Bạn đang khổ sở vì mãi dóm ngó thứ mà người khác có mà mình không có? Bạn đang thấy người khác sao thật giỏi giang và tài năng còn khi nhìn lại mình thì chỉ thấy ngán chết được thôi? Bạn đang tự hỏi rằng tại sao cuộc đời lại ưu ái một số ngườ nhưng đó không phải là mình? Rồi cuối cùng thậm chí bạn còn ghét cả chính bản thân mình vì tính tình hay so sánh và ghen tị của bản thân?
Nếu bạn đang có một trong những câu trả lời trên là có thì bài viết này chính là dành cho bạn đấy. Qua bài viết này, bạn sẽ khám phá được những cách thức để ngừng việc so sánh với người khác rồi cảm thấy tự ti. Và chắc chắn một điều rằng chúng đều rất đơn giản và dễ thực hiện. Những cách này mình đều đã áp dụng cho bản thân và chúng thật sự giúp ích cho một người từng rất thích so bì như mình. Giờ thì chúng ta cùng bắt đầu thôi nào.
Vậy thì khoan bàn đến việc làm sao để ngừng so sánh bản thân với người khác mà trước hết chúng ta phải hiểu bản chất của việc so sánh cái đã. Khi hiểu được bản chất của nó thì chúng ta mới có cơ sở dể đánh giá việc ‘so sánh’ là tốt hay là không tốt.
Vậy thì theo mình thì so sánh có hai loại chính.
Kiểu đầu tiên là kiểu mà chúng ta sẽ so sánh điểm yếu của mình với điểm mạnh người người khác để rồi cảm thấy tự ti, thua kém và mất động lực.
Biểu hiện của những người thuộc hay so sánh kiểu này là những suy nghĩ hay lời nói: “Cậu thì sướng rồi. Giá mà được như cậu thì tốt quá!” hay “Nếu tôi giỏi như X thì bây giờ tôi đã…(viễn cảnh trong mơ”)
Tuy rằng đa số chúng ta đều dễ rơi vào kiểu một nhưng vẫn còn một kiểu khác của việc so sánh. Đó là kiểu thứ hai - nhìn nhận những điều người khác giỏi mà cảm thấy có động lực để hành động và hoàn thiện chính mình.
Biểu hiện của kiểu so sánh này là khi bạn nhìn thấy một đứa bạn học giỏi Toán và giải bài tập như chơi thì bạn bỗng dưng cũng cảm thấy có động lực để học chăm hơn và đạt được đến trình độ cao như vậy. Hay là bạn đang muốn học cách ghi chép theo kiểu Bullet Journal mà xem mấy Youtuber hay Tiktoker làm siêu đẹp là tự nhiên sạc đầy năng lượng để bắt tay vào hành động liền.
Nguồn chỉnh sửa ảnh: Canva
Nguồn chỉnh sửa ảnh: Canva
Việc mình phân tích vậy là để các bạn thấy rằng việc gì cũng có hai mặt hết nên không phải cứ nghe só sánh chính mình với người khác là việc xấu đâu. Và mình rất thích câu “Quan trọng là chúng ta sử dụng những cái mình đó như thế nào” của nhà phân tâm học Alfred Adler.
Và biết được như thế thì chúng ta sẽ cùng đi đến câu hỏi quan trọng nhất là: “Làm cách nào để ngừng so sánh theo kiểu một và học cách só sánh theo kiểu hai?”
Bình thường thì chúng ta hay nghe bảo: “Đừng bao giờ so sánh bạn với người khác mà hãy so sánh với chính mình ngày hôm qua”. Nhưng vấn đề quan trọng là hành động cụ thể phải làm như thế nào để bản thân bớt cảm thấy ghen tị với những gì người khác có mà mình không có đây?
Câu trả lời của câu hỏi trên cũng chính là phương pháp đầu tiên mình sẽ giới thiệu:

1) Học cách biết ơn với những gì mình đang có

Mọi chuyện thật ra rất đơn giản đấy các bạn thân mến. Lí do mà bản thân cảm thấy ghen tị với người khác thì phần nhiều là vì bản thân chúng ta hay tập trung vào những gì mình chưa có và rồi sinh ra cảm giác ‘thiếu thốn’. Vì thế nên theo bản năng thì chúng ta sẽ so sánh mình với người khác và cảm thấy “Mình thua xa người ta”.
Vậy khi mà chúng ta học cách nhìn nhận và trân trọngnhững gì mình đã và đang có thì chúng ta tự động sẽ thôi đi so sánh với người khác thôi. Vậy làm sao để học được kỹ năng này? Câu trả lời chính là hai chữ “Luyện tập”.
Và phương thức luyện tập chỉ đơn giản là mỗi ngày hãy liệt kê ra ba việc mà bạn cảm thấy biết ơn hôm đó. Đó có thể là những chuyện khiến bạn cảm thấy vui vẻ như gặp lại bạn cũ, giải được một bài Toán khó hay được cô giáo khen. Bất kể là nhỏ nhặt đến đâu nhưng miễn bạn cảm thấy vui là được rồi.
Bạn có thể viết ra giấy để dễ nhìn lại. Cá nhân mình rất thích viết nên mỗi ngày đều dành khoảng 5 phút để viết về những điều tuyệt vời hôm đó. Nhưng nếu hôm đó bạn quá bận hay mệt mỏi thì nghĩ trong đầu ba điều tuyệt vời của hôm đó là đủ rồi. Và hơn cả thế bạn hãy tập biết ơn không chỉ với những điều xung quanh mà còn là tập biết ơn với chính mình bằng cách trả lời những câu hỏi gợi ý sau:
Điều gì khiến bạn thấy tự hào về chính bản thân?
Điểm mạnh của bạn là gì?
Bạn yêu điều gì ở con người mình?
Thành công của cuộc đời bạn là gì?
Nguồn chỉnh sửa ảnh: Canva
Nguồn chỉnh sửa ảnh: Canva
Bạn có thể chọn trả lời một câu cho mỗi ngày và cứ yên tâm rằng chuyện đó có thể là vô cùng bình thường và nhỏ bé. Giống như với mình thì đi ngủ đúng giờ là thành công của mình đấy. Nghe có vẻ vô lí nhưng vì bản thân mình khá khó ngủ nên hôm nào ngủ được sớm là mình thấy đặc biệt vui vẻ.

2) Tiếp nhận thông tin một cách khôn ngoan và biết cách đặt câu hỏi

Bây giờ là thời đại của công nghệ thông tin nên chúng ta vẫn thường gắn liền với mạng xã hội. Vì thế mà đôi khi chúng ta thu hẹp thế giới mình lại trong cái điện thoại hay laptop để lắm lúc bị choáng ngợp với hàng ngàn bài viết và hình ảnh đại loại như "những bữa cơm hạnh phúc", "những chuyến đi chơi vui vẻ",...
Như bình thường mà thấy nhà người khác toàn là chuyện vui thế này thì rất dễ khơi gợi lên tâm lí so sánh. Vậy thì có hai cách để giải quyết.
Một là chúng ta hạn chế thời gian ‘dạo chơi’ trên mạng xã hội. Cách này thì bạn hãy đặt cho mình một khoảng thời gian nhất định như 30 phút một ngày để tương tác trên mạng xã hội chẳng hạn. Và như vậy thì bạn sẽ không cần lo lắng rằng mình đã lỡ lạng phí quá nhiều thời gian lang thang trên các trang mạng xã hội
Còn cách thứ hai là hãy biết đặt câu hỏi. Khi nhìn thấy bạn bè đăng hình ảnh bữa cơm gia đình tám món một canh hay khung cảnh đẹp đẽ tuyệt vời của thành phố Paris trong tuần trăng mật với người yêu thì phải tự hỏi chính mình rằng “Làm sao để họ làm được như vậy?”, “Phải tốn bao nhiêu công sức?” hay “Tại sao mình không làm được?”
Nguồn chỉnh sửa ảnh: Canva
Nguồn chỉnh sửa ảnh: Canva
Nếu biết cách đặt câu hỏi cho chính mình thì có lẽ chúng ta sẽ có một cái nhìn tổng quát hơn. Lấy ví dụ như bạn nhìn thấy một người bạn đăng ảnh gia đình đi chơi hay có những bữa cơm ấm áp bên nhau mà không khỏi cảm thấy ghen tị đi. Thì bây giờ hãy đặt câu hỏi rằng “Phải làm sao để có thể có được tình cảm gia đình gắn kết như thế?”.
Có thể bạn sẽ nghĩ đến việc rằng mỗi thành viên trong gia đình sẽ phải học cách lắng nghe và thấu hiểu với đối phương. Vì khoảng cách giữa cha mẹ và con cái là khoảng cách thế hệ mà, nên đâu dễ dàng gì để có được những giây phút bình yên bên nahu nếu song phương không bằng lòng bỏ công sức để xây dựng mối quan hệ này cơ chứ.
Và điều này dẫn đến phương pháp thứ ba mà mình muốn giới thiệu để chúng ta có thể học cách ‘so sánh tích cực’.

3) Tìm hiểu cách thức mà những người bạn hâm mộ có được thành tựu như thế.

Sau khi đã đặt được những câu hỏi cho bản thân được rồi thì việc kế tiếp chính là đi tìm kiếm câu trả lời. Cách thức tìm kiếm câu trả lời có thể là thông qua việc hỏi trực tiếp hoặc là follow người đó trên trang mạng xã hội như Facebook, Youtube, Zalo,…
Mình lấy ví dụ là hồi xưa mình từng có cô bạn khá thân. Cô ấy làm lớp trưởng rất giỏi và mọi người vẫn luôn rất kính trọng cô vì cách đối nhân xử thế tuyệt vời cộng với tài ăn nói đầy cuốn hút.
Phải nói là cô ấy như thỏi nam châm thu hút người khác luôn đấy nên nói chuyện với cô là không bao giờ thấy chán. Ấy vậy mà cô ấy còn là một mọt sách chính hiệu: Học cái gì cũng giỏi hay hỏi cái gì cũng biết. Mình phải công nhận rằng vốn tri thức của cô đủ làm con người ta trầm trồ, cảm thán lại ghen tị không ngớt.
Còn dữ dằn hơn nữa là gia thế của cô thì kể ra phải khiến người nghe trợn tròn mắt: Bố là người Pháp còn mẹ thì là người Úc rồi họ định cư ở Việt Nam. Vậy nên đụng ngoại ngữ là thôi rồi, cô chém tiếng Anh, tiếng Pháp như chơi.
Thêm việc nhà cô ấy còn giàu và bố mẹ thì lại rất thoải mái chuyện tiền bạc. Vậy nên lắm lúc mình cũng cảm thấy khá ghen tị với sự may mắn của cô ấy. Nhưng sau khi trò chuyện cùng cô vài lần thì mình hiểu hơn rằng những khó khăn mà cô phải đối diện cũng chẳng ít ỏi hơn ai.
Do vấn đề về sinh non nên cơ thể cô ấy từ nhỏ đã rất yếu ớt và nên những chứng bệnh hen, suyễn vẫn luôn đeo bám cô. Chưa hết, nhà cô ấy tuy giàu có là thật nhưng bố mẹ cô ấy theo kiểu hôn nhân chính trị nên nói về tình cảm gia đình thì lại chẳng có bao nhiêu.
Với cả cô ấy còn bị mắc chứng mất ngủ trầm trọng nên mỗi ngày chỉ ngủ có khoảng 4 tiếng là nhiều. Đó là lí do cô đọc rất nhiều sách và tích lũy cho mình một kho tri thức phong phú.
Đằng sau mỗi người chính là một câu chuyện đấy các bạn thân mến. Lắm lúc chúng ta chỉ được nhìn thấy kết quả của những người thành công, giỏi giang nhưng lại chẳng hiểu được quá trình để đạt được thì họ đã phải nỗ lực bao nhiêu.
Nên việc tìm hiểu quá trình để dẫn đến thành công của người khác thật sự rất cần thiết. Vì nó tiếp thêm động lực cho cho chúng ta rất nhiều để có thể làm điều tương tự thay vì chỉ suy nghĩ rằng “Mình chưa đủ giỏi” hay “Có cố cũng chẳng được”
Con người ta ai cũng có những điểm khác biệt của mình cả và có thể  chúng ta không giỏi bằng người khác hay vẫn luôn rất hâm mộ họ. Đều tốt cả nhưng hãy đừng tự ti.
Hãy ngẩng cao đầu và sống với những gì mình là và bỏ ra công sức để theo đuổi những điều mà mình mong muốn thay vì chỉ ca thán "Sao người khác giỏi thế này?". Khi bạn đã đủ cố gắng hay bỏ ra đủ nhiều công sức như cách mà những người bạn hâm mộ đã trải qua, thì bạn sẽ được hưởng trái ngọt đó thôi. Vậy nên hãy cố lên nhé!