I. MÌNH TRỞ NÊN KHÔNG THÔNG MINH BẰNG CÁCH NÀO?
Để mình kể cho bạn nghe về câu chuyện của mình. Suốt 11 năm học đầu tiên, mình luôn được đánh giá là một học sinh giỏi toàn diện, toán văn gì mình cũng cân được tất. Mình luôn đạt được điểm số cao chót vót trong học bạ, được coi như là một người “khó mà gặp thất bại” trong cuộc sống.
Cho đến năm lớp 12, như một giọt nước tràn li vì học hành quá nhiều, mình bắt đầu sinh ra tâm lý chán chường đối với việc học. Cùng lúc đó, mình phát hiện ra mình không hề giỏi Toán. Khi môn Toán bắt đầu xuất hiện cái thứ gọi là hình không gian và xác xuất thống kê thì đầu mình bắt đầu ong ong vật lộn với đủ loại số má và công thức, cộng với việc mất tập trung cho việc học (vì lúc ấy mình thấy các video trên Youtube và các bài viết trong báo Hoa Học Trò thú vị hơn nhiều), mình bắt đầu rơi tự do trên con đường chinh phục điểm cao, nhất là môn Toán, mà nghĩ đi nghĩ lại thì, nếu như mình được quay ngược thời gian về lúc ấy để nói cho bản thân một câu nào đó, mình vẫn sẽ cứ nói: "Cứ chơi tiếp đê, quan tâm gì ba cái môn mà mày KHÔNG thích chứ!"
Mình dần hiểu ra cái sự phân loại học sinh giỏi nó là như vậy trong những năm cuối cấp trung học. Nghiễm nhiên, học sinh nào đạt được điểm cao môn Toán, Lý, Hóa, xử đẹp hình không gian, toán hữu cơ và con lắc lò xo các thứ (lạy trời, sao chúng nó có thể nuốt được những môn như thế nhỉ) thì auto mang cái mác học giỏi, siêu nhân, thần đồng. Đứa nào học giỏi Anh văn, hiểu this và that khác nhau chỗ nào thì được mang tiếng là “có khiếu ngoại ngữ”. Còn đứa nào giỏi Văn, Sử, Địa, chữ nghĩa chảy tràn, văn thơ lai láng, thì… ờm… chỉ đơn giản là “tụi nó giỏi Văn” và hình như là chẳng được ai tâng bốc ca ngợi nhiệt liệt như cái đám kia.
Đấy, công bằng ở nơi đâu. Mà đỉnh điểm là một chuyện ngang ngược như thế này. Ba năm cấp 3 mình làm lớp phó, mà trong mắt thầy cô, lớp phó là nghiễm nhiên phải giỏi, giỏi toàn diện, giỏi xức sắc, gặp một bài tập gì khó mà cả lớp không ai xung phong lên làm thì “lớp phó lên cho cô nào”. Trong hai năm đầu mình cũng không mấy áp lực lắm đâu, vì thời gian đó mình vẫn còn chú tâm học hành lắm. Nhưng đến năm lớp 12, vị giáo viên dạy Toán lớp mình thì lúc nào cũng muốn mời mình và con bé lớp trưởng lên giải bài tập. Mà ôi thôi, hồi đấy mình như gà mắc tóc, cái gì về Toán cũng chỉ hiểu sơ sơ. Những lần hai đứa lên cùng một lúc thì mình lúc nào cũng là đứa giải xong lâu hơn (thêm một điều nữa, con bé lớp trưởng chính là một thần đồng học hành chính hiệu, và chuyện học của nó thì ôi thôi là suôn sẻ đủ đường). Thế là vị giáo viên đáng kính ấy, đừng trước lớp, gán luôn cho mình cái định nghĩa “học còn chậm”: Lớp phó học hơi chậm nhen; Lớp phó giải bài tập còn chậm nhen … khiến mình bất bình và nhục nhã trong lòng. Mình vừa căm thù vừa sợ Toán. Cả năm lớp 12, những tiết toán chính là thứ ám ảnh nhất đối với mình (và đến những ngày cuối năm khi giáo viên vẫn vào lớp ôn tập cho học sinh thi cuối cấp nhưng không điểm danh, mình …trốn tiệt cái môn lắm số và hình ấy để xuống căng – tin ngồi chơi với bạn bè. Ôi, tội lỗi quá!)
Thế thì con cá có trèo cây được không? Đơn giản, chẳng có đáp án nào khác ngoài một chữ "KHÔNG" to tướng cả. Trong mắt giáo viên dạy Toán, mình chính là một con cá nhỏ bé và việc học Toán thì y như là việc trèo cây dành cho khỉ vậy. Thế thì mình không làm được là đúng rồi. Nhưng giáo viên có hiểu cho học sinh không? Khi mà họ cũng được học về tâm lý học sinh trước khi hành nghề giáo dục kia mà?
Và thế là, trong mắt vị giáo viên ấy và cả đám bạn trong lớp, mình thành ra một học sinh KHÔNG thông minh.
II. ĐỊNH KIẾN CỔ HỦ CỦA VIỆT NAM VS. TƯ DUY MỚI MẺ CỦA CÁC NƯỚC PHÁT TRIỂN.
Phần này mình chỉ nói ngắn gọn thôi, vì mình không phải một nhà nghiên cứu về giáo dục nước ngoài, nhưng mình có thể hiểu được các cách họ làm để phát triển thanh thiếu niên nước nhà một cách toàn diện. Rõ ràng là có một sự chênh lệch trong tư duy hiện đại về giáo dục giữa Việt Nam và các quốc gia phát triển ấy.
Ở nước ta, hai môn chú trọng nhất đó là Toán và Văn. Nhưng mình đồ rằng môn Văn được thêm vô chẳng qua cũng là chuyện hình thức để thể hiện tư duy tiến bộ của nhà cầm quyền, chứ thực ra văn chương nào có được trọng dụng. Những môn quan trọng đáng lẽ phải là: Toán, Lý, Hóa và dạo gần đây có thêm Anh văn nữa. Nhưng vẫn là Toán Lý Hóa, những môn liên quan đến con số và tính toán. Khi hỏi "con của chị học chuyên gì", “dạ nó chuyên Toán”, nghe thật tự hào. Nhưng nếu, “con tôi học chuyên Văn”, “con tôi học chuyên Sử”…thì lại nói lí nhí dè dặt trong miệng. Đừng nói gì phụ huynh, chính mình cũng vậy. Năm cấp 3 mình học chuyên Sinh và tâm lý của mình khi trả lời “con học chuyên gì” của các bậc người lớn cũng e ngại y như cái cách họ nhìn nhận mình vậy.
Ở các quốc gia phát triển, họ có tư duy rất mới mẻ và hiện đại trong giáo dục nhằm khuyến khích học sinh phát huy tối đa tiềm năng của mình. Họ có phương pháp giáo dục Montessori dành cho trẻ mẫu giáo. “Phương pháp Montessori chấp nhận sự duy nhất của mỗi trẻ và cho phép trẻ phát triển tuỳ theo những khả năng riêng của mình và thời gian riêng của mình. Do đó việc tổ chức các lớp học theo mô hình Montessorri phải đảm bảo sự tôn trọng tính riêng biệt của mỗi trẻ và phải bố trí phòng học và bài học phù hợp những nhu cầu và mục đích của mỗi em.” (theo Wikipedia).
Các trường trung học đều thành lập và phát triển các đội bóng và câu lạc bộ thể thao, các thành viên trong đội luôn được ngưỡng mộ vô cùng, họ cũng có rất nhiều cơ hội trong việc chọn trường đại học nếu sở hữu thành tích thể thao tốt. Các trường cũng có bác sĩ hoặc chuyên viên tâm lý nhằm tư vấn và giải đáp các thắc mắc của học sinh. Các giáo viên không bao giờ đọc to điểm số của học sinh trước lớp để không gây phân biệt đối xử. Và họ không có cái kiểu thấy học sinh viết tay trái thì răn đe và bắt chuyển qua viết bằng tay phải ?!? (tại sao điều này lại có ở Việt Nam, mình không thể hiểu).
III. NẾU BẠN NGHĨ MÌNH KHÔNG THÔNG MINH, CÓ LẼ BẠN NHẦM.
Vì khoa học đã công nhận con người có tới hơn 8 loại thông minh khác nhau.
Lý thuyết về đa trí thông minh được nhà tâm lý học Howard Gardner giới thiệu lần đầu trong cuốn sách “Frames of Mind” xuất bản năm 1983. Trong đó, ông chỉ ra rằng Trí thông minh không phải bất biến, đóng khung trong 1-2 loại nhất định và bài IQ test chỉ phản ảnh đúng một vài loại ấy mà thôi chứ không phải toàn bộ. Mỗi người sẽ có những đặc điểm của một hoặc vài loại trí thông minh khác nhau.
Gardner giới thiệu về 8 loại trí thông minh khác nhau:
1. Trí thông minh logic và suy luận (Mathematical/ Logical Intelligence):
Khả năng xử lý tốt các loại số liệu, phân tích và giải quyết vấn đề một cách logic, nghiên cứu vấn đề dựa trên các giả thuyết hợp lý và suy luận, tính toán khoa học.
Nghề nghiệp phù hợp: nhà toán học, kế toán, chuyên gia phân tích dữ liệu, nhà khoa học, chuyên gia máy tính…
-> Đây chính là những kẻ học giỏi ở trường theo quan niệm của giáo dục nước ta.
2. Trí thông minh ngôn ngữ (Linguistic Intelligence):
Khả năng xử lý tốt các loại chữ nghĩa thông qua nói và viết, khả năng cảm thụ văn chương cao, dễ học tốt các loại ngôn ngữ, nắm rõ các kiến thức về cấu trúc ngữ pháp và từ vựng, phân tích thông tin tốt.
Nghề nghiệp phù hợp: nhà văn, nhà báo, luật sư, nhà ngoại giáo, diễn giả…
=> Trí thông minh Logic/suy luận và Trí thông minh ngôn ngữ chính là hai loại trí thông minh được đánh giá cao trong hầu hết các hệ thống giáo dục từ Tây sang Đông. Đây cũng là hai loại trí thông minh được thể hiện thông qua bài kiểm tra IQ thông thường.
3. Trí thông minh thể chất (Bodily Kinesthetic Intelligence):
Khả năng vận dụng tốt toàn bộ chuyển động của cơ thể, phối hợp nhịp nhàng các động tác chuyển động khác nhau để giải quyết vấn đề.
Nghề nghiệp phù hợp: vũ công, vận động viên thể thao, bác sĩ phẫu thuật, kĩ sư, nhà điêu khắc, nhà trị liệu vật lý…
4. Trí thông minh không gian (Spatial Intelligence):
Khả năng hình dung và vận dụng tốt các cấu trúc không gian.
Nghề nghiệp phù hợp: phi công, bác sĩ phẫu thuật, kiến trúc sư, nhà thiết kế đồ họa, nhà thiết kế nội thất.
5. Trí thông minh âm nhạc (Musical Intelligence):
Khả năng cảm thụ âm nhạc tốt, có kĩ năng trình diễn, kết hợp tốt các nhịp điệu.
Nghề nghiệp phù hợp: nhạc sĩ, ca sĩ, nhà soạn nhạc, nghệ sĩ dương cầm/ vĩ cầm…
6. Trí thông minh tương tác và giao tiếp (Interpersonal Intelligence):
Khả năng thấu hiểu ý định, động cơ và nhu cầu của người khác tốt, có kĩ năng tương tác với con người.
Nghề nghiệp phù hợp: giáo viên, nhà tâm lý học, nhà quản lý doanh nghiệp, nhân viên bán hàng, các công việc liên quan đến quan hệ công chúng…
7. Trí thông minh nội tâm (Intrapersonal Intelligence):
Khả năng thấu hiểu bản thân tốt, xử lý hiệu quả các vấn đề liên quan đến bản thân, xác định rõ ý định, động cơ, nỗi sợ hãi và sức chịu đựng giới hạn của bản thân.
Nghề nghiệp phù hợp: nhà trị liệu, nhà tâm lý học, nhà tư vấn, doanh nhân, giáo sĩ, tu sĩ…
8. Trí thông minh tự nhiên (Naturalist Intelligence):
Khả năng nhận biết và phân loại tốt các loại sinh vật trong tự nhiên, có sự hòa hợp cao giữa bản thân và thiên nhiên. Những người này cũng có xu hướng thích ra ngoài trời nhiều hơn. Do đó, các sở thích của họ thường là leo núi, đi bộ đường dài, chèo thuyền, câu cá, đi săn hoặc thả bộ dọc bãi biển…
Nghề nghiệp phù hợp: nhà động/ thực vật học, nhà địa lý học, nhà sinh vật học, nhà khí tượng học, nhà thiên văn học; người làm vườn, nông dân, người thiết kế quang cảnh…
* Gardner gợi ý rằng có thể có thêm những loại hình thông minh khác như Trí thông minh triết học, Trí thông minh tinh thần…nhưng ông không công nhận những loại hình thông minh ấy vì chúng không đáp ứng các tiêu chí ban đầu khi nghiên cứu của ông.
Trí thông minh triết học (Existential Intelligence/ Spiritual Intelligence):
Khả năng đặt ra câu hỏi và tự vấn về những điều triết lý, sâu sắc, luôn tìm về và hướng đến cái gốc của cuộc sống. Họ thường đặt ra những câu hỏi mang tính triết lý như “Tại sao chúng ta lại tồn tại?”, “Tại sao chúng ta lại ở đây?”, “Tại sao Trái đất tồn tại trên đời?”. Họ cũng rất thấu hiểu về các vấn đề liên quan đến tâm linh, tinh thần.
Nghề nghiệp phù hợp: nhà thần học, nhà tâm linh, nhà triết học
IV. SỰ CÔNG NHẬN LÝ THUYẾT ĐA TRÍ THÔNG MINH.
Như mình đã nhắc tới phía trên, không phải cả 8 loại trí thông minh trên đều được đánh giá cao và công nhận rộng rãi.
Bài IQ test chỉ tập trung làm nổi bật hai loại trí thông minh duy nhất: Trí thông minh logic – suy luận và Trí thông minh ngôn ngữ.
Các cơ sở giáo dục tại Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới cũng chỉ tập trung vào các môn học liên quan đến hai loại trí thông minh này mà thôi (Toán và Văn).
Nhưng theo góc nhìn cá nhân, mình có thể thấy được là nền giáo dục Việt Nam chỉ đánh giá cao trí thông minh logic – suy luận (rõ ràng rằng, một đứa chuyên Toán sẽ được ngưỡng mộ hơn nhiều so với một đứa chuyên Văn).
Điều này vô hình chung tạo ra một số định kiến tiêu cực:
1. Nhiều người cho rằng mình không thông minh.
Dễ thấy rằng, một học sinh được cho là giỏi khi học sinh ấy đạt được điểm cao trong các môn tính toán như Toán, Lý, Hóa.
Những học sinh nào giỏi các môn khác như Sinh, Sử, Địa, Thể dục, Âm nhạc… thì vô hình chung được xếp vào nhóm “học sinh bình bình”.
Thế nên, vô số người vì định kiến cộng đồng mà tự công nhận bản thân mình là “không thông minh”.
2. Luôn chịu định nghĩa tiêu cực.
Kể cả khi một người hiểu rõ trí thông minh và đam mê của mình là gì, ít thấy được những ai thực sự sống với đam mê của bản thân vì đam mê ấy không được nhìn nhận và đánh giá cao ngay từ đầu, qua đó làm nhụt chí của người sở hữu loại thông minh tương ứng với đam mê ấy.
Mình thì chỉ kể sơ sơ một vài định kiến mình thường thấy của người Việt Nam dành cho nhau:
- Nếu bạn có trí thông minh thể chất, người ta sẽ bảo:
A! Dòng thứ hiếu động, nghịch ngợm, quậy phá (khi còn nhỏ).
Đầu óc ngu si, tứ chi phát triển.
- Nếu bạn có trí thông minh không gian, người ta sẽ bảo:
Muôn đời làm freelancer, thu nhập không ổn định, nhắm nuôi được con gái bác không?
- Nếu bạn có trí thông minh âm nhạc, người ta sẽ bảo:
Ui dào, xướng ca vô loài.
- Nếu bạn có trí thông minh tương tác – giao tiếp, người ta sẽ bảo:
Đồ nói nhiều, thích thể hiện!
Đồ nịnh bợ, lấy lòng người khác.
- Nếu bạn có trí thông minh nội tâm, người ta sẽ bảo:
A, con tự kỉ :D
- Nếu bạn có trí thông minh tự nhiên, người ta sẽ bảo:
Tinh thần bần nông bất diệt.
Người rừng (vì chơi với cây cối muông thú quá nhiều) :D
- Nếu bạn có trí thông minh triết học, người ta sẽ bảo:
Người ngoài hành tinh (vì nói những điều không ai hiểu).
Thậm chí, đến cả hai loại thông minh được tung hô nhất cũng chịu số phận tương tự:
- Nếu bạn có trí thông minh logic – suy luận, người ta sẽ bảo:
Một con người khô khan và lý thuyết đúng chất.
Cái đồ không có tình cảm, suốt ngày chỉ biết dùng lý trí.
- Nếu bạn có trí thông minh ngôn ngữ, người ta sẽ bảo:
Dài dòng, nhiều chữ nghĩa.
Viết văn mốt cạp đất mà ăn?!?
3. Được công nhận nhưng cũng không có nhiều cơ hội phát triển.
Kể cả khi bạn được tung hô hết lời vì quá tài năng trong một lĩnh vực nào đó, bạn đôi khi sẽ khó lòng rẽ hướng theo đuổi đam mê của riêng mình vì mải đâm đầu vào những con đường phổ biến mà ai cũng đi.
Không biết trường các bạn sao, chứ trường cấp 3 của mình biết bao nhiêu bạn hát hay, đàn giỏi nhưng mình chưa thấy bạn nào nộp đơn thi vào Nhạc viện cả.
Tương tự, một bạn cực kỳ giỏi thể thao cũng ít khi mong muốn nộp đơn vào các trường thể thao vì họ biết rằng không có nhiều đất dụng võ cho bản thân sau khi ra trường.
Ngày càng có nhiều trường học thành lập các câu lạc bộ khác nhau chuyên về các mảng kĩ năng riêng biệt (thuyết trình, phản biện, guitar, làm thơ, bóng rổ, cầu lông, nhiếp ảnh…), thông qua đó giúp các bạn học sinh có cơ hội khám phá đam mê thực sự của bản thân. Nhưng liệu có mấy ai thực sự khám phá ra được đam mê ấy, vì đôi khi việc tham gia vào một câu lạc bộ nào đó có thể chỉ là để giải tỏa căng thẳng sau giờ học, mở rộng mối quan hệ hoặc…có nhiều điểm rèn luyện, điểm thành tích cho bản thân, làm đẹp hồ sơ du học?
Tuy nhiên, trong một thế kỷ tôn vinh mạng xã hội như ngày nay, bất kỳ tài năng nào cũng có thể kiếm được bộn tiền vì sức lan tỏa là không giới hạn nếu bạn chịu khó nghiên cứu đầu tư, sáng tạo và thể hiện thuần thục các kỹ năng nhất định.
Vì thế, khi xã hội ngày càng phát triển, mình luôn tin và hi vọng rằng sẽ có một ngày nào đó, tất cả các loại thông minh đều được trọng dụng, chứ không phải chỉ được xem như là một loại tài năng lẻ, một sở thích để thể hiện với mọi người.
4. Chủ nghĩa “tiêu thụ nhanh” làm lãng phí Trí thông minh.
Chủ nghĩa tiêu thụ nhanh bùng nổ qua Internet (tin nhanh, mua nhanh, xem nhanh…) khiến nhiều bạn trẻ lãng phí rất nhiều thời gian và không rèn luyện cho bộ óc tính kiên trì (vì luôn cần phải nhanh cộng với hội chứng sợ bỏ lỡ). Dần dà, người trẻ mất đi nhiều thứ:
- mất động lực: bạn không thấy một ai tung hô, tán dương và tư vấn cho bạn tận dụng được khả năng của mình; bạn không thấy được tiềm năng to lớn nếu bạn theo đuổi đam mê (mà điều này thực chất đến từ sự tự ti của bạn) => mất động lực theo đuổi đam mê và phấn đấu cho điều đó.
- mất mục tiêu: khi đã không có động lực, bạn sẽ quay lại một mục tiêu có vẻ lớn lao nhất của những năm tháng tuổi trẻ - mục tiêu kiếm tiền. Từ đây, bạn bắt đầu lao vào số đông, chọn học và làm những điều an toàn, đem lại lợi nhuận cao ban đầu, nhưng bạn lại không hề hứng thú.
- mất khả năng tự học và nghiên cứu: khi đã quen với lối tiêu thụ nhanh và làm bạn với chiếc điện thoại cùng facebook, tiktok cả ngày, bạn bắt đầu mất khả năng tập trung tự học và nghiên cứu một kĩ năng/ ngành nghề nhất định mà bạn có khả năng làm tốt nhất dựa theo loại trí thông minh bạn sở hữu. Dần dà, bạn TRỞ NÊN HOÀN TOÀN KHÔNG TÀI GIỎI Ở BẤT KÌ LĨNH VỰC GÌ. Đó là lí do vì sao nhiều người trẻ vẫn hoang mang về cuộc đời, không biết mình thích gì, không biết mình muốn làm gì lâu dài cho tương lai. Cuộc sống vì thế mà bắt đầu trở nên tầm thường và an nhàn, không đảm bảo và không vui vẻ.
V. GIẢI PHÁP.
1. Dành cho người chưa hình dung được trí thông minh của mình:
Bạn có thể khám phá lại bản thân bằng nhiều cách khác nhau.
Ví dụ, hãy nhớ lại xem ngày bé bạn thường thích và làm tốt trong những chuyện như thế nào, đó có thể là trí thông minh tiềm năng của bạn được bộc lộ một cách sơ khai, nguyên thủy nhất khi chưa có bất kỳ tác động nào làm bạn phải chuyển hướng tính cách của mình.
Nếu kí ức về quá khứ đã quá phai mờ, hãy để ý xem trong hiện tại, những việc làm nào mà bạn có thể thực hiện nhuần nhuyễn nhất mà không cần quá cố gắng, đó có thể là tố chất thông minh thiên bẩm của bạn (ví dụ: bạn trồng cây rất mát tay; bạn luôn nêm nếm đồ ăn rất hợp khẩu vị; bạn luôn di chuyển thanh thoát nhẹ nhàng và không bao giờ mang tiếng là hậu đậu; bạn luôn thấy mình nói rất nhanh và mượt mỗi khi đưa ra lời khuyên cho người khác…)
Ngoài ra, bạn cũng có thể tìm hiểu bản thân bằng phương pháp Ikigai, tìm ra mục đích sống của mình dựa trên bốn tiêu chí: việc bạn thích làm, việc bạn làm giỏi nhất, việc thế giới cần, việc có thể kiếm ra tiền. Điểm giao nhau giữa bốn tiêu chí này chính là công việc phù hợp dành cho bạn.
Nếu bạn quan tâm đến lá số chiêm tinh, muốn tìm hiểu về sự tác động của mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao lên năng lượng của bản thân khi vừa sinh ra, bạn cũng có thể tham khảo tại đây: https://chiemtinhlaso.com/online_calcs/scripts/natal.php?id1=2039974
Và cuối cùng, hãy thực hiện bài trắc nghiệm MI (Multiple Intelligence) – Trắc nghiệm đa trí thông minh, là bài trắc nghiệm được dùng để đánh giá và phân loại tố chất theo hệ phân loại Đa trí thông minh của Howard Gardner – cha đẻ của lý thuyết Đa trí thông minh: https://www.topcv.vn/mi/test#_=_
2. Dành cho người đã biết mình thông minh như thế nào:
Nếu bạn đã hiểu rõ sự thông minh của bản thân ở lĩnh vực gì, hãy đặt cho mình những câu hỏi sau:
- Liệu mình có đủ đam mê để theo đuổi chúng? Mục tiêu lớn lao của mình khi theo đuổi chúng là gì, để mình có thể kiên định hơn mỗi khi nản chí?
- Nếu theo đuổi đam mê, mình sẽ làm gì tiếp theo để đạt được thành công trong lĩnh vực đó?
- Nếu không theo đuổi đam mê, mình sẽ làm gì, và có làm việc đó lâu dài được không?
Sau khi xác định được hướng đi, hãy nghiêm túc rèn luyện sự tự học trong một thế giới đầy những xao nhãng như hiện tại.
Tới khúc này, kỷ luật chính là chìa khóa thành công. Nếu bạn không đủ kỷ luật, hãy chấp nhận sống an nhàn và tầm thường.
VI. GÓC DÀNH CHO CHA MẸ.
Cha mẹ hiện đại nhất chính là cha mẹ không áp đặt bất cứ thứ gì lên con mình, mà chỉ cho chúng lời khuyên hữu ích và phù hợp với hoàn cảnh.
Cha mẹ không nên sống vì miệng lưỡi người đời, mà phải sống vì hạnh phúc của con cái.
Đừng vì bà A hàng xóm chê con của mình học không giỏi, không được nhiều điểm 10 bằng con của bà, mà về la mắng, dọa nạt con mình, bắt chúng vùi đầu vào sách vở đến kiệt sức để mang điểm 10 về cống nạp cho bạn, để thỏa cái tôi của bạn với người ngoài, mà không quan tâm đến việc liệu con mình có hạnh phúc không, con mình thực sự thích và giỏi điều gì.
Cha mẹ thông minh nhất chính là cha mẹ biết để ý đến điểm mạnh/ yếu của con và hỗ trợ phát huy tối đa tiềm năng của con, giúp con tận hưởng những điều chúng thích và giỏi, qua đó dễ dàng đạt nhiều thành tựu trong cuộc sống.
Nếu thấy con vẽ đẹp, hãy đầu tư cho chúng một khóa học vẽ bài bản, chứ đừng cho rằng đó chỉ là sở thích bên lề của con, “chỉ là một môn phụ ở trường”.
Nếu thấy con thích nhảy nhót, hãy cho con đi học nhảy bài bản, chứ đừng cho rằng đó là do con hiếu động, dư năng lượng.
Vì tương lai của con, bạn cần hành động ngay bây giờ.
KẾT LẠI, mình chỉ muốn khẳng định một điều rằng:
MÌNH THÔNG MINH, VÀ CÁC BẠN CŨNG VẬY.
Và mình hi vọng các bạn sẽ tìm ra được trí thông minh của riêng mình, hiểu được và trân trọng chúng. Đừng lãng phí “của trời cho”.
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất