chiến thắng hành trình với từng nhân vật, bạn sẽ mở khóa được chế độ Nâng cao của nhân vật tương ứng. Game có tổng cộng 20 cấp Nâng cao cho từng nhân vật, mỗi cấp lại nâng độ khó của game lên theo một khía cạnh khác nhau, khiến cho mỗi hành trình sau này ngày càng thử thách và mới mẻ, mà theo cá nhân tôi, đây mới thực sự là những trận đấu thử lửa thực sự cho những kiến thức và kinh nghiệm mà bạn đã lĩnh hội được từ game.
Tóm lại, với ba chế độ khác nhau, bạn có thể chơi đi chơi lại trong một thời gian dài mà vẫn khám phá ra được những chiến thuật hoặc chi tiết mới trong game. Hãy kiên trì, học hỏi từ những sai lầm của mình và chẳng mấy chốc bạn sẽ tiêu diệt Tháp Xoáy thành công. Nếu bạn có thời gian (duh), sao không thử Slay the Spire ngay nhỉ?