VỀ HÀN PHI, PHÁP GIA: SỰ CẦN THIẾT CỦA CÁC LUẬT LỆ
Hàn Phi tử (Han Fei Tzu) có xuất thân là quý tộc nước Hàn. Ông là học trò của Tuân Tử, cùng với Lí Tư, đều là những người theo học thuyết của Pháp gia...
1.Tình hình xã hội Trung Hoa thời Tiên Tần
Xã hội Trung hoa thời bấy giờ có các giai cấp sĩ, nông, công, thương. Sĩ là kẻ sĩ. Kẻ sĩ là người đọc sách. Xã hội thời ấy rất trọng kẻ đọc sách. Rồi đến Thượng Nông (coi nông nghiệp là chính yếu). Bởi, ai ai cũng làm nông dân, nghề nông gắn chặt với con người (khoảng 80% là nông dân), kẻ giàu có là kẻ có nhiều ruộng đất. Không chỉ có thế, Thượng nông, có nghĩa là những nghề thương mại, trao đổi hàng hóa như thương nghiệp sẽ bị xem nhẹ. Điều này khá tương đồng với chủ nghĩa trọng nông (Physiocracy) [1] bên phương tây (ra đời vào thế kỉ XVIII).
Bách Gia Chư Tử
Người đầu tiên phân loại các học thuyết thời Tiên Tần có thể kể đến là Tư Mã Đàm (cha của Tư Mã Thiên, sử gia đầu tiên). Ông phân loại các học thuyết ra thành 6 trường phái lớn (lục gia): Âm dương gia, Nho Gia, Mặc Gia, Danh gia, Pháp gia, Đạo Đức gia. Bài này sẽ tập trung phân tích chủ trương của Pháp gia.
2.Hàn Phi Tử - đại biểu của Pháp gia (legalist school)
Hàn Phi tử (Han Fei Tzu) có xuất thân là quý tộc nước Hàn. Ông là học trò của Tuân Tử, cùng với Lí Tư, đều là những người theo học thuyết của Pháp gia. Về sau, bản thân Lí Tư thì làm đến thừa tướng, đề ra chủ trương chia quận huyện với Tần Thủy Hoàng, được Tần Thủy Hoàng đồng ý. Đây là một nước đi đúng đắn nhằm tránh sự tranh chấp quyền lực giữa các Vương với nhau sau khi Hoàng Đế băng hà. Còn Hàn Phi thì bị Lý Tư hãm hại phải tự vẫn trong ngục, dù học thuyết của ông rất được lòng Tần Thủy Hoàng.
Một số điểm sáng trong học thuyết của Hàn Phi, mà chúng tôi cho rằng là quan trọng nhất, sẽ được trình bày sau. Nhắc đến Hàn Phi, không thể không nhắc đến Pháp, Thế, Thuật. Pháp là công cụ đắc lực của bậc quân chủ. Có 3 đặc điểm của Pháp: thứ nhất là phải phổ biến, thứ hai là thưởng phạt phân minh, thứ ba là pháp đã định thì cứ vậy mà thực hiện. Thế, hiểu đơn giản là thế lực: Vua mà muốn có Thế thì phải tập trung quyền lực vào tay mình. Thuật là thuật dùng người, là những phương tiện để Vua có thể quản lí con người.
Trước Hàn Phi có Thận Đáo chủ trương ưu tiên dùng Thế, có Thân Bất Hại chủ trương dùng Thuật, có Thương Ưởng chủ trương dùng Pháp. Nhìn chung, vì tính chất của Pháp gia là cực hữu vi, do đó ngay trong lòng Pháp gia đã nảy sinh những mầm mống tai họa. Thương Ưởng bị trả thù (ngũ mã phanh thây) bởi vì những quyết sách của ông quá nặng về hình phạt, đã thế lại không được thưởng công. Pháp gia quản lí con người bằng cách thưởng phạt, bởi vậy nếu luật pháp đặt ra không khéo, tất sẽ tạo ra bất ổn trong lòng xã hội. Lí do chính mà Hàn Phi được coi là đại biểu của Pháp gia bởi, ông cho rằng cả ba yếu tố Pháp, Thế, Thuật đều quan trọng. Lí do nữa có lẽ là bởi, ông là triết gia cuối cùng của Pháp gia, vì thế học thuyết của ông là hoàn chỉnh nhất?
3.Chủ trương của Hàn Phi về căn tính con người.
Thiên tính, căn tính (bản tính) là cái có sẵn, không cần phải học. Vấn đề đặt ra, thiên tính của con người là gì? Mạnh Tử chủ trương con người vốn tính thiện. Tuân tử chủ trương tính ác. Hàn Phi thì chịu ảnh hưởng của Tuân tử, nhưng có đôi chút khác biệt. Trong khi Tuân Tử chủ trương dùng lễ nghĩa để trị ác, Hàn Phi lại chủ trương dùng pháp luật để trị.
Tính ác là điểm sáng trong học thuyết của Hàn Phi. Nó thể hiện quan điểm rằng phải dùng pháp, dùng hình để ngăn chặn tính ác của con người. Định nghĩa về tính ác của ông cũng khác Tuân Tử. Theo Tuân tử, tính của con người là tính thỏa mãn ba nhu cầu chính: ăn, ngủ, truyền chủng; ngoài ra lại còn hiếu lợi, đố kị. Hàn Phi thì nói: hạng thường nhân tranh nhau vì lợi; làm biếng, khi có đủ ăn rồi thì không muốn làm gì nữa; chỉ phục tòng quyền lực. Ở đây điểm quan trọng nhất chính là tính vị lợi, ông cho rằng kể cả người thân thích với nhau cũng sẽ hành động chỉ bởi vì tư lợi. Từ đó sinh ra tính ác. Đã thế thì chỉ có lấy ác để trị ác, chứ lễ nghĩa không thể giải quyết được.

Một điểm nữa mà Hàn Phi chịu ảnh hưởng của Tuân Tử đó là, ông không tin trời, quỷ. Ông không tin vào mạng trời hay thần quyền, chỉ tin ở bản thân mình. Nhưng ta không bàn đến điểm này ở phạm vi bài này, chỉ điểm qua nếu không sẽ gây lan man không cần thiết.
Vậy thì, Vua phải trị quốc như thế nào? Về quan điểm, ông cho rằng bản thân Vua cai trị dân chúng không cần dùng đến đạo đức, lễ nghĩa, chỉ cần Pháp và Thế. Còn cho bản thân chỉ cần đến Thuật là đủ. Đây cũng là một điểm yếu chí tử trong phong cách trị quốc của Pháp gia.
4.Sự sụp đổ của Đại Tần
Tần là nước áp dụng Pháp Trị một cách triệt để. Chính sự tàn bạo của Tần Thủy Hoàng, Lí Tư thông qua một loạt các hành động kiểm soát tư tưởng của con người (đốt sách chôn Nho, bắt vương tộc nước bại trận,vv...). Tạm bỏ qua những thành tựu của Nhà Tần, như đã nói ở phần trên, nhà Tần sụp đổ chính bởi sự tàn bạo của nó.

Lý Tư hại Hàn Phi; Triệu Cao dù ban đầu thông đồng với Lý Tư ngụy tạo chiếu thư, sau cùng cũng hãm hại Lý Tư. Triệu Cao lại giết Nhị Thế, đưa con mình lên thay. Chính những biến động lớn trong nội bộ triều chính, cộng thêm nỗi oán hận của nhân dân làm Đại Tần sụp đổ chỉ sau 15 năm. Trong 15 năm đó cũng đủ để Tần Thủy Hoàng thực hiện phần nào tham vọng của mình, chẳng hạn như xây Cung A phòng, xây Vạn Lí Trường Thành,vv... Đây cũng là sự chấm dứt cho tư tưởng của Pháp gia.
5.Pháp gia và Pháp luật hiện đại
Chớ nhầm lẫn giữa Pháp gia và Pháp luật. Theo cách giải thích của ngôn ngữ hiện đại, Pháp gia (Legalism) là một trong sáu trường phái tư tưởng lớn thời Tiên Tần, còn Pháp luật (law) theo bách khoa thư Brittanica [2], là những nguyên tắc, những tuyên bố có tính ràng buộc bởi một cộng đồng đối với phong tục, tập quán và quy tắc ứng xử của cộng đồng đó. Để đơn giản hóa, ta có thể hiểu sự khác biệt lớn nhất; nếu đem ra so sánh, ta có thể so sánh giữa Pháp của Pháp gia với Pháp luật. Pháp theo chủ trương của Hàn Phi là thưởng phạt phân minh, nhưng sự linh hoạt là rất hạn chế, lại chủ yếu dành cho thường dân. Sự linh hoạt có thể hiểu là khả năng điều chỉnh của các luật lệ được đưa ra theo thời gian. Điều này rõ ràng là Pháp luật có các bộ luật hiện đại quy định rất cụ thể và linh hoạt hơn nhiều so với Pháp của Pháp gia. Tính chất và mức độ vi phạm đều được quy định rõ, đồng thời có thể có các biện pháp giảm nhẹ hoặc tăng nặng tùy vào trường hợp cụ thể.

Pháp gia là trường phái duy nhất chủ trương áp dụng luật pháp để trị dân. Ngay như Nho gia (Confucianism) cũng không mặn mà gì đến pháp luật, mà chủ yếu trọng tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ [3]. Còn Đạo gia (Taoism) của Lão Trang thì chủ trương vô vi nên không bàn đến.
--------------------
Tài liệu tham khảo
Phùng Hữu Lan, Lược sử triết học Trung Quốc, Lê Anh Minh dịch.
Fung Yu Lan, A Short History of Chinese Philosophy, The Macmillan
Company, 1958 (bản dịch từ tiếng Trung do chính Phùng Hữu Lan viết).
Nguyễn Hiến Lê, Đại cương Triết học Trung Quốc (quyển hạ).
Giản Chi, Nguyễn Hiến Lê - Hàn Phi Tử.
Nguyễn Hiến Lê, Sử Trung Quốc (1997).

Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất