VIỆC BỘC LỘ BẢN THÂN VÀ THỂ CHẾ CHÍNH TRỊ MANG TÊN GIÁO DỤC
Họ có biểu điểm rõ ràng, một lối mòn duy nhất là con đường tới với chân lý.(….). Việc cắt gọt tư duy hay tư tưởng sao cho “phù hợp” tức là đang đòi hỏi một khuôn đúc cho những thứ vô định hình.
Vì điểm số liên đới trực tiếp tới kết quả đánh giá học sĩ nên có cực kì ít học sĩ nào có thể hoàn toàn không bận lòng với điểm số. Dầu cho có là bạn hay tôi- những người dám đọc to điểm 3 văn trước lớp thì ta cũng đều bận lòng về nó. Ta đều bận lòng về điểm số nhưng không được phép để sự đánh giá mạo muội che lấp đi tâm trí ta vì khi đó thì giáo viên đã hoàn thành được mục đích răn đe của mình.
Từ bao giờ việc biểu lộ bản thân qua văn chương lại là ích kỷ và thiếu quy củ? Và từ bao giờ chúng ta lại có những sự thật rõ ràng, hiển nhiên cho tư tưởng? Hãy để toàn bộ những sự thật hiển nhiên lại cho toán học. Còn đối với văn học là thứ vốn phải là nghệ thuật miêu tả thì ta lại đang bị hành hạ bởi những quy chuẩn hà khắc. Có hai lý do mà tôi có thể liệt kê cho sự cam chịu mà thiếu phản kháng này:
Ta bất lực trong việc đòi hỏi hệ thống (giáo dục) thay đổi chút ít dù chỉ trong phạm vi nhỏ nhất là lớp học. Đồng thời ta không thể đào thoát khỏi nó hoặc nếu có thì phải gánh chịu hậu quả khôn cùng.Ta cần điểm số, bằng cấp ở hệ thống giáo dục là chứng nhận cho năng lực của ta.
Quả thực việc học là thiết yếu, điều này họ đúng. Nhưng họ sai khi cố thúc ép việc giáo dục học thuật từ sớm. Họ cứ cố đẩy áp lực với việc học cao hơn và cao hơn nữa. Đỉnh điểm là trong các kì thi cuối năm, cuối cấp để đạt được thành tích cao. Liệu rằng đó là “tốt cho các em “ bao nhiêu phần và tốt cho cô bao nhiêu phần? Trong khi đáng lý ra trước tuổi 18 là thời gian để xây dựng thế giới quan và rằng mọi phương thức nhồi sọ với đủ thứ kiến thức và tư tưởng khi thiếu đi một khung quy chiếu cá nhân đều sẽ tạo nên một tâm trí biến thái, một cái đầu định kiến mà đôi khi, người ta mất cả đời để hiểu ra những điều quá đỗi đơn giản. Sau 18 tuổi, đại học và các cấp bậc cao hơn đáng lý ra là nơi để nghiên cứu học thuật chuyên sâu thì ta lại “xả hơi”. Đáng buồn hơn là ai cũng coi việc mài đít trên bàn học như vậy là chưa đủ, thậm chí quá ít!. “Cố thêm chút nữa thôi”, họ cứ nói áp lực sẽ tạo ra kim cương. Quả thực là kim cương, cứng cáp và sáng chói, nhưng chỉ cần một lực đủ mạnh ... nát vụn. Viên kim cương nhân tạo được cấu thành từ bùn đất.
Không phải “Cố lên! Chỉ còn hai tháng nữa thôi” mà phải là “Cố lên.. còn tận hai tháng nữa cơ”, vì mỗi tiết học nghe giáo viên rao giảng về tư tưởng đều là cực hình với tôi. Họ cứ mãi bảo học sinh hãy sáng tạo, hãy cởi mở nhưng mỗi khi chúng tôi dám can đảm nói lên suy nghĩ riêng mình mà khác với điều họ mong chờ (giả như “em chỉ cần tốt nghiệp cấp 3”) thì ngay lập tức bị phán xét là sai lầm và ngay sau đó nhận sự trừng phạt, nhẹ thì là thuyết giáo, còn nặng thì như học sinh lớp tôi phải viết biên bản trình lên giám hiệu. Thật hết sức mâu thuẫn và giả tạo!
Trong cảnh tạm bợ, ta không mưu cầu điểm số cao và cũng chẳng có mấy điều là tha thiết ở lại thì ta chính thức được hệ thống giáo dục coi là “thiếu động lực” hay “con sâu làm rầu nồi canh” chuyên kéo thành tích lớp học xuống. Ta cầm chừng, bất mãn, ương ngạnh và không chịu thoả hiệp. Chí ít nếu ta không thể nổi loạn thì ta cũng phải giữ chút ít gì đó là ý chí riêng mình. Để nịnh bợ và cảm nhận cái “nhân văn” hay cái “tinh thần yêu nước” nguỵ tạo từ những môn học mà đáng lý ra phải là khoa học xã hội thì chỉ xứng đáng để tôi làm việc một cách hời hợt. Nếu chịu nhìn sâu hơn một chút thì ta có thể thấy việc rao giảng chân lý về lòng yêu nước khi chỉ dựa vào niềm tin và chiến tranh mà thiếu đi cơ sở lý luận mạnh mẽ thì không khác là bao việc rao giảng một tôn giáo. Giáo viên cho những môn “khoa học xã hội” này thực chất là các giáo sĩ, học sinh là con chiên ngoan đạo và trường học là thánh đường. Thể chế giáo dục khi này chính thức là một thể chế chính trị với mục đích tối hậu là tạo ra những công dân biết vâng lời với lòng trung thành chính trị tuyệt đối.
Nếu giáo dục thực sự là để mỗi cá nhân được hoàn thiện thì nó đã thất bại. Vì làm sao mà ta hoàn thiện được khi ta thậm chí không biết mình là ai. Ta được dạy rằng điểm cao là tốt, công việc ổn định, nhà lầu xe hơi là tốt và yêu nước thôi cũng là tốt. Một ngày nọ ta thử đặt những thứ tư tưởng được truyền dạy, bằng cấp và công việc, địa vị và tiền bạc sang một bên rồi suy nghĩ về giá trị nội tại bản thân. Khi đó ta nhận ra ta hoàn toàn xa lạ với chính bản thân mình. Vì chẳng ai có thể dạy ta cách tự biết mình, họ chỉ có thể cho ta môi trường để tự thực nghiệm. Đáng buồn thay, “tự biết mình” lại chưa bao giờ là mục tiêu của nền giáo dục nước ta.
(Phải làm rõ rằng tôi không phải không tận hưởng chút nào từ việc đến trường. Tôi thực lòng rất tận hưởng quãng niên thiếu dưới mái trường nhưng không phải là từ thành tích học tập mà là từ việc “không học”. Giữa việc tôi ở lại ngôi trường huyện ở ngoài rìa thành phố và chuyển trường về quận trung tâm cốt cũng là để tránh những tháng ngày quá đỗi chịu đựng ở những “trường thi” mà nay trường tôi đang trở thành. Về lòng yêu nước, tôi khẳng định nó là tốt nhưng không phải tốt chỉ với niềm tin. Tôi không muốn làm loãng bài viết vậy nên xin phép không đi quá sâu vào từng vấn đề.)
Trở lại việc chấm văn. Họ có biểu điểm rõ ràng, một lối mòn duy nhất là con đường tới với chân lý. Có thể đó là chân lý của họ nhưng vĩnh viễn không phải sự thật, vì sự thật là không thể nắm bắt. Sự thật thì muôn hình vạn trạng; nó chỉ bị giới hạn bởi trí tưởng tượng của con người. Thực tế thì những tác phẩm văn chương độc đáo không phải bởi tác phẩm ấy phát kiến ra một điều gì mới mà là bởi nó đưa ra một góc nhìn mới cho những vấn đề cũ. Việc cắt gọt tư duy hay tư tưởng sao cho “phù hợp” tức là đang đòi hỏi một khuôn đúc cho những thứ vô định hình. Kẻ nào tự tin rằng mình có thể xét đoán tư tưởng với khung nhị nguyên hoặc đúng hoặc sai thì kẻ đó đã quá sức ngạo mạn.
Quả thực ta cần một khung quy chiếu là biểu điểm chung cho việc chấm thi hàng triệu thí sinh hằng năm và việc đòi hỏi tính đa dạng, tức là tăng thêm tính chủ quan cho việc chấm văn là rất khó để thực hiện. Khó nhưng không phải không thể, chí ít hãy thực sự dạy hay lắng nghe thứ gì đó thay vì chỉ “nhồi sọ”. Hẳn nhiên mọi biểu hiện lòng tốt từ giáo viên đều là đi quá nghĩa vụ và là đòi hỏi. Nhưng những thứ tốt đẹp thì đã bao giờ là dễ dàng? Con người cứ liên tục nổi loạn, nổi loạn và đấu tranh mãi thôi. Vì ta biết không phải thoả hiệp mà chính là đấu tranh mới là động lực tất yếu tạo nên sự thay đổi tốt đẹp. Đấu tranh suy cho cùng cũng là để tìm kiếm sự hoà hợp. Sự tạm bợ khi đi kèm với ý chí bức thiết thay đổi có thể là phương thức tới với sự hoà hợp; nhưng sự tạm bợ khi đi kèm với ý chí nhu nhược, an phận lại là thứ đáng đấu tranh phá bỏ hơn cả.
Cảm ơn các bạn đã kiên nhẫn đọc. Và giờ thì tôi lại phải tiếp tục chép phạt, chấp nhận cúi đầu để mua chút ít sự khuây khoả cho ngày mai…

Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết này