Sự bóng gió của GTA từ góc nhìn Fast Food
Youtube: GTA San Andreas - Tips & Tricks - How to make CJ vomit Từ GTA Vice City (2002) cho đến GTA 5 (2013), người chơi được...
Từ GTA Vice City (2002) cho đến GTA 5 (2013), người chơi được thưởng thức sự tự do phóng khoáng đến truỵ lạc của văn hoá Mỹ. Bạn có thể đập chết hay bắn bỏ bất cứ thằng ất ơ nào đó trên đường để kiếm chút “cháo”. Phóng xe bạt mạng trên đường để đến nơi nhận nhiệm vụ (rất may GTA 4 & 5 có dịch vụ taxi). Phun tiền như nước cho các em quẩy banh cái club lẫn trong không gian hẹp. Thách thức danh hài cùng cán bộ nhà nước. Đó là những giá trị kinh điển GTA khi nó thoả mãn con thú trong những chàng trai thích khổ d***. Nhưng bạn đã bao giờ sướng điên lên vì đồ ăn trong GTA chưa? Đồ ăn cũng giống như súng, quần áo và “dịch vụ”, nó được ưu ái xây dựng cho cả một hệ thống chức năng và chủ đề.
Tứ trụ GTA Food Corp
Quần thể sản phẩm trong GTA: Hotdog, Pizza, Hamburger và gà. Dù các thương hiệu đặc trưng của chúng thay đổi hay biến mất, chúng xứng đáng được ghi tên trong lịch sử GTA như một đại diện của văn hoá Fast Food.
Pizza, Hotdog và Hamburger được giới thiệu trong GTA Vice City dưới dạng cơ chế hồi máu phải trả tiền. 65$ cho một Pizza không hề là một cái giá đắt đỏ nếu bạn không muốn chết giữa chừng trên đường về Safe House. Vì đây là lần đầu giới thiệu của cơ chế nên không có nhiều thương hiệu và animation. Thương hiệu lớn nhất đầu tiên GTA series chính là Well Stacked Pizza trải dài từ Vice Point, Little Haiti, và Downtown (inactive) trong VC. Ngoài ra, có các chuỗi nhà hàng trong North Point Mall: Beef Bandit, Burger Shot, Cheesy Crust Pizza và Shaft Hotdog.
Sự chuyển hoá từ GTA VC đến GTA SA là một bước đi lớn khi gameplay cho người chơi quá nhiều sự lựa chọn. Ẩm thực GTA không nằm ngoại lệ. Animation, thiết kế nội thất theo nhiều chủ đề, nhân viên, voicetrack, thực đơn, vv. GTA SA đồng thời đánh dấu sự ra đời của món gà được đại diện bởi Cluckin' Bell và order món huyền thoại của Big Smoke trong chính nhà hàng này.
Trừ Hotdog, tất cả thành viên tứ trụ khác đều có riêng cho mình những thương hiệu: Well Stacked Pizza, Cluckin' Bell và Burger Shot. Chúng chính là bộ tam của nền thương mại Fast Food trong game lẫn ngoài đời. Hotdog bị bỏ rơi như một con cừu đen trong gia đình khi chỉ được bán trong những chiếc xe đẩy dạo và không có cho mình một menu hay thiết kế đặc biệt nào hết.
Đến GTA 4, bộ tam này đã bị giảm quy mô nhưng đi kèm là sự khẳng định một lần nữa rằng Hotdog là thứ đồ ăn duy nhất không bị thương mại hoá trầm trọng như các thành viên tứ trụ khác. Đối lập với sự hạn chế số lượng và chất lượng trong GTA SA, hệ thống xe đẩy Hotdog trong phiên bản này được phân bổ khắp nơi và có cho mình những thương hiệu local bình dị để tạo nên sự đối lập với bộ tam thương mại.
Đến GTA 5 thì chức năng của tứ trụ đã biến mất để nhường đường cho các sản phẩm ăn vặt như thanh bar, snack và nước có ga.
Trong bài viết này, tôi chủ yếu dùng tư liệu từ GTA SA và GTA 4.
Bộ Tam Thương Mại
1. Cluckin' Bell (CB)
Trong cả ba, CB là công ty thành thật nhất, thô lỗ nhất và được tôi thích nhất. Nó có slogan nhục dục, voicetrack xúc phạm khách hàng, OST nguỵ biện về quyền động vật, công khai mục đích lợi nhuận, quy trình xử lý gà, hỗn hợp hoá chất khiến đàn ông xệ vú, và có riêng cả website. CB không ngán sự chỉ trích xã hội về nó mà còn ưỡng ngực tâm đắc về những giá trị "thực dụng" trên.
Một số đoạn voicetrack rất mắc cười:
- It's all processed chicken ass. (Đây toàn là "đít gà" đã được xử lý)
- You might be lucky enough to find a feather. (Bạn có thể đủ may mắn để tìm một cọng lông gà)
- Only ten percent guano! (Chỉ có 10% cứt)
- If you come back, you're a moron. (Nếu bạn quay lại, bạn là thằng rồ)
CB như một thằng "cock sucker" chính hiệu luôn tìm cách biến mọi thứ trở nên dâm dục và thô thiển. Vì ít nhất, nó không thèm giấu bản chất nên nó là thương hiệu đi đúng với tinh thần châm biếm tục của GTA nhất.
CB là thương hiệu duy nhất có gương mặt đại diện. Đó chính là Cluck Norris, tên trại đi của huyền thoại võ thuật Chuck Norris. Anh Cluck này là da màu và luôn nói câu slogan cock-a-doodle-doo, tiếng kêu trại đi của con gà. Từ da trắng mà thành đen thì cũng hiểu được là CB luôn khiến mọi thứ trở nên "đen tối" một cách trực diện nhất. Gắn liền với hình ảnh Chuck Norris nên không ngạc nhiên khi CB là nhà tài trợ cho giải thể thao "Beat the Cock" trong GTA SA. Một cách rất "tình cờ" là CJ có thể tham gia giải đấu này và bản thân anh cũng chính là một người da màu. Thảo nào Big Smoke mới đọc vanh vách menu CB.
Ngoài ra, tần suất hiện diện cao của CB ở các khu vực ngoại ô trong GTA SA và địa bàn của các băng đảng gangster cho thấy CB phù hợp những khu vực còn "ăn lông ở lỗ" và chưa bị "văn minh hoá" như các khu đô thị hiện đại và khu vực sống của tầng lớp thượng lưu. Ví dụ như khu vực phía Tây của Los Santos chính là khu Vinewood và chỉ có duy nhất 1 CB ở đó.
2. Well Stacked Pizza (WSP)
Sơ khởi nhất và lành nhất là Well Stacked Pizza. Nó theo chuẩn mực của một thương hiệu thân thiện và bình dân. Nó như một người hàng xóm có thể trêu chọc bạn nhưng cốt để muốn thân hơn. Tính chất châm biếm của nó vẫn hiện diện nhưng chỉ dừng ở những câu đùa vô hại như:
- You want a pizza or what?
- Everything here is well stacked, sir.
- Nice and cheesy does it.
Pizza Boy là nhiệm vụ phụ duy nhất trong series GTA có liên quan tới concept đồ ăn và bạn phải có chiếc xe scooter của chính WSP để làm nhiệm vụ. Bản thân chủ đề Pizza Boy đã là tạo nên hình ảnh một cậu chàng trẻ chăm chỉ và tinh nghịch vẫn còn đang hiếu kì với mọi thứ. Tính chất ngây thơ của nó có thể là nguyên nhân cho việc WSP là thương hiệu duy nhất không bị dán nhãn "nguy hại sức khoẻ" hay "toxic food" từ truyền thông GTA. Sự biến mất dần dần của WSP từ GTA 4 đến hoàn toàn trong GTA 5 không biết có phải một thông điệp rằng: Không có chỗ cho các cậu bé trong cuộc chiến người lớn và đám đực rựa. Sự tăng theo cấp số nhân của mức độ bạo lực và châm biếm lớp lang trong series GTA khiến cho WSP không còn phù hợp để tồn tại nữa.
3. Burger Shot (BS)
Nếu như cả CB và WSP quá cảm tính, thì Burger Shot là một gã máu lạnh cực nguy hiểm với cái đầu thông minh. Một khi dính với hắn là đi đời liền như cái tên Burger Shot. Một tên psychopath sẵn sàng thành thật với bạn về sự nguy hiểm của hắn chỉ để tuân theo cái đạo đức tiêu chuẩn và tránh vấn đề pháp lí cơ bản ("This burger may kill you. We can't be held responsible") nhưng sự minh bạch của hắn sẽ không bao giờ trần trụi như CB. Voicetrack của BS rất chuyên nghiệp và lịch sự, chứng tỏ rằng BS trưởng thành hơn so với "cock sucker" nhiều về khoản đầu độc. Điều này làm tôi liên tưởng BS với Hannibal Lecter, một người tuân theo phép tắc tối thiểu nhưng thực chất là một con quỷ muốn giết người để thoả mãn sự bệnh hoạn.
Cái chết gây nên bởi BS là không đoán trước được thời điểm nó xảy ra. Phương thức giết người của nó được thể hiện qua 2 slogan: "Heart Stopper" và "Bleeder". Một là nhây với áp suất mạch máu, lên cơn đau tim và đi luôn; hai là "hút chất dinh dưỡng" từ từ để rút ngắn tuổi thọ hoặc đổ lỗi cái chết cho một bệnh nào đó. Nói chung, giết chớp nhoáng và giết từ từ của BS là một slogan chung cho cả ngành Fast Food Mỹ và thể hiện rằng BS chính là người dẫn đầu của ngành công nghiệp đó.
Tôi nghĩ sự xuất hiện của nhân viên BS tên Ahron Ward với vai trò là người buôn bán thuốc cấm trong GTA 5 (nhiệm vụ Did Somebody Say Yoga?) là một ẩn dụ cho cái tính huỷ hoại xã hội của BS và sự cản trở của nó cho những người đang muốn hướng tới một cuộc sống tích cực hơn (tập Yoga). Đây chính là nguyên nhân cho sự thịnh vượng vượt bậc của BS so với CB trong Liberty City GTA 4.
"Thành phố 'tự do' tội lỗi" trong GTA 4 hoàn toàn là nơi phù hợp cho BS để phát triển lên đến 12 chi nhánh so với 4 chi nhánh của CB. Sự suy đồi của Liberty City không phải là về phương diện tình dục mà là sự vật hoá và biến chất của mối quan hệ giữa người với người. Chủ đề "trả thù để tìm lại bản ngã" và "gắn kết gia đình" trong GTA 4 như là sự đối lập sâu sắc với một Liberty City rỗng toác.
Sự nham hiểm của BS phần nào dự đoán được trình độ thâm thuý của nó về những vấn đề chính trị "người lớn" hơn CB và WSP (CB thì về tình dục còn WSP là trò đùa của những người bạn). Món "Freedom French Fries" trong menu BS là sự đá đểu về sự kiện "bài Pháp" ở Mỹ vì Pháp từ chối ủng hộ Mỹ tấn công Iraq sau sự kiện 11/9. Ngoài ra, tôi phát hiện ra món "Russian H8-TRS" là sự châm biếm về sự thù ghét Mỹ-Nga. H8 có nghĩa là "hate" còn TRS có thể là viết tắt của cuốn sách (1979) và phim cùng tên "The Right Stuff" (1983) nói về cuộc thử nghiệm tàu vũ trụ của nước Mỹ vào 1980s, thời gian diễn ra cuộc Chiến tranh lạnh. Nhưng sự cười nhạo không hề dừng ở đó. Ngay cả nhân viên của BS trong GTA SA cũng có tên là Russian Woman và mang ngoại hình rất "stereotype" về phụ nữ Nga, to bự như một con gấu Nga. Điều này hàm ý tính mâu thuẫn của mối quan hệ thù hằn này. Dù căng thẳng hai nước như thế nào thì người Nga vẫn đang đóng góp cho sự phát triển của một tập đoàn Fast Food lớn nước Mỹ.
Con chó nhỏ "phản thương mại"
Trước khi viết bài này, tôi luôn có ấn tượng đặc biệt với Hotdog. Các thương hiệu Fast Food lớn Mỹ không bao giờ bán Hotdog và cũng như không chuỗi nhà hàng cấp quốc gia nào chuyên về Hotdog tồn tại trên nước Mỹ. Nó như là một thứ luôn gắn liền với các nhà hàng gia đình địa phương và văn hoá street food hay một giá trị chung của các cá thể.
Trong GTA SA, Hotdog không có thương hiệu đại diện nhưng tới GTA 4 nó đã có Chihuahua Hotdogs (CH). CH có các xe đẩy riêng cho mình (hình 1) nhưng nó cũng là nhà cung cấp Hotdog cho các xe bán độc lập khác (hình 4 và 9). Bằng chứng là dù họ có những cái tên riêng cho xe đẩy của mình nhưng các sticker CH đều được dán trên xe. Việc CH không can thiệp nhiều tới cách chế biến và buôn bán Hotdog của các doanh nghiệp ngoài nó, cho thấy đây là sự hợp tác hài hoà giữa một thương hiệu với các người bán độc lập. Ngoài ra, nó còn thể hiện giá trị đóng góp cộng đồng của CH.
Việc dùng tên loài chó Chihuahua có thể liên quan tới thái độ không để tâm tới sự chênh lệch sức mạnh giữa nó và đối thủ. Chihuahua, loài chó nhỏ nhất thế giới sẵn sàng lao tới cắn xé những con chó to nhất nếu như chúng bị đe doạ. Điều này khá giống sự tồn tại cố hữu đến thần kỳ của Hotdog stand trong thế giới trên danh nghĩa, bị ông lớn thương mại điều khiển. Sự hiện diện CH không chỉ ở những xe đẩy CH mà còn các xe đẩy khác được dán sticker CH. Thứ rất giống với chiến dịch du kích của những lực lượng nhỏ bé chống lại các thế lực hùng mạnh.
Càng trớ trêu hơn nữa khi chính CH là nhà tài trợ của show "I'm rich" trên đài truyền hình quốc gia. Một show tung hô cuộc sống thượng lưu ở Liberty City nhưng bạn phải nhớ rằng GTA là chúa làm parody. Sự tài trợ này chính là counter marketing khi sự ca ngợi cuộc sống xa hoa thay vì khiến người xem ham muốn sự giàu sang đội lốt gato, thì lại làm họ nghĩ rằng: bọn giàu có toàn là lũ dở hơi ngáo đá.
Slogan "Dog eat dog world" một mặt cho thấy thế giới Liberty City luôn tồn tại một cuộc chiến không bao giờ kết thúc giữa national franchises và local vendors, mặt khác bóc trần sự "tự do" của xã hội Liberty chính là tự do cá lớn nuốt cá bé.
Niko Bellic và Hotdog
Một cái nhìn khác của tôi về sự phát triển cơ chế Hotdog stand rất đáng kể trong GTA 4 đó chính là sự nâng cấp này có thể phản ánh thế giới quan của Niko Bellic. Nguyên nhân tôi tin như vậy vì sự hồi máu thông qua việc tiêu thụ thức ăn trong GTA chỉ được thực hiện bởi playable character. Nó như một nguồn sống và là yếu tố quyết định sự sống còn của nhân vật trong rất nhiều tình huống có thể xảy ra trên đường về Safe House hay đang làm nhiệm vụ.
Vì là một người Đông Âu và là một người nhập cư trái phép bất đắc dĩ, Niko Bellic hết sức xa lạ với franchise Fast Food Mỹ, (anh chàng này trước khi đến Mỹ còn không biết strip club là gì nữa mà) nhưng rất thân thuộc với các Hotdog stand như thể chúng là một phần con người của anh. Có thể dùng sự phổ biến của xe đẩy street food là ở mọi quốc gia là lí do nhưng tốt nhất nên nhìn vào game để xác định các dấu hiệu.
Thứ nhất, ngay khi nhiệm vụ đầu tiên kết thúc, người chơi sẽ được giới thiệu chức năng của các vendors thông qua cut scene in game. Như thể đó là thứ đầu tiên mà Niko cảm thấy quen biết ở một đất nước xa lạ. Thứ hai, đối thoại của Niko với các vendors sau khi mua đồ ăn từ họ lúc nào cũng kèm theo "thank you", trong khi với nhân BS hay CB thì Niko lại im lặng. Thứ ba, độ phủ sóng của các vendors trong GTA 4 dày đặc hơn GTA SA rất nhiều và tần suất người chơi thấy họ là rất cao. GTA 4 là trò chơi dựa trên góc nhìn chủ quan của nhân vật chính (ví dụ khi Niko say xỉn, cả màn hình sẽ rung lắc dữ dội) nên cái gì xuất hiện nhiều thì có khả năng được tạo ra hàng loạt hay phóng đại dựa trên thứ có thật theo ý chí nhân vật.
Những dấu hiệu đó có thể giải thích tại sao Niko luôn giữ những giá trị xưa cũ của "The Old Country" dù không muốn quay về. Anh dường như miễn nhiễm với sự xâm lăng của văn hoá Mỹ trên nhiều phương diện dù sự thật là anh đang kiếm tiền từ nó. Nói thêm về động lực kiếm tiền của Niko, anh luôn dùng lí do "tôi cần tiền" trong các nhiệm vụ nhưng thực chất, tiền kiếm được từ chúng thì nhiều vô tận và không bao giờ xài hết được (kể cả khi đốt tiền mua quần áo, taxi, strip club, ăn uống, mua vũ khí). Có thể sự biến mất của cơ chế mua bất động sản trong GTA 4 đã giúp tích luỹ số tiền đó, nhưng tôi luôn thắc mắc rằng đây có phải chủ ý của Rockstar để nhấn mạnh giá trị cốt truyện khi cơ chế này trở lại trong GTA 5?
Quay lại với vấn đề chính. Một trong những sự tẩy não của Liberty City mà Niko chối bỏ gay gắt đó là: hãy quên đi quá khứ và bắt đầu cuộc sống mới. Niko không bao giờ quên quá khứ và nguồn cội của mình ;và luôn có những đoạn tự sự sâu sắc để phản bác lại những người bạn Mỹ anh mới quen. Bởi thế anh chàng như một kẻ lạc lõng, bảo thủ và nghiêm túc hơn so với người anh họ Roman.
Tất nhiên cái giả thuyết này không nên áp dụng với GTA VC hay SA vì hai tựa game này không có nhân vật chính đủ chiều sâu đề tôi suy diễn tới mức này.
The Fast Food Stimulation
Đồ ăn nói chung trong series GTA tạo sự thoả mãn rất quái đản trong tôi vì không những nó trông thật đẹp và hấp dẫn mà còn là cái không khí nhộn nhịp trong các nhà hàng quán ăn. Một sự thật là tất cả những thứ trong game, anime hay các loại hình phi giả tưởng khác đều trông "ngon" hơn rất nhiều so với đời thật.
GTA chỉ là một game giả tưởng và rất nhiều người chơi chỉ xem nó như một loại hình giải trí. Đúng vậy. Nhưng khi dành một khoảng thời gian dài trong game thì tôi cảm giác rằng cái niềm vui tôi đang trải nghiệm có gì đó không đơn giản như vậy. Tôi phải nhắc nhở bản thân một chủ đề luôn thường trực của GTA đó chính là sarcasm. Sự châm biếm chỉ trở thành một trò đùa chua cay nếu như bạn biết sự tồn tại những thứ đời thực tồn tại song song.
Cái hay của series GTA là bản thân nó là một stimulation tuyệt vời cho văn hoá của nước Mỹ mà không cần trải nghiệm thực xã hội. Sự phơi bày của GTA dù phần lớn nằm ở những cái tiểu tiết tôi diễn dịch và tự lên thuyết âm mưu trên nhưng khi bạn hoà mình vào thế giới đầy "bóng gió" đó thì trực giác đơn giản của bạn luôn réo lên trong đầu rằng có cái gì kì kì ở đây.
Nguồn tham khảo:
Game
/game
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất