“Không nghĩ về điều gì, chỉ nghĩ về gió.” Truman Capote đã viết như vậy trong truyện ngắn Đóng cánh cửa cuối cùng (1947). Tôi không rõ ngoài những lúc tập trung thiền định, hay lặn vào giấc ngủ, hay khi lặp đi lặp lại những hành động đã trở thành thói quen như đánh răng, rửa mặt, hay dắt xe khỏi nhà, hay vào vài khoảnh khắc lơ đễnh lọt thỏm giữa thời gian biểu bận bịu trong ngày, liệu con người ta có thể thực sự không nghĩ về điều gì hay không? Ngay cả anh chàng Walter trong câu chuyện của Capote, dù đã đóng chặt cửa lại, cắt đứt liên lạc với thế giới, với những người anh yêu, và vì anh yêu họ nên anh mới rời bỏ họ trước khi họ kịp làm tổn thương anh, dù anh đã vùi mình vào gối, nhắm mắt che tai, thì anh có thể nào tẩy xóa họ khỏi tâm trí mình? Thật không dễ để ngừng suy nghĩ về ngày hôm qua, ngày mai, những thứ phải làm ngày hôm nay, những sự kiện và con người, những điều đã có và đã mất, mộng tưởng và hiện thực, hoan lạc và khổ đau.
Nếu phải hình dung về những tầng sâu thẳm nhất trong lòng một con người, tôi đồ rằng có một nơi giống một căn phòng chất đầy đồ đạc, là số năm tháng ngày một dày lên, những kí ức bé nhỏ, mong manh, vài ước mơ im lìm trong hình hài của một cây đàn guitar hay một bông hồng đỏ thắm, và rất nhiều thứ từa tựa như vậy. Căn phòng không rộng ra, và số đồ đạc cứ tiếp tục được chất vào theo thời gian, cứ đầy lên, đầy lên nữa, có thể bạc màu, ố vàng, phủ bụi, nhưng không bao giờ mất đi.
Dẫu vậy, vẫn còn có gió, những cơn gió mát len lỏi vào khoảng trống giữa hàng loạt chồng đồ nằm la liệt trong phòng. Những cơn gió cho anh chàng Walter, cho cả bạn, cả tôi, cả những ai đang bị mắc kẹt trong sự ngột ngạt và cằn cỗi. Không nghĩ về điều gì, chỉ nghĩ về gió mà thôi, dù chỉ trong từng phút giây ngắn ngủi, trước khi tâm trí lại trở về trạng thái thường tình – một dòng sông không mấy khi phẳng lặng. Tôi thích câu văn của Capote vô cùng, bởi ngay cả trong suy nghĩ, gió đã luôn mang đến cảm giác về sự mới mẻ, rộng lớn và tự do.
*
Từng có một mùa hạ, tôi đã sống những ngày rất buồn. Khi ấy, dường như tất cả tiếng vọng huyên náo từ mùa hạ chói sáng ngoài kia đều không chạm được tới tôi – lúc ấy như con côn trùng quanh quẩn trong lớp vỏ kiên cố như một thành trì được xây bằng nỗi cô độc và thất vọng. Vào một ngày buồn nhất, tôi bước ra khỏi nhà, đến một góc công viên vắng vẻ và ngồi ngắm hàng cây. Những cái cây xanh rì dưới trời mùa hạ. Và tôi chờ, chờ cho gió thổi. Những tán lá cây bắt đầu đung đưa, xào xạc trong gió, chuyển động không ngừng.
Mặc cho tất cả chuyện buồn trên khắp thế gian, cây lá vẫn tràn đầy sinh khí, và gió vẫn thổi, như đã không ngừng thổi suốt hàng triệu năm qua. Tôi lắng nghe gió hát được một lúc rồi đi về nhà. Mùa hạ năm đó rồi cũng trôi qua, và khi bất chợt nhớ lại về nó, kí ức tôi đều tự động hiện lên cảnh từng đợt gió rì rào thổi qua hàng cây. Mùa hạ năm đó tôi không có gì trong tay ngoài những giấc mơ tan vỡ, nỗi đơn độc lan tràn như cỏ dại, và sự bất an ảm đạm về tương lai, tôi chỉ có những cơn gió lộng. Có những lúc, điều đáng mong chờ nhất có khi chỉ đơn giản là một cơn gió.
Chúng ta gắn cả đời mình với gió. Gió hình thành nên các đụn cát, phát tán các loại hạt, cung cấp năng lượng cho thuyền buồm, khinh khí cầu và các turbine. Gió thổi qua những rặng cây, mái nhà, ô cửa, những bộ quần áo phấp phới ngoài dây phơi, qua những buổi chiều oi ả, những đêm đông mưa phùn. Gió nâng những cánh diều bồng bềnh giữa không trung. Gió mang mưa đến các vùng nhiệt đới. Gió tạo tác và gió cũng phá hủy.
Và rất nhiều khi, gió là hơi thở của sự thay đổi, báo hiệu điều gì đó mới hơn và khác hơn, phả vào bề mặt đôi lúc đã cũ kĩ của cuộc sống này.
*
Vào những ngày cuối năm, khi trời lạnh hơn, những bản nhạc Giáng sinh bắt đầu vang lên rộn rã, tôi luôn muốn tìm xem lại The Holiday. Bộ phim kể câu chuyện đổi nhà của hai cô gái sống cách nhau cả một đại dương. Tôi muốn xem lại phim, chỉ để một lần nữa ngắm nhìn cảnh Iris (Kate Winslet thủ vai) đứng giữa sân ngôi nhà cô mới chuyển tới sống ở Los Angeles ngập nắng, và một cơn gió lạ ào tới, thổi tung mái tóc vàng óng của cô. Một người đàn ông nói với cô rằng đó là gió Santa Anas. Cơn gió có hẳn một cái tên êm ái, mang sự ấm áp đến với tất cả mọi người vào thời điểm cuối năm, và khi Santa Anas thổi, mọi điều đều có thể xảy ra.
Quả đúng là mọi việc đều có thể xảy ra đó thôi, như khi nhân vật chính quyết định thả mình làm chiếc lá xuôi theo cơn gió cuộc đời, theo một lời mời đổi nhà tình cờ trên mạng, rời xa ngôi nhà nhỏ ở vùng nông thôn đầy sương mù lạnh giá, xa gã đàn ông tồi luôn lợi dụng tình yêu đơn phương của cô, để đến một vùng đất mới, gặp gỡ những con người mới. Cô đâu biết có gì chờ đợi mình phía bên kia đại dương, cô chỉ lên đường, và mọi chuyện sau đó cứ để trời sắp đặt. Tôi luôn thích thú dõi theo những khung hình thủ thỉ về cuộc sống mới của Iris, khi cô ngủ trên một chiếc giường khác, thức giấc với một bình minh khác, làm những việc hoàn toàn lạ lẫm so với phần đời trước đó. Và khi ấy, đằng sau ô cửa kính, cây lá cứ xạc xào theo gió, rỉ rả reo vang. Những cơn gió mới. Những khởi đầu mới.
*
Dẫu vậy, không phải sự thay đổi nào cũng hứa hẹn một kết thúc có hậu.
Suốt cả đời mình, Jenny (phim Forrest Gump) đã sống như một cơn gió hoang dại, dừng chân ở bất cứ nơi đâu cô muốn và rời ngay đi khi cô không còn đủ kiên nhẫn gắn bó với bất cứ điều gì. Cô phiêu bạt khắp nơi, chạy trốn kí ức về tuổi thơ bất hạnh, chạy trốn người con trai rất yêu cô, và dù có ngốc nghếch nhưng anh ta luôn hiểu tình yêu là gì, để rồi một buổi chiều nọ, khi đã rã rời sau những chuyến đi, cô ngồi sụp xuống trước hiên nhà, khóc cho thời thơ ấu, cho những gì đã mất. Jenny đã ra đi để rồi lạc lối, và khi trở về, thật tiếc khi cô còn quá ít thời gian để bắt đầu lại. Giấc mộng đẹp thời niên thiếu có lẽ đã dần vỡ vụn ngay từ khi cô ôm đàn và hát Blowin in the wind mua vui cho đám đông vốn không quan tâm gì đến âm nhạc:
“Phải đi bao nhiêu con đường để thành người
Cánh chim câu trắng phải vượt bao nhiêu biển rộng trước khi ngủ vùi trên cát
Bao nhiêu viên đạn còn rơi cho đến ngày không còn nữa
Bạn ơi, câu trả lời để gió cuốn đi
Câu trả lời để gió cuốn đi”
Mỗi khi chứng kiến Jenny ra đi rồi lại trở về, trở về rồi lại ra đi, tôi luôn tự hỏi thực ra cô đang tìm kiếm điều gì. Có lẽ, chính Jenny cũng không rõ đích đến của cô là gì trên hành trình rong ruổi. Khi còn trẻ, còn dễ bị tổn thương, còn nhiều mơ hồ và mộng ước, cô rất cần những cơn gió mới thổi vào cuộc đời chật hẹp của mình, vậy là cô ra đi, vấp ngã, và lại đi tiếp, cho đến khi nhìn thấy bản thân, dù qua những trải nghiệm có phần cay đắng. Forrest Gump muốn giúp đỡ cô, muốn bảo bọc cô, nhưng đâu thể nào, thời điểm của của hai bị vênh nhau mất rồi, và Jenny chỉ đang sống theo chiếc đồng hồ của cô, với những mốc thời gian do cô lựa chọn, dẫu đó là một cuộc đời gợi nhiều day dứt, và rồi cũng theo gió cuốn đi.
*
Nếu có một cửa hàng chuyên thu thập các loại gió trên Trái Đất, bày biện chúng trong những chiếc hộp đóng nắp cẩn thận, nằm ngay ngắn trên giá gỗ, thì hẳn không ít vị khách tof mò đẩy cửa ghé vào sẽ không khỏi ngạc nhiên khi chứng kiến trên đời này lại có nhiều loại gió đến vậy. Gió nhẹ. Gió mạnh. Gió bão. Gió mậu dịch. Gió mùa. Gió biển. Gió đất. Gió Calima. Gió Sirocco. Gió Harmattan. v.v Bỏ ra một số tiền, và cơn gió ấy là của anh, anh tùy ý lựa chọn loại gió nào để mang về nhà cũng được. Gió đông hay gió tây, anh biết rõ loại gió nào sẽ xuất hiện bên cạnh mình.
Nhưng những cơn gió thực sự ở ngoài kia thì không giống như vậy. Chúng ngẫu hứng hơn, khó lường hơn, có lúc chúng gieo rắc niềm vui, có khi chỉ tiềm tàng hiểm họa. Một khi gió đã nổi lên, đâu ai biết được nó sẽ chở theo những gì, và điều gì sẽ lại thay đổi? Chúng ta thừa biết gió lạ lùng và hay gây xáo trộn, và có những khi chúng ta vẫn khao khát những cơn gió lao xao bên đời, để được nghe lời thì thầm về tự do, về những ngày  mai sẽ khác. Có những khi, chỉ một cơn gió đã là điều đáng mong chờ nhất.
*
Với một trai tâm thần ở nước Mỹ vào thế kỉ 20, McMurphy (nhân vật chính trong Bay qua tổ chim cúc cu) chính là cơn gió lạ đột ngột thổi qua hàng song sắt ngạo nghễ và buồn tẻ. Chỉ là một bệnh nhân như bao bệnh nhân có vấn đề về tâm lý ở đây, đó là cách y tá trưởng và đám hộ lý nhìn về McMurphy, sớm muộn gì anh ta cũng sẽ trở thành một phần của đám người mặc đồng phục bệnh nhân đằng kia, ngoan ngoãn uống thuốc đúng giờ, ngồi đờ đẫn tham gia các buổi trị liệu tập thể, khe khẽ đánh cờ, chầm chậm đi lại như những bóng ma, đi ngủ đúng giờ và ngày hôm sau lặp lại y như thế.
Nhưng McMurphy đã làm những người điều hành bệnh viện thất vọng. Anh không những từ chối phục tùng các mệnh lệnh cứng nhắc, quy tắc bất hợp lý, mà còn bắt đầu gây ảnh hưởng đến các bệnh nhân khác – anh đã làm cho họ cười – điều vốn hiếm khi xảy ra ở trại tâm thần luôn yên tĩnh dưới kỉ luật hà khắc. Với y tá trưởng, trại tâm thần không khác nào nhà tù giam giữ những kẻ điên không thích nghi được với xã hội. Nhìn vào bộ dạng của những bệnh những bệnh nhân tâm thần, mấy ai nghĩ rằng họ cũng có nhu cầu được xem một trận thi đấu dù chỉ qua màn hình tivi, cũng mơ về bữa tiệc Giáng sinh có âm nhạc và rượu vang, cũng cần được ai đó lắng nghe và thấu hiểu những tổn thương đã ngăn họ hòa nhập với cuộc đời?
Vậy mà McMurphy hiểu hết. Anh trộm một chiếc xe bus, đưa họ rời khỏi hàng rào và tường vây, về phía những cơn gió khác, gió từ cuộc sống thực sự bên ngoài trại tâm thần. Gió thổi tràn vào cửa sổ xe bus, gió lướt qua những khuôn mặt vừa bối rối vừa rạng rỡ khi lênh đênh trên biển, cười, nói, lái tàu và câu cá hồi. Những cơn gió mới từ từ khiến họ mơ những giấc mơ chưa từng có khi họ vẫn còn loay hoay với thuốc và từng buổi trị liệu vô cảm. Những giấc mơ về một ngày họ sẽ đủ can đảm thoát khỏi song sắt và giường bệnh, như những cánh chim hướng về phía rừng cây và bầu trời.
*
Những giấc mơ không phải lúc nào cũng thành hiện thực. McMurphy đã thổi nguồn năng lượng tràn trề, lòng ham sống và khao khát tự do vào trại tâm thần khắc nghiệt, và đổi lại quyền lực đã bắt anh trả giá, hành hạ thể xác anh, biến anh thành cái xác không hồn, thôi tinh quái, thôi nổi loạn. Nhìn gió, lắng nghe gió, nghĩ về gió, sống như cánh chim trong gió, và có thể cuộc đời chưa chắc đã như ta mong chờ.
Mỗi khi nghĩ như vậy, tôi lại thấy mình của một ngày mùa hạ trong quá khứ, lòng đầy những con sóng, chờ một cơn gió mát ùa về. Thật may là còn có gió. Những dấu chân, những ngày buồn bã, những câu hỏi, những cuộc đời, rồi cũng theo gió cuốn đi, không còn lại gì, chỉ còn những cơn gió là tiếp tục thổi mãi. “Gió đã nổi, và chúng ta vẫn phải sống.” (Paul Valéry). Gió tiếp tục thổi, cuộc đời cứ trôi, bất toàn, bất định, và việc của chúng ta là tiếp tục sống, tiếp tục mơ, tiếp tục hành động. Sống trọn vẹn - đó là điều duy nhất chúng ta có thể làm.
Việt Anh
Bài đã đăng trên Trà Sữa Cho Tâm Hồn ấn bản đặc biệt phát hành tháng 2/2021.